• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Chủ Nhật, 13/10/2024 21:21
Thông tin liên quan
Hiệu quả từ các Chương trình mục tiêu quốc gia
Cập nhật: Thứ Sáu, 23/08/2024 13:54

 

Với sự quan tâm của các cấp, ngành, việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM); công tác giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tại tỉnh Kon Tum đã thực sự tạo được những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo, cuộc sống của đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc.

 

Người dân huyện Kon Rẫy trồng sầu riêng để phát triển kinh tế

 

Để triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG, tỉnh đã chủ động, tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình trên địa bàn, đến nay đã ban hành cơ bản đầy đủ, kịp thời các kế hoạch triển khai thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, từ đó tạo sự nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

 

Công tác triển khai thực hiện các chương trình MTQG đã thực sự tạo được những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người dân được nâng cao, môi trường ngày càng được cải thiện,… đồng thời góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về xây dựng môi trường văn hóa phong phú lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa của các tầng lớp Nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Kiến thức sản xuất, trình độ học vấn, hiểu biết pháp luật của người dân được nâng lên, điều kiện chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn.

 

Toàn tỉnh hiện có 50/85 xã chuẩn 19/19 tiêu chí xã NTM; 07 xã đã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 02 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; có 65 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn NTM.

 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được duy trì thực hiện, đến nay toàn tỉnh có 242 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên còn hiệu lực, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao, 08 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, 19 sản phẩm đạt 4 sao. Đã có 08 sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị quốc gia.

 

Về Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ước đến hết năm 2024, có 05 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở đạt 99,3% (đạt 100,31% kế hoạch), tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất sản xuất đạt 99,4% (đạt 100,42% kế hoạch); thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 

Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 10.220 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,84% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh); có 6.258 hộ thoát nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo là 4,19%. Năm 2024 phấn đấu hoàn thành mục tiêu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 3-4%/năm, trong đó các huyện nghèo đạt mức giảm 6-8%/năm.

 

Năm 2024, tỉnh đã phân bổ, giao dự toán ngân sách Trung ương và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 cho các sở, ngành và địa phương thực hiện 03 Chương trình MTQG đảm bảo theo yêu cầu, tiến độ của Trung ương, với tổng dự toán hơn 1.354 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 798 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 556 tỷ đồng, bằng 100% dự toán Trung ương giao. Đến ngày 31/7/2024, đã giải ngân được 335 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển (đạt 41,99% kế hoạch); gần 46 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 5,32% dự toán).

 

Để thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và Nhân dân về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi thường xuyên, sâu rộng. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện các Chương trình MTQG theo quy định; đã thành lập và tổ chức các Đoàn đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG tại các địa phương.

 

Có thể nói, nhờ thực hiện các Chương trình MTQG, kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ đói nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Cơ sở hạ tầng được cải thiện, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống của Nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo, các xã khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.

 

Tuy nhiên, quá trình triển khai các Chương trình MTQG vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Tiến độ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách quản lý, tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình MTQG của bộ, ngành Trung ương chưa chưa đồng bộ, kịp thời,... gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc triển khai các khâu phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, giải ngân vốn các chương trình tại địa phương; Trung ương phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương thực hiện 03 Chương trình MTQG còn chậm; việc huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách đầu tư vào chương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; Chất lượng xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo chưa thật sự bền vững, số hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh mới hàng năm còn cao...

 

Để thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

 

Thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về các Chương trình MTQG gắn với thực hiện có hiệu quả 02 cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiếu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và 02 phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

 

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tăng cường lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, dàn trải./.

 

Lê Hằng

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC