• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Năm, 25/04/2024 21:26
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum tháng 12, Quý IV và năm 2018
Cập nhật: Thứ Tư, 02/01/2019 09:43

 

Năm 2018 là năm thứ ba thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2018 không chỉ có ý nghĩa góp phần hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ của kế hoạch năm, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì ổn định kinh tế, xã hội trong cả nhiệm kỳ. Dưới sự giám sát, chỉ đạo điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, các ngành nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả tích cực. Trong năm 2018, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 8,10% so với năm 2017[1].

Kết quả đạt được trên một số lĩnh vực so với năm 2017 cụ thể như sau:

- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Kon Tum (GRDP) năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) ước tăng 8,10%.

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.530 tỷ đồng, đạt 116,54% so với dự toán, tăng 2,51%.

- Tổng chi ngân sách nhà nước ước cả năm 6.481 tỷ đồng, đạt 95,45% dự toán, tăng 2,67%.

- Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh ước đạt 12.224,72 tỷ đồng, tăng 21,01%.

- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,39%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 17.002,67 tỷ đồng, tăng 13,64%.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2018 giảm 0,43% so với tháng trước; tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân quý IV/2018 tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân cả năm 2018 tăng 2,78% so với cùng kỳ năm trước.

1. Tăng trưởng kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Kon Tum (GRDP) năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) ước tăng 8,10% so với năm 2017, cụ thể: Khu vực I (Nông - Lâm - Thuỷ sản)  tăng 5,33%;  khu vực II (Công nghiệp - Xây dựng) tăng 15,03%; khu vực III (Dịch vụ)  tăng 6,68%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,58%. Trong tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,10 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 3,23 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đóng góp 3,30 điểm phần trăm; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,47 điểm phần trăm. Cụ thể như sau:   

Tốc độ tăng GRDP năm 2018

 

 

Tốc độ tăng trưởng năm 2018 so năm 2017 (%)

Điểm % đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng (%)

Tổng số

                     8,10

                            8,10

1.  Nông, lâm và thủy sản

                     5,33

                             1,10

2.  Công nghiệp và xây dựng

                   15,03

                             3,23

3.  Dịch vụ

                     6,68

                             3,30

4. Thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm

                     5,58

                              0,47

 

 

- Khu vực Nông, lâm, thủy sản có mức tăng trưởng 5,33%, có thể nói đây là mức tăng trưởng khá so với các năm gần đây và chủ yếu tập trung mức tăng ở sản lường cà phê, cao su. Cụ thể một số sản lượng, sản phẩm có mức tăng cao như sau: Sản lượng cà phê thu hoạch ước đạt 42.217 tấn, tăng 5,26% (+2.109 tấn); Sản lượng cao su ước đạt: 56.549 tấn, tăng 5,55% (+2.974 tấn) so với năm 2017.......

- Khu vực Công nghiệp - Xây dựng có mức tăng 15,03%, chủ yếu nhờ vào mức tăng cao của ngành công nghiệp tăng 14,39%.  Cụ thể một số sản phẩm có mức tăng so với năm 2017 như sau:  Đá xây dựng khai thác 529.492 m3, tăng 8,47%; Tinh bột sắn sản xuất  239.596 tấn, tăng  2,97%; Đường RE 19.104 tấn, tăng  4,44%; điện sản xuất 1.182,2 triệu Kwh, tăng 18,54% so với năm 2017..., một số sản phẩm khác tương đối ổn định, có mức tăng, giảm không cao.

- Khu vực Dịch vụ có mức tăng 6,68%, trong đó các hoạt động dịch vụ có mức tăng trưởng cao như: Doanh thu vận tải, kho bãi ước đạt 1.621.461 triệu đồng, tăng 12,03 %; Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 17.002.672,5 triệu đồng, tăng 13,64% so với năm 2017.

2. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước khoảng 2.530 tỷ đồng, đạt 116,54% so với dự toán, tăng 2,51% so với năm 2017; trong đó, thu nội địa 2.260 tỷ đồng, đạt 117,77% dự toán và thu xuất nhập khẩu 270 tỷ đồng, đạt 107,14% so dự toán.

- Tổng chi ngân sách nhà nước ước cả năm 6.481 tỷ đồng, đạt 95,45% dự toán, tăng 2,66% so với năm 2017. Trong đó, chi ngân sách địa phương 6.463 tỷ đồng, đạt 95,46% dự toán (chi đầu tư đạt 89,52%, chi thường xuyên đạt 98,5% so với dự toán giao đầu năm); chi quản lý qua ngân sách 18 tỷ đồng, đạt 90% dự toán.

- Tín dụng: Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn khá ổn định, dư nợ cho vay với mức lãi suất thấp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ, góp phần hỗ trợ cho phát triển sản xuất, kinh doanh; nguồn vốn tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Ước đến ngày 31/12/2018, tổng huy động vốn toàn địa bàn đạt 15.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2017. Tổng nợ xấu đến 31/10/2018 là 436 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,59% tổng dư nợ tín dụng, so với thời điểm 31/12/2017 nợ xấu tăng, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp (dưới 3%).

- Tính đến thời điểm báo cáo, có 468.762 người tham gia BHXH, BHYT tăng 10.779 người (2,35%) so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó tham gia BHXH bắt buộc là 38.799 người, tham gia BHTN là 31.427 người, tham gia BHXH tự nguyện là 711 người, tham gia BHYT là 468.051 người. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 89,62%. Số người nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN từ đầu năm đến nay là 1.521 người (DTTS 278 người). Số người có quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp đến nay là 1.497 người. Tổng số tiền chi trợ cấp thất nghiệp trong năm 2018 ước đạt: 24,3 tỷ đồng.

3. Giá cả, lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2018 giảm 0,43% so với tháng trước; tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân quý IV/2018 tăng 7,84% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân cả năm 2018 tăng 2,78% so với cùng kỳ năm trước.

 Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 05 nhóm tăng: nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,22%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,21%; nhóm Bưu chính viễn thông tăng 0,1%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,16%; Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,63%. Có 04 nhóm giảm là: nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống giảm 0,37%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,97%; nhóm Giao thông giảm 4,04%; nhóm giáo dục giảm 0,1%. Có 02 nhóm ổn định là nhóm Đồ uống và thuốc lá; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình.

Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng giảm so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 12/2018 được bán với giá bình quân khoảng 3.441.000 đồng/chỉ, giảm 0,49% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 23.156 đồng/USD  giảm 0,01%.

4. Đầu tư và xây dựng

a) Vốn đầu tư:

- Ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum quý IV năm 2018 đạt 3.625.598 triệu đồng, tăng 12,20% so với cùng kỳ năm 2017. Phân theo nguồn vốn cụ thể như sau:

Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 1.425.194 triệu đồng, đạt 95,78% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 39,31% trong tổng số nguồn vốn, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước do trung ương quản lý đạt 518.960 triệu đồng, bằng 92,35% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 36,41%; nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt 906.234 triệu đồng và chiếm 63,59%, chủ yếu đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế, ...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài nhà nước đạt 2.190.249 triệu đồng, tăng 25,67% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 60,41% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt 596.435 triệu đồng, tăng 42,59% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 27,23%; vốn đầu tư của các hộ gia đình đạt 1.593.814 triệu đồng, tăng 20,33% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 72,77%, chủ yếu đầu tư của khu vực hộ dân cư trong xây dựng, sửa chữa nhà, chăn nuôi, ...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10.155 triệu đồng, chiếm 0,28% trong tổng nguồn vốn.

- Ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2018 đạt 12.224.716 triệu đồng, tăng 21,01% so với năm 2017. Phân theo nguồn vốn cụ thể như sau:

Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 3.835.574 triệu đồng, tăng 10,35% so với năm 2017 và chiếm 31,38% trong tổng số nguồn vốn, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước do trung ương quản lý đạt 1.557.188 triệu đồng, tăng 20,65% và chiếm 40,60%; nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.278.386 triệu đồng, tăng 4,27% và chiếm 59,40%, chủ yếu đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế.

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài nhà nước đạt 8.365.072 triệu đồng, tăng 26,61% so với năm 2017 và chiếm 68,43% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt 2.847.054 triệu đồng, tăng 32,34% và chiếm 34,04%; vốn đầu tư của các hộ gia đình đạt 5.518.018 triệu đồng, tăng 23,84% và chiếm 65,96%, chủ yếu đầu tư của khu vực hộ dân cư trong xây dựng, sửa chữa nhà, chăn nuôi, ...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 24.070 triệu đồng chiếm 0,20% trong tổng nguồn vốn, chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua XDCB, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

b) Xây dựng

Trong năm 2018 hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh diễn ra đồng bộ trên các khu vực kinh tế, trong đó tập trung ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và hộ dân cư, chủ yếu xây dựng nhà ở mới với mức đầu tư cao và sửa chữa các công trình khác. Các đơn vị hoạt động xây lắp triển khai thi công các công trình trọng điểm có vốn đầu tư cao như:

Công trình kỹ thuật dân dụng: đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi quốc lộ 24, xây dựng cầu và đường 2 đầu cầu ĐắkBla mới thuộc dự án tuyến tránh thành phố Kon Tum, cầu qua sông Đắk Bla số 03, cầu qua sông ĐakBla số 01, đường giao thông từ QL 40B đi suối nước nóng xã Kon Đào huyện Đắk Tô, Đường Nam Quảng Nam ...

Xây dựng công trình nhà không để ở: xây dựng trụ sở làm việc Tòa Án Nhân dân huyện Ia H’Drai, đồn biên phòng Rờ  Kơi (705), đồn biên phòng Đắk BLô (665), đồn biên phòng Đắk Nhoong (669), doanh trại cơ quan Quân đoàn 3, trụ sở làm việc huyện ủy, HĐND-UBND, mặt trận đoàn thể và các công trình phụ trợ  huyện Ia H’Drai, trụ sở làm việc Chi cục Thuế huyện Ia  H’Drai, nâng cấp bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, nâng cấp, cải tạo Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Đắk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, nâng cấp, cải tạo Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi...Công trình giáo dục: dự án Kiên cố hoá trường học, lớp học mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Đắk Tô, KonPLông, Sa Thầy và  huyện Tu Mơ Rông, trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Ia H’Drai (giai đoạn 1), trường Mầm non trung tâm thị trấn Đắk Glei huyện Đắk Glei, Trường Mầm non Hoa Hồng thành phố Kon Tum, trường PTDT bán trú tiểu học xã Ngọc Lây huyện Tu Mơ Rông, trung tâm dạy nghề và  hỗ trợ  nông dân, Hội Nông dân tỉnh...

Công trình văn hoá: xây dựng khu sinh hoạt văn hóa thể thao cộng đồng huyện Sa Thầy, trung tâm văn hóa - thể thao huyện Sa Thầy, nhà đa năng trường PTDT nội trú huyện Đắk Glei, sân vận động huyện Đắk Hà, nhà văn hoá xã Tân Lập huyện Kon Rẫy, nâng cấp, mở rộng nhà văn hóa xã Đắk Tơ Lung huyện Kon Rẫy, nhà văn hóa  các  xã Ia Tơi, Ia Dal, Ia Dom huyện Ia H’Drai...  

Các loại hình kinh tế khác (hộ dân cư, xã/phường/ thị trấn): Trong năm 2018 hoạt động xây dựng chủ yếu do hộ dân cư đầu tư xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nhà ở và các công trình liên quan (sân, tường rào, nhà kho, các công trình khác)…

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Tính đến 30/11/2018 số doanh nghiệp thành lập mới  là 235 doanh nghiệp, với tổng vốn điều lệ đăng ký là 1.643 tỷ đồng. Số doanh nghiệp giải thể là 36 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 105 doanh nghiệp. Nhìn chung trong năm 2018 các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động ổn định.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt

+ Tình hình sản xuất cây hàng năm

Tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm năm 2018 ước đạt: 73.378 ha, giảm 1,20% (-891 ha) so với năm 2017, cụ thể một số cây trồng so với năm 2017 như sau:.

Cây lúa diện tích: 23.709 ha, giảm 1,15% (-276 ha),  trong đó lúa đông xuân diện tích 7.102 ha, tăng 0,65% (+46 ha).

Cây ngô diện tích: 5.949 ha, giảm 4,08% (-253 ha), diện tích ngô giảm do năm nay người dân đã chuyển các diện tích gieo trồng cho năng suất thấp sang trồng bời lời, cà phê và một số loại cây khác.

Cây sắn diện tích: 38.358 ha, giảm 0,71% (-276 ha).

Cây mía diện tích là 1.558 ha, giảm 4,77% (-78 ha). Sản lượng mía thu hoạch ước đạt: 84.778 tấn, giảm 3,7% (-3.222 tấn), năng suất mía thu hoạch đạt: 544,15 tạ/ha, tăng 1,2% (+6,25 tạ/ha). Sản lượng mía giảm do diện tích gieo trồng giảm. Nguyên nhân diện tích mía giảm là do những năm gần đây giá mía giảm từ 1.000 đồng xuống chỉ 830 đồng/kg với 10 chữ đường. Trong khi đó giá các chi phí đầu vào ban đầu như phân, cày, công... tăng cao nên hiệu quả kinh tế đối với cây mía thấp. Một số hộ đã chuyển đổi hoặc giảm một phần diện tích sang trồng cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Rau các loại diện tích là 2.344 ha, tăng 5,11% (+114 ha).

SLLT năm 2018 ước đạt: 117.054 tấn, giảm 0,03% (-30 tấn). Trong đó sản lượng lúa: 91.682 tấn, tăng 0,74% (+672 tấn); Sản lượng ngô 24.521 tấn, giảm 1,35% (-335 tấn), nguyên nhân sản lượng ngô giảm là do diện tích gieo trồng giảm.

Năng suất lúa cả năm ước đạt: 38,67 tạ/ha, tăng 1,90% (+0,73 tạ/ha). Trong đó: Năng suất lúa ruộng ước đạt 43,71 tạ/ha, tăng 0,9% (+0,38 tạ/ha); Năng suất lúa rẫy ước đạt 15,04 tạ/ha, tăng 2,70% (+0,39 tạ/ha).

Năng suất ngô cả năm ước đạt: 41,22 tạ/ha, tăng 2,84% (+1,14 tạ/ha).

+ Cây lâu năm: Tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây lâu năm ước đạt: 99.706 ha, tăng 2,60% (+2.552 ha) so với năm 2017. Diện tích gieo trồng cây lâu năm tăng chủ yếu do diện tích gieo trồng cây cà phê tăng, cụ thể như sau:

Diện tích cà phê ước đạt 20.488 ha, tăng 14,13% (+2.536 ha). Trong đó, diện tích cà phê trồng mới là 2.532 ha, tăng 65,2% (+999 ha). Diện tích cà phê tăng do giá cà phê những năm gần đây tương đối ổn định nên người dân quan tâm đầu tư mở rộng.

Năng suất cà phê ước đạt 28,05 tạ/ha, giảm 0,55% (-0,15 tạ/ha).

Sản lượng cà phê thu hoạch ước đạt: 42.217 tấn, tăng 5,26% (+2.109 tấn). Sản lượng cà phê trên địa bàn tăng do diện tích cho sản phẩm tăng.

Cây cao su tổng diện tích ước đạt: 74.460 ha, giảm 0,40% (-296 ha). Trong đó, diện tích trồng mới cao su trên địa bàn tỉnh trồng được 126 ha, giảm 42,70% (-94 ha). Thời gian gần đây giá mủ cao su giảm nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư vào trồng mới cây cao su.

Năng suất cao su ước đạt 14,66 tạ/ha, giảm 0,83% (-0,12 tạ/ha) so với năm 2017.

Sản lượng cao su năm 2018 ước đạt: 56.549 tấn, tăng 5,55% (+2.974 tấn) so với năm 2017. Sản lượng cao su tăng so với năm 2017 là do diện tích cao su cho sản phẩm tăng.

Cây ăn quả tổng diện tích ước đạt: 2.842, tăng 2,20% (+61 ha) so với năm 2017. Nhìn chung Kon Tum là tỉnh có diện tích cây ăn quả không lớn, chiếm tỷ trọng thấp trong nhóm cây lâu năm. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây không phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả với quy mô lớn. Diện tích chủ yếu được trồng với quy mô nhỏ và rải rác ở các khu vườn hộ dân, sản lượng thu hoạch chủ yếu dùng để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày.

+ Tình hình quản lý sâu bệnh hại cây trồng: Trong năm 2018 thời tiết trên địa bàn tỉnh khá thuận lợi, lưu lượng mưa phân bổ đều đã tác động tích cực đến sự sinh trưởng của các loại cây trồng nông nghiệp. Mặc dù đã có xuất hiện hiện tượng sâu bệnh trên cây lúa và một số cây rau màu nhưng ở mức độ nhẹ, mang tính cục bộ không lây lan ra diện rộng.

- Chăn nuôi

+ Tình hình chăn nuôi quý IV/2018: Tình hình chăn nuôi trong quý tổng đàn tương đối ổn định. Trong quý trên địa bàn tỉnh không phát hiện các dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng (LMLM) gia súc, Tai xanh ở lợn và Dại động vật.

+ Tình hình chăn nuôi năm 2018

Tổng đàn trâu 23.752 con, tăng 2,73% (+631 con) so với năm 2017. Đàn trâu tăng chủ yếu ở các huyện: Đắk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông. Nhìn chung đàn trâu trên toàn tỉnh ổn định về tổng đàn. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm: 678 tấn, tăng 3,5% (+23 tấn) so với cùng kỳ năm 2017.  

 Tổng đàn bò 77.722 con, tăng 5,21% (+3.647 con) so với năm 2017. Đàn bò tăng chủ yếu ở các huyện: Đắk Hà, Đắk Tô, Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm: 4.532 tấn, tăng 2,7% (+117 tấn) so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân làm cho đàn bò tăng là do trong kỳ điều tra xảy ra dịch bệnh ít, giá cả thịt bò hơi ổn định người chăn nuôi yên tâm đầu tư làm cho đàn bò tăng lên.

Tổng đàn lợn 143.463 con, tăng 7,96% (+10.581 con)  so với năm 2017. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 20.382 tấn, tăng 19,3% (+3.302 tấn) so với cùng kỳ năm 2017. Tổng đàn và sản lượng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 do giá thịt lợn hơi tăng mạnh nên người dân đầu tư tái đàn.   

Tổng đàn gia cầm 1.108.565 con, tổng đàn gia cầm tăng 0,6% (+6.613 con) so với năm 2017, trong đó: đàn gà 952.440 con, tăng 1,7% (+15.926 con). Sản lượng thịt hơi gia cầm 2.353 tấn, tăng 6,5% (+144 tấn) so với cùng kỳ năm 2017, trong đó thịt gà 1.923 tấn. Sản lượng trứng gia cầm 21.209.570 quả, trong đó trứng gà 18.169.909 quả. Nhìn chung đàn gia cầm tăng cả về số lượng đầu con và sản phẩm là do trong kỳ điều tra dịch bệnh xảy ra ít, hộ chăn nuôi đã tăng đầu tư chăm sóc tốt cho đàn gia cầm. Bên cạnh đó hộ chăn nuôi đã phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch bệnh kịp thời không để lây lan ra diện rộng.

+ Tình hình dịch bệnh

Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh dịch Lở mồm long móng (LMLM) tại 04 huyện: Đắk Glei, Sa Thầy, Đắk Hà và Ia H’Drai. Tổng số gia súc mắc bệnh 302 con (trâu 11, bò 213 con, lợn 78 con), số gia súc điều trị khỏi bệnh 218 con (trâu 11, bò 207), số gia súc bị tiêu hủy 84 con (bò 6, lợn 78).

 Trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh không tái phát bệnh Cúm gia cầm. Một số bệnh thông thường khác xảy ra tại một số địa phương đã được lực lượng Thú y phát hiện và điều trị kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

b) Lâm nghiệp

- Trong quý IV năm 2018, công tác trồng rừng mới tập trung trên địa bàn tỉnh là 285 ha, tăng 0,40% (+11 ha); Khai thác gỗ là 44.800 m3 tăng 25,90%  (+9.211 m3)  so với cùng kỳ năm 2017.

- Tính chung cả năm công tác trồng rừng mới tập trung trên địa bàn tỉnh là 950 ha, giảm 0,35% (-34 ha); Khai thác gỗ 133.725 m3, tăng 11%  (+13.210 m3) so với năm 2017.  Lượng gỗ khai thác tăng do khai thác gỗ rừng trồng trong dân tăng đáng kể; sản phẩm lâm nghiệp chủ yếu (Nhựa thông), nguyên nhân tăng, do diện tích khai thác nhựa thông của các Doanh nghiệp tăng.

Công tác quản lý bảo vệ rừng, công tác phòng cháy chữa cháy được các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo. Do đó, tính đến 15/12/2018, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.

Tính đến ngày 15/12/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 50 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 25,063 ha, giảm 11 vụ (+15,785 ha) so với cùng kỳ năm 2017. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Ước tính đến thời điểm 31/12/2018, công tác trồng rừng mới tập trung trên địa bàn tỉnh là 950 ha, giảm 3,5% (-34 ha) so với cùng kỳ năm 2017.

Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/12/2018, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 133.725 m3, tăng 11% (+13.210 m3) so với cùng kỳ năm 2017. Lượng gỗ khai thác tăng do khai thác gỗ rừng trồng trong dân tăng đáng kể.

Ước tính đến 31/12/2018, sản lượng củi khai thác là 259.335 ster, tăng 3% (+679 ste) so cùng kỳ năm 2017, bao gồm: Củi tận dụng trên rừng trồng doanh nghiệp khai thác là 750 ster; củi các hộ cá thể tự khai thác là 258.585 ster.

c) Thuỷ sản

- Trong quý IV năm 2018, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 1.430 tấn, tăng 13,2% (+167 tấn) so với cùng kỳ năm 2017.

- Tính chung trong cả năm sản lượng thủy sản là 4.762 tấn, tăng 12,18% (+517 tấn) so với năm 2017. Trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt là 1709 tấn, tăng 11,99% (+183 tấn); Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 3.053 tấn, tăng 12,28% (+334 tấn).

- Năng lực sản xuất thủy sản

Ước tính diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt năm 2018 trên địa bàn tỉnh là 683,4 ha, tăng 7,1% (+45,4 ha) so với năm 2017.

Số lồng bè nuôi trồng thủy sản: Ước tính 251 lồng, giảm 6,6% (+18 lồng) so với năm 2017. Nguyên nhân giảm một số hộ chuyển đi nơi khác và không đầu tư nữa và chuyển đổi công việc khác. Số lồng nuôi cá tập trung ở các huyện, thành phố: thành phố Kon Tum, Đắk Hà, Ngọc Hồi, Ia H’Drai.

Nhìn chung sản lượng thủy sản trong năm tăng là do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 7,1% (+45,4 ha) so với năm 2017 và sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản tăng lên của các hộ trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối.

- Tình hình dịch bệnh thủy sản

Tính đến ngày 15/12/2018, trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch bệnh thủy sản do chủng vi khuẩn gây bệnh là Steptococus và Pseudomonas, tại 02 xã của huyện Đắk Hà: cá bị chết ước khoảng 17 tấn của 25 hộ chủ yếu là cá rô phi, (xã Đắk Ngọk có 08 hộ, cá chết ước khoảng 6 tấn, xã Đắk Ma có 17 hộ, cá chết ước khoảng 11 tấn), giá trị thiệt hại ước tính trên 500 triệu đồng.

7. Sản xuất công nghiệp

a) Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 12 năm 2018

So với cùng kỳ năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12 ước tính tăng 11,30%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 0,73%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,04%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,41%; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,40%.

So với tháng trước, hoạt động sản xuất của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tương đối ổn định, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 12 tăng 1,91%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 18,87%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,34%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,80%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải  tăng 0,13%.

b) Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp quý IV năm 2018

So với cùng kỳ năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý IV  ước tính tăng 9,46%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 4,9%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,83%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,46%  là do thời tiết năm nay mưa nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2017, lượng nước trong các hồ chứa tương đối đảm bảo, các đơn vị ổn định sản xuất nên sản lượng điện tăng; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,41%.

So với quý trước, hoạt động sản xuất của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tương đối ổn định, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý IV/2018  tăng 23,09%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 135,3%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng  68,05%. Nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp chế biến tăng cao, do trong quý IV nhà máy đường và các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động ổn định sau thời gian nghỉ mùa vụ, lượng tinh bột sắn sản xuất tăng; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,24%, nguyên nhân là do điều kiện thời tiết  không thuận lợi, mưa ít so với các tháng trong quý trước,  lượng nước trên các hồ thủy điện không đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất nên các đơn vị sản xuất điện đã điều tiết giảm công suất nhà máy để ổn định sản xuất; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 5,92%.

Ước tính một số sản phẩm chủ yếu sản xuất trong quý IV năm 2018 như sau: Đá xây dựng khai thác 245.389 m3, bằng 93,36% so với cùng kỳ năm 2017; Tinh bột sắn sản xuất 88.770 tấn, bằng 97,04% so với cùng kỳ năm 2017; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 93,281 triệu viên, bằng 92,58% so với cùng kỳ năm 2017; điện sản xuất 335,1 triệu Kwh, tăng 14,13% so với cùng kỳ năm 2017.

c) Tình hình hoạt động  sản xuất công nghiệp năm 2018

Tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2018 tương đối ổn định. Tính chung cả năm 2018 ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 14,39% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,30%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,81%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 17,10%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,63% so với cùng kỳ năm 2017.

Ước tính một số sản phẩm chủ yếu sản xuất trong năm 2018 như sau: Đá xây dựng khai thác 529.492 m3, tăng 8,47% so với cùng kỳ năm 2017; Tinh bột sắn sản xuất  239.596 tấn, tăng  2,97% so với cùng kỳ năm 2017; Đường RE 19.104 tấn, tăng  4,44% so với cùng kỳ năm 2017; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 229,643 triệu viên, tăng 6,05% so với cùng kỳ năm 2017, điện sản xuất 1.182,2 triệu Kwh, tăng 18,54% so với cùng kỳ năm 2017.

d) Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến thời điểm 31/12/2018 giảm 17,30% so cùng thời điểm năm 2017; đa số các ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng thời điểm năm 2017, riêng chỉ số tồn kho ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 409,33%, nguyên nhân do sản lượng sản xuất tăng, lượng sản phẩm nhập kho cao, trong khi đó hiện một số công trình xây dựng chưa tập trung thi công nên lượng tiêu thụ chậm.

e) Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý IV năm 2018

- Xu hướng tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh chế biến, chế tạo: Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế  biến, chế tạo  quý IV năm 2018 nhìn chung có xu hướng tốt hơn so quý trước; trong đó số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất tốt hơn chiếm 37,04%, số doanh nghiệp đánh giá tình hình sẽ giữ nguyên chiếm cùng tỷ lệ 40,74%, số doanh nghiệp đánh giá tình hình có khó khăn hơn chỉ chiếm 22,22%. Trong quý tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất sẽ được tăng lên, cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất tăng lên 74,07%, tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất giữ nguyên chiếm 18,52%, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất giảm đi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (7,41%), các doanh nghiệp này chủ yếu ở các ngành là sản xuất chế biến thực phẩm.

- Xu hướng về khối lượng sản xuất ngành chế biến, chế tạo: Khối lượng sản phẩm sản xuất là yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình sản xuất của doanh nghiệp; trong quý IV/2018 có 40,74% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng hơn quý III/2018; 37,04% số doanh nghiệp đánh giá giữ mức ổn định sản lượng sản xuất; 22,22% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản phẩm sản xuất giảm đi. Trong quý tiếp theo đa số các doanh nghiệp có dự báo lạc quan hơn 74,07% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất sẽ tăng hơn; 22,22% số doanh nghiệp đánh giá giữ mức ổn định sản lượng sản xuất và chỉ có 3,7% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản phẩm sản xuất giảm đi.

- Các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất tập trung nhất vẫn là nhu cầu thị trường trong nước thấp (có đến 66,67% số doanh nghiệp ảnh hưởng bởi yếu tố này và 50% số doanh nghiệp cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất) và tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước cao (có đến 62,96% số doanh nghiệp ảnh hưởng bởi yếu tố này và 7,69% số doanh nghiệp cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất), tình trạng thiếu nguyên liệu cho sản xuất cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các nguyên liệu có tính thời vụ (40,74% số doanh nghiệp ảnh hưởng bởi yếu tố này); các đơn vị cũng cho rằng lãi suất vay vốn hiện nay còn cao nên còn gặp khó khăn về nguồn tài chính, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không cao, ngoài ra các yếu tố khác như lao động, công nghệ máy móc lạc hậu… đều tác động đến sản xuất nhưng mức độ ảnh hưởng thấp hơn.

   Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay phát triển tương đối ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp hàng tháng đều đạt mức tăng trưởng khá, một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì hoạt động ổn định và phát triển, có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017, các nhà máy sản xuất tinh bột sắn do nguồn nguyên liệu đảm bảo đã hoạt động tương đối ổn định. Chỉ số ngành công nghiệp khai khoáng tăng cao do trong năm các công trình xây dựng trên địa bàn phát sinh nhiều với quy mô và  nguồn vốn đầu tư lớn, các công trình giao thông nông thôn bê tông hóa các đường liên thôn, các công trình xây dựng nhà ở khu vực hộ dân cư… phát triển mạnh cần nhiều nguyên vật liệu xây dựng. Các ngành sản xuất như sản xuất trang phục, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại…tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định.

8. Thương mại dịch vụ

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 12 năm 2018 đạt 1.528.958,9 triệu đồng, tăng 1,00% so với tháng trước. Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp ước đạt 1.263.572,9 triệu đồng, chiếm 82,64% trong tổng mức và tăng 1,09%; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch ước đạt 178.030,0 triệu đồng, chiếm 11,64% trong tổng mức và tăng 0,39%; Ngành dịch vụ ước đạt 87.356,0 triệu đồng, chiếm 5,71% trong tổng mức và tăng 0,92%. Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 12 ước tính tăng so tháng trước chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng vào dịp cuối năm.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong quý IV năm 2018 ước tính đạt 4.541.283,6 triệu đồng, tăng 17,07% so với cùng kỳ năm 2017. Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp ước đạt 3.749.211,4 triệu đồng, chiếm 82,56% trong tổng mức và tăng 17,06%; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch ước đạt 531.616,3 triệu đồng, chiếm 11,71% trong tổng mức và tăng 17,25%; Ngành dịch vụ ước đạt 260.455,9 triệu đồng, chiếm 5,74% trong tổng mức và tăng 9,52%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2018 ước tính đạt 17.002.672,5 triệu đồng, tăng 13,64% so với năm 2017.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp ước đạt 14.004.174,7 triệu đồng, chiếm 82,36% trong tổng mức và tăng 13,43%; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch ước đạt 1.990.701,1 triệu đồng, chiếm 11,71% trong tổng mức và tăng 16,63%; Ngành dịch vụ ước đạt 1.007.796,7 triệu đồng, chiếm 5,93% trong tổng mức và tăng 10,89%.

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn  tỉnh năm 2018 ước tính tăng so với năm 2017 là do: trong năm 2018 các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ nhằm ổn định giá cả thị trường đã có hiệu quả rõ rệt, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh nên giá cả các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng tương đối ổn định và phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng nên sức mua tăng; một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã tăng cường triển khai các chương trình khuyến mại đối với một số mặt hàng, thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm kích thích lượng tiêu dùng cũng như sức mua của người dân; mặt khác trong năm 2018 các ngành sản xuất khác như công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp... phát triển tương đối ổn định, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh tăng và chi tiêu cho đời sống theo đó cũng tăng lên đã làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trong năm 2018 tăng so năm 2017 là do các ngành kinh tế khác phát triển ổn định đã ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của một số ngành như dịch vụ lưu trú, kinh doanh bất động sản, dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ...

b) Vận tải

- Hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 12 năm 2018: Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 12 năm 2018 đạt 145.906 triệu đồng, tăng 3,14% so với tháng trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 54.859 triệu đồng, tăng 1,99%; Vận chuyển ước đạt 1.007 nghìn lượt khách, tăng 1,36%; Luân chuyển ước đạt 128.069 nghìn lượt khách.km, tăng 1,21%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 90.445 triệu đồng, tăng 3,86%; Vận chuyển ước đạt 1.013 nghìn tấn, tăng 3,06%; Luân chuyển ước đạt 51.045 nghìn tấn.km, tăng  3,18%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 602 triệu đồng, tăng 0,92%.

Doanh thu và khối lượng vận chuyển hành khách ước tính trong tháng tăng  so với tháng trước là do trong tháng có Lễ Noel và thời gian nghỉ Tết dương lịch 2019 dài ngày nên nhu cầu đi lại của người dân tăng. Doanh thu và khối lượng vận chuyển hàng hoá trong tháng tăng so với tháng trước, một mặt là do hoạt động vận tải hàng hóa tiêu dùng chuẩn bị cho Tết nguyên tăng, mặt khác do hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ ngành xây dựng và vận tải sản phẩm ngành nông nghiệp tăng, nhất là một số sản phẩm như sắn, cà phê.. đang mùa thu hoạch đại trà

- Hoạt động vận tải, kho bãi ước tính quý IV năm 2018: Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính quý IV năm 2018 đạt 425.767 triệu đồng, tăng 4,36% so với quý III năm 2018, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 162.324 triệu đồng, tăng 2,27%; Vận chuyển ước đạt 2.993 nghìn lượt khách, tăng 1,18%; Luân chuyển ước đạt 380.888 nghìn lượt khách.km, tăng 1,16%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 261.657 triệu đồng, tăng 5,71%; Vận chuyển ước đạt 2.951 nghìn tấn, tăng 4,32%; Luân chuyển ước đạt 148.692 nghìn tấn.km, tăng 5,76%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 1.786 triệu đồng, tăng 4,01%.

- Hoạt động vận tải, kho bãi ước tính năm 2018: Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính năm 2018 đạt 1.621.461 triệu đồng, tăng 12,03% so với năm 2017, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 623.355 triệu đồng, tăng 12,58%; Vận chuyển ước đạt 11.661 nghìn lượt khách, tăng 9,51%; Luân chuyển ước đạt 1.478.869 nghìn lượt khách.km, tăng 9,29%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 991.439 triệu đồng, tăng 12,02%; Vận chuyển ước đạt 11.312 nghìn tấn, tăng 9,76%; Luân chuyển ước đạt 563.721 nghìn tấn.km, tăng 8,89%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 6.666 triệu đồng, tăng 14,51%.

9. Các vấn đề xã hội

a) Dân số, đời sống dân cư

- Dân số: Ước tính dân số trung bình năm 2018 là 532.573 người, tăng 2,41% so với năm 2017, trong đó nam 281.858 người, thành thị 189.515 người.

- Đời sống dân sư:

+ Tình hình biến động đời sống của dân cư

Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong năm 2018 tương đối ổn định, giá cả thị trường của một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tuy có tăng nhưng không có hiện tượng tăng giá đột biến; tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo; buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại... vẫn còn xảy ra nhưng đã giảm về quy mô và mức độ so với các năm trước; tình hình dịch bệnh, sâu bệnh trên cây trồng và thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, cùng các ngành, các cấp đã tăng cường công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh, thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ, bảo đảm đồng bộ, không để xảy ra tình trạng chi phối thị trường; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; rà soát và thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội; tích cực phòng chống dịch bệnh ở người và gia súc; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân.

+ Thực trạng đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương và giải quyết việc làm: Trong năm 2018,  mức lương cơ sở đối với cán bộ, công nhân viên chức, người lao động được điều chỉnh theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, theo đó từ ngày 01/7/2018 điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng (tăng 6,92%), áp dụng cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện, ở cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang. Vì vậy, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang dần được cải thiện hơn so với năm 2017.

+ Thực trạng đời sống dân cư nông thôn

Xác định tầm quan trong và ý nghĩa của công tác xây dựng nông thôn mới, song song với việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự nỗ lực của các Sở, ngành, sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện, đã đạt được những thành quả nhất định, như: Hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt; diện mạo nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có những thay đổi, nhờ đó phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân, được nhân dân ủng hộ và đồng lòng triển khai thực hiện; đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 4-5%... Hiện tại, toàn tỉnh đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 22 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 43 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chỉ còn 03 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2018, có thêm 06 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 19 xã, vượt kế hoạch đề ra.

+ Giải quyết việc làm: Công tác lao động, giải quyết việc làm được quan tâm; Tổng số lao động được tạo việc làm thông qua chương trình việc làm từ đầu năm đến nay là 1.875 lao động, đạt 113,63% kế hoạch năm (Trong đó, thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm 1.149 lao động, cung ứng lao động thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm 576 lao động, xuất khẩu lao động: 150 lao động). Đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đã giải ngân cho vay trên 34 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 1.149 lao động thông qua nguồn vốn giải quyết việc làm.

+ Công tác đào tạo nghề: Công tác đào tạo nghề được quan tâm, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

+ Công tác giảm nghèo

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo, tạo cho hộ nghèo có cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, các ngành các cấp thực hiện rà soát các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 có tỷ lệ hộ nghèo cao, hướng dẫn xây dựng dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2018.

b) Giáo dục

Hệ thống trường, lớp học được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; hệ thống công trình vệ sinh, nước sạch cơ bản đảm bảo. Chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, trong đó, chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số được cải thiện. Tổng số học sinh các cấp ra lớp năm học 2018-2019 đạt 155.271 em. Công tác dạy học và chăm sóc, giáo dục trẻ được đổi mới. Tỷ lệ thí sinh được công nhận tốt nghiệp kỳ thi quốc gia THPT năm 2018 đạt 95,87%, tăng 1,13% so với so cùng kỳ năm 2017. Toàn tỉnh có 158 trường đạt chuẩn quốc gia. Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở tại 102 xã, phường, thị trấn được giữ vững. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được quan tâm, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác xóa phòng học tạm được chú trọng.

c) Y tế

- Tình hình dịch bệnh

Tay - Chân - Miệng: Trong tháng, ghi nhận 16 ca mắc mới, giảm 50 ca so với tháng trước và giảm 10 ca so với tháng 11/2017; trong đó có 4 ổ dịch mới tại huyện Đắk Glei. Lũy tích đến 30/11/2018, ghi nhận 181 ca, không có tử vong, giảm 154 ca so cùng kỳ năm 2017.

Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 03 ca mắc mới, giảm 11 ca so với tháng trước và giảm 32 ca so với tháng 11/2017. Lũy tích đến 30/11/2018, ghi nhận 366 ca, không có tử vong, giảm 492 ca so cùng kỳ năm 2017.

Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 42 ca mắc mới, tăng 29 ca so với tháng trước và giảm 11 ca so với tháng 11/2017. Lũy tích đến 30/11/2018, ghi nhận 325 ca, không có tử vong, tăng 80 ca so cùng kỳ năm 2017.

Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 67 ca mắc mới, giảm 59 ca so với tháng trước và giảm 09 ca so với tháng 11/2017; trong đó ghi nhận 12 ổ dịch mới. Lũy tích đến 30/11/2018, ghi nhận 456 ca, không có tử vong, giảm 63 ca so với cùng kỳ năm 2017.

Sốt rét: Trong tháng, ghi nhận 24 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 03, Đắk Hà 03, Đắk Tô 02, Ngọc Hồi 03, Tu Mơ Rông 01, Kon Plông 01, Sa Thầy 06, Ia H’Drai 03, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 01, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi 01), giảm 09 ca so với tháng trước và tăng 05 ca so với tháng 11/2017. Lũy tích đến 30/11/2018, ghi nhận 219 ca, không có sốt rét ác tính và không có tử vong, tăng 04 ca so với cùng kỳ năm 2017.

Viêm não Nhật Bản: Trong tháng, không ghi nhận mắc mới. Lũy tích đến 30/11/2018, ghi nhận 02 ca, không có tử vong, giảm 02 ca so với cùng kỳ năm 2017.

Viêm gan vi rút A: Trong tháng không ghi nhận mắc mới, giảm 01 ca so với tháng trước và giảm 04 ca so với tháng 11/2017. Lũy tích đến 30/11/2018, ghi nhận 42 ca, không có tử vong, tăng 37 ca so với cùng kỳ năm 2017.

Bạch hầu: Trong tháng, ghi nhận 03 ca mắc mới, tăng 01 ca so với tháng trước và tăng 03 ca so với tháng 11/2017. Trong đó ghi nhận 03 ổ dịch. Lũy tích đến 30/11/2018, ghi nhận 07 ca mắc, tăng 07 ca so với cùng kỳ năm 2017, có 02 ca tử vong, tăng 02 ca so với cùng kỳ năm 2017.

Lao: Trong tháng, thu nhận và điều trị 19 bệnh nhân lao các thể, trong đó AFB (+): 14. Lũy tích đến 30/11/2018, thu nhận và điều trị 231 bệnh nhân lao các thể.

Phong: Trong tháng, không ghi nhận bệnh nhân phong mới. Tính đến 30/11/2018, ghi nhận 02 bệnh nhân phong mới; quản lý và điều trị 224 bệnh nhân.

Bệnh dại: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đến 30/11/2018,  ghi nhận 04 ca mắc và tử vong và tăng 03 ca so với cùng kỳ năm 2017.

- Phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, không nhận trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 04 trường hợp so với tháng trước. Lũy tích nhiễm HIV/AIDS tính đến ngày 30/11/2018: 478 người, trong đó số người tử vong do AIDS 178, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống 300 người (đang quản lý được 145 người). Số bệnh nhân hiện đang điều trị thuốc ARV: 108 người, trong đó: 102 người lớn và 06 trẻ em; điều trị dự phòng cho 01 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid (INH) 33 người.

- An toàn vệ sinh thực phẩm: Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố: Tổng số cơ sở được kiểm tra 49 cơ sở, trong đó 32 cơ sở đạt, chiếm tỷ lệ 65,31%.

Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc, ghi nhận 07 ca ngộ độc thực phẩm do ăn uống không bảo đảm vệ sinh.

d) Hoạt động văn hóa thể thao

Từ ngày 14 đến 17/12/2018, đã diễn ra Tuần văn hóa du lịch Kon Tum lần thứ IV- 2018, với sự tham gia của hơn 700 nghệ nhân, nghệ sỹ đến từ các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, An Giang. Lễ khai mạc Tuần văn hóa du lịch Kon Tum lần thứ IV- 2018 với chủ đề “Sắc thắm Pơ Lang” diễn ra lúc 19h30 ngày 14/12 tại Quảng trường 16/3 thành phố Kon Tum. Trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch Kon Tum còn diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc phục vụ du khách như: Liên hoan Văn hóa ẩm thực; Liên hoan tạc tượng gỗ dân gian; Giới thiệu sản phẩm du lịch của các địa phương trong tỉnh và các tỉnh bạn; Triển lãm di sản văn hóa, trình diễn cây nêu truyền thống, trải nghiệm các trò chơi dân gian; Lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu văn hóa”; Giới thiệu và tổ chức các tour du lịch dã ngoại...

- Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng diễn ra thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo. Hoạt động văn hóa đọc được chú trọng. Các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa và danh thắng tiếp tục được quan tâm bảo tồn, khôi phục.

- Phong trào thể dục thể thao, phong trào toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại được đẩy mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đại hội thể dục thể thao tỉnh Kon Tum lần thứ VI đã diễn ra thành công với 17 đoàn cùng hơn 1.300 vận động viên tham gia ở 15 môn. Thể thao thành tích cao được duy trì luyện tập và thi đấu; các lớp năng khiếu tiếp tục duy trì nhằm bổ sung lực lượng vận động viên cho tỉnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được chú trọng thực hiện; tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa là 74%. Các thiết chế văn hóa - thể thao được quan tâm đầu tư; toàn tỉnh có 43 nhà văn hóa cấp xã, 06 trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện.

e) Tình hình An ninh trật tự - an toàn giao thông (ANTT – ATGT)

- Tình hình  ANTT – ATGT tháng 11/2018

 Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 40 vụ (tăng 14 vụ so với tháng trước), trong đó: Vô ý làm chết người 01 vụ, cướp tài sản 02 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 04 vụ, trộm cắp tài sản 18 vụ, cố ý làm hư hỏng tài sản 02 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 02 vụ, cố ý gây thương tích 05 vụ, vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ 05 vụ, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 01 vụ. Thiệt hại: chết 04 người, bị thương 09 người, mất 07 ĐTDĐ, 13 mô tô và 1.110 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản khác trị giá 50 triệu đồng.

 Tội phạm về ma túy: phát hiện 04 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy. Thu giữ 03 gói, 0.7875gr ma túy tổng hợp, 21,7893gr Methamphetamine.

Tội phạm kinh tế: Phát hiện 04 vụ, trong đó: Vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ, cất dấu tài sản trái phép 01 vụ, buôn bán hàng cấm 01 vụ, vận chuyển hàng cấm 01 vụ.

Tai nạn giao thông: xảy ra 15 vụ (tăng 12 vụ so với tháng trước). Hậu quả: chết 04 người, bị thương 12 người, hư hỏng 06 xe ô tô, 16 mô tô, 01 xe máy.

Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 2.546 trường hợp vi phạm Luật GTĐB; tạm giữ 602 phương tiện, 1.461 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 2.478 trường hợp, thu 1.193.970.000  đồng nộp ngân sách.

- Tình hình ANTT – ATGT 11 tháng năm 2018

Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: phát hiện 368 vụ. Trong đó: Trộm cắp tài sản 116 vụ, cố ý gây thương tích 64 vụ, giết người 11 vụ, giết người, gây rối trật tự công cộng 02 vụ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ 40 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 22 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 17 vụ, chống người thi hành công vụ 03 vụ, dâm ô với trẻ em 01 vụ, cưỡng đoạt tài sản 05 vụ, cố ý gây thương tích dẫn đến chết người 01 vụ, sử dụng trái phép vật liệu nổ 01 vụ, làm nhục người khác 01 vụ, đánh bạc 12 vụ, chứa mại dâm 01 vụ, hiếp dâm trẻ em 03 vụ, gây rối trật tự công cộng 04 vụ, cướp tài sản 07 vụ, vô ý làm chết người 03 vụ, hủy hoại tài sản 03 vụ, đe dọa giết người 01 vụ, tàng trữ sử dụng vũ khí quân dụng 02 vụ, cố ý hủy hoại tài sản 01 vụ, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng 02 vụ, sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan tổ chức 02 vụ, giao cấu với trẻ em 01 vụ, tham ô tài sản 01 vụ, cố ý làm hư hỏng tài sản 05 vụ, giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng 01 vụ, bắt giữ người trái pháp luật 01 vụ, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 01 vụ, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích 01 vụ, cướp giật tài sản 01 vụ, công nhiên chiếm đoạt tài sản 01 vụ, cố ý gây thương tích, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép 01 vụ, tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép 01 vụ, vi phạm các quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản 02 vụ, khai thác lâm sản trái phép 01 vụ, dâm ô đối với người dưới 16 tuổi 03 vụ, hiếp dâm 03 vụ, hiếp dâm đối với người dưới 16 tuổi 02 vụ, cố ý gây thương tích, cố ý làm hư hỏng tài sản 02 vụ, trộm cắp tài sản, huỷ hoại tài sản 01 vụ, trộm cắp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý 01 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ, vận chuyển hàng cấm 01 vụ, cho vay nặng lãi trong giao dịch nhân sự 02 vụ, vi phạm chế độ một vợ một chồng 01 vụ, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản 01 vụ, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản 02 vụ, trộm cắp tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 01 vụ, xâm phạm chổ ở người khác 01 vụ, giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi 01 vụ, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác 01 vụ, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 01 vụ.

Tội phạm kinh tế: Phát hiện 42 vụ, trong đó: Vận chuyển pháo trái phép 23 vụ, tàng trữ trái phép 02 vụ, sử dụng trái phép pháo 03 vụ, tàng trữ  vận chuyển trái phép pháo 02 vụ, vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản 06 vụ, cho vay nặng lãi trong giao dịch nhân sự 02 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ, vận chuyển hàng cấm 02 vụ, tàng trữ hàng cấm 01 vụ.

Tai nạn giao thông: xảy ra 66 vụ, hậu quả: chết 59 người, bị thương 64 người, hư hỏng 32 xe ô tô, 53 xe mô tô, 01 xe máy, 01 xe đạp, 03 phương tiện khác.

Qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 20.502 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; tạm giữ 6.550 phương tiện, 9.780 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 21.086 trường hợp, thu 10.911 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

f) Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

- Tình hình cháy, nổ: Trong tháng 11/2018 xảy ra 01 vụ cháy nhà dân. Nguyên nhân do tự đốt, ước thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay xảy ra 29 vụ cháy, ước tổng thiệt hại khoảng 4.051,3 triệu đồng.

- Tình hình vi phạm môi trường: Trong tháng trên địa bàn tỉnh Kon Tum không xảy ra vụ vi phạm môi trường.

10. Đề xuất một số giải pháp

Để kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới cần có một số giải pháp cụ thể đó là:

- Tiếp tục phát triển toàn diện nông nghiệp đi vào chiều sâu, theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển các loại cây trồng có lợi thế; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

- Quy hoạch, bảo tồn, đầu tư và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ. Trước mắt, ưu tiên đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tập trung đối với 10 loài dược liệu thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và phân phối dược liệu; chú trọng bảo tồn nguồn gen thuần chủng của Sâm Ngọc Linh, không bị lai tạp hay bị nhầm lẫn với các loại sâm, dược liệu khác; tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm lực, công nghệ, kinh nghiệm tham gia trồng, chế biến Sâm Ngọc Linh, trong đó chú trọng xây dựng một số doanh nghiệp hạt nhân trở thành nhà tiên phong để đưa thương hiệu Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

- Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay để trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nhằm phát triển rừng bền vững gắn với đảm bảo sinh kế của người dân sống gần rừng.

- Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cây trồng; phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng tập trung gắn với bảo vệ môi trường và đi đôi với phòng, chống dịch bệnh; tận dụng các diện tích đất trống để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.

- Nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của ngành như: chế biến nông lâm sản, phát triển thủy điện, điện mặt trời, khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm sản, dược liệu; sản xuất vật liệu xây dựng (ưu tiên vật liệu xây dựng không nung); phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

- Tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe Nhân dân; thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong các dịp lễ, tết.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách của tỉnh, các công trình có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các vùng, các ngành, lĩnh vực; các dự án khắc phục thiên tai, hạn hán, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt; phát triển ba vùng kinh tế động lực; giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới.

- Tăng cường thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là địa bàn thành phố Kon Tum để tương xứng với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.

 

[1] Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2018 đã được Tổng cục Thống kê công bố tại văn bản  số 1289/TCTK-TKQG ngày 28 tháng 11 năm 2018, thực hiện Quyết định 715/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC