Chiều 6/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về “Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trì Phiên họp thứ Tám của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn; các Bộ trưởng là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý gồm các tập đoàn: Dầu khí, Điện lực, Xăng dầu, Hóa chất, Công nghiệp Cao su, Than - Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông và các tổng công ty: Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Viễn thông MobiFone, Thuốc lá, Hàng không, Hàng hải, Đường sắt, Đầu tư phát triển đường cao tốc, Cảng Hàng không, Cà phê, Lương thực miền Nam, Lương thực miền Bắc, Lâm nghiệp Việt Nam.
Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo thảo luận về việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Chính phủ hoặc bộ quản lý ngành với mô hình tổ chức phù hợp. Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận về mô hình tổ chức ngành Thống kê; tham chiếu kinh nghiệm các nước; đề xuất một số mô hình tổ chức ngành Thống kê Việt Nam.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong quá trình phát triển, chúng ta đã áp dụng các mô hình khác nhau trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, mô hình hiện nay vẫn có những hạn chế, một phần do quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Do đó, cần sắp xếp, đổi mới để tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thủ tướng chủ trì Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2025 cả nước phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8%, tạo đà cho thời kỳ phát triển 2 con số tiếp theo. Do đó các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp phải tăng trưởng ít nhất 8%; việc sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải trên tinh thần “đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết” để vốn nhà nước được quản lý tốt nhất và phát triển tốt nhất, phục vụ cho phát triển đất nước thời kỳ mới.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, việc kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về Chính phủ hoặc các bộ quản lý phải đảm bảo: Chính phủ chỉ trực tiếp quản lý một số tập đoàn có tính chất chiến lược, là nòng cốt, trụ cột kinh tế đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, được giao các nhiệm vụ chiến lược quốc gia; các tập đoàn, tổng công ty còn lại chuyển về các bộ quản lý.
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương trình sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đảm bảo Chính phủ và các bộ, ngành tập trung quản lý nhà nước bằng việc xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý, thiết kế công cụ và tăng cường giám sát, kiểm tra… theo chức năng, nhiệm vụ; giao việc quản lý vốn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho đại diện chủ sở hữu; phân cấp, trao quyền cao nhất, chủ động nhất cho các tập đoàn, tổng công ty.
Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục tổng kết các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả, nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu nhất; hoàn thiện báo cáo trình Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị xem xét.
Đối với mô hình tổ chức ngành Thống kê Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp thu ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo và dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, tham khảo mô hình quốc tế đề xuất mô hình cơ quan Thống kê Nhà nước phù hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương, Bộ Chính trị xem xét, đảm bảo cơ quan Thống kê phải thống nhất nhiệm vụ quản lý thống kê trên mọi lĩnh vực; là nơi tập hợp tất cả cơ sở dữ liệu quốc gia để trên cơ sở đó Đảng, Nhà nước phân tích, đánh giá để hoạch định, đưa ra chính sách.
P.V
Nguồn: consosukien.vn