• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Ba, 16/07/2024 10:45
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024
Cập nhật: Thứ Sáu, 28/06/2024 16:00

 

Tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2024 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gia tăng... Lạm phát mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn mục tiêu; nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt, duy trì mức lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu phục hồi chậm.

Tại thời điểm tháng 6/2024, các tổ chức quốc tế gồm UN, WB, OECD, EU và IMF đều nhận định lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 so với các dự báo đưa ra trước đó. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB)  dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 đạt 2,6% (tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024); Liên hợp quốc (UN)  nhận định nền kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 2,7% trong năm 2024 (tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024); Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)  dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 đạt 3,1% (tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 02/2024); Liên minh châu Âu (EU)  dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 tăng trưởng 3,2% (tăng 0,1 điểm phần trăm so với tăng trưởng năm 2023); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)  nhận định nền kinh thế giới đạt mức tăng trưởng 3,2% năm 2024, điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 01/2024.

Theo báo cáo “Triển vọng phát triển châu Á” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) , tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á (bao gồm Timo-Leste) dự báo đạt 4,6% trong năm 2024 do nhu cầu nội địa mạnh mẽ và du lịch tiếp tục phục hồi. Tăng trưởng của Việt Nam và Phi-lip-pin năm 2024 được dự báo cao nhất khu vực, cùng đạt 6,0%, theo sau là Cam-pu-chia 5,8%, In-đô-nê-xi-a 5,0%, Ma-lai-xi-a 4,5% và Lào 4,0%. Tăng trưởng kinh tế của Thái Lan, Xin-ga-po thấp hơn từ 2,3 đến 2,5 lần so với Việt Nam và Phi-lip-pin, lần lượt đạt 2,6% và 2,4%. Tăng trưởng kinh tế của Mi-an-ma được dự báo thấp nhất khu vực trong năm 2024, chỉ đạt 1,2%.

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn và thách thức. Với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu năm 2024 đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh xác định tại các Nghị quyết[1]. Nhằm khẩn trương, kiên quyết khắc phục những mặt còn hạn chế, bất cập; quyết tâm nỗ lực hoàn thành đạt và vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2024 Ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương cần chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện thật sự quyết liệt ngay từ những ngày đầu của năm 2024. Đồng thời, có giải pháp, biện pháp hiệu quả để phát huy cao nhất tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nhiệm vụ chung. Cấp ủy các cấp, chính quyền các cấp phải lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết nhanh những điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhất là trong công tác giải phòng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, thi công các công trình trọng điểm, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia… Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.

Trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành đã tập trung triển quyết liệt khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả, nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ và cơ bản đảm bảo tiến độ như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, số doanh nghiệp thành lập mới, kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng lượng khách du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, sản lượng ngành công nghiệp chủ yếu,… Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm, đầu tư; tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, kiểm soát tốt; cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp được triển khai quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương hành chính được chú trọng; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện so với cùng kỳ năm trước sau:

- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP ước tăng 6,47[2]%.

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước khoảng 1.789 tỷ đồng, đạt 38,9% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và tăng 9,6%.

- Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 5.681 tỷ đồng, đạt 40,5% nhiệm vụ chi và tăng 22,4% .

- Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành ước tính 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13.006 tỷ đồng, tăng 23,25% .

- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,57%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 19.057 tỷ đồng, tăng 12,13% .

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,28% .

1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP)

1.1. Tăng trưởng toàn nền kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) (theo giá so sánh 2010) quý II/2024 ước tính tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản tăng 4,98%; khu vực Công nghiệp và Xây dựng tăng 9,83%; khu vực Dịch vụ tăng 5,18%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,56%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,56 %; quý II tăng 6,38%), đứng thứ 30/63 tỉnh thành trên cả nước và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Trong đó: Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản tăng 5,14%; Khu vực Công nghiệp và Xây dựng tăng 10,44% (trong đó Công nghiệp tăng 11,45%); Khu vực Dịch vụ tăng 5,10%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,29%.

1.2. Tăng trưởng các khu vực kinh tế

Trong mức tăng trưởng chung 6,47% thì Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản đóng góp 0,61 điểm phần trăm; Khu vực Công nghiệp và Xây dựng đóng góp 3,16 điểm phần trăm, (trong đó Công nghiệp đóng góp 1,5 điểm phần trăm); Khu vực dịch vụ đóng góp 2,5 điểm phần trăm; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt được tốc độ tăng trưởng như trên là do hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế then chốt đều có tốc độ tăng trưởng cao, cụ thể các khu vực như sau:

(1) Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản.

Khu vực nông, lâm thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ. Do phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chăm sóc, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch trang trại trên địa bàn tỉnh. Sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu, nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực.

Giá trị tăng thêm (VA)  6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,67 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong các quý. Trong khu vực này, sản lượng của một số cây lâu năm, chăn nuôi gia cầm và hoạt động thủy sản phát triển tốt, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng khá nên tốc độ tăng của khu vực này đạt cao. Giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan tăng 5,18% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; ngành Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan tăng 4,25%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm; ngành Khai thác, nuôi trồng thủy sản 6,71%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

(2) Khu vực Công nghiệp - Xây dựng

Khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023 là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Các ngành công nghiệp đều tăng trưởng trên 10%, trong đó khai khoáng phát triển mạnh khai thác đá, đạt 231.457 m3, tăng 11,58%; công nghiệp chế biến chế tạo có kết quả tốt, một số sản phẩm chính như đường đạt 10.271 tấn, tăng 44,01%; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) đạt 17.304, tăng 19,61%; Điện sản xuất tăng cao, đạt 1.525 triệu kwh, tăng 8,62%; Nước máy đạt 2.095 nghìn m3, tăng 10,01%...

Giá trị tăng thêm khu vực Công nghiệp - Xây dựng có mức tăng khá cao, ước tính tăng 10,44% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,16 điểm phần trăm vào mức tăng chung tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó ngành Công nghiệp tăng 11,45%, đóng góp 1,65 điểm phần trăm; ngành Xây dựng tăng 9,66%, đóng góp 1,82 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong mức tăng chung 11,45% giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp thì ngành công nghiệp khai khoáng tăng 15,51% đóng góp 0,07 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,07% đóng góp 0,49 điểm phần trăm; ngành công nghiệp sản xuất phân phối điện, khí đốt và nước tăng 10,77% đóng góp 1,01 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 15,30% đóng góp 0,08 điểm phần trăm.

Hoạt động xây dựng vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 9,66%, đóng góp 1,82 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong hoạt động xây dựng, lĩnh vực hoạt động xây dựng kỹ thuật dân dụng đóng vai trò quan trọng góp phần tăng trưởng đáng kể với cơ cấu chiếm 66,32% trong tổng giá trị tăng thêm ngành xây dựng và tăng 11,06% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,38 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

(3) Khu vực dịch vụ

Khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao. Doanh nghiệp và hộ cá thể hoạt động ổn định, nhu cầu mua sắm của dân cư tăng cao hơn so với cùng kỳ; Các doanh nghiệp và hệ thống các siêu thị thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh.

Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng khởi sắc 6 tháng đầu năm 2024 ước tính giá trị tăng thêm tăng 5,10% so với  cùng kỳ năm 2023. Đóng góp của một số ngành dịch vụ  vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm của một số ngành có tỷ trọng và tốc độ tăng cao như sau: Vận tải kho bãi tăng 13,26%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm; Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,07%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,27%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; Hoạt động Hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 18,79%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 17,18%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; Hoạt động dịch vụ khác tăng 13,50%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm...

1.3. Quy mô và cơ cấu nền kinh tế

Quy mô nền kinh tế tỉnh Kon Tum 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành ước tính đạt 15.822 tỷ đồng, trong đó: Khu vực Nông - Lâm - Thuỷ sản, chiếm 10,55%; khu vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm 35,19%; khu vực Dịch vụ chiếm 45,66%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,60% (cơ cấu tương ứng  cùng kỳ năm 2023 là 10,36%; 36,91%; 44,34%; 8,39%). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.

2. Tài chính, ngân hàng

a) Thu, chi ngân sách

 Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2024 được Hội đồng nhân dân tỉnh giao 4.600 tỷ đồng; Ước thực hiện thu 6 tháng đầu năm đat 1.789 tỷ đồng, đạt 55% dự toán Trung ương giao, đạt 38,9% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và tăng 9,6% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 1.653 tỷ đồng, tăng 10,66% so với cùng kỳ năm trước.

Dự toán chi ngân sách địa phương năm 2024 được Hội đồng nhân dân tỉnh giao gần 10.703 tỷ đồng; nhiệm vụ chi năm 2023 còn tiếp tục chuyển nguồn sang năm 2024 gần 3.326 tỷ đồng. Nhiệm vụ chi ngân sách địa phương năm 2024 (bao gồm cả chuyển nguồn năm trước sang) là gần 14.029 tỷ đồng. Ước thực hiện chi 6 tháng đầu năm đạt 5.681 tỷ đồng, đạt 40,5% nhiệm vụ chi và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 2.466 tỷ đồng, tăng 11,79%, chi thường xuyên đạt 3.214 tỷ đồng, tăng 31,94% so với cùng kỳ năm trước.

b) Hoạt động ngân hàng[3]

(1) Tình hình thực hiện lãi suất:

Trong kỳ báo cáo, các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn tiếp tục được duy trì ổn định. Hiện nay, các TCTD trên địa bàn áp dụng mức lãi suất như sau:

- Lãi suất huy động bằng VNĐ: Tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 01 tháng : ≤0,5 %/năm; Tiền gửi kỳ hạn từ 01 đến dưới 6 tháng, lãi suất từ ≤4,75%/năm; Tiền gửi kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng: 3,0-4,0%/năm; Tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên: 4,0-5,0%/năm.

- Lãi suất cho vay bằng VNĐ: Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến: 4,0-9,0%/năm; Lãi suất cho vay trung, dài hạn phổ biến: 9,0-12,0%/năm

 (2) Hoạt động huy động vốn:

Trong kỳ báo cáo, mức lãi suất huy động tiếp tục được duy trì khá ổn định. Ngay từ đầu năm, các TCTD trên địa bàn tích cực đẩy mạnh nhiều biện pháp, chương trình khuyến mại để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi từ nền kinh tế, nên nguồn vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm tiếp tục có mức tăng trưởng ổn định, đáp ứng được một phần nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn.

Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn ước đạt 22.800 tỷ đồng, giảm 1,0% (-224 tỷ đồng) so với cuối năm 2023. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 1.550 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,8% tổng nguồn vốn huy động, giảm 5,3% (-86 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2023.

(3) Hoạt động tín dụng:

Trong kỳ báo cáo, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Chi nhánh, tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh. Trước những thách thức của nền kinh tế, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục góp phần tích cực vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của địa phương, các TCTD đã triển khai đa dạng, linh hoạt các sản phẩm tín dụng, các gói tín dụng ưu đãi của riêng từng hệ thống TCTD để phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 47.000 tỷ đồng, tăng 1,1% (+488 tỷ đồng) so với cuối năm 2023. Trong đó:

- Dư nợ phân theo kỳ hạn: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 29.400 tỷ đồng, chiếm 62,6% tổng dư nợ, tăng 2,6% (+756 tỷ đồng) so với đầu năm;  Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 17.600 tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng dư nợ, giảm 1,5% (-268 tỷ đồng) so với đầu năm.

- Dư nợ phân theo loại tiền: Dư nợ bằng VNĐ ước đạt 46.880 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ; Dư nợ bằng ngoại tệ ước đạt 120 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ.

* Tình hình triển khai một số chương trình tín dụng:

- Cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên: Đến 30/6/2024, dư nợ tín dụng đối với 05 lĩnh vực ưu tiên ước đạt 41.000 tỷ đồng, chiếm 87,2% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Trong đó:

+ Dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 30.400 tỷ đồng, chiếm 64,7%/tổng dư nợ, tăng 0,8% (+243 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2023.

+ Dư nợ cho vay xuất khẩu ước đạt 260 tỷ đồng, chiếm 0,6%/tổng dư nợ, tăng 4,5% (+11 tỷ đồng) so với cuối năm 2023.

+ Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 10.250 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng dư nợ, tăng 1,0% (+105 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2023.

+ Cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt 90 tỷ đồng, chiếm 0,2%/tổng dư nợ, tăng 5,4% (+5 tỷ đồng) so với cuối năm 2023.

3. Chỉ số giá, lạm phát

3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

a) Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 năm 2024

So với tháng trước chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,18% (khu vực thành thị tăng 0,27%; khu vực nông thôn tăng 0,1%). Giá cả thị trường trong tháng ở địa phương ổn định, không có sự biến động lớn về giá, không xảy ra hiện tượng ghim hàng tăng giá.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 09 nhóm tăng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,31%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,04%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,45%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm giáo dục tăng 0,32%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,52%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,3%. Có 02 nhóm giảm là nhóm giao thông giảm 2,67%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,63%.

Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2024 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

  1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,78%)

Lương thực: Chỉ số nhóm lương thực tăng 1,13%, trong đó chỉ số nhóm gạo tăng 1,86% (giá gạo tẻ thường tăng 1,92%, giá gạo tẻ ngon tăng 1,98%, giá gạo nếp tăng 0,5%), nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng giá gạo xuất khẩu tăng và giá lúa tăng. Ở chiều ngược lại, nhóm bột mì và ngũ cốc khác giảm 0,69%, trong đó giá khoai giảm 0,44%, giá ngô giảm 1,38%, giá sắn giảm  0,56%, là do sản phẩm đang mùa thu hoạch và nhu cầu tiêu dùng giảm.

Thực phẩm: Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,98%, cụ thể: nhóm thịt gia súc tăng 0,92%, trong đó giá thịt lợn tăng 1,5%, giá thịt bò tăng 0,19% là do nhu cầu tiêu dùng tăng và ảnh hưởng giá thịt lợn hơi tăng. Nhóm thịt gia cầm tăng 0,68%, trong đó giá thịt gà tăng 0,74%, giá thịt gia cầm khác tăng 0,36%. Nhóm trứng các loại tăng 0,65%, trong đó giá trứng tươi các loại tăng 0,64%. Nhóm dầu mỡ và chất béo khác tăng 1,13%, trong đó giá dầu thực vật tăng 0,9%, giá mỡ động vật tăng 2,93% do tăng theo giá thịt lợn. Nhóm thủy sản tươi sống giảm 0,66% là do nhóm cá tươi hoặc ướp lạnh giảm 1,48%, nhóm thủy hải sản tươi sống khác giảm 0,49%, nguyên nhân chủ yếu là do lượng cung dồi dào.

Nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 5,06%, trong đó giá cà chua tăng 24,97% (tăng từ 3000 đến 4000 đồng/kg) là do các cơn mưa lớn đầu mùa gây rụng quả non và làm dập bông nên năng suất giảm mạnh, giá bắp cải tăng 5,44% (tăng từ 1000 đến 2000 đồng/kg), giá su hào tăng 4,99%, giá rau muống tăng 10,71% (tăng từ 1000 đến 1500 đồng/kg), giá rau dạng quả của tăng 4,43%, giá rau gia vị tươi khô các loại tăng 5,45%, nguyên nhân chủ yếu là do các sản phẩm rau trên trái vụ. Nhóm quả tươi, chế biến tăng 0,45%, trong đó giá chuối tăng 0,84%, giá quả tươi khác tăng 0,57%, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng tăng đồng thời các sản phẩm trên trái vụ.

Nhóm sữa, bơ, pho mai tăng 1,02% là do giá sữa tươi tăng 2,33%, giá sữa đặc tăng 1,26%, giá sữa bột người lớn tăng 1,95%. Nhóm chè, cà phê, ca cao tăng 1,25%, trong đó giá cà phê bột tăng 7,98%, giá cà phê hòa tan tăng 1,54%, nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng giá cà phê nhân tăng cao.

(2) Đồ uống và thuốc lá (+0,09%)

 Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,09%, là do nhóm bia các loại tăng 0,17%, trong đó giá bia chai tăng 0,58%, giá bia lon tăng 0,12%; nhóm nước khoáng và nước có ga tăng 0,13%, trong đó giá nước khoáng tăng 0,88%; nhóm thuốc lá tăng 0,04%, trong đó giá thuốc lào tăng 2,54%.

 (3) May mặc, mũ nón và giày dép (+0,31%)

Chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,31%, là do nhóm vải các loại tăng 0,71%; nhóm quần áo may sẵn tăng 0,26%, trong đó giá quần áo cho nữ (13 tuổi trở lên tăng 0,59%; nhóm giầy dép tăng 0,24%, trong đó giá giầy dép cho nữ tăng 0,24%; nhóm dịch vụ giầy, dép tăng 1,35%; nhóm mũ nón tăng 1,02%. Nguyên nhân là do nhu cầu mua sắm trang phục cho du lịch mùa hè tăng nên giá tăng theo.

(4) Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,04%)

 Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,04%,  nguyên nhân chính là do nhóm nhà ở thuê tăng 0,5%, trong đó tiền thuê nhà thực tế tăng 0,57%; nhóm vật liệu và bảo dưỡng nhà ở tăng 0,24%, trong đó giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở chính tăng 0,3%. Ở chiều ngược lại giá gas giảm 0,69% (giảm 2.000 đồng/bình 12kg từ ngày 01/6/2024); giá dầu hỏa qua các đợt điều chỉnh giá trong tháng tính bình quân so với tháng trước giảm 0,44%; giá điện sinh hoạt giảm 1,44% (do nhu cầu tiêu dùng giảm nên giá bình quân giảm).

(5) Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,45%)

Chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,45%, tăng chủ yếu là do nhóm đồ dùng nấu ăn tăng 0,48%; nhóm giường, tủ, bàn ghế tăng 1,42%; nhóm đồ điện tăng 0,93%, trong đó giá quạt điện tăng 3,11%; nhóm đồ dùng bằng kim loại tăng 0,32%; nhóm vật phẩm tiêu dùng khác tăng 0,43%, trong đó giá giấy vệ sinh tăng 0,88%; nhóm sửa chữa thiết bị gia đình tăng 0,6%, trong đó giá sửa chữa máy điều hòa nhiệt độ tăng 3,0%

(6) Thuốc và dịch vụ y tế (+0,05%)

 Chỉ số nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%, là do nhóm thuốc các loại tăng 0,31%, trong đó giá thuốc chống nhiễm, điều trị ký sinh trùng tăng 1,62%, giá thuốc chống dị ứng và các trường hợp quá mẫn tăng 0,74%.

(7) Giao thông (-2,67%)

Chỉ số nhóm giao thông giảm 2,67%, nguyên nhân chủ yếu là do nhóm nhiên liệu giảm 5,83%, do trong tháng có các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu tính bình quân so với tháng trước giá xăng giảm 6,09%, giá dầu diezel giảm 1,1%; giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,07%, trong đó giá vận tải hành khách bằng đường hàng không giảm 1,3%.

(8) Bưu chính viễn thông (-0,63%)

Chỉ số nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,63%, là do thiết bị điện thoại giảm 1,83%, trong đó giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 2,42%, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi nhiều dòng điện thoại di động.

(9) Giáo dục (+0,32%)

 Chỉ số nhóm giáo dục tăng 0,32% là do nhóm văn phòng phẩm tăng 1,41%, trong đó giá sản phẩm từ giấy tăng 2,01%, giá bút viết các loại tăng 3,33%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu mua sắm giấy, bút chuẩn bị cho năm học mới tăng nên giá tăng theo quy luật cung cầu.

(10) Văn hóa, giải trí và du lịch (+0,52%)

 Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,52% là do nhóm thiết bị văn hóa giảm 1,1%, trong đó giá ti vi màu tăng 1,15%; nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 1,11%, trong đó giá cây, hoa cảnh tăng 2,7% là do nhu cầu tiêu dùng tăng và lượng cung giảm nên giá tăng theo; nhóm du lịch trọn gói tăng 3,85%, trong đó giá du lịch trong nước tăng 4,36%, nguyên nhân là do tháng 6 là thời điểm mùa du lịch tăng; nhóm khách sạn, nhà khách tăng 0,55%, trong đó giá khách sạn tăng 4,41%.

(11) Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,3%)

Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,3% chủ yếu là do nhóm đồ dùng cá nhân tăng 0,51%, trong đó giá hàng chăm sóc cơ thể tăng 2,27%, riêng giá đồ trang sức giảm 4,05%, nguyên nhân là giảm theo giá vàng.

So với tháng 6/2023, CPI tháng 6/2024 tăng 3,14%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 09 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Các nhóm tăng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,08%, tăng chủ yếu là do nhóm lương thực tăng 11,98%, riêng giá gạo tăng 16,07% là do giá gạo xuất khẩu tăng; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,69%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 3,34%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 7,01%, tăng chủ yếu là do giá gas tăng 17,07%, giá dầu hỏa tăng 11,88%, điện sinh hoạt tăng 6,56%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,39%; nhóm giao thông tăng 2,33% là do nhóm dịch vụ giao thông công cộng tăng 15,83%, nhóm nhiên liệu tăng 2,29%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,78%, tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng 11,37%; nhóm giáo dục tăng 0,39%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,42%.

Các nhóm giảm là nhóm Bưu chính viễn thông giảm 4,98%, giảm chủ yếu là do mặt hàng điện thoại di động giảm; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,91%.

So với tháng 12/2023, CPI tháng 6/2024 tăng 1,49%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá, 01 nhóm giảm giá và 01 nhóm không biến động giá.

Các nhóm tăng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,63%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,07%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 1,37%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,67%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,2%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,46%; nhóm giao thông tăng 1,21%; nhóm giáo dục tăng 0,32%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,27%.

Nhóm giảm là nhóm Bưu chính viễn thông giảm 1,75%.

b) Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,28% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Các nhóm tăng giá:

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,73%, trong đó giá lương thực tăng 10,51% (giá gạo tăng 14,77% do ảnh hưởng giá gạo xuất khẩu tăng); giá bột mì và ngũ cốc khác tăng 9,11%; giá các loại đậu và hạt tăng 7,47%; giá đường, mật tăng 6,31%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,82%. Ở chiều ngược lại, giá thịt gia súc giảm 0,8% (riêng giá thịt lợn giảm 0,99%); giá giá thịt gia cầm giảm 0,18%; giá trứng các loại giảm 2,38%; giá dầu mỡ và chất béo khác giảm 3,5%; giá rau tươi, khô và chế biến giảm 1,9%; giá quả tươi và chế biến giảm 1,47%.

- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,2%, là do giá thuốc hút tăng 1,77%; giá rượu bia tăng 3,03%, trong đó giá rượu tăng 4,27%, giá bia tăng 2,28%, là do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán tăng.

- Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng 3,19%, trong đó giá vải các loại tăng 2,64%, giá quần áo may sẵn tăng 2,99%, giầy dép tăng 3,56%, dịch vụ may mặc tăng 1,54% là do nhu cầu tiêu dùng tăng cao thời điểm Tết Nguyên đán và các dịp nghỉ Lễ đầu năm.

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,85% chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,4%; giá nhà ở thuê tăng 6,13%; giá điện sinh hoạt tăng 7,78% là do điều chỉnh tăng giá điện sinh hoạt và thời tiết nắng nóng kéo dài.

- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,73% là do giá đồ điện tăng 2,1%; giá xà phòng và chất tẩy rửa tăng 1,13%; giá đồ dùng bằng kim loại tăng 1,5%; giá dịch vụ trong gia đình tăng 8,74%; giá vật phẩm tiêu dùng khác tăng 2,01%. Ở chiều ngược lại giá máy điều hòa nhiệt độ giảm 0,36%, tủ lạnh giảm 4,91%, máy giặt giảm 2,51%.

- Nhóm thuốc và thiết bị y tế tăng 9,83%, chủ yếu là do giá dịch vụ y tế tăng 11,37%; giá thuốc các loại tăng 3,66%; giá dụng cụ y tế tăng 1,82%.

- Nhóm giao thông tăng 2,58%, chủ yếu là do giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 15,88% là do tăng giá vé Tết vận chuyển hành khách bằng các loại phương tiện để bù chiều vắng hoặc ít khách; giá nhiên liệu tăng 3,29%, trong đó giá xăng tăng 3,34%, giá dầu dizel tăng 2,95%.

- Nhóm giáo dục tăng 1,26%, trong đó giá văn phòng phẩm tăng 4,27% ( giá sản phẩm từ giấy tăng 11,21%); dịch vụ giáo dục tăng 0,39%.

- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,01%, do giá đồ dùng cá nhân tăng 6,54%, trong đó giá các mặt hàng chăm sóc cơ thể tăng 8,93%, giá đồ trang sức tăng 20,39% do tăng theo giá vàng.

Ở chiều ngược lại, có 02 nhóm hàng giảm giá:

- Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 5,39% là do giá các loại điện thoại di động thế hệ cũ giảm 15,31%, trong đó giá máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 19,96%.

- Nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 2,92%, giảm chủ yếu là do giá thiết bị văn hóa giảm 14,24%, trong đó giá tivi màu giảm 14,63%. Ở chiều ngược lại, nhóm khách sạn nhà hàng tăng 4,69%, trong đó giá nhà khách tăng 4,78%, trong đó giá khách sạn tăng 3,48%.

3.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ trên địa bàn tỉnh

(1) Chỉ số giá vàng (-6,59%)

Giá vàng trong nước biến động giảm cùng chiều với giá vàng thế giới. Trên địa bàn tỉnh, chỉ số giá vàng tháng 6/2024 giảm 6,59% so với tháng trước; tăng 11,99% so với tháng 12/2023; tăng 22,93% so với cùng kỳ năm trước.

(2) Chỉ số giá đô la Mỹ (+1,19%)

Trên địa bàn tỉnh, giá đô la Mỹ tháng 6/2024 giao dịch bình quân quanh mức 25.460 VND/USD, giảm 0,02% so với tháng trước; tăng 3,99% so với tháng 12/2023; tăng 7,42% so với cùng kỳ năm trước.

3.3. Chỉ số giá sản xuất

a) Giá sản xuất nông lâm thuỷ sản.

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong Quý II và 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xuyên chịu sự tác động lớn của yếu tố thị trường; mùa vụ sản xuất,... đã tác động hầu hết các loại giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đều có xu hướng biến động tăng so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở số liệu tổng hợp từ kết quả cuộc điều tra, Cục Thống kê tỉnh Kon Tum báo cáo tình hình biến động giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản Quý II và 6 tháng đầu năm 2024, như sau:

Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II/2024 tăng 4,46% so với quý trước và tăng 8,35% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 4,79% so với quý trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước; lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tương đối ổn định (tăng 0,03%) so với quý trước và tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước; thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 0,26% so với quý trước và tăng 2,11% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 7,05%; lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 1,46%; thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng 2,98%.

Tình hình diễn biến giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của một số nhóm hàng chính trong Quý II và 6 tháng đầu năm 2024, cụ thể:

(1) Nhóm sản phẩm từ cây hàng năm: Chỉ số sản phẩm cây hàng năm quý II/2024 tăng 0,71% so với quý trước và tăng 4,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm thóc khô tăng 1,89% so với quý trước; Nhóm ngô và cây lương thực có hạt khác giảm 0,05% so với quý trước do đang thời gian thu hoạch vụ đông xuân; nhóm sản phẩm cây lấy củ có chất bột tăng 0,33% so với quý trước chủ yếu do nguồn cung sắn củ tươi giảm nên cơ sở thu gom tăng giá; Nhóm mía cây tươi tăng 0,24% so với quý trước do sự biến động thị trường mía chung của cả nước; Nhóm hạt chứa dầu tăng 0,79%; Nhóm rau, đậu các loại và hoa giảm 0,39%; Nhóm sản phẩm cây hàng năm khác tăng 0,91% so với quý trước.

Chỉ số giá nhóm sản phẩm từ cây hàng năm tăng (0,71%) so với quý trước nguyên nhân chủ yếu do hiện nay đang vào vụ thu hoạch, một mặt quý trước là thời điểm có Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này cao dẫn đến giá bán trong quý trước cao, sang quý II giá các mặt hàng này ổn định trở lại. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản phẩm cây hàng năm tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Nhóm thóc khô tăng 5,36%; Nhóm ngô và cây lương thực có hạt khác tăng 3,14%; nhóm sản phẩm cây lấy củ có chất bột tăng 5,88%; Nhóm mía cây tươi tăng 1,56% do sự biến động thị trường mía chung của cả nước; Nhóm hạt chứa dầu tăng 1,96%; Nhóm rau, đậu các loại và hoa tăng 3,03%; Nhóm sản phẩm cây hàng năm khác tăng 1,43% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do chịu sự tác động lớn của yếu tố thị trường trong nước, sản lượng thu hoạch trên địa bàn tỉnh tăng, hoạt động thu mua ổn định.

 (2) Nhóm sản phẩm từ cây lâu năm: Chỉ số giá sản phẩm từ cây lâu năm quý II/2024 tăng 8,87% so với quý trước và tăng 14,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm sản phẩm cây ăn quả tăng 1,47% so với quý trước và tăng 1,26% so với cùng kỳ năm trước; Nhóm hồ tiêu tăng 5,69% so với quý trước và tăng 6,37% so với cùng kỳ năm trước; Nhóm mủ cao su khô tăng 1,00% so với quý trước và tăng 0,94% so với cùng kỳ năm trước; Nhóm cà phê nhân tăng 20,09% so với quý trước và tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước, giá các sản phẩm hồ tiêu, cao su, cà phê biến động phần lớn do ảnh hưởng giá chung của cả nước; Nhóm cây chè tương đối ổn định (giảm 0,64%) so với quý trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá sản phẩm từ cây lâu năm tăng 10,65% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Nhóm sản phẩm cây ăn quả tăng 0,93%; Nhóm hồ tiêu tăng 2,76%; Nhóm mủ cao su khô tăng 0,77%; Nhóm cà phê nhân tăng 25,05%, giá các sản phẩm hồ tiêu, cao su, cà phê biến động phần lớn do ảnh hưởng giá chung của cả nước; Nhóm cây chè tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

(3) Nhóm sản phẩm từ chăn nuôi: Chỉ số giá sản phẩm từ chăn nuôi quý II/2024 tăng 0,76% so với quý trước và tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm sản phẩm chăn nuôi trâu, bò tăng 0,82% so với quý trước và tăng 3,41% so với cùng kỳ năm trước; Nhóm sản phẩm chăn nuôi dê, cừu, hươu, nai giảm 1,06% so với quý trước và tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước; Nhóm sản phẩm chăn nuôi lợn và giống lợn tăng 1,02% so với quý trước và tăng 3,73% so với cùng kỳ năm trước; Nhóm sản phẩm chăn nuôi gia cầm giảm 0,2% so với quý trước và tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước; Nhóm sản phẩm chăn nuôi khác tăng 0,42% so với quý trước và tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là nhóm sản phẩm từ chăn nuôi trong Quý II năm 2024 tăng nhẹ do sự biến động giá chung của một số mặt hàng trên cả nước và các tỉnh lân cận. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá sản phẩm từ chăn nuôi tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Nhóm sản phẩm chăn nuôi trâu, bò tăng 3,09%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi dê, cừu, hươu, nai tăng 3,23%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi lợn và giống lợn tăng 2,77%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi gia cầm tăng 3,23%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi khác tăng 1,07% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu là nhóm sản phẩm từ chăn nuôi trong Quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tăng do sự biến động giá chung của một số mặt hàng trên cả nước và các tỉnh lân cận.

(4) Nhóm dịch vụ nông nghiệp: Chỉ số giá sản phẩm từ dịch vụ nông nghiệp quý II/2024 tăng 0,18% so với quý trước và tăng 0,72% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nhóm dịch vụ trồng trọt tăng 0,18% với quý trước và tăng 0,69% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ chăn nuôi tăng 0,13% với quý trước và tăng 2,74% so với cùng kỳ năm trước, nhóm dịch vụ chăn nuôi tăng do nhu cầu sử dụng các dịch vụ tăng, các hộ kinh doanh tăng giá dịch vụ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá sản phẩm từ dịch vụ nông nghiệp tăng 0,77% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Nhóm dịch vụ trồng trọt tăng 0,73%; Nhóm dịch vụ chăn nuôi tăng 2,96%, nhóm dịch vụ chăn nuôi tăng do nhu cầu sử dụng các dịch vụ tăng, các hộ kinh doanh tăng giá dịch vụ.

(5) Nhóm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan: Chỉ số giá sản phẩm nhóm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan của quý II/2024 tương đối ổn định tăng 0,03% so với quý trước và tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá sản phẩm nhóm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan tăng 1,46% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Nhóm sản phẩm trồng rừng, chăm sóc rừng và cây giống lâm nghiệp tăng 1,77%; Nhóm gỗ khai thác tăng 1,7%; Nhóm lâm sản khai thác, thu nhặt khác trừ gỗ tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu giá sản phẩm nhóm lâm nghiệp và dịch vụ có liên quan trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tăng là do phần lớn các sản phẩm giữ ổn định giá so với cùng kỳ.

(6) Nhóm thủy sản: Chỉ số giá sản phẩm thuỷ sản khai thác, nuôi trồng của quý II/2024 tăng 0,26% với quý trước và tăng 2,11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sản phẩm thuỷ sản khai thác tăng 0,62% với quý trước và tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước.Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá sản phẩm nhóm thuỷ sản khai thác, nuôi trồng tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: Nhóm sản phẩm thuỷ sản khai thác tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu do nguồn thủy sản tự nhiên giảm, một mặt tâm lý người tiêu dùng luôn ưa chuộng các mặt hàng khai thác tự nhiên nên giá tăng trong quý II và 6 tháng đầu năm 2024.

b) Giá sản xuất công nghiệp

Giá sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn chịu ảnh hưởng của các yếu tố như nhu cầu thị trường; giá nguyên liệu đầu vào; mùa vụ sản xuất; tình hình lưu thông hàng hóa; tình hình xuất nhập khẩu cũng như các chính sách điều hành kinh tế của Nhà nước... Trong tháng các yếu tố trên ảnh hưởng tương đối lớn đến giá sản xuất công nghiệp. Chỉ số chung giá sản xuất công nghiệp tháng 6/2024 tăng 2,08% so với tháng trước; tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước và tăng 27,79% so với kỳ gốc năm 2020, cụ thể các nhóm mặt hàng như sau:

(1) Nhóm ngành khai khoáng: Chỉ số giá sản phẩm thuộc nhóm ngành khai khoáng tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 6,13% so với cùng kỳ năm trước, nhóm khai khoáng tăng nhẹ so với tháng trước chủ yếu là giá đá xây dựng các loại tăng do nhu cầu sử dụng đá trong xây dựng tháng 6 tăng và do thời điểm này các đơn vị, doanh nghiệp, người dân triển khai xây dựng.

          (2) Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Chỉ số nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến và chế tạo giảm 0,09% so với tháng trước và tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung trong tháng nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không có biến động, một số nhóm ngành có tăng giảm nhưng không lớn, như: Sản phẩm chế biến thực phẩm giảm 0,21%; đồ uống tăng 0,47%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 0,49%; sản phẩm từ cao su và plastic tăng 0,16%.

          (3Nhóm điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí: tăng 6,01% so với tháng trước và giảm 14,87% so với cùng kỳ năm trước, nhìn chung nhóm điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng so với tháng trước do khu vực Tây Nguyên thời điểm hiện nay mặc dù đã có mưa, nhưng nước trên các hồ thuỷ điện vẫ còn ở mức thấp, giá bán điện lại theo bậc thang nên giá bán điện của thuỷ điện tăng.

          (4) Nhóm ngành nước tự nhiên khai thác; dịch vụ quản lý và xử lý rác thải, nước thải: tăng 0,57% so với tháng trước và giảm 3,29% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Chỉ số giá nước tự nhiên khai thác dùng cho sinh hoạt giảm 2,03% so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 11,63%; Chỉ số giá hoạt động thu gom, xử lý rác thải ổn định so với tháng trước.

4. Đầu tư và xây dựng

Hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 cơ bản được duy trì ổn định, có sự tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 23,35 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 7,41% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế.

4.1. Vốn đầu tư

a) Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn

Ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum quý II năm 2024 là 6.871 tỷ đồng, tăng 25,28% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 1.636 tỷ đồng, tăng 24,39% so với cùng kỳ và chiếm 23,8% trong tổng nguồn vốn; Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài nhà nước là 5.231 tỷ đồng, tăng 25,49% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 76,13% trong tổng nguồn vốn; Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 4,4 tỷ đồng, chiếm 0,06% trong tổng nguồn vốn, chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua XDCB, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 13.006 tỷ đồng, tăng 23,35% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm

Vốn Nhà nước trên địa bàn thực hiện là 2.777 tỷ đồng, tăng 16,16% so với cùng kỳ và chiếm 21,35% trong tổng số nguồn vốn, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước do trung ương quản lý là 1.234 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý là 1.542 tỷ đồng, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, môi trường nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài Nhà nước là 10.220 tỷ đồng tăng 25,39% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 78,58% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn đầu tư của doanh nghiệp là: 5.216 tỷ đồng, vốn đầu tư của các hộ gia đình là 5.004 tỷ đồng chủ yếu đầu tư của khu vực hộ dân cư trong xây dựng, sửa chữa nhà, chăn nuôi, trồng trọt...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 9 tỷ đồng, tăng 279,65% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 0,07% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua XDCB, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phân theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư XDCB: 9.565 tỷ đồng, chiếm 73,54% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư mua sắm TSCĐ dùng cho sản xuất không qua XDCB:  2.347 tỷ đồng, chiếm 18,05% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp TSCĐ: 806 tỷ đồng, chiếm 6,20% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động: 288 tỷ đồng, chiếm 2,21% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư khác: 0,5 tỷ đồng.

b) Tình hình thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2024

Ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum 6 tháng đầu năm 2024 là 1.241 tỷ tăng 7,41% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, Chia ra:

Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước là 949 tỷ đồng tăng 9,69% so với cùng kỳ và chiếm 76,47% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, môi trường nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn...Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách tỉnh là 516 tỷ đồng, chiếm 54,34%; Vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 380 tỷ đồng, chiếm 40,06%; Vốn ODA là 15 tỷ đồng, chiếm 1,53%; Vốn Xổ số kiến thiết là 39 tỷ đồng, chiếm 4,07%.

Vốn Ngân sách Nhà nước cấp huyện là 292 tỷ đồng, tăng 0,61% so với cùng kỳ và chiếm 23,53% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách huyện là 192 tỷ đồng chiếm 65,92%; Vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 100 tỷ đồng, chiếm 34,08%.

Vốn Ngân sách Nhà nước cấp xã không phát sinh.

Trong 6 tháng đầu năm 2024 nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông, kiên cố hóa các kênh mương, công trình cấp nước sinh hoạt; công trình giáo dục; y tế… Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum tăng so với cùng kỳ năm trước là do Các Sở ban ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tháo gở khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư.

c) Thu hút đầu tư trong và ngoài nước

- Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được tỉnh chỉ đạo quyết liệt với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, năng lực cạnh tranh ngày càng cao nhằm thu hút tối đa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, uy tín đến đầu tư tại tỉnh.

 Công tác phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư tiếp tục được chú trọng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh thu hút 09 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 109 tỷ đồng

4.2. Xây dựng

Ngay từ đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, dự án trọng điểm, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa, bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu; hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các dự án trọng điểm của tỉnhCuối tháng 3/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành kế hoạch kiểm tra, giám sát 12 chương trình, dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh năm 2024, đồng thời ban hành văn bản tiếp tục tăng cường tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tích cực triển khai những công trình chuyển tiếp từ năm 2023 đồng thời khởi công các công trình mới có vốn đầu tư cao. Những tháng đầu năm, tranh thủ thời tiết thuận lợi các hộ dân cư cũng tiến hành khởi công xây dựng nhà ở, nhà hàng, nhà nghỉ, sửa chữa nhà ở và các công trình liên quan (sân, tường rào, nhà kho, các công trình khác…); các đơn vị xã, phường, thị trấn cùng nhân dân thực hiện thi công các công trình nhà văn hóa, nhà rông, hội trường, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, bê tông hóa các đường liên thôn, liên xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới...

Giá trị sản xuất quý II năm 2024 ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo giá hiện hành ước đạt 4.883 tỷ đồng, tăng 8,10% so với cùng kỳ năm trước.  Bao gồm: Công trình nhà ở: 1.337 tỷ đồng, chiếm 27,38% trong tổng số và tăng 4,51% so với cùng kỳ năm trước; Công trình nhà không để ở: 239 tỷ đồng, chiếm 4,90% trong tổng số và tăng 9,29% so với cùng kỳ năm trước; Công trình kỹ thuật dân dụng: 3.238 tỷ đồng, chiếm 66,31% trong tổng số và tăng 9,56% so với cùng kỳ năm trước; Hoạt động xây dựng chuyên dụng: 69 tỷ đồng, chiếm 1,41% trong tổng số và tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh theo giá hiện hành đạt 9.341 tỷ đồng, tăng 6,91% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Công trình nhà ở: 2.544 tỷ đồng, chiếm 27,24% trong tổng số và tăng 2,94%; Công trình nhà không để ở: 459 tỷ đồng, chiếm 4,92% trong tổng số và tăng 8,48%; Công trình kỹ thuật dân dụng: 6.184 tỷ đồng, chiếm 66,21% trong tổng số và tăng 8,29%; Hoạt động xây dựng chuyên dụng: 153 tỷ đồng, chiếm 1,64% trong tổng số và tăng 17,15% so với cùng kỳ năm trước.

- Giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước tập trung ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước với các công trình trọng điểm về kỹ thuật dân dụng và nhà không để ở. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, đột xuất đường bộ Quốc lộ 14, 24, các tỉnh lộ...; thực hiện công trình đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sửa chữa trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc trên địa bàn các huyện, thành phố...  Các loại hình kinh tế khác (hộ dân cư, xã/phường/thị trấn) hoạt động xây dựng chủ yếu do hộ dân cư đầu tư xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nhà ở và các công trình liên quan (sân, tường rào, nhà kho, các công trình khác…); các đơn vị xã, phường, thị trấn cùng nhân dân thực hiện thi công các công trình nhà văn hóa, nhà rông, hội trường, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, bê tông hóa các đường liên thôn, liên xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới...

Công trình trọng điểm thực hiện trong kỳ:

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các đơn vị hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thi công các công trình trọng điểm chuyển tiếp từ năm 2023, đồng thời các công trình mới có vốn đầu tư cao như:

- Công trình kỹ thuật dân dụng: Đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum; Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi; Mở rộng, nâng cấp đường Trường Chinh, thành phố Kon Tum; Kè chống sạt lở dọc sông Đăk Bla; các công trình chỉnh trang đô thị thành phố Kon Tum (cải tạo vỉa hè, hệ thống thoát nước, mặt đường... ở các tuyến đường chính nội thành gồm Lê Hồng Phong, Nguyễn Huệ, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền và U Re); Khai thác quỹ đất phát triển kết cấu hạ tầng Đường bao khu dân cư phía Nam thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cầu treo Kon Klor); Đường giao thông từ xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy đi huyện Kbang tỉnh Gia Lai; Nâng cấp tuyến đường Đăk Man - Đăk Blô huyện Đăk Glei; Đường từ trung tâm huyện Sa Thầy đi Nhà máy thủy điện Ialy; các công trình đường giao thông liên xã huyện Sa Thầy, thành phố Kon Tum; Sửa chữa nâng cấp hệ thống tưới hồ chứa Đăk Car và đập Đăk Sia II huyện Sa Thầy,... Công trình thủy điện: Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng; Thủy điện Plei kần hạ; Thủy điện Nước Long 1, Thủy điện Đăk Mi, Thủy điện Thượng Nam Vao...

- Công trình nhà không để ở: Nhà thi đấu tổng hợp tỉnh Kon Tum; Trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành và các hạng mục phụ trợ; Trụ sở làm việc các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum; Trụ sở Công an tỉnh Kon Tum; Trụ sở Công an huyện Kon Plong; Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kon Tum; Khách sạn Đăk Blà; Sửa chữa nâng cấp trường Cao đẳng Kon Tum...

5. Doanh nghiệp

5.1.Tình hình đăng ký doanh nghiệp[4]

Trong tháng 6 năm 2024 (tính đến ngày 20/6/2024) toàn tỉnh có 15 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 10,6 tỷ đồng, bằng về số doanh nghiệp và giảm 91,19% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Có 05 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 03 doanh nghiệp đã giải thể; 8 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

 Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 20/6/2024) có 156 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 43,33% kế hoạch và tăng 16,42% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 1.107 tỷ đồng, đạt 27,67% kế hoạch và giảm 42,19% so với cùng kỳ. Có 30 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 38,78% so với cùng kỳ năm trước; 32 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 52,38% so với cùng kỳ năm trước; 163 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 32,52% so với cùng kỳ năm trước.

5.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

(1) Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý II năm 2024.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Quý II/2024 cho thấy: Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Quý II năm 2024 nhìn chung tương đối thuận lợi, phần lớn các doanh nghiện đã vượt qua giai đoạn khó khăn, có 36,36% đơn vị có đánh giá tình hình tốt hơn quý trước; 45,45% đánh giá giữ nguyên và chỉ còn 18,18% đơn vị đánh giá tình hình có khó khăn hơn so quý trước. Trong đó các đơn vị đánh giá khó khăn hơn chủ yếu ở một số nhóm ngành như sản xuất tinh bột sắn, sản xuất giường tủ, bàn ghế. Trong quý tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp đều dự báo tình hình sản xuất sẽ tốt hơn, cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất tốt hơn chiếm đến 45,45%, tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất giữ nguyên chiếm 33,33%, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất khó khăn hơn 21,21%.

(2)  Xu hướng sản xuất ngành xây dựng Quý II năm 2024.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng quý II năm 2024 nhìn chung tương đối ổn định, trong đó số doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn chiếm 44,9%. Doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn là các doanh nghiệp đang có công trình lớn trên địa bàn thực hiện chuyển tiếp của năm 2023 và các doanh nghiệp có khởi công công trình mới trong kỳ, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình sau dịp Tết nguyên đán. Doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh không thay đổi chiếm 42,9%. Doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn hơn chiếm tỷ lệ 12,2%; chủ yếu là những doanh nghiệp ít công trình chuyển tiếp từ năm 2023 và chưa có nhiều hợp đồng mới năm 2024.

Nhận định về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất ngành xây dựng thuận lợi hơn so với quý trước, do bắt đầu triển khai nhiều công trình mới, đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công. Tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động xây dựng thuận lợi hơn chiếm 44,9%, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất không đổi chiếm tỷ lệ 40,8%, tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn chiếm 14,3%.

Các đơn vị doanh nghiệp xây dựng đánh giá tổng thể về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý tiếp theo dựa trên cơ sở nhiều yếu tố có liên quan. Trong đó, tổng chi phí cho hoạt động xây dựng là yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quý tiếp theo có 93,9% số doanh nghiệp đánh giá tổng chi phí không đổi hoặc tăng lên so với quý trước (trong đó số doanh nghiệp đánh giá tổng chi phí tăng lên chiếm 55,1%), tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi mua nguyên vật liệu xây dựng không đổi hoặc tăng lên chiếm 93,9% và chi phí nhân công không đổi hoặc tăng lên chiếm tỷ lệ 95,9%. Các doanh nghiệp đánh giá mức chi phí giảm xuống chủ yếu là những doanh nghiệp thực hiện đang gặp khó khăn về nguồn lực nên chưa nhận được hợp đồng mới trong các quý đầu năm.

Về tình hình sử dụng lao động: trong quý tiếp theo có 34,7% số doanh nghiệp nhận định nhu cầu sử dụng lao động tăng hơn so với quý trước. Doanh nghiệp nhận định số lao động thường xuyên tăng chiếm 8,2% và nhận định lao động thời vụ tăng chiếm 40,8%. Số doanh nghiệp nhận định nhu cầu sử dụng lao động không thay đổi so với quý trước chiếm tỷ lệ 57,1%; tỷ lệ doanh nghiệp nhận định số lao động thường xuyên không thay đổi chiếm 91,8% và số doanh nghiệp nhận định lao động thời vụ không thay đổi chiếm 51%. Có 8,2% doanh nghiệp nhận định nhu cầu sử dụng lao động giảm, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp doanh nghiệp có lao động thời vụ giảm chiếm 8,2%.

Những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II năm 2024 là giá nguyên vật liệu tăng cao, không có hợp đồng xây dựng mới, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hạn chế và thiếu nguồn cung về nguyên vật liệu. Những nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong quý tiếp theo nhiều nhất là giá nguyên vật liệu tăng cao (chiếm 55,1%), không có hợp đồng xây dựng mới (chiếm 46,9%), năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hạn chế (chiếm 30,6%), thiếu nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng (chiếm 26,5%). Về mong muốn được nhận hỗ trợ của doanh nghiệp: 46,9% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ nguyên vật liệu; 46,9% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ vay vốn; 44,9% doanh nghiệp mong muốn thông tin đấu thầu công khai, minh bạch; 22,4%  mong muốn có chế tài xử phạt chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản; 22,4% doanh nghiệp cần được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong 6 tháng đầu năm diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh và đảm bảo an toàn thuỷ lợi cho sản xuất trong mùa mưa lũ gắn với phòng chống dịch bệnh. Ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên năng suất các loại cây trồng đạt khá, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2024, cây hàng năm vụ đông xuân đã thu hoạch xong. Thời tiết bắt đầu có mưa làm cho lượng nước ở các sông, suối, đập thủy điện tăng dần đã cung cấp đủ nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản vụ mùa năm 2024. Cây lâu năm, trong đó diện tích cây cà phê và các loại cây ăn quả khác của nông dân được làm cỏ, vun gốc chuẩn bị bón thúc; các Công ty, Nông trường cao su đang triển khai cho công nhân dọn lô, cào gốc đối với những vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản; những vườn cây bước vào kinh doanh đang được công nhân tiến hành cạo mủ.

6.1. Nông nghiệp

6.1.1. Trồng trọt

a) Kết quả sơ bộ sản xuất cây hàng năm vụ đông xuân năm 2023-2024

Nhìn chung vụ đông xuân năm nay thời tiết khô hanh, ít mưa, nắng nóng tăng đã làm cho lượng nước ở các sông, suối, ao, hồ giảm. Các công trình hồ, đập thủy lợi cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mức nước cũng giảm dần. Vì vậy, các sở, ngành đã kịp thời hướng dẫn các địa phương chú trọng đảm bảo nguồn nước tưới tiêu nên năng suất của các loại cây trồng tương đối ổn định. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng cũng gây ra một số loài sâu bệnh hại phát triển nhanh chóng, như: bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy nâu,... nhờ sự chỉ đạo kịp thời của ngành Nông nghiệp mà các ổ bệnh được xử lý nhanh chóng, kịp thời.

Tình hình sản xuất cây hàng năm vụ đông xuân 2023 – 2024 so với vụ đông xuân năm trước như sau: Tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm trên địa bàn tỉnh đạt 10.340 ha, tăng 1,02% (+ 104,16 ha). Trong đó:

Cây lúa gieo trồng được 7.229 ha, giảm 0,89% (-64,9 ha). Năng suất lúa đạt 51,02 tạ/ha, tăng 1,67%; sản lượng lúa đạt 36.88 tấn, tăng 0,77% (+ 280,83 tấn). Vụ đông xuân năm nay tuy thời tiết nắng nóng, lượng mưa ít nhưng được các sở, ngành quan tâm, chỉ đạo các địa phương ngay từ đầu vụ đã tập trung gieo sạ lúa sớm, dự trữ và sử dụng nước tiết kiệm đảm bảo nguồn nước tưới nên năng suất lúa có tăng so với vụ đông xuân năm trước.

Cây Ngô toàn tỉnh gieo trồng được: 764 ha, giảm 6,28% (-51,2 ha). DTGT ngô giảm là do người dân chuyển đổi sang cây trồng khác như mía, cây ăn quả. Năm nay người dân chuyển đổi sang một số giống ngô lai nên năng suất tăng, đạt 39,85 tạ/ha, tăng 2,36%; sản lượng ngô ước đạt 3.044 tấn, giảm 4,08% (-129,33 tấn), sản lượng giảm do DTGT giảm.

Cây lấy củ có chất bột, gieo trồng được 67 ha, giảm 19,25% (-15,9 ha). Trong đó diện tích khoai lang chiếm tỷ trọng lớn nhất tới 97%, với diện tích là 65 ha, tăng 14,31% (+8,1 ha). Diện tích tăng chủ yếu là diện tích trồng xen trên đất tái canh cà phê.

Cây lạc gieo trồng được 33 ha, tăng 2,78% (+0,9 ha). DTGT tăng do là người dân tăng cường trồng thêm trên các ô, nà ven sông. Năng suất đạt 17,5 tạ/ha, tăng 1,74%; sản lượng đạt: 58 tấn, tăng 4,57% (+ 2,54 tấn) là do diện tích và năng suất tăng nên sản lượng tăng.

Cây rau, đậu các loại và hoa toàn tỉnh gieo trồng được: 1.798 ha, tăng 10,57% (+171,82 ha). Trong đó: Rau các loại: 1.561 ha, tăng 9,17% (+131,07 ha); đậu các loại: 148 ha, tăng 37,07% (+40,05 ha). DTGT rau, đậu các loại tăng là do doanh nghiệp và người dân mở rộng diện tích gieo trồng rau, củ, quả nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao trong mùa nắng nóng.

Cây gia vị hàng năm gieo trồng được 55 ha, tăng 14,12% (+6,8 ha). DT tăng là do nhu cầu tiêu thụ tăng nên người dân mở rộng DTGT. Trong đó ớt cay là 28 ha, tăng 7,35%; gừng là 27 ha, tăng 21,97%.

Cây dược liệu, hương liệu hàng năm gieo trồng được 104 ha, giảm 5,98% (-6,6 ha), trong đó: sả là 75 ha, giảm 14% là do người dân chuyển đổi sang cây trồng khác như mía, cây ăn quả.

Cây hàng năm khác còn lại gieo trồng được 289 ha, tăng 27,13% (+61,2 ha), trong đó: cỏ voi là 286 ha, tăng 27,2%, do cây cỏ voi dễ trồng, ít đầu tư chăm sóc nên người dân mở rộng DTGT nhằm cung ứng đủ nguồn thức ăn cho gia súc.

b) Sản xuất vụ mùa

Hiện nay, cây trồng vụ đông xuân 2023-2024 đã thu hoạch gần xong. Người dân đang khẩn trương tiến hành làm đất, vệ sinh đồng ruộng và tiến hành gieo trồng một số cây trồng vụ mùa năm 2024. Các cơ quan chức năng triển khai kế hoạch cấp nước và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ, đạt hiệu quả và năng suất cao. Hướng dẫn các địa phương chú trọng diệt chuột đầu vụ mùa 2024, thông báo dự kiến tình hình sinh vật gây hại và thông báo hướng dẫn giải pháp kỹ thuật sản xuất gửi đến các địa phương; tiếp tục tuyên truyền vận động, duy trì hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhân rộng phát triển cây trồng theo hướng hữu cơ đối với các cây rau củ quả, dưa, cây trồng bản địa, đặc trưng, có lợi thế trên địa bàn tỉnh. Cụ thể tình hình sản xuất cây trồng vụ mùa năm 2024 như sau:

Cây hàng năm

Tính đến ngày 15/6/2024 tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ mùa năm 2024 trên địa bàn tỉnh gieo trồng được 52.121 ha, giảm 0,94% (- 495,4 ha) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, diện tích một số loại cây trồng so với cùng kỳ năm trước như sau:

Cây lúa gieo trồng được: 8.167 ha, tăng 6,16% (+474,3 ha). Diện tích tăng là do thời tiết thuận lợi nên người dân tranh thủ xuống giống cho kịp thời vụ.

Cây ngô gieo trồng được: 3.204 ha, giảm 6,81% (-233,7 ha). DTGT ngô  giảm là do người dân chuyển đổi sang cây trồng khác như mía, cây ăn quả.

Cây sắn gieo trồng được: 35.813 ha, giảm 4,10% (-1529,8 ha). Diện tích giảm do thời tiết khô hạn nên khâu chuẩn bị đất và xuống giống chậm làm cho tiến độ gieo trồng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Rau các loại gieo trồng được: 1.062 ha, tăng 0,95% (+10,1 ha); đậu các loại gieo trồng được 209 ha, tăng 2,0% (+3,4 ha); hoa các loại gieo trồng được: 74 ha, tăng 2,21% (+0,3 ha); khoai lang gieo trồng được: 404 ha, tăng 1,0% (4 ha). DTGT các loại cây tăng là do trong tháng thời tiết thuận lợi nên người dân tranh thủ xuống giống cho kịp thời vụ.

3. Cây lâu năm

Đầu năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đồng hành, hợp tác, mời gọi các doanh nghiệp để tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả như mắc ca, cam, mít, sầu riêng, ở những vùng sinh thái thích hợp. Các cây ăn quả như cam, mít, thanh long được người dân chú trọng trồng nhiều vì hiện nay các loại cây trồng này với loại giống ghép, lai do đó sớm cho sản phẩm thu hoạch, năng suất, giá thành bán ra tương đối ổn định đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây cao su đây cũng là loại cây công nghiệp chủ lực trong phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả kinh tế cao, những nơi có diện tích cao su lớn như: Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Hà.

Ước tính đến thời điểm 30/6/2024 tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 131.350 ha, tăng 7,26% (+8.886 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích cây ăn quả hiện có là 14.448 ha, tăng 51,88% (+4.935 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây ăn quả tăng cao là do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển nhiều nhóm cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế như chuối, sầu riêng, chanh leo, mắc ca, mít… Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường ổn định nên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tập trung vào những nông sản có giá trị để xuất khẩu như chanh leo, chuối, sầu riêng… đồng thời các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư trồng cây ăn quả kết hợp du lịch trang trại, do đó nhiều nông dân và doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi từ cây hàng năm hiệu quả không cao sang trồng cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Về sản lượng: Ước sản lượng xoài 785 tấn, tăng 1,9%; ước sản lượng chuối 7.174 tấn, tăng 7,9%; sầu riêng ước sản lượng 385 tấn, tăng 8,15%; mít ước sản lượng 988 tấn, tăng 7,39%; thanh long ước sản lượng 60 tấn, tăng 5,26%; sản lượng chanh leo ước 989 tấn, tăng 18,02%; cam ước sản lượng 952 tấn, tăng 7,94%; bưởi ước sản lượng 115 tấn, tăng 6,48%.

Diện tích cây cà phê hiện có 29.865 ha, tăng 2,53% (+738 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích cây cao su hiện có 79.084 ha, tăng 1,99% (+1.546 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cây trồng trọng điểm là cây cao su và cây cà phê. Hiện tại cây cà phê trong giai đoạn sinh trưởng. Sản lượng cao su ước đến 30/6/2024 đạt 18.105 tấn, tăng 5,48% (+940 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch tăng là do giá bán mủ cao su năm nay ổn định hơn năm trước nên đã khuyến khích người dân tăng cường đầu tư khai thác.

 1.1.2. Chăn nuôi

- Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum ước tính đến thời điểm 30/6/2024 so với cùng kỳ năm trước như sau:

- Tổng đàn trâu 24.265 con, tăng 0,7% (+165 con). Số con xuất chuồng là 1.439 con, tăng 1,6% (+23 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 396 tấn, tăng 1,54% (+6 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng đàn bò 87.697 con, tăng 3,4% (+2.897 con). Số con xuất chuồng là 18.420 con, tăng 2,1% (+385 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 3.435 tấn, tăng 2,17% (+73 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng đàn lợn 178.294 con, tăng 10,8% (+17.335 con). Số con xuất chuồng là 157.285 con, tăng 5,5% (+8.223 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 12.215 tấn, tăng 5,67% (+655,6 tấn ) so với cùng kỳ năm trước. Đàn lợn tăng là do giá cả ổn định nên người dân tăng đàn, mặt khác, trong kỳ đã có nhiều dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn bắt đầu hoạt động.

- Tổng đàn gia cầm 2.077.100 con, tăng 5,6% (+110.500 con). Trong đó: đàn gà 1.817.000 con, tăng 5,9% (+101.600 con). Sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng 3.070 tấn, tăng 5,51% (+160,3 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: sản lượng thịt hơi gà xuất chuồng 2.751 tấn, tăng 5,4% (+140,3 tấn). Tổng đàn gia cầm tăng cả về số lượng đầu con và sản phẩm là do hiện nay chăn nuôi gia cầm đang đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi các loại con khác do thời gian thu sản phẩm nhanh, giá trị kinh tế cao nên nhiều hộ đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, chủ động phòng trừ dịch bệnh kịp thời, tạo thu nhập ổn định cho người chăn nuôi sản xuất. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang phát triển thêm nhiều cơ sở chăn nuôi gà với quy mô lớn.

- Tình hình dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm 2024:

Trong 06 tháng đầu năm 2024, một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật như bệnh Lở mồm long móng ở trâu bò, bệnh Dại chó mèo, bệnh Dịch tả lợn Châu phi đã xảy ra với quy mô nhỏ. Các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đến nay các ổ bệnh đã được khống chế, dập tắt. Cụ thể như sau:

- Bệnh Lở mồm long móng ở trâu, bò: đã xảy ra trên 102 con gia súc của các hộ chăn nuôi trên địa bàn các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum. Các địa phương đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống theo quy định, chăm sóc và nuôi dưỡng khỏi triệu chứng lâm sàng cho 93 con gia súc, tiêu huỷ 09 con trâu.

- Bệnh Dại chó, mèo: đã xảy ra tại 03 xã Ya Ly, Sa Bình, Ya Xiêr, huyện Sa Thầy. Địa phương đã phát hiện sớm, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định, tổ chức tiêu huỷ 130 con chó, mèo (03 con chó mắc bệnh dại, 125 con chó và 02 con mèo bị phơi nhiễm với bệnh Dại). Đến nay, các ổ bệnh Dại đã được khống chế, dập tắt.

- Bệnh Dịch tả lợn Châu phi: xảy ra tại 01 hộ chăn nuôi thôn Đăk Rang, xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei. Địa phương đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, tiêu huỷ 57 con lợn mắc bệnh, chết theo quy định. Đến nay ổ bệnh đã được khống chế và dập tắt.

1.2. Lâm nghiệp

Tháng 6 năm 2024, sản xuất lâm nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu thực  hiện khâu lâm sinh, khai thác gỗ và củi. Ngành Kiểm lâm tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng, tiếp tục tổ chức các đợt truy quét, phối hợp tuần tra bảo vệ rừng.

Công tác trồng rừng: Tính đến ngày 15/6/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn tỉnh là 131 ha, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Số vụ cháy rừng là 01 vụ, với diện tích thiệt hại là 8,3 ha và 10 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 6,09 ha. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Công tác khai thác lâm sản: Ước tính đến thời điểm 30/6/2024, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 67.376 m3, tăng 2% (+1.321 m3) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác là 133.766 ster, tăng 1,7% (+2.236 ster) so với cùng kỳ năm trước.

1.3. Thuỷ sản

Trong thời gian qua, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng; Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích người dân nuôi thuỷ sản chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất, tuyên truyền, vận động người nuôi chọn giống đạt chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm.

Diện tích nuôi trồng thủy sản ước tính đến 30/6/2024  là 976 ha, tăng 14,68 % (+124,9 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Ước sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 tỉnh Kon Tum đạt 3.527 tấn, tăng 7,04% (+232 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng thuỷ sản khai thác đạt 1.195 tấn chiếm 33,88%; sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 2.332 tấn chiếm 66,12%.

Sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt là 1.195 tấn, tăng 6,22% (+70 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thuỷ sản khai thác tăng chủ yếu là do số lượng cá khai thác tại các đập, hồ chứa, sông… tăng lên, bên cạnh đó các đơn vị đấu thầu các đập, hồ thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn đã thả giống thuỷ sản nhằm tăng nguồn lợi thuỷ sản để khai thác. Cụ thể sản lượng một số loại thuỷ sản khai thác trên địa bàn tỉnh tăng cao như sau: Cá lóc (Cá quả) 66 tấn tăng 4,76% (+3 tấn); Cá trắm 91 tấn tăng 7,06% (+6 tấn); Cá chép 92 tấn tăng 6,98% (+6 tấn); Cá rô phi 251 tấn tăng 8,19% (+19 tấn); Các loại cá khác  là 572 tấn tăng 5,93% (+32 tấn).

Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 2.332 tấn, tăng 7,47% (+162 tấn) so với cùng kỳ năm trước, nhìn chung sản lượng thuỷ sản nuôi trồng trong 6 tháng đầu năm 2024 của tất cả các loại điều tăng. Cụ thể sản lượng một số loại thuỷ sản nuôi trồng trên địa bàn tỉnh tăng như sau: Cá rô phi sản lượng là 790 tấn, tăng 10,49% (+75 tấn); Cá diêu hồng sản lượng là 280 tấn, tăng 5,66% (+15 tấn); Cá trắm 820 tấn, tăng 6,63%  (+51 tấn); Cá chép 120 tấn tăng 7,14% (+8 tấn); Cá lóc (Cá quả) 165 tấn tăng 5,77% (+9 tấn); Các loại cá khác là 45 tấn, tăng 7,14% (+3 tấn).

Nhìn chung sản lượng thủy sản trong kỳ tăng chủ yếu do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước, diện tích nuôi trồng tăng do các đơn vị khoanh nuôi tại các hồ, đập thuỷ điện, thuỷ lợi. Bên cạnh đó sản lượng khai thác, đánh bắt của các hộ trên các hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối cũng tăng so với cùng kỳ năm trước

7Sản xuất công nghiệp

Nhìn chung tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong quý II và 6 tháng năm 2024 tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước (chỉ số chung 6 tháng tăng 9,57% so cùng kỳ), hầu hết các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng. Đối với ngành công nghiệp chế biến chế tạo còn chịu nhiều tác động bởi khó khăn của tình tình kinh tế trong và ngoài nước song các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn duy trì hoạt động ổn định, một số nhóm ngành tăng cao như ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất hóa chất, sản xuất bàn, ghế... do nguồn nguyên liệu đảm bảo và tình hình tiêu thụ sản phẩm ổn đinh. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù ảnh hưởng bởi tình hình nắn hạn kéo dài trong các tháng đầu năm nhưng vẫn duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có mức tăng trưởng tương đối cao, một phần do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng cao bởi thời tiết nắng nóng; bên cạnh đó các đơn vị thu gom, xử lý rác thải luôn mở rộng địa bàn thu gom, xử lý rác. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 ước tính tăng 12,97 % so với cùng kỳ năm trước; Sản xuất công nghiệp trong quý II/2024 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, chỉ số IIP tăng 8,11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP ước tính tăng 9,57% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 11,07%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,67%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,03%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 13,22%.

7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 6 năm 2024 ước tính tăng 12,97% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung trong tháng các ngành sản xuất trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định hơn và đều có chỉ số sản xuất tăng so cùng kỳ. Cụ thể chỉ số sản xuất các ngành như sau: ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tăng 7,57% do nhu cầu tiêu thụ đá, cát sỏi tăng cao ở các công trình xây dựng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,06% và tăng chủ yếu ở các ngành như chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm hóa chất (sản phẩm cồn sinh học)... do tình hình tiêu thụ sản phẩm ổn định, nguồn cung cấp nguyên liệu cho sản xuất luôn đảm bảo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,62%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 19,28%.

So tháng trước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 6 năm 2024 tăng nhẹ (tăng 0,59%). Trong đó công nghiệp khai thác khoáng sản tăng 2,31%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,95%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,29%; riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,93%, chủ yếu giảm ở ngành chế biến thực phẩm do đã vào cuối vụ thu hoạch sắn, nguồn cung cấp nguyên liệu giảm nên sản lượng sản phẩm sản xuất của các nhà máy tinh bột sắn giảm mạnh.     

Chỉ số sản xuất công nghiệp Quý II năm 2024 ước tính tăng 8,11% so cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tăng 11,88%, do trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều công trình xây dựng, nhu cầu tiêu thụ đá, cát sỏi tăng cao nên các đơn vị tăng sản lượng khai thác; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,01%, trong đó tăng chủ yếu ở một số ngành như chế biến gỗ, sản xuất hóa chất, (sản phẩm cồn sinh học), sản xuất sản phẩm từ cao su, sản xuất bàn, ghế... do nguồn cung cấp nguyên liệu đảm bảo và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,82%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,78% do năm nay thời tiết nắng nóng bất thường so các năm nên nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao; một mặt các đơn vị hoạt động thu gom xử lý rác thải mở rộng địa bàn thu gom rác thải, tăng công suất hoạt động của nhà máy.  

 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 11,07%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,67%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,03%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,22%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II đều tăng so với cùng kỳ năm trước: Khai khoáng khác tăng 11,07%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 12,94%; Sản xuất trang phục tăng 9,54%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,84%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 19,61%; In, sao chép bản ghi các loại tăng 10,85%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 7,18%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,57%. Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,18%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 9,30%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,25%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,03%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 10,01%.

7.2. Sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp

Ước tính một số sản phẩm sản xuất Quý II năm 2024 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 114.973 m3, tăng 13,13%; Tinh bột sắn ước tính sản xuất 31.354 tấn, tăng 2,51%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 51,90 triệu viên, tăng 2,17%; điện sản xuất 693,2 triệu Kwh, tăng 5,50%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu so với cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất đạt 1.525 triệu Kwh tăng 8,62%; Đá xây dựng khác đạt 231.457 m3 tăng 11,58%; Tinh bột sắn đạt 119.480 tấn tăng 4,76%; Đường RE đạt 10.271 tấn, tăng 44,01%; Bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc đạt 872,6 ngàn cái, tăng 9,71%; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) đạt 17.304 m3, tăng 19,61%; Sản phẩm in khác (quy khổ 13cmx19cm) đạt 113,8 triệu trang tăng 10,85%; Cồn béo công nghiệp đạt 5.523 tấn tăng 7,30%; Phân vi sinh đạt 632 tấn tăng 5,86%; Sản phẩm khác bằng cao su lưu hoá trừ cao su cứng chưa phân vào đâu đạt 980 tấn, tăng 7,57%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 96,23 triệu viên, tăng 8,37%; Ngói, phiến đá lát đường và các sản phẩm tương tự bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 193,5 nghìn viên, tăng 11,40%; Cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 14.736 tấn, tăng 7,60%; Ghế khác có khung bằng gỗ đạt 121.651 chiếc, tăng 11,29%; Bàn bằng gỗ các loại đạt 53.763 chiếc, tăng 13,80%...

7.3. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm đầu tháng 6/2024 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 3,65% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước tăng 0,86%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 2,97%. Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành Khai khoáng tăng 2,48%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,05 %; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 3,62%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 12,30% so với cùng kỳ năm trước.

7.4. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6 năm 2024 ước tính tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung tình hình tiêu thụ sản phẩm trong tháng tương đối thuận lợi, hầu hết các nhóm ngành đều có chỉ số tiêu thụ tăng. 

7.5. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo  ước tính đến thời điểm 30/6/2024 giảm 0,88% so với cùng thời điểm năm trước. Hiện tại các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất ổn định, lượng sản phẩm sản xuất ra được tiêu thụ hết nên chỉ số tồn kho giảm.        

8. Thương mại, dịch vụ

8.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khá sôi động trong tháng Sáu, tăng nhẹ so với tháng trước là do các hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút được sự hưởng ứng tham gia của thương nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, tháng 6 thời tiết trên địa bàn tỉnh đang vào mùa mưa nên có phần ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh buôn bán của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng Sáu, tăng 1,11% so với tháng trước và tăng 16,22% so với cùng kỳ năm trước.  Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tăng 12,13% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 6 năm 2024 đạt 3.256,64 tỷ đồng, tăng 1,11% so với tháng trước và tăng 16,22% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.725,86 tỷ đồng, chiếm 83,7% trong tổng số, tăng 1,07% so với tháng trước và tăng 15,67% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 338,89 tỷ đồng, chiếm 10,41% trong tổng số, tăng 1,45% so với tháng trước và tăng 17,71% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 191,88 tỷ đồng, chiếm 5,89% trong tổng số, tăng 1,11% so với tháng trước và tăng 21,64% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tháng 6 năm 2024 tăng nhẹ so với tháng trước là do các hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút được sự hưởng ứng tham gia của thương nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, tháng 6 thời tiết trên địa bàn tỉnh đang vào mùa mưa nên có phần ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh buôn bán của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính quý II năm 2024 đạt 9.730,2 tỷ đồng, tăng 4,32% so với quý I năm 2024 và tăng 14,54% cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 8.090,25  tỷ đồng, chiếm 83,15% trong tổng số, tăng 3,57% so với quý I năm 2024 và tăng 14,09% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 997,03 tỷ đồng, chiếm 10,25% trong tổng số, tăng 9,78% so với quý I năm 2024 và tăng 14,83% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 642,97 tỷ đồng, chiếm 6,61% trong tổng số, tăng 5,85% so với quý I năm 2024 và tăng 20,06% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính quý II năm 2024 tăng so với quý I năm 2024 và tăng so với cùng kỳ năm trước là do trong quý II năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi nhằm kích thích tiêu dùng của người dân trong dịp lễ 30/4 và 01/5 kéo dài liên tục 5 ngày, nhờ đó các hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí trở nên sôi động. Tình hình kinh doanh, sản xuất các ngành trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối ổn định, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và chi tiêu cho đời sống theo đó cũng ổn định đã làm cho doanh thu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 ước tính đạt 19.057 tỷ đồng, tăng 12,13% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm:

+ Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 15.902 tỷ đồng, chiếm 83,44% trong tổng số và tăng 11,63% so với cùng kỳ năm trước. Đa số các nhóm hàng hóa có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm, tăng 10,56%; Hàng may mặc, tăng 19,40%; Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình, tăng 9,37%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục, tăng 12,99%; Gỗ và vật liệu xây dựng, tăng 8,02%; Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi), tăng 6,84%; Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng), tăng 19,48%; Xăng, dầu các loại, tăng 12,27%; Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu), tăng 24,84%; Đá quý, kim loại quý và sản phẩm, tăng 29,68%; Hàng hoá khác, tăng 5,93%; Doanh thu dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tăng 12,45%.

+ Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.905 tỷ đồng, chiếm 10,0% trong tổng số và tăng 12,15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 125 tỷ đồng, tăng 25,02%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1.779 tỷ đồng, tăng 11,33%; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ đạt 1,87 tỷ đồng, tăng 34,71% so với cùng kỳ năm trước.

+ Doanh thu dịch vụ khác 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.250,39 tỷ đồng, chiếm 6,56% trong tổng số và tăng 18,86% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số dịch vụ có mức tăng cao so như: dịch vụ kinh doanh bất động sản, tăng 8,09%; dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ, tăng 23,54%; dịch vụ giáo dục và đào tạo, tăng 32,15%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tăng 26,94%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí, tăng 14,93%; dịch vụ khác, tăng 23,49%...

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính 6 tháng đầu năm 2024 tăng cùng kỳ năm trước là do: Trong 6 tháng đầu năm 2024 (thời điểm có diễn ra Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 26/12/2023 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Công văn số 807/UBND-KTTH ngày 11/3/2024 về việc triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành giá năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh doanh, sản xuất các ngành trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối ổn định và đời sống Nhân dân tương đối ổn định so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp và hệ thống các siêu thị thực hiện nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, nên giá cả các mặt hàng tương đối ổn định và phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng nên sức mua tăng; Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, thị trường nhìn chung bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, nhu cầu mua sắm tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, vật phẩm, văn hoá, giáo dục... Hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Kon Tum tăng so với cùng kỳ năm trước là do trong 6 tháng đầu năm 2024, đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, văn nghệ, thể thao truyền thống; trải nghiệm, trò chơi dân gian; giới thiệu các tour, tuyến tham quan du lịch … sinh động, hấp dẫn mang sắc thái Xuân, ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3), các hoạt động chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập thành phố Kon Tum, kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Đăk Hà (24/3/1994 - 24/3/2024), dịp lễ 30/4 và 01/5 kéo dài liên tục 5 ngày… hấp dẫn phục vụ du khách dịp Tết, Lễ hội.

8.2. Vận tải

Tình hình giao thông, vận tải trên địa bàn tỉnh trong tháng Sáu duy trì được sự tăng trưởng và ổn định hơn so với cùng kỳ năm trước. Tháng 6 là thời gian nghỉ hè nên nhu cầu đi tham quan, du lịch và về thăm quê của người dân tăng mạnh sau nhiều năm ảnh hưởng dịch Covid-19. Hoạt động vận chuyển hàng hóa tăng là do trong tháng trên địa bàn tỉnh một số sản phẩm nông nghiệp vào mùa thu hoạch như cao su … nên hoạt động vận chuyển hàng hóa nhành nông nghiệp tăng, đồng thời đây cũng là mùa xây dựng nên hoạt động vận tải phục vụ ngành xây dựng tăng mạnh. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vận chuyển hành khách tăng 16,81%, luân chuyển hành khách tăng 17,11% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 8,41%, luân chuyển hàng hóa tăng 9,41% so với cùng kỳ năm trước.

  1. Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 6 năm 2024:

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 6 năm 2024 đạt 256,43 tỷ  đồng, tăng 3,71% so với tháng trước và tăng 14,98% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 72,71 tỷ đồng (so với tháng trước tăng 5,92%), so với cùng kỳ năm trước tăng 19,34%; Vận chuyển ước đạt 1.061 nghìn lượt khách, tăng 9,76%; Luân chuyển ước đạt 140.928 nghìn lượt khách.km, tăng 8,24%.

- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 165,91 tỷ đồng (so với tháng trước tăng 2,96%), so với cùng kỳ năm trước tăng 13,64%; Vận chuyển ước đạt 1.671 nghìn tấn, tăng 7,47%; Luân chuyển ước đạt 85.799 nghìn tấn.km, tăng 7,23%.

- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 1,89 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 20,83%.

- Hoạt động bưu chính và chuyển phát, doanh thu đạt 15,92 tỷ đồng, tăng  9,5%.

Hoạt động vận chuyển hành khách tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu là do tháng 6 là thời gian nghỉ hè nên nhu cầu của người dân đi về thăm quê và đi du lịch tăng mạnh. 

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu là hoạt động vận chuyển hàng hóa được duy trì ổn định, đồng thời các đơn vị kinh doanh vận tải đầu tư thêm phương tiện có trọng tải lớn phục vụ vận chuyển hàng hóa đường dài.

b) Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính 6 tháng đầu năm 2024:

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.479,86 tỷ  đồng, tăng 16,51% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 426,01 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 26,91%; Vận chuyển ước đạt 6.091 nghìn lượt khách, tăng 8,91%; Luân chuyển ước đạt 789.148 nghìn lượt khách.km, tăng 8,36%.

- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 949,97 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 12,72%; Vận chuyển ước đạt 9.680 nghìn tấn, tăng 6,44%; Luân chuyển ước đạt 487.005 nghìn tấn.km, tăng 6,58%.

- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 11,17 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 22,03%.

- Hoạt động bưu chính và chuyển phát, doanh thu đạt 92,71 tỷ đồng, tăng  12,24%.

 

9. Các vấn đề xã hội

9.1. Lao động và việc làm

Nhận định chung về tình hình lao động việc làm trong quý: Trong quý II năm 2024, nhìn chung tình hình lao động việc làm tăng so với cùng kỳ năm trước cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và dịch vụ là do tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, tạo cơ hội cho lao động tham gia là yếu tố làm cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có việc làm trong quý tăng, từ đó làm giảm đi tình trạng thất nghiệp.

(1) Lực lượng lao động và thất nghiệp

Xu hướng tăng/giảm của lực lượng lao động : Ước tính đến cuối quý II năm 2024, tổng số người từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Kon Tum là 416.731 người, trong đó: nữ 205.529 người, chiếm 49,32%; khu vực thành thị là 138.521 người, chiếm 33,24% trong tổng số người từ 15 tuổi trở lên.

Lực lượng lao động của tỉnh trong những năm qua tăng cả về quy mô và chất lượng. Ước tính đến cuối quý II năm 2024, toàn tỉnh có 343.911 người thuộc lực lượng lao động, trong đó lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị là 106.106 người chiếm 30,85%, khu vực nông thôn là 237.805 người chiếm 69,15% lực lượng lao động; Tỷ lệ nam tham gia lực lượng lao động chiếm 52,01% (178.851 người), và tỷ lệ này ở nữ là 47,99% (165.060 người).

 Qua thực tế tình hình tại địa phương, lực lượng lao động trong quý tăng là do tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển. Diện tích các loại cây trồng được duy trì; chăn nuôi phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, khách du lịch tăng cao so với cùng kỳ năm trước; các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được chỉ đạo triển khai quyết liệt. Lĩnh vực văn hóa, xã hội diễn ra sôi nổi, phối hợp tổ chức thành công điểm cầu truyền hình 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Kon Tum. Nhiều Doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất do đã tìm kiếm được đơn hàng ổn định, một số nhóm ngành tăng cao như ngành chế biến thực phẩm, sản xuất bàn ghế, chế biến gỗ.... Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch tiếp tục được triển khai, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã; Xây dựng ổn định sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên còn hiệu lực( ) tạo cơ hội việc làm cho người lao động, thúc đẩy lực lượng lao động tham gia, là yếu tố làm cho lực lượng lao động tăng cao so với cùng kỳ năm trước trong cả 3 khu vực.

Tỷ lệ thất nghiệp: Số người thất nghiệp ước tính đến cuối quý II năm 2024 là 2.039 người, tỷ lệ thất nghiệp là 0,59% trong tổng số lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh, giảm 0,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: nữ có 1.182 người, chiếm tỷ lệ 57,95% trong tổng số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ là 0,72%, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tỷ lệ thất nghiệp của nam 0,24% (0,72% so với 0,48%). Khu vực thành thị có số người thất nghiệp tương đối cao 1.149 người, tỷ lệ thất nghiệp là 1,08%, khu vực nông thôn có tỷ lệ thất nghiệp là 0,37% (890 người).

Tỷ lệ thất nghiệp của tỉnh Kon Tum đang ở mức thấp so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Đồng thời giảm so với cùng kỳ năm trước, là do trong quý II/2024, tình hình tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, các doanh nghiệp có nhiều đơn hàng, có nhiều doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô sản xuất được mở rộng, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu không còn xảy ra; nhiều ngành sản xuất hoạt động ổn định, Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng. Hoạt động lĩnh vực văn hóa, thể thao diễn ra khá sôi nổi, dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh rất nhộn nhịp và sôi động góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Tính từ đầu năm đến nay giải quyết việc làm cho 4.010 lao động, trong đó cung ứng, giới thiệu 363 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh; số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 99 người; giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm 3.548 lao động (số liệu từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội).

Tình hình nhận trợ cấp thất nghiệp: Trong quý, có 484 hồ sơ được thẩm định và giải quyết cho 470 người được nhận trợ cấp thất nghiệp, giảm 36,83% (-274 người) so với cùng kỳ năm trước. Với số tiền chi trả nhận trợ cấp thất nghiệp là 7.866,71 triệu đồng (số liệu từ Trung tâm dịch vụ việc làm Kon Tum).

(2) Lao động có việc làm

 Xu hướng tăng/giảm của lao động có việc làm: Trong tổng số lực lượng lao động trên toàn tỉnh, số lao động có việc làm là 341.872 người, chiếm 99,41% trong lực lượng lao động trên toàn tỉnh. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực nông thôn chiếm phần lớn, với 236.915 người chiếm 69,30% (do dân số ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 2/3 dân số trên toàn tỉnh). So sánh Lao động có việc làm/Lực lượng lao động giữa hai khu vực thành thị và nông thôn thì khu vực nông thôn có tỷ lệ lao động có việc làm cao hơn khu vực thành thị 0,71 điểm phần trăm (99,63% và 98,92%). Tỷ lệ này ở lao động có việc làm giữa nam và nữ chênh lệch không đáng kể 0,24 điểm phần trăm (99,52% và 99,28%).

Quý II năm 2024, Lao động có việc làm tăng do tỉnh Kon Tum đã, đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp hiện có và tiếp tục đầu tư mới các khu, cụm công nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thực hiện thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định nhằm sớm triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có tính động lực nhằm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết đến khảo sát, đầu tư trên địa bàn, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản... Đến nay đã có 130 doanh nghiệp thành lập mới, duy trì 236 sản phẩm OCOP còn hiệu lực đạt từ 3 sao trở lên. Từ đó đã thu hút một lực lượng lao động tại địa phương tham gia. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh; dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi ủy quyền địa phương quản lý.

Kết nối cung cầu, giải quyết việc làm, lao động gắn với kiểm tra, giám sát hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn từng huyện, thành phố. Xác định thành phố Kon Tum và huyện Kon Plông là vùng kinh tế động lực của tỉnh, làm cơ sở để huy động, sử dụng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nguồn lực để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế các vùng kinh tế động lực, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phát triển các vùng, địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Tạo được việc làm cho người lao động, tỷ lệ lao động có việc làm đạt cao.

Chuyển dịch cơ cấu ngành: Lao động có việc làm trong 03 khu vực kinh tế so với cùng kỳ năm trước và so với quý trước đều tăng; cụ thể như sau:

+ Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Trong quý II/2024 số lao động có việc làm khu vực này là 242.661 người, tăng 4,66% (tăng 10.806 người) so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã ổn định và phát triển bền vững, giá các mặt hàng nông nghiệp (Sầu riêng, cà phê, mủ cao su….) tăng cao, diễn biến thời tiết cơ bản thuận lợi, nông dân đang trong thời kỳ thu hoạch, chuẩn bị chu kỳ chăm sóc… là điều kiện để thuê lao động tham gia hoạt động lao động trong khu vực này.

+ Khu vực công nghiệp, xây dựng: Trong quý II/2024, lao động có việc làm trong khu vực này dự ước tăng so quý trước, và cũng tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ổn định trở lại, khó khăn về đơn hàng trong ngành công nghiệp đã được giải quyết phần nào. Về hoạt động xây dựng, quý II/2024 là những tháng đầu năm, là mùa khô của khu vực Tây Nguyên nên người dân đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà cửa, các công trình cơ sở hạ tầng được gấp rút triển khai đảm bảo kịp tiến độ nên lao động có việc làm trong khu vực này tăng so với quý trước. Lao động có việc làm trong khu vực này là 25.430 người, tăng 6,80% (1.619 người) so với cùng kỳ năm trước.

+ Khu vực dịch vụ: Trong quý II/2024, lao động có việc làm trong khu vực này là 73.781 người, tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ có xu hướng phát triển tích cực là do Quý II năm 2024 là thời điểm hè, các hoạt động vui chơi, giải trí được tổ chức hoạt động nhộn nhịp và sôi động. Tổ chức thành công điểm cầu truyền hình 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Kon Tum thu hút được nhiều lượt khách đến tham gia, các hoạt động thương mại tiếp tục ổn định. Do đó, lao động có việc làm trong khu vực này dự ước tiếp tục tăng so quý trước và cùng kỳ năm trước.

Tình hình thiếu việc làm: Số người thiếu việc làm ước tính đến cuối quý II năm 2024 là 1.685 người, tỷ lệ thiếu việc làm là 0,49% trong tổng số lực lượng lao động, tăng 4,62% so với cùng kỳ năm trước (1.685 người so với 1.611 người). Song đối với vùng nông thôn chiếm phần lớn 1.140 người, chiếm 67,7% trong tổng số, một phần do ở khu vực nông thôn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là chủ yếu, công việc mang tính thời vụ, cho nên tình trạng thiếu việc làm luôn là vấn đề phổ biến ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nông thôn trong tổng số lực lượng lao động nông thôn là 0,48%. Tương tự, lao động nam thiếu việc làm tương đối cao (1.058 người) chiếm tỷ lệ 62,8% trong tổng số người thiếu việc làm; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nam là 0,59% so với lực lượng lao động là nam giới; và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nữ là 0,38% so với lực lượng lao động là nữ giới.

Nhìn chung, tỷ lệ thiếu việc làm của tỉnh Kon Tum đang ở mức thấp so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên nói riêng và trên toàn quốc nói chung. Điều này là do tỉnh Kon Tum là tỉnh có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Tính chất đặc thù công việc nông nghiệp thường theo thời vụ nên xảy ra tình trạng nông nhàn, một số lao động giản đơn không có kỹ năng không thể tham gia các công việc khác nên chỉ thiếu việc làm trong thời gian rãnh việc.

9.2. Tình hình đời sống dân cư

 Trong quý II, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh đạt 10.340,4 ha, tăng 1,02% (+ 104,16 ha) so với cùng kỳ năm trước; chăn nuôi phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, khách du lịch tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực văn hóa, xã hội diễn ra sôi nổi, đã phối hợp tổ chức thành công điểm cầu truyền hình 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Kon Tum. Công tác phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh được đảm bảo. Các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời. Trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm cả 03 tiêu chí so với quý trước; … Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có một số hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức như: Trong quý, đã xảy ra cháy rừng[5] và bệnh Dịch tả lợn Châu phi (đã được phát hiện và dập tắt kịp thời).

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc điều chỉnh mức hỗ trợ tiền điện hàng tháng cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum[6]; Công văn về việc đẩy mạnh triển khai Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, tỉnh Kon Tum[7]; Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024)[8].

9.3. Công tác an sinh xã hội

Trong quý II, công tác lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp được triển khai kịp thời. Các chế độ, chính sách, dự án ưu đãi đối với người có công cách mạng; hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được thực hiện đảm bảo theo quy định.

Trợ cấp, phụ cấp hàng tháng cho các đối tượng thụ hưởng được chi trả kịp thời, đúng đối tượng. Các nguồn hỗ trợ đột xuất giảm mạnh so với cùng kỳ quý trước, nguyên nhân là do các hoạt động hỗ trợ đột xuất chủ yếu phát sinh vào thời điểm trước Tết Nguyên đán và giai đoạn giáp hạt. Hỗ trợ đột xuất chủ yếu là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách xã hội không thuộc Nghị định 20/2021/NĐ-CP được hưởng theo chính sách trợ giúp xã hội đặc thù của tỉnh theo Nghị quyết 68/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum.

9.4. Tình hình nổi bật về xã hội

Về y tế: Trong quý, Ngành Y tế đã thực hiện tốt công tác chuyên môn, công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai tích cực, chủ động, các dịch bệnh trên người được kiểm soát tốt; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện nghiêm túc.

 (1) Tình hình dịch bệnh tháng 5 năm 2024:

- Tay - Chân - Miệng: Trong tháng, ghi nhận 3 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 01, Ngọc Hồi 02), tăng 1 ca so với tháng trước và bằng với tháng 5/2023. Luỹ tích đến 31/5/2024, không có tử vong, ghi nhận 8 ca mắc (thành phố Kon Tum 3, Ngọc Hồi 2, Tu Mơ Rông 2, Ia H’Drai 1), giảm 15 ca so với cùng kỳ năm trước.

- Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 11 ca mắc mới (Đăk Tô 3, Tu Mơ Rông 3, Kon Rẫy 5), giảm 29 ca so với tháng trước, giảm 3 ca so với tháng 5/2023. Luỹ tích đến 31/5/2024, không có tử vong, ghi nhận 93 ca mắc1, giảm 7 ca so với cùng kỳ năm trước.

- Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 15 ca mắc mới (Đăk Tô 4, Tu Mơ Rông 7, Kon Rẫy 4), giảm 33 ca so với tháng trước, tăng 13 ca so với tháng 5/2023. Luỹ tích đến 31/5/2024, không có tử vong, ghi nhận 111 ca mắc2, tăng 80 ca so với cùng kỳ năm trước.

- Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 6 ổ dịch (Đăk Hà 2, Kon Rẫy 4), tăng 3 ổ dịch so với tháng trước và tăng 2 ổ dịch so với tháng 5/2023. Lũy tích đến 31/5/2024, ghi nhận 10 ổ dịch (Đăk Hà 2, Đăk Tô 1, Kon Rẫy 7), bằng so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, ghi nhận 17 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 4, Đăk Hà 4, Kon Rẫy 9), giảm 30 ca so với tháng trước, tăng 1 ca so với tháng 5/2023. Luỹ tích đến 31/5/2024, không có tử vong, ghi nhận 77 ca mắc3, tăng 51 ca so với cùng kỳ năm trước.

- Bệnh Lao: Trong tháng, ghi nhận 36 ca mắc mới4, tăng 9 ca so với tháng trước, tăng 2 ca so với tháng 5/2023. Lũy tích từ 01/01/2024 đến 31/5/2024, không có ca tử vong, ghi nhận 157 ca mắc5, giảm 10 ca so với cùng kỳ năm trước; trong đó lao phổi AFB (+): 106, lao phổi AFB (-): 11 và lao ngoài phổi: 40. Lũy tích từ 01/01/2018 đến 31/5/2024: ghi nhận 2.466 ca; trong đó tử vong 26 ca, hoàn thành điều trị 2.198 ca, đang được quản lý điều trị 242 ca.

- Bệnh Phong: Trong tháng, ghi nhận 01 ca mắc mới tại huyện Đăk Glei, tăng 01 ca so với tháng trước, tăng 01 ca so với cùng tháng 5/2023. Lũy tích từ 01/01/2024 đến 31/5/2024, không có ca tử vong; ghi nhận 01 ca mắc tại huyện Đăk Glei, bằng so với cùng kỳ năm trước. Quản lý và điều trị bệnh nhân phong tại khu điều trị phong Đăk Kia (là trại viên): Đang quản lý 50 bệnh nhân; bệnh nhân cũ điều trị nội trú còn lại đầu tháng 14; bệnh nhân đến khám (kê đơn) trong tháng 20 lượt; bệnh nhân nhập viện trong tháng 12; bệnh nhân xuất viện trong tháng 11; bệnh nhân hiện còn đang điều trị nội trú 15.

- Trong 5 tháng đầu năm 2024, không ghi nhận mắc mới các bệnh: Cúm A (H5N1, H7N9...); Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV); Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19); Đậu mùa khỉ; Cúm A(H1N1); Sốt rét; Bệnh do vi rút Zika; Viêm não Nhật Bản; Viêm gan vi rút A; Bạch hầu; Dại; Ho gà; Sởi...

(2) Tiêm chủng mở rộng:

- Tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên, kết quả đến 31/5/2024:

+ Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,73%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 98,76%; tỷ lệ tiêm liều bổ sung đạt 96,7%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt 92,6%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại lần 2 đạt 100%.

+ Nhóm đối tượng từ 12 đến 17 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 97,52%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại đạt 96,03%.

+ Nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 97,3%.

(3) Phòng chống HIV/AIDS:

- Tình hình HIV/AIDS trong tháng 5/2024: Không ghi nhận người nhiễm HIV mới.

- Lũy tích HIV/AIDS tính đến ngày 31/5/2024: Tổng số lũy tích người nhiễm HIV/AIDS 594 người; trong đó tử vong do HIV/AIDS 212 người (AIDS 199, HIV 13), nhiễm HIV/AIDS còn sống 382 người (còn sống đang quản lý và tiếp cận được 247); nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS 305 người, trong đó còn sống 105.

- Điều trị ARV: Tổng số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV đến 31/5/2024 là 194 bệnh nhân (có 08 trẻ em). Tổng số bệnh nhân điều trị dự phòng Lao bằng Isoniazid (INH) 08.

(4) Bệnh không lây nhiễm (BKLN):

- Theo dõi, quản lý hoạt động phòng chống BKLN trên địa bàn tỉnh thông qua phần mềm thống kê y tế và phần mềm quản lý BKLN. Xây dựng và triển khai Kế hoạch tập huấn nâng cao năng lực phát hiện, quản lý điều trị một số BKLN tại huyện Kon Rẫy và Sa Thầy; kế hoạch giám sát việc sử dụng muối I ốt tại hộ gia đình năm 2024.

- Bệnh nhân tâm thần mới phát hiện trong tháng: 3 (Tâm thần phân liệt: 1, động kinh: 2). Tổng số bệnh nhân mới từ đầu năm đến 31/5/2024: 16 bệnh nhân (Tâm thần phân liệt: 4 bệnh nhân; Động kinh: 11 bệnh nhân; Trầm cảm: 01 bệnh nhân).

(5) An toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP):

- Truyền thông, đánh giá tại Mô hình “An toàn thực phẩm gắn với du lịch cộng đồng tại làng Vi Rơ Ngheo, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông (Truyền thông tập trung tại Nhà rông văn hóa làng Vi Rơ Ngheo, 44 người tham dự); tuyên truyền trực tiếp hộ gia đình (170 hộ/316 người); tuyên truyền bằng xe lưu động phát thông điệp phòng chống ngộ độc do độc tố botulinum (104 lần); truyền thông trực tiếp hướng dẫn kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm cho 115 người là chủ cơ sở và nhân viên chế biến tham gia nấu tiệc; nói chuyện chuyên đề (3.244 người); tuyên truyền trực tiếp tại 157 hộ/1.009 người, tuyên truyền trên sóng truyền thanh 224 lần, truyền hình 11 lần….; các huyện, thành phố tập huấn cho tuyến xã, phường, thị trấn triển khai sử dụng Hệ thống quản trị an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kết quả: Tổng số cơ sở được kiểm tra: 1.843 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm là 1.680 (chiếm 91,2%); xử phạt vi phạm hành chính 03 cơ sở với số tiền 2,2 triệu đồng; tiêu hủy sản phẩm thực phẩm gồm 31,82 kg thực phẩm rắn và 26 lít thực phẩm lỏng.

- Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng xảy ra 06 trường hợp ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ do ăn, uống không đảm bảo vệ sinh.

b. Về giáo dục

Tổ chức tốt Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và lớp 6 năm học 2024 – 2025 trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị tốt các phương án, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết, đảm bảo cho Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 trên địa bàn.

c. Về văn hóa, thể dục thể thao

Về văn hóa: Hoạt động lĩnh vực văn hóa, thể thao diễn ra khá sôi nổi, đã phối hợp tổ chức thành công điểm cầu truyền hình 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Kon Tum.

Về thể dục thể thao: Bộ CHQS tỉnh tổ chức Hội thao thể dục, thể thao quốc phòng năm 2024, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024).

d) Tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương

Phạm tội về trật tự xã hội: Phát hiện 23 vụ[9]. Hậu quả thiệt hại: 02 người chết; 06 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 190 triệu đồng. Địa bàn: TP Kon Tum 10 vụ; Đăk Hà 06 vụ; Đăk Tô 02 vụ; Kon Rẫy 02 vụ; Ngọc Hồi 01 vụ; Tu Mơ Rông 01 vụ; Sa Thầy 01 vụ.

Phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ: Không phát hiện.

Phạm tội về môi trường: Phát hiện 01 vụ Hủy hoại rừng trên địa bàn huyện Đăk Hà.

Phạm tội về ma tuý: Phát hiện 08 vụ, cụ thể: Tàng trữ trái phép chất ma túy 03 vụ; Mua bán trái phép chất ma túy 02 vụ; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 02 vụ; Vận chuyền trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ: 8,83l g ma túy tổng hợp. Địa bàn: TP Kon Tum 06 vụ; Đăk Hà 01 vụ; Ngọc Hồi 01 vụ.

Tình hình trật tự, an toàn giao thông: Xảy ra 16 vụ TNGT[10] (03 vụ ít nghiêm trọng, 12 vụ nghiêm trọng, 01 vụ rất nghiêm trọng) làm 14 người chết, 06 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng: 51 triệu đồng. So với tháng trước tăng 07 vụ, tăng 06 người chết, tăng 02 người bị thương. So với cùng kỳ tháng 6/2023 tăng 10 vụ, tăng 10 người chết, tăng 03 người bị thương.

Tình hình cháy, nổ: Không xảy ra (giảm 03 vụ so với tháng trước).

Tình hình sự cố tai nạn: Xảy ra 02 vụ (tăng 01 vụ so với tháng trước). Hậu quả: 01 người chết. Kết quả CNCH: Cứu được 01 người; tìm được 01 thi thể nạn nhân.

e) Tình hình môi trường

- Trong tháng, lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Đăk Hà đã phát hiện và xử lý 03 vụ vi phạm về lĩnh vực môi trường, cụ thể: Phát hiện và xử lý 01 vụ Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi của trang trại chăn nuôi tại xã Đăk Mar, cơ quan chức năng đã yêu cầu trang trại chăn nuôi ngừng chăn nuôi cho đến khi hoàn thành hệ thống xử lý chất thải; phát hiện 01 vụ Hủy hoại rừng; 01 vụ san lấp mặt bằng trái phép tại vị trí đất giáp ranh giữa Thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi và Thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long, hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của Pháp luật.

 


[1] Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, khóa XVI; Nghị quyết số 61/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

[2] Công văn số 1040/TCTK-TKQG ngày 29/5/2024 của Tổng cục Thống kê.

[3] Nguồn: Báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum

[4] Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư

[5] Xảy ra 02 vụ cháy rừng (Huyện Đăk Tô xảy ra 01 vụ - thiệt hại 8,31 ha rừng trồng Thông tại xã Ngọc Tụ; Huyện Đăk Glei xảy ra 01 vụ cháy lau lách, cây bụi tại xã Đăk Kroong, không gây thiệt hại về tài nguyên rừng). 

[6] Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 10/4/2024.  

[7] Công văn số 974/UBND-HTKT ngày 25/3/2024

[8] Kế hoạch số 2051/KH-UBND ngày 12/6/2024. 

[9]Giết người 02 vụ; Chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng 01 vụ; cố ý gây thương tích 05 vụ, Trộm cắp tài sản 10 vụ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 01 vụ; cố ý làm hư hỏng tài sản 01 vụ; Gây rối trật tự công cộng 01 vụ; Chống người thi hành công vụ 01 vụ; Sử dụng tài liệu  giả của cơ quan, tổ chức 01 vụ.

[10] Địa bàn: Kon Plông 03 vụ; Ngọc Hồi 03 vụ; Đăk Hà 02 vụ; Đăk Tô 02 vụ; Kon Rẩy 02 vụ; TP Kon Tum, Sa Thầy, Ia H’Drai, Tu Mơ Rông 01 vụ.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC