• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Sáu, 26/04/2024 09:30
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum 10 tháng năm 2019
Cập nhật: Thứ Ba, 29/10/2019 15:54

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt

+ Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa 2019: Ước tính đến thời điểm ngày 15/10/2019 tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ mùa 2019 tỉnh Kon Tum là: 61.635 ha, giảm 0,99%  (-619 ha) so với vụ mùa năm 2018. Cụ thể DTGT một số loại cây trồng so với vụ mùa năm 2018 như sau:

Cây lúa: 16.491 ha, giảm 0,70% (-116 ha), trong đó: Cây lúa ruộng: 12.470 ha, tăng 0,23% (+29 ha); Cây lúa rẫy: 4.021 ha, giảm 3,48% (-145 ha).

Cây ngô: 4.518 ha, giảm 8,39% (-414 ha). Diện tích gieo trồng cây ngô giảm nhiều do nhu cầu sử dụng cây ngô làm lương thực ngày càng giảm, một số diện tích trước đây trồng ngô đã chuyển sang trồng cây khác.

Cây sắn: 38.206 ha, giảm 0,40% (-152 ha).

Khoai lang: 147 ha, tăng 6,52% (+9 ha).

Cây lạc: 137 ha, tăng 14,17% (+17 ha).

Đậu các loại: 307 ha, giảm 5,83% (-19 ha).

Diện tích cây đậu giảm do những năm trước nông dân tận dụng diện tích đất cây cao su, cây điều đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để trồng xen. Năm nay, một phần diện tích cây cao su, cây điều đã khép tán trưởng thành nên diện tích cây đậu giảm so với năm trước.

Rau các loại: 1.243 ha, tăng 2,47% (+30 ha).

Hoa các loại: 122 ha, tăng 9,91% (+11 ha).

+ Diện tích cây lâu năm: Ước tính đến thời điểm ngày 15/10/2019, tổng diện tích cây lâu năm hiện có trên địa bàn tỉnh là: 100.551 ha, tăng 1,05% (+1.045 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây cà phê là 21.470 ha, tăng 4,16% (+857 ha) so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích trồng mới là 1.411 ha. Diện tích cà phê tăng do giá cà phê những năm gần đây tương đối ổn định, hiệu quả kinh tế hơn hẳn các loại cây công nghiệp lâu năm khác nên người dân quan tâm đầu tư mở rộng.

Diện tích cây cao su là 74.147 ha, giảm 0,26% (-192 ha), đây là diện tích cao su hết chu kỳ khai thác được phá bỏ; trong đó diện tích trồng mới 62 ha, các năm gần đây giá bán mủ cao su giảm nhiều nên ít được đầu tư trồng mới.

Diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh không lớn. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây không phù hợp với các loại cây ăn qủa. Diện tích chủ yếu trồng rải rác ở các khu vườn hộ dân, trồng xen trong vườn cây công nghiệp, sản lượng thu hoạch chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày.

Diện tích, sản lượng cây công nghiệp lâu năm cũng không nhiều so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, diện tích cây công nghiệp lâu năm chủ yếu là cao su và cà phê.

- Chăn nuôi: Tình hình dịch bệnh (16/9/2019-15/10/2019)

Tình hình dịch tả lợn Châu phi: Trong tháng dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn ra và có diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh làm 3.290 con lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy.

Tình hình dịch cúm gia cầm: xảy ra tại thôn Hòa Bình - xã Đăk Kan - huyện Ngọc Hồi và đã tiêu hủy 980 con gà.

b) Lâm nghiệp

Tính đến ngày 15/10/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 03 vụ cháy rừng và 12 đám cháy thực bì, cỏ tranh lau lách, gây thiệt hại 21,97 ha rừng (trong đó: 0,52 ha rừng tự nhiên; 21,45 ha rừng trồng). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các diện tích này đã hoàn toàn tự phục hồi; các Hạt Kiểm lâm có liên quan đang tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình phục hồi sau cháy.                 

Tính đến ngày 15/10/2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 57 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 15,489 ha, tăng 11 vụ (-6,978 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính đến thời điểm 31/10/2019, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh là 970 ha, tăng 2,5% (+24 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/10/2019, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 107.970 m3, tăng 3,8% (+3.923 m3) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác là 216.370 ste, tăng 0,7 % (+1.410 Ste) so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính đến thời điểm 31/10/2019, số cây lâm nghiệp trồng phân tán trên địa bàn tỉnh đạt 3.752 ngàn cây, tăng 0,7%  (+26 ngàn cây) so với cùng kỳ năm trước.

c) Thủy sản

Tính đến 15/10/2019, ước tính diện tích nuôi trồng thủy sản là 705 ha, tăng 8,5 % (+55 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thuỷ sản là 4.211 tấn, tăng 16% (+580 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng nuôi trồng nước ngọt là 2.679 tấn, tăng 16,6% (+381 tấn) so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng khai thác nước ngọt là 1.532 tấn, tăng 14,9% (+199 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước là do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó việc khai thác đánh bắt của các hộ trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối... thuận lợi nên sản lượng thủy sản trong kỳ tăng lên.

2. Công nghiệp

- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2019

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 năm 2019 ước tính tăng 21,21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 15,93%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 18,88%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 25,33%; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10/2019 ước tính tăng 11,43%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,34%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,62%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,63%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,91%.

Nguyên nhân chỉ số tăng là do sản lượng điện sản xuất tăng, so với cùng thời điểm năm trước thì đến thời điểm hiện tại lượng nước trong các hồ chứa đảm bảo cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất điện đã chủ động điều tiết lượng nước nên sản lượng điện sản xuất tăng; So với tháng trước chỉ số ngành công nghiệp chế biến tăng do đến tháng 10 các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh đã thu mua nguyên liệu để hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ mùa vụ, lượng tinh bột sắn sản xuất tăng đã làm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến tăng mạnh so với tháng trước; ngoài ra các công ty thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng nhận được nhiều đơn hàng mới  đã tăng cường sản xuất nên lượng sản phẩm tăng.

- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2019

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2019 tăng 16,10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,15%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,38%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng  15,5% ; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,47% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính một số sản phẩm sản xuất 10 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 360.274 m3, tăng 2,26%; Tinh bột sắn ước tính sản xuất 197.093 tấn, tăng 11,24%; Đường RE 11.793 tấn, giảm 26,77% so với cùng kỳ năm trước; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 199,25 triệu viên, tăng 20,56%;  Điện sản xuất 1.127,13 triệu Kwh, tăng 16,38%.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong 10 tháng năm 2019 tương đối ổn định một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì hoạt động ổn định và phát triển, có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Ngành sản xuất bàn, ghế tình hình tiêu thụ sản phẩm đến thời điểm hiện tại có thuận lợi hơn. Các ngành sản xuất khác như sản xuất trang phục, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn và khoáng phi kim loại…tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định.

3. Vốn đầu tư

- Ước tính Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum tháng 10 năm 2019 là 114.114 triệu đồng, tăng 8,52% so với cùng kỳ. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, Chia ra:

Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 79.514 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 69,68% trong tổng số nguồn vốn. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, ... Trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh là 32.634 triệu đồng chiếm 41,04%; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 10.038 triệu đồng, chiếm 12,62%; nguồn vốn ODA là 29.534 triệu đồng, chiếm 37,14%; nguồn vốn Xổ số kiến thiết là 6.108 triệu đồng, chiếm 7,68%; nguồn vốn khác là 1.200 triệu đồng, chiếm 1,51% trong tổng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh.

Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện là 34.600 triệu đồng, tăng 42,61% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 30,32% trong tổng số nguồn vốn. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trên địa bàn các  huyện, thành phố thuộc tỉnh, trong đó: vốn cân đối ngân sách huyện là 10.506 triệu đồng, chiếm 30,36%; nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 20.384 triệu đồng, chiếm 58,91% và nguồn vốn khác là 3.710 triệu đồng chiếm 10,72% trong tổng nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện.

- Ước tính Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum 10 tháng năm 2019 là 1.123.274 triệu đồng, tăng 5,44% so với cùng kỳ. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, Chia ra:

Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 819.263 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 72,94% trong tổng số nguồn vốn, bằng 97,71% so với cùng kỳ. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, ... Trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh là 504.739 triệu đồng chiếm 61,61%; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 112.692 triệu đồng, chiếm 13,76%; nguồn vốn ODA là 144.523 triệu đồng chiếm 17,64%; nguồn vốn Xổ số kiến thiết là 50.642 triệu đồng, chiếm 6,18%; nguồn vốn khác là 6.667 triệu đồng, chiếm 0,81% trong tổng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh.

Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện là 302.968 triệu đồng, tăng 33,87% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 26,97% trong tổng số nguồn vốn. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trên địa bàn các  huyện, thành phố thuộc tỉnh, trong đó: vốn cân đối ngân sách huyện là 108.341 triệu đồng, chiếm 35,76%; nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 175.646 triệu đồng, chiếm 57,98% và nguồn vốn khác là 18.981 triệu đồng chiếm 6,27% trong tổng nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện.

Nguồn vốn thuộc ngân sách cấp xã là 1.043 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 0,09% trong tổng số nguồn vốn, trong đó vốn cân đối ngân sách xã là 230 triệu đồng, chiếm 22,05%; nguồn vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 813 triệu đồng, chiếm 77,95%.

4. Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 10 năm 2019 đạt 1.709.624 triệu đồng, tăng 0,64% so với tháng trước và tăng 14,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp đạt 1.423.718 triệu đồng, chiếm 83,28% trong tổng mức, tăng 0,65% so với tháng trước và tăng 15,22% so với cùng kỳ năm trước; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 188.747 triệu đồng, chiếm 11,04% trong tổng mức, tăng 1,28% so với tháng trước và tăng 7,09% so với cùng kỳ năm trước; Ngành dịch vụ đạt 97.195 triệu đồng, chiếm 5,68% trong tổng mức bằng 99,28% so với tháng trước và tăng 10,96% so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh 10 tháng  năm 2019 ước tính đạt 15.776.051 triệu đồng, tăng 12,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp đạt 13.088.107 triệu đồng, chiếm 82,96% trong tổng mức và tăng 13,75% so với cùng kỳ năm trước; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 1.750.546 triệu đồng, chiếm 11,10% trong tổng mức và tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước; Ngành dịch vụ đạt 937.398 triệu đồng, chiếm 5,94% trong tổng mức và tăng 11,84% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn  tỉnh trong 10 tháng năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm trước là do: trong 10 tháng năm 2019 giá cả các mặt hàng tương đối ổn định và phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng nên sức mua tăng; một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã tăng cường triển khai các chương trình khuyến mại đối với một số mặt hàng, thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm kích thích lượng tiêu dùng cũng như sức mua của người dân; mặt khác các tháng đầu năm 2019 các ngành sản xuất khác phát triển tương đối ổn định, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh tăng và chi tiêu cho đời sống theo đó cũng tăng lên đã làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trong 9 tháng tăng so cùng kỳ là do các ngành kinh tế khác phát triển ổn định đã ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của một số ngành như dịch vụ lưu trú, kinh doanh bất động sản, dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ...

b) Vận tải

- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 10 năm 2019

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 10 năm 2019 đạt 153.066,9 triệu đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,79% so với tháng trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 58.183,0 triệu đồng, tăng  0,36%; Vận chuyển ước đạt 1.096,37 nghìn lượt khách, tăng 0,38%; Luân chuyển ước đạt 140.823,33 nghìn lượt khách.km, tăng 0,63%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 94.229,9 triệu đồng, tăng 1,05%; Vận chuyển ước đạt 1.062,2 nghìn tấn, tăng 1,11%; Luân chuyển ước đạt 53.506,26 nghìn tấn.km, tăng  1,0%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 654,0 triệu đồng, tăng 1,55%.

Hoạt động vận chuyển hành khách trong tháng tăng nhẹ so với tháng trước là do nhu cầu đi lại của người dân tăng. Hoạt động vận chuyển hàng hoá trong tháng tăng so với tháng trước, một mặt là do các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa tăng cường đầu tư mua sắm xe có tải trọng lớn, mặt khác do hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng, ngành xây dựng tăng và một số sản phẩm nông nghiệp đang vào mùa thu hoạch như sắn, cà phê, …tăng.

- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính 10 tháng năm 2019

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính 10 tháng năm 2019 đạt 1.486.159,1 triệu đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 563.084,3 triệu đồng, tăng  9,4%; Vận chuyển ước đạt 10.494,56  nghìn lượt khách, tăng 8,64%; Luân chuyển ước đạt 1.332.863,24 nghìn lượt khách.km, tăng  8,87%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 916.940,3 triệu đồng, tăng 12,66%; Vận chuyển ước đạt 10.244,67 nghìn tấn, tăng 9,96%; Luân chuyển ước đạt 515.881,59 nghìn tấn.km, tăng  11,37%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 6.134,5 triệu đồng, tăng 12,18%.

c) Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2019 tăng 0,40% so với tháng trước; tăng 1,06% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,53% so với tháng 12 năm trước; CPI  bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 1,31% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 05 nhóm tăng: nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,79%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,02%; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,12%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,8%; nhóm Giao thông tăng 0,37%. Có 04 nhóm giảm là nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,13%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,39%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,17%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,02%. Có 02 nhóm không biến động giá là nhóm Thuốc và dịch vụ y tế và nhóm Giáo dục.

Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng giảm so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 10/2019 được bán với giá bình quân khoảng 3.959.000 đồng/chỉ, giảm 0,8% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 23.056 đồng/USD, giảm 0,02%.

5. Một số tình hình xã hội

a) Y tế tháng 9/2019

- Tình hình dịch bệnh

Sốt xuất huyết Dengue: trong tháng, ghi nhận 246 ca mắc mới, giảm 94 ca so với tháng trước và tăng 154 ca so với tháng 9/2018; trong đó 01 ca tử vong do Sốt xuất huyết Dengue, ghi nhận 70 ổ dịch mới. Lũy tích đến 30/9/2019, ghi nhận 1.194 ca mắc (trong đó tử vong 01), tăng 931 ca so với cùng kỳ năm trước.

Tay - Chân - Miệng: trong tháng, ghi nhận 05 ca mắc mới, giảm 01 ca so với tháng trước và giảm 14 ca so với tháng 9/2018. Lũy tích đến 30/9/2019, ghi nhận 95 ca mắc, không có tử vong, giảm 04 ca so với cùng kỳ năm trước.

Thủy đậu: trong tháng, ghi nhận 07 ca mắc mới, giảm 03 ca so với tháng trước và tăng 02 ca so với tháng 9/2018. Lũy tích đến 30/9/2019, ghi nhận 383 ca mắc, không có tử vong, tăng 34 ca so với cùng kỳ năm trước.

Sởi: trong tháng, ghi nhận 09 ca mắc mới, giảm 01 ca so với tháng trước và giảm 22 ca so với tháng 9/2018. Lũy tích đến 30/9/2019, ghi nhận 62 ca mắc, không có tử vong, tăng 62 ca so với cùng kỳ năm trước.

Quai bị: trong tháng, ghi nhận 12 ca mắc mới, tăng 02 ca so với tháng trước và giảm 11 ca so với tháng 9/2018. Lũy tích đến 30/9/2019, ghi nhận 286 ca mắc, không có tử vong, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm trước.

Sốt rét: trong tháng, ghi nhận 12 ca mắc mới, tăng 08 so với tháng trước và giảm 22 ca so với tháng 9/2018. Lũy tích đến 30/9/2019, ghi nhận 70 ca mắc, không có sốt rét ác tính, không có tử vong và giảm 92 ca so với cùng kỳ năm trước.

Lao: tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 37 bệnh nhân, trong đó lao phổi AFB (+) 23 bệnh nhân.

- Phòng chống HIV/AIDS

Trong tháng, ghi nhận 05 trường hợp nhiễm HIV mới (tăng 03 trường hợp so với tháng trước), 03 bệnh nhân HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và 02 tử vong. Lũy tích nhiễm HIV/AIDS tính đến ngày 30/9/2019: 495 người, trong đó số người tử vong do AIDS 187, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống 308 người (đang quản lý được 149 người). Số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV 107 người (05 trẻ em); điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid (INH) 13 người.

- An toàn vệ sinh thực phẩm

Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm: Tổng số cơ sở được kiểm tra 811 cơ sở, trong đó 577 cơ sở đạt chiếm tỷ lệ 71,1%; xử phạt vi phạm hành chính 19 cơ sở với tổng số tiền 15,6 triệu đồng; tiêu hủy sản phẩm: 78 lít thực phẩm lỏng và 87,43kg thực phẩm rắn.

Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm.

b) Tình hình giáo dục

Chiều 17/9, tại Trường Tiểu học Kim Đồng (huyện Đăk Hà), Viettel Kon Tum tổ chức Tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình “Vì em hiếu học” giai đoạn 2014-2019 và trao học bổng “Vì em hiếu học” lần thứ 6. Với thông điệp “Khi triệu ước mơ nhỏ cần một nghĩa cử lớn”, Chương trình “Vì em hiếu học” của Viettel cam kết kéo dài trong 10 năm, mỗi năm dành 26 tỷ đồng để trao học bổng cho các em học sinh khó khăn. Qua 5 năm thực hiện, đã tổ chức trao 2.700 suất (tương đương 2,7 tỷ đồng) cho các em học sinh nghèo. Bước sang năm thứ 6 triển khai Chương trình “Vì em hiếu học”, Viettel Kon Tum phối hợp Hội Khuyến học tỉnh tiến hành trao 540 suất học bổng với tổng số tiền 540 triệu đồng cho các em học sinh ở 54 xã trên địa bàn tỉnh (mỗi xã trao 10 suất).

Sáng 12/9, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2019-2020. Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum với sứ mệnh là cơ sở giáo dục bậc đại học thực hiện đào tạo đa ngành, đa cấp, đa lĩnh vực; đào tạo nguồn nhân lực cao theo định hướng ứng dụng, thực hành; thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao những kết quả nghiên cứu cho cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào với Đông Bắc Campuchia. Năm học 2019 - 2020, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum tiếp nhận gần 200 sinh viên trúng tuyển nhập học chính thức và trở thành sinh viên của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, đồng thời nhà trường cũng tiếp nhận trên 80 sinh viên Lào vừa hoàn thành chương trình học tiếng Việt vào chuyên ngành, nâng tổng số sinh viên của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum lên trên 2.000 sinh viên. Nhân dịp khai giảng năm học mới, có 90 lượt sinh viên của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum được trao học bổng với tổng trị giá 90 triệu đồng.  

c) Hoạt động văn hóa, thể thao

Ngày 22/9, tại Sân vận động tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh tổ chức tuyển chọn các cầu thủ năng khiếu bóng đá U9 - U10 (sinh các năm 2009, 2010). Tham gia tuyển chọn có 150 em thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Các em trải qua các vòng kiểm tra về năng khiếu, thể lực, kỹ thuật... Qua đó, Ban huấn luyện sẽ lựa chọn 12 em đáp ứng các điều kiện để đào tạo lâu dài, có chế độ hỗ trợ hàng tháng cho các em theo quy định của UBND tỉnh.

Trong 2 ngày 12-13/10 tại Quảng trường 24/3, thị trấn Đăk Hà UBND huyện Đăk Hà đã tổ chức “Ngày hội di sản văn hóa, du lịch và triển lãm các sản phẩm đặc trưng huyện Đăk Hà năm 2019”. Tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng lần này có trên 100 sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là thế mạnh của các đơn vị như: Huyện Đăk Glei có 21 sản phẩm, huyện Kon Plông có 22 sản phẩm, huyện Tu Mơ Rông có 7 sản phẩm, huyện Đăk Tô có 5 sản phẩm, Ban Dân tộc tỉnh có các sản phẩm thủ công nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Ngoài ra, còn có các gian hàng khởi nghiệp của các doanh nghiệp trẻ tham gia trưng bày, giới thiệu như: Công ty thực phẩm sạch HFC - Hà Mòn; HTX sản xuất kinh doanh lúa, gạo thơm Hải Ngọc (xã Đăk La); Công ty cổ phần BaZaNa... Trong khuôn khổ chương trình, mọi người còn được trải nghiệm về câu chuyện “Hạt cà phê Đăk Hà” một cách thú vị để hiểu thêm về việc trồng, chăm sóc, chế biến, nghiên cứu thị trường và xuất khẩu các sản phẩm từ cây cà phê của huyện.

Chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2019), chiều 16/10, Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Nữ công kỳ 2 và Hội thi “Tiệc trà chiều cho phụ nữ hiện đại”. Tham gia hoạt động có 100 nữ đoàn viên, công chức, viên chức, lao động đến từ các công đoàn cơ sở trực thuộc.

d) An ninh trật tự - An toàn giao thông (ANTT-ATGT)

- Tình hình  ANTT – ATGT tháng 9/2019

+ Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 36 vụ (giảm 10 vụ so với tháng trước), thiệt hại bị thương 04 người, mất 09 mô tô, 02 laptop, 21 ĐTDĐ và 326 triệu đồng tiền mặt.

+ Tội phạm về ma túy: phát hiện 06 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy. Thu giữ 36,15gr Hêrôin, 0,2298gr Methamphetamine, 1,3747gr Ketamine.

+ Tội phạm kinh tế: Phát hiện 02 vụ, trong đó: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 01 vụ, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm 01 vụ.

+ Tai nạn giao thông: xảy ra 02 vụ (giảm 03 vụ so với tháng trước). Hậu quả: chết 02 người bị thương 01 người, hư hỏng 04 mô tô.

Qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 1.151 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; tạm giữ 325 phương tiện, 697 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 1.202 trường hợp.

- Tình hình ANTT – ATGT 9 tháng năm 2019

+ Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội (TTXH): Phát hiện 329 vụ, thiệt hại: chết 28 người, bị thương 107 người, mất 37 mô tô, 25 ĐTDĐ, 05 laptop, 4.463 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản khác trị giá 421,5 triệu đồng.

+ Tội phạm về ma túy: phát hiện 49 vụ, trong đó: tàng trữ trái phép chất ma túy 44 vụ, vận chuyển trái phép chất ma túy 03 vụ, mua bán trái phép chất ma túy 02 vụ. Thu giữ 03 ĐTDĐ, 29 gói bột màu trắng (nghi Hêroin), 2.038,13516gr Methamphetamine, 1,8752gr Ketamine, 0,9853gr MDMA, 797,4318gr ma túy đá, 02 gói tinh thể màu trắng nghi ma túy đá, 91.4471 gr hêrôin, 5,6703 gr ma túy tổng hợp.

+ Tội phạm kinh tế: Phát hiện 67 vụ, trong đó: Vận chuyển hàng cấm 16 vụ, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản 21 vụ, cho vay nặng lãi  trong giao dịch nhân sự 03 vụ, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức 02 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 05 vụ, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm 01 vụ, cất dấu lâm sản trái phép 03 vụ, tàng trữ vận chuyển hàng cấm 05 vụ, buôn bán, tàng trữ hàng cấm 01 vụ, vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm 01 vụ, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên 03 vụ, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm 02 vụ, sử dụng pháo trái phép 03 vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ 01 vụ.

+ Tai nạn giao thông: xảy ra 41 vụ. Hậu quả: chết 42 người, bị thương 22 người, hư hỏng 27 xe ô tô, 46 mô tô, 05 phương tiện khác.

Qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 15.887 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; tạm giữ 4.208 phương tiện, 9.340 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 14.070 trường hợp.

e) Tình hình cháy, nổ

Trong tháng 09/2019: Không xảy ra. Lũy kế từ đầu năm đến nay xảy ra 12 vụ cháy, ước thiệt hại khoảng 1.702 triệu đồng.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC