• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Tư, 05/02/2025 16:56
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum tháng 01 năm 2025
Cập nhật: Thứ Hai, 03/02/2025 14:42

 

Năm 2025 là năm bức phá, về đích để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn và thách thức. Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh xác định tại các Nghị quyết[1] ban hành thực hiện trong năm 2025. Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp, bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2025. Đồng thời, tích cực triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng chỉ đạo của Trung ương; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và Nhân dân tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2025 đạt được như sau:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Trên cơ sở kế hoạch phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2025, ngay từ đầu năm, Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động triển khai, chỉ đạo, theo dõi và nắm bắt tình hình sản xuất. Tập trung chủ yếu vào công tác gieo trồng lúa vụ Đông Xuân và các cây rau, quả phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2025. Ngành chăn nuôi kiểm soát được dịch bệnh, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định.

a) Nông nghiệp

Tình hình sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân 2024-2025 được giám sát chặt chẽ đúng quy trình, ngành Nông nghiệp đã đưa ra các kế hoạch và giải pháp hiệu quả như: gieo sạ đúng lịch thời vụ; chọn giống tốt có chất lượng và năng suất cao phù hợp với từng địa phương; tăng cường công tác phòng ngừa sâu bệnh và hướng dẫn các địa phương ứng dụng tổng hợp nhiều giải pháp kỹ thuật trong canh tác; khuyến cáo các địa phương chú trọng tu sửa, gia cố, nâng cấp các hồ, đập để nâng cao khả năng tích trữ nguồn nước, hạn chế những khó khăn, thiệt hại do khô hạn, thiếu nước gây ra.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 01 năm 2025, tập trung vào gieo trồng cây lúa và các loại cây hàng năm khác vụ Đông Xuân 2024-2025. Ước tính đến thời điểm ngày 20/01/2025 tổng DTGT cây hàng năm vụ Đông Xuân 2024-2025 tỉnh Kon Tum là: 7.031 ha, tăng 8,58% (+555,5 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

- Cây lúa DTGT: 5.339 ha, tăng 12,21% (+581 ha) so với cùng kỳ năm trước. DTGT tăng là do thời tiết thuận lợi nên người dân xuống giống cho kịp thời vụ. Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích cây lúa đã gieo sạ phát triển tốt, hiện tượng sâu bệnh không xảy ra.

- Các loại cây khác so với cùng kỳ năm trước như cây rau các loại gieo trồng được 934 ha, tăng 1,20% (+11,1 ha), khoai lang gieo trồng được 12 ha, tăng 4,35% (+0,5 ha); cây lạc gieo trồng được 14 ha, tăng 2,19% (+0,3 ha); cây ngô gieo trồng được 294 ha, giảm 4,85% (-15 ha); đậu các loại gieo trồng được 45 ha, tăng 2,67% (+1,2 ha).

Tết Ất Tỵ năm 2025, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn tỉnh tích cực sản xuất hàng hóa, nông sản đáp ứng  nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối năm. Các loại rau, củ, quả phục vụ cho thị trường Tết phát triển tương đối ổn định.

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định. Các cơ quan chuyên môn quan tâm, khẩn trương thực hiện tốt phương án phòng chống dịch bệnh ở động vật; tăng cường công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường vệ sinh an toàn; duy trì công tác giám sát, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát hoạt động giết mổ, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác tái đàn gia súc, gia cầm để đảm bảo sản lượng thịt, đáp ứng thị trường vào dịp Tết Ất Tỵ năm 2025.

Ước tính đến thời điểm ngày 31/01/2025 tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh so với cùng kỳ năm trước như sau:

Tổng đàn trâu 25.064 con, tăng 3,91% (+942 con) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn bò 98.900 con, tăng 15,96% (+13.611 con) so với cùng kỳ năm trước. Số lượng đàn bò tăng là do nhiều hộ dân được hỗ trợ giống từ các dự án và chương trình mục tiêu quốc gia nên số lượng đàn bò tăng cao ở một số huyện như Đăk Tô, Sa Thầy.

Tổng đàn lợn (không bao gồm lợn con chưa tách mẹ) 190.274 con, tăng 17,8% (+28.754 con) so với cùng kỳ năm trước. Số lượng đàn lợn tăng cao là do trong thời gian qua giá lợn hơi ổn định, nhu cầu thịt lợn cao, việc chăn nuôi lợn mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân đầu tư nuôi lợn nhiều và hiện nay mô hình nuôi gia công với chi phí thấp, nên một số doanh nghiệp, trang trại và hộ dân đang mở rộng chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, do Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P Việt Nam – Chi Nhánh NM 2 Tại Bình Định đầu tư nuôi lợn thịt tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy nên làm cho tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh tăng cao.

Tổng đàn gia cầm 2.114.200 con, tăng 4,9% (+98.720 con) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: đàn gà 1.840.800 con, tăng 4,95% (+86.800 con) so với cùng kỳ năm trước.

b) Lâm nghiệp

Trong tháng  01 năm 2025, Ngành Kiểm lâm tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng, tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra, phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân góp phần ngăn chặn kịp thời và làm giảm đáng kể số vụ vi phạm lâm luật.

Tính đến 20/01/2025, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng, phá rừng trái pháp luật, công tác trồng và chăm sóc rừng được các ngành, các cấp chủ động triển khai theo kế hoạch.

Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/01/2025, trên địa bàn tỉnh tổng lượng gỗ khai thác các loại đạt 7.911 m3, tăng 2,0% (+156 m3) so với năm trước; Lượng củi khai thác đạt 22.494 ster, tăng 2,3% (+509 ster) so với năm trước. Sản lượng gỗ và củi tăng là do nhu cầu thị trường tăng nên doanh nghiệp và người dân tăng sản lượng khai thác.

c) Thuỷ sản

- Ước tính đến 31/01/2025, diện tích nuôi trồng thủy sản là 1.018 ha, tăng 6,6 % (+63 ha) so với cùng kỳ năm trước.

- Sản lượng thủy sản ước tính đạt 512 tấn, tăng 6,4% (+31 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 315 tấn, tăng 6,9% (+20 tấn).

Sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt là 197 tấn, tăng 5,9% (+11 tấn).

Nhìn chung sản lượng thủy sản trong kỳ tăng do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so với năm trước, cùng với khai thác đánh bắt của các hộ trên các hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối tăng. Mặt khác do trong tháng chuẩn bị rơi vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, người dân thu hoạch sản lượng cá nuôi trồng và khai thác bán ra thị trường nhiều để phục vụ nhu cầu tiêu dùng; Trong thời gian tới, ước tính sản lượng thủy sản tăng nhanh do thời tiết diễn ra thuận lợi, lượng nước trên các con sông, suối giảm dần tạo điều kiện cho người dân đi khai thác cá và thủy sản khác nhiều làm cho sản lượng tăng hơn.

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong tháng 01 năm 2025 tương đối ổn định, nhìn chung các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng, mặt dù cuối tháng Một là thời điểm tết Nguyên đán nhưng hầu hết các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn duy trì sản xuất đến cuối tháng nên chỉ số sản xuất chung vẫn tăng so với cùng kỳ. Đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao như ngành chế biến gỗ, sản xuất các sản phẩm từ cao su... do nguồn nguyên liệu đảm bảo và tình hình tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ngành sản xuất, phân phối điện hiện tại đang trong giai đoạn mùa khô nhưng vẫn duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt trong tỉnh cũng như điều tiết chung của ngành điện. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có mức tăng trưởng khá, một phần do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng cao, một phần các đơn vị cung cấp nước đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cung cấp nước đến các khu dân cư, tăng lượng khách hàng sử dụng nước sạch; bên cạnh đó các đơn vị thu gom, xử lý rác thải luôn mở rộng địa bàn thu gom, xử lý rác, tăng năng lực thu gom, xử lý rác.

a) Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 năm 2025 ước tính tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng cao nhất ở ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải (tăng 10,71%), do nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao, hệ thống cung cấp nước được đầu tư nâng cấp và mở rộng hơn, tăng số lượng khách hàng sử dụng nước sạch; một mặt các đơn vị hoạt động thu gom, xử lý rác thải mở rộng địa bàn thu gom rác thải, tăng công suất hoạt động của nhà máy. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tăng 10,15%, hiện tại nhiều công trình xây dựng đang tập trung thi công để kịp tiến độ trước khi nghỉ tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ đá, cát sỏi tăng cao nên các đơn vị tăng sản lượng khai thác để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng trong và ngoài tỉnh. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,74%, chủ yếu giảm ở ngành sản xuất tinh bột sắn, nguyên nhân đến cuối tháng 01 nguồn cung cấp nguyên liệu sắn giảm do các hộ dân ngừng thu hoạch để đón tết Nguyên đán, một mặt hiện tại lượng tinh bột sắn tồn kho lớn do xuất khẩu chậm, giá bán có xu hướng giảm nên các nhà máy tinh bột sắn giảm sản lượng sản xuất. Ngành sản xuất phân phối điện tăng tăng 6,41% do điều tiết hoạt động chung của ngành điện.

So với tháng trước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 01 ước tính giảm 10,26%. Trong đó ngành khai thác khoáng sản giảm 17,31%, ngành  công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,98%; nguyên nhân chỉ số sản xuất 2 ngành này giảm so với tháng trước do năm nay tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 01, các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp tạm nghỉ một thời gian để đón tết nên chỉ số sản xuất 2 ngành này giảm. Ngành sản xuất phân phối điện giảm 11,58% do điều tiết chung của ngành điện, hiện tại trên địa bàn tỉnh đang là mùa khô, lượng nước trên các hồ chứa bắt đầu xuống thấp nên phần lớn các nhà máy thủy điện chủ động giảm công suất để ổn định sản xuất. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,18% do nhu cầu của người dân tăng cao trong dịp tết Nguyên đán.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2025 của một số ngành trọng điểm cấp II đa số tăng so với cùng kỳ năm trước: Khai khoáng khác tăng 10,15%; Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 10,57%; Sản xuất trang phục tăng 3,18%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 30,30%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 13,95%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 17,52%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 5,01%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 15,45%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,40%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 0,35%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,41%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng  9,94%...

b) Sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp

Ước tính một số sản phẩm sản xuất tháng 01 năm 2025 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 54.183 m3, tăng 8,78%; Tinh bột sắn ước tính sản xuất 31.150 tấn, giảm 17,27%; Đường RE đạt 5.540 tấn, tăng 6,31%; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) đạt 3.851 m3, tăng 13,95%; Sản phẩm in khác (quy khổ 13cmx19cm) đạt 24,73 triệu trang, tăng 17,52%; Cồn béo công nghiệp đạt 810 tấn, tăng 4,65%; Phân vi sinh đạt 120 tấn, tăng 8,11%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 18,01 triệu viên, tăng 6,15%; Ngói, phiến đá lát đường và các sản phẩm tương tự bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 37,72 nghìn viên, tăng 3,16%; Cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 2.560 tấn, tăng 27,30%; Ghế khác có khung bằng gỗ đạt 27.564 chiếc, tăng 1,05%; Bàn gỗ các loại đạt 10.681 chiếc, tăng 1,53%; Điện sản xuất 345,24 triệu Kwh, tăng 5,62%; Nước uống được đạt 365 nghìn m3, tăng 5,03%...

c) Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng Một năm 2025 ước tính tăng 0,07% so với tháng trước và giảm 0,93% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhà nước tăng 0,2%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 1,55%. Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành Khai khoáng giảm 5,93%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,26%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 1,88%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,26% so với cùng kỳ năm trước.

3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng 01 năm 2025 (tính đến ngày 20/01/2025), có 19 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn điều lệ là 133 tỷ đồng, 35 doanh nghiệp hoạt động trở lại, 132 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 04 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể và 07 doanh nghiệp đã giải thể.

Theo khu vực kinh tế có 01 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; 04 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng; 14 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ.

4. Hoạt động ngân hàng[2]

a) Tình hình thực hiện lãi suất

Trong kỳ báo cáo, các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định. Hiện nay, các TCTD trên địa bàn áp dụng mức lãi suất như sau:

- Lãi suất huy động bằng VNĐ: Tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng : ≤0,5 %/năm; Tiền gửi kỳ hạn từ 01 đến dưới 6 tháng, lãi suất từ ≤4,75%/năm; Tiền gửi kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng: 4,0-4,5%/năm; Tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên: 4,5-5,0%/năm.

- Lãi suất cho vay bằng VNĐ: Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến: 4,0-9,0%/năm; Lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến: 9,0-12,0%/năm.

b) Hoạt động huy động vốn và hoạt động tín dụng

- Hoạt động huy động vốn: Trong kỳ báo cáo, mức lãi suất huy động tiếp tục được duy trì khá ổn định.  Ngay từ đầu năm, các TCTD trên địa bàn tích cực đẩy mạnh nhiều biện pháp, chương trình khuyến mại để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ nền kinh tế, nên nguồn vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định, đáp ứng được một phần nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn.

Đến ngày 31/01/2025, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 25.800 tỷ đồng, tăng 0,8% (+195 tỷ đồng) so với cuối năm 2024. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 1.910 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,4% tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,2% (+4 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2024.

- Hoạt động tín dụng: Trong kỳ báo cáo, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Chi nhánh, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước những thách thức của nền kinh tế, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục góp phần tích cực vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương, các TCTD đã triển khai đa dạng, linh hoạt các sản phẩm tín dụng, các gói tín dụng ưu đãi của riêng từng hệ thống TCTD để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Đến ngày 31/01/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 49.800 tỷ đồng, tăng 0,6% (+273 tỷ đồng) so với cuối năm 2024. Trong đó:

+ Dư nợ phân theo kỳ hạn: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 32.500 tỷ đồng, chiếm 65,3% tổng dư nợ, tăng 0,5% (+162 tỷ đồng) so với đầu năm; Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 17.300 tỷ đồng, chiếm 34,7% tổng dư nợ, tăng 0,6% (+111 tỷ đồng) so với đầu năm.

+ Dư nợ phân theo loại hình tổ chức/cá nhân: Dư nợ cho vay doanh nghiệp ước đạt 15.900 tỷ đồng, chiếm 31,9% tổng dư nợ, tăng 0,9% (+147 tỷ đồng) so với đầu năm; Dư nợ cho vay hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã ước đạt 65 tỷ đồng, chiếm 0,1% tổng dư nợ, tăng 8,4% (+5 tỷ đồng) so với đầu năm; Dư nợ cho vay hộ kinh doanh và cá nhân ước đạt 33.831 tỷ đồng, chiếm 67,9% tổng dư nợ, tăng 0,4% (+121 tỷ đồng) so với đầu năm; Dư nợ cho vay khác ước đạt 3,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong tổng dư nợ.

5. Vốn đầu tư

Hoạt động đầu tư trong tháng Một năm 2025 tập trung chủ yếu vào thi công các công trình, dự án trọng điểm chuyển tiếp từ năm trước, hoàn tất các thủ tục nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành của năm 2024. Đối với các công trình mới được bố trí vốn năm 2025 chủ yếu đang trong trong thời gian hoàn tất các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư nên chưa có khối lượng thực hiện.

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum tháng 01 năm 2025 ước tính là 157,33 tỷ đồng, giảm 82,07% so với tháng trước và tăng 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân vốn thực hiện tháng 01 năm 2025 giảm so với tháng  12 năm 2024 là do tháng trước là tháng cuối năm các đơn vị tăng cường triển khai thi công các công trình nhằm đảm bảo tiến độ cả năm, bên cạnh đó tháng 01 năm 2025 các đơn vị chủ yếu triển khai thực hiện các nguồn vốn chuyển từ năm trước sang, các công trình được giao trong kế hoạch năm 2025 chưa bắt đầu triển khai thực hiện phần nào đã ảnh hưởng đến tổng vốn thực hiện trong tháng. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, Chia ra:

- Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp tỉnh là 122,38 tỷ đồng, giảm 79,91% so với  tháng  trước và chiếm tỷ trọng 77,78% trong tổng số nguồn vốn và tăng 0,06% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, ... Trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh là 90,4 tỷ đồng chiếm 73,87%; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 27,19 tỷ đồng, chiếm 22,22%; nguồn vốn Xổ số kiến thiết là 4,79 tỷ đồng, chiếm 3,91% trong tổng nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh.

- Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện là 34,95 tỷ đồng, giảm 86,98 % so với tháng trước và chiếm tỷ trọng 22,22% trong tổng số nguồn vốn và tăng 1,03% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trên địa bàn các  huyện, thành phố thuộc tỉnh, trong đó: vốn cân đối ngân sách huyện là 18,96 tỷ đồng, chiếm 54,23%; nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 15,99 tỷ đồng, chiếm 45,77%.

- Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp xã không phát sinh.

Nhìn chung trong tháng 01 năm 2025 tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2024 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn, bên cạnh đó nguồn vốn theo kế hoạch năm 2025 đang được các đơn vị triển khai các khâu chuẩn bị thực hiện dự án. Cụ thể một số dự án trọng điểm như: Công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 675 đoạn từ km0-km24 (thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy); Công trình Đường trung tâm phía nam thị trấn Plei Kần; công trình trụ sở làm việc Công an tỉnh Kon Tum; Công trình nhà thi đấu tỉnh Kon Tum; Công trình kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum (tuyến bờ bắc – đoạn từ làng Kon Hra Chót đi làng Kon Tum Kơ Nâm, Kon Klo1 và Kon Tum Kơ Pơng); Công trình trụ sở làm việc của UBND tỉnh, các sở ban ngành và các hạng mục phụ trợ...

6. Thương mại, dịch vụ

Bước sang năm 2025, năm được xác định là năm tăng tốc, về đích trong quá trình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tháng 01 là thời điểm Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đã cận kề, chính vì thế ở thời điểm này nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao, đây cũng là thời điểm lượng lớn hàng hóa được các doanh nghiệp đưa ra thị trường, các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi động với hàng loạt chương trình kích cầu, các doanh nghiệp tăng cường khuyến mãi, giảm giá, kết hợp với các sự kiện văn hóa nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước thực hiện tháng 01 năm 2025 đạt 3.602,48 tỷ đồng, tăng 4,17% với tháng trước và tăng 17,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.036,61 tỷ đồng, chiếm 84,29% trong tổng số, tăng 4,43% so với tháng trước và  tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. 

a) Bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

 Hoạt động thương mại dịch vụ tháng 01 năm 2025 diễn ra khá sôi động trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước thực hiện tháng 01 năm 2025 đạt 3.602,48 tỷ đồng, tăng 4,17% với tháng trước và tăng 17,09% so với cùng kỳ năm trước. 

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01 năm 2025 ước đạt 3.036,61 tỷ đồng, chiếm 84,29% trong tổng số, tăng 4,43% so với tháng trước và  tăng 16,50% so với cùng kỳ năm trước. Đa số các nhóm hàng hóa có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm, tăng 13,24%; Hàng may mặc, tăng 20,67%; Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, tăng 20,51%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục, tăng 14,11%; Gỗ và vật liệu xây dựng, tăng 23,91%; Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi), tăng 38,02%; Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng), tăng 4,81%; Xăng, dầu các loại, tăng 20,27%; Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu), tăng 14,59%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm, tăng 6,99%; Hàng hoá khác, tăng 26,87%; Doanh thu dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tăng 22,16%.

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch tháng 01 năm 2025 ước đạt 358,99 tỷ đồng, chiếm 9,97% trong tổng số, tăng 2,69% so với tháng trước và  tăng 21,84% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 25,52 tỷ đồng, tăng 21,28%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 332,95 tỷ đồng, tăng 21,82 %; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ đạt 0,52 tỷ đồng, tăng 95,78% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu dịch vụ khác tháng 01 năm 2025 ước đạt 206,88 tỷ đồng, chiếm 5,74% trong tổng số tăng 3,01% so với tháng trước và  tăng 17,93% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số dịch vụ có mức tăng cao so như: Dịch vụ kinh doanh bất động sản, tăng 18,17%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ, tăng 20,19%; dịch vụ giáo dục và đào tạo, tăng 18,46%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tăng 10,77%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí, tăng 15,09%; dịch vụ khác, tăng 20,05%...

Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành giá và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 (theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)  bảo đảm nguồn cung hàng hóa gắn với bình ổn thị trường, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách khuyến khích tiêu dùng, cung cấp hàng hóa dồi dào có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân với giá bình ổn, không xảy ra tình trạng thiếu hàng gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong dịp Tết  Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; Đảm bảo cung cầu, giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ trực tiếp nhu cầu của người dân như nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng thiết yếu khác… Giá cả bình ổn đến tay người tiêu dùng, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (như Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm 2025, trên địa bản tỉnh có các điểm bán hàng bằng xe lưu động: Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông; xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei; xã Đăk Ring, huyện Kon Plông..). Nhìn chung, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được triển khai tích cực bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

b) Hoạt động vận tải, kho bãi

Hoạt động vận tải tháng 01 năm 2025 tiếp tục tăng về lượng khách vận chuyển và lượng hàng hóa vận chuyển so với tháng trước và cùng kỳ năm 2024. Hoạt động vận chuyển hành khách tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân một mặt là do trong tháng có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 do đó nhu cầu đi lại của người dân về quê thăm Tết tăng, tuy nhiên mức tăng không cao là do người dân sử dụng phương tiện cá nhân đi lại nhiều hơn năm trước. Mặt khác, thực hiện việc phụ thu giá vé bù chiều rỗng cho xe ô tô vận chuyển hành khách dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân năm 2025, các doanh nghiệp vận tải đã thực hiện đăng ký phụ thu giá vé vận chuyển hành khách phục vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025 để bù chiều rỗng không có khách hoặc ít khách, giá vé tăng từ 20% đến 60% bắt đầu từ ngày 17/01/2025 (ngày 18/12/2024 âm lịch) đến ngày 09/02/2025 (ngày 12/01/2025 âm lịch), có quy định chi tiết theo từng mức tăng, thời gian tăng theo từng tuyến đường vận tải, đồng thời các đơn vị vận tải hành khách đã có kế hoạch tăng cường đầu xe và tăng chuyến nhằm phục vụ đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân đảm bảo không để khách tồn lại ở bến xe trong ngày; Hoạt động vận chuyển hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do thời gian trước Tết Nguyên đán hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ Tết sôi động và tăng cao và là tháng cuối năm âm lịch nên hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ ngành xây dựng tăng mạnh.

Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 01 năm 2025

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 01 năm 2025 đạt 295,78 tỷ  đồng, tăng 2,66% so với tháng trước và tăng 22,46% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 85,26 tỷ đồng (so với tháng trước tăng 4,7%), so với cùng kỳ năm trước tăng 20,33%; Vận chuyển ước đạt 1.146 nghìn lượt khách, tăng 14,47%; Luân chuyển ước đạt 154.585 nghìn lượt khách.km, tăng 18,22%.

- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 190,55 tỷ đồng (so với tháng trước tăng 1,86%), so với cùng kỳ năm trước tăng 23,95%; Vận chuyển ước đạt 1.837 nghìn tấn, tăng 15,35%; Luân chuyển ước đạt 95.740 nghìn tấn.km, tăng 19,97%.

- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 2,21 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 18,38%.

- Hoạt động bưu chính và chuyển phát, doanh thu đạt 17,76 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 17,88%.

7. Giá cả thị trường   

a) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Tháng Một năm 2025 là tháng có Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng Tết của người dân tăng cao so với các tháng trước, trên địa bàn tỉnh lượng hàng hóa phục vụ Tết cho người dân dồi dào, phong phú và đa dạng chủng loại, giá cả thị trường tuy có tăng theo quy luật giá cả thị trường Tết, song không có sự biến động lớn về giá, không xảy ra hiện tượng ghim hàng tăng giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2025 tăng 1,55% so với tháng trước, tăng 5,37% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,55% so với tháng 12 năm trước.

So với tháng trước chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2025 tăng 1,55% (khu vực thành thị tăng 1,62%; khu vực nông thôn tăng 1,48%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 09 nhóm tăng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,36%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,07%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,94%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,6%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,62%; nhóm giao thông tăng 1,55%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,05%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,89%. Có 01 nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04% và 01 nhóm không biến động giá là nhóm giáo dục.

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2025 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

Chín nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

  • Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+1,36%)

+ Chỉ số nhóm lương thực tăng 0,43%, trong đó chỉ số nhóm gạo tăng 0,2% (giá gạo tẻ thường tăng 0,07%, giá gạo tẻ ngon tăng 0,22%, giá gạo nếp tăng 2,61%), nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu mua gạo dùng Tết tăng và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp để chế biến một số mặt hàng chuẩn bị Tết Nguyên đán tăng; nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 2,1%, trong đó giá bột mì tăng 1,73%, giá ngô tăng 2,06%, giá khoai tăng 3,37%, nguyên nhân là do sản phẩm trái vụ và nhu cầu tiêu dùng tăng; giá lương thực chế biến tăng 0,68%, trong đó giá bánh mì tăng 1,16%, giá miến tăng 1,59%.

+ Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 1,72%, chủ yếu là do nhóm thịt gia súc tăng 2,44%, trong đó giá thịt lợn tăng 2,81%, giá thịt bò tăng 1,9%, giá nội tạng động vật tăng 2,24%; nhóm thịt gia cầm tăng 2,99%, trong đó giá thịt gà tăng 3,44%, giá thịt gia cầm khác tăng 0,82%, nguyên nhân là do ảnh hưởng giá thị trường Tết. Nhóm trứng các loại tăng 3,12%, trong đó trứng tươi các loại tăng 3,12% là do nhu cầu tiêu dùng tăng. Nhóm dầu mỡ và chất béo tăng 1,17%, trong đó mỡ động vật tăng 7,73% là do tăng theo giá thịt lợn và nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Nhóm thủy sản tươi sống tăng 2,53%, trong đó giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,87%, giá tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 4,85%, giá thủy hải sản tươi sống khác tăng 1,81%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng.

Nhóm các loại đậu và hạt tăng 3,49%, trong đó giá lạc và vừng tăng 5,05%, giá đậu hạt các loại tăng 2,64%. Nhóm rau tươi, khô và chế biến giảm 0,66%, trong đó giá bắp cải giảm 2,42%, giá rau muống giảm 1,69%, giá cà chua giảm 2,43%, giá rau chế biến các loại giảm 5,3%, nguyên nhân là do các sản phẩm đang mùa thu hoạch. Ở chiều ngược lại, giá măng tươi tăng 0,6%, giá đỗ quả tươi tăng 5,0%, rau khô các loại tăng 9,06%, nguyên nhân là nhu cầu tiêu dùng tăng.

Nhóm quả tươi, chế biến tăng 0,28%, trong đó giá xoài tăng 1,04%, giá quả có múi tăng 0,32%, giá táo tăng 0,36%, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm Âm lịch tăng.

Nhóm đồ gia vị tăng 1,39%, trong đó bột nêm, bột canh tăng 1,44%, giá mì chính tăng 1,13%; nhóm sữa, bơ, pho mai tăng 0,39% là do giá bơ tăng 2,85%, giá sữa đặc tăng 0,89%; nhóm bánh, kẹo, mứt tăng 3,94%, trong đó giá kẹo các loại tăng 3,22%, giá bánh quy các loại tăng 4,5%, giá mứt các loại tăng 3,17%, nguyên nhân là nhu cầu mua sắm cho tiêu dùng Tết tăng; nhóm chè, cà phê tăng 2,79%, trong đó cà phê bột tăng 4,42% là do ảnh hưởng giá cà phê nhân tăng, giá chè búp  khô tăng 2,15%.

  • Ăn uống ngoài gia đình (+0,87%)

Chỉ số nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,87% là do giá ăn ngoài gia đình tăng 1,01%, giá đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,34%, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở kinh doanh phụ thu thêm chi phí nhân công phục vụ Tết.

- Đồ uống và thuốc lá (+1,07%)

 Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,07%, tăng chủ yếu là do giá rượu các loại tăng 3,15%, trong đó rượu mạnh tăng 2,07%, nguyên nhân chủ yếu là rượu trắng địa phương tăng, một phần ảnh hưởng giá gạo tăng; giá bia các loại tăng 1,47%, trong đó giá bia chai tăng 1,77%, giá bia lon tăng 1,43%, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong tháng cuối năm Âm lịch.

 - May mặc, mũ nón và giày dép (+0,94%)

Chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,94%, là do nhóm vải các loại tăng 1,86%; nhóm quần áo may sẵn tăng 0,63%, trong đó giá quần áo cho nam (13 tuổi trở lên) tăng 1,43%, giá quần áo cho trẻ em gái tăng 1,46%, giá quần áo cho trẻ sơ sinh tăng 0,7%; nhóm giầy dép tăng 1,81%, trong đó giá giầy dép cho nữ tăng 3,06%; giá dịch vụ may mặc tăng 1,84%. Nguyên nhân chính là do nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán tăng nên giá tăng theo theo quy luật cung cầu.

  • Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+0,6%)

 Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,6%,  nguyên nhân chính là do nhóm nhà ở thuê tăng 1,06%, trong đó tiền thuê nhà thực tế tăng 0,87%; giá vật liệu xây dựng tăng 0,21%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,23%; giá điện sinh hoạt tăng 0,36%, nguyên nhân nhu cầu tiêu dùng điện tăng nên giá bình quân tăng; giá dầu hỏa qua các đợt điều chỉnh giá trong tháng tính bình quân so với tháng trước tăng 3,28%. Ở chiều ngược lại, giá gas giảm 2,05%, giảm 7200 đồng/bình 12kg.

- Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,48%)

Chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,48%, tăng chủ yếu là do giá dịch vụ trong gia đình tăng 5,53%, trong đó giá thuê người phục vụ tăng 6,26%; giá giường, tủ, bàn ghế tăng 0,88%; giá các mặt hàng thủy tinh, sành, sứ tăng 0,62%, trong đó giá bát, đĩa tăng 0,98%; giá đồ nhựa và cao su tăng 0,3%, trong đó giá đồ dùng bằng nhựa tăng 0,74%; giá vật phẩm tiêu dùng khác tăng 1,18%, trong đó giá giấy vệ sinh tăng 2,37%, giá nến tăng 1,39%; giá sửa chữa thiết bị gia đình tăng 0,83%, trong đó giá sửa chữa máy giặt tăng 0,77%.

- Thuốc và dịch vụ y tế (+0,08%)

 Chỉ số nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 14,62%, tác động chính là do giá dịch vụ y tế tăng 18% theo Nghị quyết số 117/NQ-HĐND ngày 27 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý tỉnh Kon Tum; giá thuốc các loại tăng 1,19%, trong đó giá thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 0,88%, giá thuốc tác dụng lên đường hô hấp tăng 0,7% và giá thuốc một số mặt hàng khác tăng 2,09%.

- Giao thông (+1,55%)

Chỉ số nhóm giao thông tăng 1,55%, nguyên nhân chủ yếu là do nhóm nhiên liệu tăng 2,02%, do trong tháng có các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu tính bình quân so với tháng trước giá xăng tăng 1,91%, giá dầu diezel tăng 5,0%; giá phụ tùng tăng 1,93%, trong đó lốp, xăm xe đạp tăng 3,41%, phụ tùng khác của xe máy tăng 3,37%; giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 6,11%, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 11,08%, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 6,4%, nguyên nhân là do tăng giá vé vận chuyển hành khách trong dịp Tết Nguyên đán để bù lỗ cho chiều vắng hoặc ít khách.

  • Văn hóa, giải trí và du lịch (+0,05%)

 Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,05% là do giá hoa, cây cảnh tăng 3,5%, trong đó giá cây, hoa cảnh tăng 2,75%, giá vật cảnh tăng 5,16%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng và tác động của giá cả thị trường Tết; nhóm đồ chơi tăng 0,97%, trong đó đồ chơi trẻ em tăng 1,07%;

- Hàng hóa và dịch vụ khác (+2,89%)

Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,89%, tác động chính là do nhóm dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 9,97%, trong đó cắt tóc gội đầu tăng 9,97%, dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 10,6% là do tăng giá dịch vụ Tết theo quy luật giá cả thị trường Tết; nhóm đồ dùng cá nhân tăng 0,81%, trong đó giá các mặt hàng chăm sóc cơ thể tăng 1,61%, giá túi xách, va li tăng 1,11%.

Một nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm:

Chỉ số nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%, là do nhóm thiết bị điện thoại giảm 0,1%, trong đó giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 1,89%, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi nhiều dòng điện thoại di động thế hệ cũ.

Một nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá không thay đổi: nhóm Giáo dục.

So với tháng 01/2024, CPI tháng 01/2025 tăng 5,37%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá và 02 nhóm giảm giá.

Các nhóm tăng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,58%, tăng chủ yếu là do nhóm lương thực tăng 6,41%, trong đó giá gạo tăng 6,83% là do ảnh hưởng giá gạo xuất khẩu tăng, nhóm thực phẩm tăng 5,98%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,95%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 5,55% là do nhóm rượu bia các loại tăng 5,3%, nhóm thuốt hút tăng 6,95%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 6,04%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 7,54%, tăng chủ yếu là do giá tiền thuê nhà ở tăng 8,78%, giá gas tăng 1,94%, điện sinh hoạt tăng 6,87%, riêng giá dầu hỏa giảm 4,44%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 5,04%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 16,81%, tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng 19,45%; nhóm giáo dục tăng 4,78% là do học phí đại học và học phí mầm non tư thục tăng; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 12,29%, chủ yếu là do giá bảo hiểm y tế tăng 30%.

Các nhóm giảm là nhóm giao thông giảm 0,25% là do giá xăng giảm 5,23%, giá dầu diesel giảm 2,09%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 4,86%, giảm chủ yếu là do giá mặt hàng điện thoại di động giảm 13,39%.

b) Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ trên địa bàn tỉnh

- Chỉ số giá vàng (-0,19%)

Giá vàng trong nước biến động giảm cùng chiều với giá vàng thế giới. Trên địa bàn tỉnh, chỉ số giá vàng tháng 01/2025 giảm 0,19% so với tháng trước; tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

  • Chỉ số giá đô la Mỹ (+0,19%)

Trên địa bàn tỉnh, giá đô la Mỹ tháng 01/2025 giao dịch bình quân quanh mức 25.533 VND/USD, tăng 0,19% so với tháng trước; tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước.

8. Một số vấn đề xã hội

a) Tình hình đời sống dân cư

Tháng 01 năm 2025, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trùng vào thời điểm cuối tháng 01/2025 nên các cấp, các ngành và địa phương đã nỗ lực huy động, vận động các nguồn lực quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân; kịp thời thăm hỏi động viên, tặng quà, cấp hàng cứu trợ. Thực hiện các chế độ chính sách an sinh xã hội, chế độ về tiền lương, khen thưởng, hỗ trợ tết đối với cán bộ, công chức, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần động viên Nhân dân an tâm vui xuân, đón tết[3].

Về công tác chăm lo đời sống tinh thần cho Nhân dân, kịp thời chi trả các chế độ chính sách cho các đối tượng và đảm bảo an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành các văn bản như: Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm[4]; Công văn về việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025[5]; Công văn về việc chúc thọ, mừng thọ công dân tròn 90 tuổi vào năm 2025 trên địa bàn tỉnh[6]; Công văn về việc bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn tỉnh[7]; Công văn về việc tăng cường công tác bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025[8].

Theo báo cáo của các địa phương, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp nợ lương. Tiền thưởng tết Nguyên đán 2025 cao nhất là 50 triệu đồng và thấp nhất 0,5 triệu đồng.

b) Tình hình nổi bật, bất thường về xã hội

Về y tế: Trong tháng, ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác chuyên môn, đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; hoạt động tiêm chủng mở rộng được duy trì thường xuyên tại 100% xã, phường, thị trấn. Một số bệnh Tay - Chân - Miệng, Thủy đậu, Quai bị, Sốt xuất huyết Dengue, Sởi ghi nhận số ca mắc rải rác, không gây ra dịch lớn và đã được xử lý theo đúng quy định. Ghi nhận 03 trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về văn hóa: Sáng ngày 22/01/2025, tại Thư viện tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ khai mạc Hội Báo Xuân Ất Tỵ năm 2025. Hội Báo Xuân năm nay có chủ đề “Báo chí với chuyển đổi số”, quy tụ hơn 500 tờ báo, đặc san, tạp chí của địa phương, ngành, trung ương và hơn 100 loại ấn phẩm xuân của của các cơ quan báo chí trên khắp mọi miền đất nước.

Về thể dục thể thao: Trên địa bàn tỉnh, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì; Phong trào thể dục thể thao trong quần chúng Nhân dân tích cực triển khai; thể thao thành tích cao được chú trọng. Công tác xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao được quan tâm.

Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, không phát sinh các vấn đề nổi cộm về môi trường ở địa phương.

c) Tình hình bất thường về thiên tai, hỏa hoạn

Trong tháng, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chịu ảnh hưởng 4 - 5 đợt không khí lạnh tăng cường, làm nhiệt độ giảm thấp và gây mưa, rét, gió mạnh ở khu vực phía Đông, Đông Bắc tỉnh, xuất hiện sương mù vào đêm và sáng. Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên các xã vùng cao thuộc các huyện Đắk Glei, Kon Plông và Tu Mơ Rông trời chuyển rét vào đêm và sáng, có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của con người và vật nuôi. Xảy ra 03 vụ cháy nhà rông, nhà dân, xưởng sản xuất, không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 59,1 triệu đồng. Xảy ra 01 vụ tai nạn lao động tại Thủy điện Đăk Mi 1 thuộc bàn xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, hậu quả làm 05 lao động tử vong. UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu tạm dừng thi công xây dựng tại công trình thủy điện Đăk Mi 1 để triển khai giám định nguyên nhân sự cố.

d) Tình hình trật tự an toàn xã hội

- Phạm tội về trật tự xã hội: Phát hiện 35 vụ (tăng 09 vụ so với tháng trước). Hậu quả, thiệt hại: 08 người chết, 08 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 3,2 tỷ đồng. Địa bàn: TP Kon Tum 14 vụ; Đăk Hà 07 vụ; Ia H’Drai 03 vụ; Đăk Tô 02 vụ; Ngọc Hồi 02 vụ; Tu Mơ Rông 02 vụ; Đăk Glei 02 vụ; Kon Rẫy 02 vụ; Kon Plông 01 vụ.

- Phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ: Phát hiện 01 vụ Tàng trữ hàng cấm trên địa bàn huyện Ia H’Drai (không tăng, không giảm so với tháng trước).

- Phạm tội về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông: Không.

- Phạm tội về môi trường: Phát hiện 02 vụ (tăng 02 vụ so với tháng trước), gồm: Hủy hoại rừng 01 vụ; Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm 01 vụ. Địa bàn: TP Kon Tum 01 vụ; Ngọc Hồi 01 vụ.

- Phạm tội về ma túy: Phát hiện 34 vụ (tăng 23 vụ so với tháng trước), cụ thể: Tàng trữ trái phép chất ma túy 22 vụ; Vận chuyên trái phép chất ma túy 03 vụ; Mua bán trái phép chất ma túy 04 vụ; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 04 vụ; Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ: 0,644g Heroin; 2.990,644g ma túy tổng hợp. Địa bàn: TP Kon Tum 18 vụ; Ngọc Hồi 09 vụ; Kon Rẫy 03 vụ; Đăk Hà 02 vụ; Sa Thầy 02 vụ.

- Tình hình trật tự, an toàn giao thông: Xảy ra 12 vụ TNGT, làm 11 người chết, 05 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 62 triệu đồng. So với tháng trước: tăng 04 vụ, tăng 07 người chết, giảm 01 người bị thương; so với cùng kỳ tháng 01/2024: giảm 02 vụ, tăng 04 người chết, giảm 10 người bị thương.

- Tình hình cháy, nổ: Xảy ra 03 vụ cháy (nhà dân, nhà rông, xưởng sản xuất), so với tháng trước giảm 01 vụ. Hậu quả: Không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 59,1 triệu đồng. Nguyên nhân: 01 vụ do sơ suất bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, 02 vụ đang điều tra. Địa bàn: Đăk Hà 02 vụ; TP Kon Tum 01 vụ.

- Tình hình sự cố, tai nạn: Xảy ra 01 vụ tai nạn sự cố tại huyện Đăk Glei (tăng 01 vụ so với tháng trước). Nguyên nhân: Tai nạn lao động. Thiệt hại: 05 người chết. Kết quả CNCH: Lực lượng tại chỗ tìm được 03 thi thể nạn nhân, lực lượng PCCC và CNCH tìm được 02 thi thể nạn nhân.

 


[1] Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 02 tháng 12 năm 2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XVI; Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

 

[2] Nguồn: Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Kon Tum

[3] Tính đến ngày 23/01/2025, tình hình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội; thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Quà Chủ tịch nước: 4.270 suất, với kinh phí: 1.292,4 triệu đồng; Quà của tỉnh tặng 100 suất, mỗi suất 1,5 triệu đồng/suất; Quà của các tổ chức, cá nhân thăm và tặng cho đối tượng 185 suất với kinh phí 55,5 triệu đồng. Đã tiếp nhận và đang phân bổ 105,195 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ cho các địa phương, trong đó hỗ trợ cho 1.315 hộ/3.876 khẩu với 58,140 tấn gạo có nguy cơ thiếu đói dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ cho 968 hộ/3.137 khẩu với 47,055 tấn gạo có nguy cơ thiếu đói dịp giáp hạt đầu năm 2025. Gửi thiệp chúc thọ 100 tuổi của Chủ tịch Nước cho 60 công dân và mừng thọ 90 tuổi cho 302 công dân, với tổng kinh phí 512,3 triệu đồng. Hỗ trợ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 cho 6.557 hộ nghèo, 5.547 hộ cận nghèo với tổng kinh phí là 5.598 triệu đồng (Hộ nghèo: 600.000 đồng/hộ; Hộ cận nghèo là 300.000 đồng/hộ). Quỹ Thiện Tâm đã hỗ trợ 2.000 suất quà, trị giá 600.000đồng/suất/hộ. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thăm và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại các Cơ sở trợ giúp xã hội nhân dịp Tết nguyên đán năm 2025 với tổng số 242 trẻ em được hưởng lợi, trị giá 11,6 triệu đồng.

[4] Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 27/12/2024 của UBND tỉnh.

[5] Công văn số 99/UBND-KTTH ngày 10/01/2025 của UBND tỉnh

[6] Công văn số 4458/UBND-KGVX ngày 11/12/2024 của UBND tỉnh.

[7] Công văn số 174/UBND-NC ngày 17/01/2025 của UBND tỉnh.

[8] Công văn số 184/UBND-KGVX ngày 17/01/2025 của UBND tỉnh.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC