• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Bảy, 27/04/2024 11:57
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum tháng 5 năm 2020
Cập nhật: Thứ Sáu, 29/05/2020 07:43

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt

+ Tình hình thu hoạch lúa vụ đông xuân 2019-2020

Tính đến thời điểm ngày 15/5/2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được 4.625 ha lúa vụ đông xuân, chiếm 65,59% tổng diện tích gieo trồng (DTGT), với sản lượng thu hoạch ước tính đạt 22.108 tấn, giảm 2,03% (-457 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng lúa giảm chủ yếu do DTGT giảm, bên cạnh đó thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở nhiều khu vực làm cho năng suất gieo trồng giảm.

+ Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa 2020

Hiện nay đã bước vào thời gian chuẩn bị làm đất và xuống giống cho vụ mùa 2020. Ước tính đến thời điểm ngày 15/5/2020, DTGT cây hàng năm vụ mùa 2020 toàn tỉnh là 25.490 ha, giảm 0,93% (-240 ha) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân DTGT đến thời điểm này giảm so với năm trước do năm nay thời tiết không thuận lợi, mùa mưa đến chậm hơn nên nông dân gieo trồng muộn. Trong đó, DTGT một số loại cây như sau: Cây lúa 2.295 ha, giảm 4,18% (-100 ha); cây ngô 424 ha, giảm 16,98% (-87 ha); cây sắn 21.693 ha, giảm 0,46% (-101 ha).

- Chăn nuôi: Tình hình dịch bệnh (16/4/2020 - 15/5/2020): Dịch bệnh lở mồm long móng phát sinh trên 121 con bò của 38 hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đến nay, toàn bộ số gia súc trên đã được chăm sóc khỏi các triệu chứng lâm sàng. Các dịch bệnh khác trên đàn gia súc, gia cầm được lực lượng thú y phát hiện và xử lý kịp thời.

b) Lâm nghiệp

Hiện nay, tình hình nắng nóng, khô hạn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nền nhiệt độ cao liên tục duy trì và kéo dài, mặc dù đã có một vài cơn mưa đầu mùa nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Trước tình hình đó, các ngành chức năng đã tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); phân công trực PCCCR theo quy định; thông báo cấp dự báo cháy rừng định kỳ 10 ngày/lần đến Tổ công tác liên ngành các huyện, thành phố và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân địa phương về PCCCR được tăng cường. Tính đến 15/5/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ cháy rừng tại các huyện: Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Glei gây thiệt hại 46,803 ha rừng (bao gồm: 44,753 ha rừng trồng; 2,05 ha rừng tự nhiên), tăng 7 vụ (+24,83 ha) so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chức năng đang tiến hành làm rõ nguyên nhân, xác minh, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Tính đến ngày 15/5/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 38 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 9,974 ha, giảm 8 vụ (+2,806 ha) so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Ước tính đến thời điểm 31/5/2020, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành, vì đang là thời điểm mùa khô ở Tây Nguyên.

Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/5/2020, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 53.630 m3, tăng 1,08% (+573 m3) so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 109.690 ste, giảm 2,11% (-2.360 ste) so với cùng kỳ năm trước.

c) Thủy sản

Tính đến 15/5/2020, ước tính diện tích nuôi trồng thủy sản là 705 ha, tăng 1,44% (+10 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thuỷ sản là 1.931 tấn, tăng 6,74% (+122 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Sản lượng nuôi trồng nước ngọt là 1.185 tấn, tăng 9,52% (+103 tấn), sản lượng khai thác nước ngọt là 746 tấn, tăng 2,61% (+19 tấn).

Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng. Bên cạnh đó, việc khai thác đánh bắt của các hộ trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối... thuận lợi nên sản lượng thủy sản trong kỳ tăng lên.

2. Công nghiệp

- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2020

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 năm 2020 ước tính tăng 12,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,54%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,57%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,06%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 19,00% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2020 ước tính tăng 5,26%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 41,86%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 19,26%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,96%, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,23%. Chỉ số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm là do sản lượng của các nhà máy sản xuất tinh bột sắn và nhà máy sản xuất đường giảm vì đã vào cuối vụ thu hoạch nên nguồn nguyên liệu khan hiếm hơn.

Ước tính một số sản phẩm sản xuất tháng 5 năm 2020 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng 36.694 m3, tăng 32,49%; Tinh bột sắn 13.000 tấn, tăng 64,56%; Điện sản xuất 111 triệu Kwh tăng 9,91%.

- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2020

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2020 tăng 8,60% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 29,61%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,01%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,63%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 17,72%.

Ước tính một số sản phẩm sản xuất 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng 128.867 m3, giảm 29,86%; Tinh bột sắn 134.359 tấn, tăng 4,87%; Đường RE 11.385 tấn, giảm 3,46%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 100 triệu viên, tăng 14,12%; điện sản xuất 509 triệu Kwh, tăng 9,23%.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2020 tương đối ổn định, một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Các nhà máy sản xuất tinh bột sắn do nguồn nguyên liệu đảm bảo, tình hình sản xuất ổn định nên sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước, các ngành sản xuất khác như sản xuất trang phục, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn và khoáng phi kim loại…tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định.

3. Vốn đầu tư

- Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 5 năm 2020 là 166.158 triệu đồng, tăng 30,27% so với cùng kỳ. Trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chia ra: Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 134.363 triệu đồng, tăng 37,34% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 80,86% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện là 31.233 triệu đồng, tăng 5,08% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 18,80% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp xã là 562 triệu đồng, chiếm 0,34% trong tổng nguồn vốn.

- Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2020 là 589.442 triệu đồng, tăng 13,68% so với cùng kỳ. Trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chia ra: Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 438.852 triệu đồng, tăng 17,14% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 74,45% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện là 149.448 triệu đồng, tăng 4,46% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 25,36% trong tổng nguồn vốn; nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp xã là 1.142 triệu đồng, chiếm 0,19% trong tổng nguồn vốn.

Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới,... Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp huyện chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa...

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 5 năm 2020 đạt 1.575,32 tỷ đồng, tăng 30,33% so với tháng trước và giảm 0,56% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.340,61 tỷ đồng, chiếm 85,10% trong tổng số, tăng 22,64% so với tháng trước và tăng 2,15% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 148,91 tỷ đồng, chiếm 9,52% trong tổng số, tăng 114,35% so với tháng trước và giảm 15,59% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 85,80 tỷ đồng, chiếm 5,38% trong tổng số, tăng 86,53% so với tháng trước và giảm 5,19% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 5 năm 2020 tăng so với tháng trước là do hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ đã hoạt động bình thường từ ngày 15/4 sau thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 5 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 7.340,46 tỷ đồng, giảm 0,21% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 6.255,61 tỷ đồng, chiếm 85,21% trong tổng số, tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 656,86 tỷ đồng, chiếm 8,93% trong tổng số, giảm 18,75% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 427,99 tỷ đồng, chiếm 5,86% trong tổng số giảm 5,13% so với cùng kỳ năm trước.

b) Vận tải

- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 5 năm 2020: Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 5 năm 2020 đạt 150.882,4 triệu đồng, tăng 93,92% so với tháng trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 57.976,8 triệu đồng, tăng  139,06%; vận chuyển ước đạt 1.021,54 nghìn lượt khách, tăng 138,97%; luân chuyển ước đạt 129.723,42 nghìn lượt khách.km, tăng 135,91%.

Vận tải hàng hóa: Doanh thu ước đạt 92.235,6 triệu đồng, tăng 74,13%; vận chuyển ước đạt 1.041,63 nghìn tấn, tăng 69,18%; luân chuyển ước đạt 52.947,88 nghìn tấn.km, tăng 66,76%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 670,0 triệu đồng, tăng 14,33%.

Vận tải hành khách và vận tải hàng hóa trong tháng đã hoạt động ổn định trở lại và tăng mạnh so với tháng trước, một mặt là nhờ việc dỡ bỏ quy định về việc giãn cách hành khách trên các phương tiện giao thông vận tải, mặt khác nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh do lượng học sinh, sinh viên đi học trở lại.

- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính 5 tháng đầu năm 2020: Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính 5 tháng năm 2020 đạt 682.400,9 triệu đồng, giảm 6,53% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 252.995,9 triệu đồng, giảm  8,19%; vận chuyển ước đạt 4.559,29 nghìn lượt khách, giảm 10,03%; luân chuyển ước đạt 583.906,96 nghìn lượt khách.km, giảm 8,64%.

Vận tải hàng hóa: Doanh thu ước đạt 426.102,0 triệu đồng, giảm 5,64%; vận chuyển ước đạt 4.832,27 nghìn tấn, giảm 3,71%; luân chuyển ước đạt 246.210,46 nghìn tấn.km, giảm 2,51%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 3.303,0 triệu đồng, tăng 11,12%.

c) Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2020 giảm 0,34% so với tháng trước; giảm 0,85% so với tháng 12 năm trước; tăng 2,17% so với cùng kỳ năm trước; tăng 11,0% so với kỳ gốc 2014; CPI bình quân 5 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,12%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 02 nhóm tăng: nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,54%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,44%. Có 07 nhóm giảm là nhóm Đồ uống và thuốc lá giảm 0,07%; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,71%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,24%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,38%; nhóm Giao thông giảm 3,21%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,83%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,78%. Có 02 nhóm không biến động giá là nhóm Giáo dục; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế.

5. Một số tình hình xã hội

a) Y tế tháng 4/2020

- Tình hình dịch bệnh

Tay - Chân - Miệng: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đến 30/4/2020, ghi nhận 02 ca mắc, không có tử vong và giảm 69 ca so cùng kỳ năm nước.

Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 37 ca mắc mới. Lũy tích đến 30/4/2020, ghi nhận 283 ca mắc, không có tử vong, giảm 05 ca so với cùng kỳ năm trước.

Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 09 ca mắc mới. Lũy tích đến 30/4/2020, ghi nhận 71 ca mắc, không có tử vong, giảm 131 ca so với cùng kỳ năm trước.

Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 12 ca mắc. Lũy tích đến 30/4/2020, ghi nhận 34 ca mắc, không có tử vong, giảm 50 ca so với cùng kỳ năm trước.

Sốt rét: Trong tháng, ghi nhận 02 ca mắc mới. Lũy tích đến 30/4/2020, ghi nhận 15 ca mắc, không có sốt rét ác tính và tử vong, giảm 20 ca so với cùng kỳ năm trước.

Bạch hầu: Trong tháng, ghi nhận 01 ca mắc mới. Lũy tích đến 30/4/2020, ghi nhận 04 ca mắc, không có tử vong, tăng 04 ca so với cùng kỳ năm trước.

Lao: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 29 người; trong đó Lao phổi AFB (+) 14 người.

Tổng số bệnh nhân phong đang quản lý 178 người (đa hóa trị liệu 01, giám sát 24, chăm sóc tàn tật 153).

Trong tháng không ghi nhận mắc mới các bệnh: Covid-19, cúm A(H5N1, H7N9, H1N1...), Bệnh do vi rút Zika, viêm não Nhật Bản, viêm gan vi rút A, dại, ho gà, sởi.

- Phòng chống HIV/AIDS

Trong tháng, ghi nhận 03 trường hợp nhiễm HIV mới, tăng 03 ca so với tháng trước; số bệnh nhân HIV chuyển sang giai đoạn AIDS 01 người và bệnh nhân tử vong 02 người. Lũy tích nhiễm HIV/AIDS tính đến ngày 30/4/2020: 500 người, trong đó số người tử vong do AIDS 190, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống 310 người (đang quản lý được 151 người). Tổng số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV trong tháng 105 người (trong đó 07 trẻ em, có bảo hiểm y tế 96 người).

- An toàn vệ sinh thực phẩm

Giám sát an toàn thực phẩm đối với khu cách ly tại Cơ sở 1 Trường Cao đẳng Cộng đồng; khu chế biến thực phẩm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ngọc Hồi; khu chế biến thực phẩm tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh thuộc Trung đoàn 990 – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc, có 18 ca ngô ̣độc thực phẩm do ăn uống không bảo đảm vệ sinh.

b) Tình hình giáo dục

Sáng 04/5, hơn 103.500 học sinh bậc mầm non và tiểu học đến trường trở lại sau thời gian dài nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, trong đó có trên 40.500 trẻ em bậc mầm non và trên 63.000 học sinh bậc tiểu học. Bên cạnh triển khai thực hiện các điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo, kiểm tra của chính quyền các cấp, ngành Giáo dục và Đào tạo và các ngành chức năng, các đơn vị giáo dục tiến hành xây dựng kế hoạch, phương án bố trí lớp học và đảm bảo kiến thức cho học sinh, hoàn thành nhiệm vụ năm học theo thời gian quy định. Tại tất cả các trường mầm non và trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh, trước ngày đi học trở lại, giáo viên các trường đã làm công tác vệ sinh, phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng các phòng học, hành lang và khuôn viên nhà trường. Các em học sinh trước khi vào trường, đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và cố gắng giãn bàn ghế trong phòng đến mức tối đa có thể. Các trường cũng đã khuyến cáo phụ huynh, học sinh trang bị khẩu trang cho các em trước khi đến trường.

Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum giảm 5% học phí học kỳ II, năm học 2019-2020 cho tất cả sinh viên hiện đang theo học (phải đóng học phí) tại Phân hiệu. Đối với các sinh viên thuộc đối tượng chế độ chính sách sẽ được miễn giảm 100% học phí năm học 2019-2020. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho sinh viên và giảm áp lực về tài chính, thay vì thu học phí 1 lần, nhà trường đã tiến hành điều chỉnh thời gian nộp học phí học kỳ II theo 2 đợt. Bên cạnh đó, Phân hiệu cũng thông báo cho các sinh viên có gia đình thuộc diện hộ nghèo/cận nghèo làm hồ sơ (theo hướng dẫn cụ thể) để được nhận hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/sinh viên từ Phân hiệu.

c) Hoạt động văn hóa, thể thao

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, UBND tỉnh đã ban hành các Chỉ thị, Văn bản hướng dẫn đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu UBND huyện, thành phố, sở ban ngành hạn chế tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục thể thao, các hoạt động tập trung đông người nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

d) An ninh trật tự - An toàn giao thông

- Tình hình An ninh trật tự - An toàn giao thông tháng 4/2020

Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội (TTXH): Phát hiện 35 vụ. Hậu quả chết 01 người, bị thương 10 người, mất 04 ô tô, 30 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản khác trị giá 100 triệu đồng.

Tội phạm về ma túy: phát hiện 11 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy. Thu giữ 6,398gr heroin, 3 kg Methamphetamine.

Tội phạm kinh tế, môi trường: Không xảy ra

Tai nạn giao thông: xảy ra 08 vụ. Hậu quả chết 05 người, bị thương 10 người, hư hỏng 03 ô tô, 09 mô tô, xe gắn máy và 01 phương tiện khác.

- Tình hình An ninh trật tự - An toàn giao thông 4 tháng đầu năm 2020

Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 140 vụ. Hậu quả chết 09 người, bị thương 42 người, mất 10 mô tô, 01 ti vi, 01 laptop, 17 điện thoại di động, mất một số tài sản trị giá 125 triệu đồng và 1.531,55 triệu đồng tiền mặt.

Tội phạm về ma túy: phát hiện 40 vụ, trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 39 vụ, vận chuyển trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ 7,426gr hêrôin,  605,1851gr ma túy tổng hợp, loại khác 1,4847gr, 3.023,2926gr Methamphetamine và 103 viên ma túy tổng hợp.

Tội phạm kinh tế, môi trường: Phát hiện 19 vụ, trong đó: Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm 10 vụ, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự 02 vụ, vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản 04 vụ, sản xuất, buôn bán hàng cấm 01 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ, hủy hoại rừng 01 vụ. Thu giữ 94,181 m3 gỗ các loại, 240 kg pháo các loại.

Tai nạn giao thông: xảy ra 25 vụ. Hậu quả: chết 23 người, bị thương 16 người, hư hỏng 09 ô tô, 28 mô tô, xe gắn máy và 02 phương tiện khác.

e) Tình hình cháy, nổ

Trong tháng 4/2020, xảy ra 01 vụ cháy, ước thiệt hại khoảng 02 tỷ đồng, nguyên nhân do sét đánh. Lũy kế từ đầu năm xảy ra 07 vụ, ước thiệt hại khoảng 2.178 triệu đồng.

g) Vi phạm môi trường

Trong tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 01 vụ vi phạm môi trường. Ngày 22/4/2020, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Kon Tum đã có quyết định xử phạt 70 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Đường Kon Tum vì gây ô nhiễm môi trường.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC