• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Bảy, 27/04/2024 01:28
Thông tin kinh tế xã hội
Hội nghị Tổng kết và Công bố Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021
Cập nhật: Thứ Tư, 12/01/2022 10:41

 

Chiều ngày 11 tháng 1 năm 2021, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị Tổng kết và Công bố Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương, đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị trực tiếp tại trụ sở Tổng cục Thống kê có lãnh đạo Tổng cục Thống kê; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Thống kê, các đơn vị sự nghiệp; các đại biểu đến từ 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đại biểu đến từ các Bộ, ngành. Tham dự Hội nghị trực tuyến tại 65 điểm cầu Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm các đại biểu là Trưởng ban, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính Trung ương và địa phương.

 

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, do Tổng cục Thống kê thực hiện, là cuộc Tổng điều tra có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 04 loại đơn vị điều tra, bao gồm: doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Thứ trưởng đánh giá cao và biểu dương những cố gắng của ngành Thống kê, vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 để hoàn thành xuất sắc cuộc Tổng điều tra.

 

 

Thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương, Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê trình bày Báo cáo tổng kết Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021. Tổng cục trưởng nhấn mạnh, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 được thực hiện với nhiều điểm mới so với Tổng điều tra kinh tế năm 2017 trong bối cảnh nhu cầu thông tin thống kê ngày càng được yêu cầu cao hơn với mức độ phân tổ chi tiết hơn; yêu cầu tận dụng những lợi thế của công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả của thông tin thống kê trong bối cảnh chung về nguồn lực con người và kinh phí hạn chế. Có 6 điểm mới chủ yếu của Tổng điều tra kinh tế năm 2021 như sau: (1) Đổi mới nội dung và hình thức thu thập thông tin thông qua việc sử dụng triệt để các nguồn dữ liệu hành chính; (2) Cập nhật và áp dụng khái niệm chuẩn quốc tế về đơn vị cơ sở; (3) Thống nhất năm số liệu cho các loại đơn vị điều tra; (4) Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra; (5) Đổi mới cách thức phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai thực hiện Tổng điều tra; (6) Nâng cao chất lượng thông tin và tiết kiệm gần một nửa kinh phí so với điều tra truyền thống trước đây.

 

Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã báo cáo Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế các khối do TCTK thực hiện. Theo báo cáo Kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2021, cả nước có gần 6 triệu đơn vị điều tra, tăng 444,7 nghìn đơn vị, tương đương tăng 8% so với năm 2016; số lao động trong các đơn vị điều tra là gần 26 triệu người, tăng 752,8 nghìn người, tương đương tăng 3%. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020 tăng 1,9% về số đơn vị và tăng 0,7% về số lao động (Giai đoạn 2006-2011 tăng 4,9% và tăng 7,7%; giai đoạn 2011-2016 tăng 1,5% và tăng 3,6%).

 

Báo cáo cũng chỉ ra, trong giai đoạn 2016-2019, số doanh nghiệp và số lao động tăng nhanh qua từng năm và có xu hướng tăng chậm lại vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số hợp tác xã năm 2020 giữ mức tăng ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số lao động làm việc trong hợp tác xã giảm sâu hơn mức giảm bình quân giai đoạn 2016-2020. Số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể tiếp tục tăng nhưng tỷ lệ phân bố các cơ sở cá thể giữa các vùng kinh tế – xã hội không đồng đều. So với năm 2016, đơn vị sự nghiệp giảm cả về số lượng đơn vị và quy mô lao động trong khi đơn vị hiệp hội và tổ chức phi Chính phủ giảm về số lượng đơn vị nhưng tăng về số lượng lao động. Giai đoạn 2016-2020 có sự phát triển khá nhanh số lượng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và tạo điều kiện phát triển hoạt động của mọi tôn giáo, tín ngưỡng chính thống của nước ta.

 

Đại diện Bộ Nội vụ, Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Trung ương trình bày Báo cáo kết quả sơ bộ Điều tra cơ sở hành chính do Bộ Nội vụ thực hiện. Theo kết quả sơ bộ, số lượng các cơ sở hành chính năm 2020 giảm so với năm 2016. Tính đến thời điểm 31/12/2020 cả nước có 32.304 cơ sở hành chính, giảm 7,25% so với năm 2016. Tổng số lao động trong các cơ sở hành chính tại thời điểm 31/12/2020 là 1.459 nghìn người, tăng 462 nghìn người so với năm 2016.

 

Các Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tỉnh Sơn La, Thành phố Hồ Chí Minh; Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu; Sở Nội vụ thành phố Hà Nội đã trình bày các bài tham luận của các địa phương trong thực hiện Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021, trong đó đề cập đến các phương pháp tiếp cận mới, ứng dụng công nghệ thông tin, kinh nghiệm ứng phó với dịch Covid-19, sự phối hợp giữa các ngành và việc sử dụng kết quả Tổng điều tra trong tham mưu, quản lý ở địa phương.

 

Hội nghị đã tiến hành khen thưởng các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong thực hiện Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021.

Nguồn: Trang thông tin điện tử Tổng cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC