Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong những năm gần đây nhiều địa phương (tập trung ở các xã) trên địa bàn thành phố Kon Tum đã tích cực vận động nông dân đưa cây ăn quả có giá trị kinh tế cao vào trồng thay thế cho diện tích các loại cây trồng kém năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, thị trường tiêu thụ bấp bênh (được mùa mất giá, được giá mất mùa). Với quyết tâm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, việc chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích cây ăn quả được chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo quyết liệt và được người dân tích cực hưởng ứng, quan tâm đầu tư. Vì vậy, trong những năm gần đây trên địa bàn thành phố Kon Tum đã có hàng trăm hộ nông dân đã đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp với quy mô tương đối lớn, nhất là trồng cây ăn quả, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.
Vườn cây ăn quả của hộ anh Lê Viết Cường
Riêng đối với xã Ia Chim là một trong những xã có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất của thành phố Kon Tum, với tổng diện tích trồng cây ăn quả trên toàn xã là 194,5 ha, trong đó các loại cây có diện tích lớn và được trồng đại trà, như: Sầu riêng 79 ha, Chuối 48,8 ha, Mắc ca 16,7 ha.... Đặc biệt, có những hộ có diện tích cây ăn quả tương đối lớn, năng suất cao và tạo được nguồn thu từ cây ăn quả khá cao và bền vững, điển hình như: Hộ ông Nguyễn Thanh Phúc (Thôn Nghĩa An, Xã Ia Chim) có diện tích trồng cây ăn quả 4,5 ha, riêng diện tích cây Sầu riêng 4,0 ha, còn lại cây Bơ và Mít thái 0,5 ha; thu nhập hàng năm của hộ từ các loại cây ăn quả trên 500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, rất nhiều hộ khác trên địa bàn xã đã và đang đầu tư, phát triển mô hình trồng cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao (Sầu riêng, Bơ, Mít thái, Chuối tiêu hồng,...). Có thể nói, phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, gắn với lợi thế, thế mạnh của các địa phương và nhu cầu của thị trường không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra nhiều hiệu quả xã hội tích cực, như: giải quyết việc làm, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển ngành nông nghiệp hiện nay. Qua đó, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp và sự phối hợp của các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp hy vọng đây sẽ là một trong những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố Kon Tum tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Vườn cây ăn quả của hộ anh Phúc (chị Lệ)
Tuy nhiên, để phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững và có tính lâu dài, từ kinh nghiệm thực tiễn của một số địa phương đã triển khai thành công mô hình trồng cây ăn quả. Trong thời gian tới, các địa phương trên địa bàn thành phố Kon Tum cần nghiên cứu và triển khai chặt chẽ một số kinh nghiệm đã được tổng kết, như: (1) Xác định chủ trương lãnh đạo đúng đắn, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hợp lý, đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với kết quả phát triển cây ăn quả của thành phố. Điều kiện đất đai, khí hậu là những lợi thế sẵn có của mỗi địa phương. Song, những lợi thế này chỉ có thể được khai thác hiệu quả trên cơ sở có chủ trương lãnh đạo đúng và việc chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hợp lý; (2) Phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và vai trò của mô hình hợp tác xã kiểu mới trong phát triển cây ăn quả các loại, việc phát huy vai trò của mô hình hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất các loại cây ăn quả ở địa phương. Mô hình hợp tác xã kiểu mới sẽ trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người nông dân, và đóng vai trò quyết định từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản; (3) Coi trọng xây dựng các chuỗi liên kết theo hướng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản là xu hướng khách quan trong quá trình sản xuất. Đây vừa là giải pháp mang tính đột phá, vừa là kinh nghiệm nổi bật trong phát triển các loại cây ăn quả ở địa phương; (4) Đẩy mạnh phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cây ăn quả, hỗ trợ sản xuất theo quy trình sạch, nâng cao tỷ lệ diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GlobalGAP.
Trương Hợp Đoàn - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê thành phố Kon Tum