• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Bảy, 27/04/2024 08:58
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình giá cả thị trường tỉnh Kon Tum tháng 5 năm 2023
Cập nhật: Thứ Hai, 29/05/2023 08:00

 

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2023 giảm 0,04% so với tháng trước;  tăng 4,28% so với cùng tháng năm trước; tăng 0,14% so với tháng 12 năm trước; tăng 10,73% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân 5 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,64%.

 

 

Trong mức giảm 0,04% của CPI tháng 5/2023 so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng; 3 nhóm giảm; 1 nhóm không biến động giá.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 5/2023 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

 

 

1. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,34%)

1.1. Nhóm lương thực (+0,71%)

Chỉ số nhóm lương thực tăng 0,71%, trong đó chỉ số nhóm gạo tăng 0,87% (gạo tẻ thường tăng 0,93%, gạo tẻ ngon tăng 0,57%, gạo nếp tăng 0,32%), nguyên nhân là do ảnh hưởng giá gạo xuất khẩu tăng. Nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 1,77%, trong đó khoai tăng 5,21%, sắn tăng 1,96% là do nhu cầu tiêu dùng tăng và là sản phẩm trái vụ nên làm giá tăng theo. Nhóm lương thực chế biến tăng 0,22%, trong đó bánh mỳ tăng 1,01%.

1.2. Nhóm thực phẩm (+0,38%)

Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,38%, cụ thể: nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 0,69%, trong đó thịt lợn tăng 0,94%, nguyên nhân là do ảnh hưởng giá thịt lợn hơi tăng và nhu cầu tiêu dùng tăng. Nhóm thịt gia cầm tăng 0,71%, trong đó thịt gà tăng 0,66%, thịt gia cầm khác tăng 0,96%. Nhóm thịt chế biến giảm 0,14%, trong đó thịt quay, giò chả giảm 0,17%. Nhóm dầu, mỡ ăn và chất béo khác giảm 0,39%, trong đó dầu thực vật giảm 0,55%, riêng mỡ động vật tăng 0,82% là tăng theo giá thịt lợn.

Nhóm thủy sản tươi sống tăng 1,66% là do nhóm cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,76%, tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,79%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng nên làm cho giá tăng.

Nhóm rau tươi, khô và chế biến giảm 1,58%, trong đó bắp cải giảm 7,17% (giảm 1.000 đến 1.500 đồng/kg), cà chua giảm 8,88% (giảm 1.000 đến 2.000 đồng/kg), rau dạng quả, củ giảm 7,07%, đỗ quả tươi giảm 5,5%, rau chế biến các loại giảm 3,97%. Nguyên nhân chủ yếu là các sản phẩm rau, củ, quả trên đang mùa thu hoạch và được mùa nên làm cho giá giảm.

Nhóm quả tươi, chế biến tăng 0,41%, trong đó chuối tăng 1,42%, quả có múi tăng 1,02%, táo tăng 0,45%, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng tăng làm cho giá tăng.

Nhóm đường mật tăng 1,46%, trong đó đường tăng 2,6%. Nhóm sữa, bơ, pho mai tăng 0,85%, trong đó sữa tươi tăng 1,73%, sữa đặc tăng 1,14%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng.

2. Đồ uống và thuốc lá (- 0,08%)

 Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%, là do nhóm rượu bia giảm 0,36%, trong đó bia các loại giảm 0,61%. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng giảm nên làm cho giá giảm theo.

3. May mặc, mũ nón, giày dép (+0,51%)

Chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,51%, trong đó nhóm quần áo may sẵn tăng 0,65%, nhóm giầy, dép tăng 0,8%, nguyên nhân là do nhu cầu mua sắm tăng làm cho giá tăng theo. Ở chiều ngược lại, nhóm mũ, nón giảm 0,86%, dịch vụ may mặc giảm 0,6%.

4. Nhà ở , điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+0,78%)

 Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,78%, nguyên nhân chính là do giá gas tăng 0,5%, tăng 2.000 đồng/bình 12 kg từ ngày 01/5/2023; Điện sinh hoạt tăng 3,18% và nước sinh hoạt tăng 2,98% là do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng nên làm cho giá bình quân tăng. Riêng giá dầu hỏa qua các đợt điều chỉnh giá ngày 04/5/2023, 11/5/2023, 22/5/2023 giảm 5,95%.

5. Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,03%)

Chỉ số nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%, tăng chủ yếu là do đồ điện tăng 0,46%, trong đó quạt điện tăng 2,06% là do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong mùa nắng nóng nên giá tăng theo; đồ dùng nấu ăn tăng 0,09%, trong đó trang thiết bị nhà bếp tăng 0,28%. Bên cạnh đó, nhóm giường, tủ, bàn ghế giảm 0,21%, nhóm đồ nhựa, cao su giảm 0,55%, nhóm hàng thủy tinh, sành sứ giảm 0,44%, nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh giảm giá kích cầu.

6. Thuốc và dịch vụ y tế (+0,07%)

Chỉ số nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%, là do thuốc các loại tăng 0,36%, trong đó thuốc chống nhiễm, điều trị ký sinh trùng tăng 0,7%, thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 0,78%, nhóm thuốc tác động trên đường hô hấp tăng 0,67%, nhóm thuốc tác động vào hệ nội tiết tăng 1,71%. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, nên người dân tập trung mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch.

7. Giao thông (-3,66 %)

 Chỉ số nhóm giao thông giảm 3,66%, nguyên nhân chủ yếu là do nhóm nhiên liệu giảm 7,71%, do trong tháng có các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu các ngày 04/5/2023, 11/5/2023, 22/5/2023, tính bình quân so với tháng trước thì chỉ số giá xăng giảm 7,84%, dầu diezel giảm 7,86%. Bên cạnh đó, nhóm phương tiện đi lại giảm 0,51%, trong đó xe ô tô mới giảm 0,82%, xe ô tô đã qua sử dụng giảm 0,99%, xe máy giảm 0,38% là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi để kích cầu.

8. Bưu chính viễn thông (- 0,76 %)

Chỉ số nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,76%, là do thiết bị điện thoại giảm 2,2%, trong đó máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 1,43%, máy điện thoại di động thông thường giảm 2,36%, nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi nhiều dòng điện thoại di động.

9. Giáo dục (+0,0%)

Các mặt hàng nhóm giáo dục không có biến động về giá.

10. Văn hóa, giải trí và du lịch (+0,3%)

 Chỉ số nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,3% là do nhóm dịch vụ văn hóa tăng 2,12%, thiết bị dụng cụ thể thao tăng 1,4% do nhu cầu mua sắm dụng cụ thể thao chuẩn bị cho mùa hè tăng cao. Bên cạnh đó, nhóm thiết bị văn hóa giảm 1,22%, trong đó ti vi màu giảm 1,28% là do giảm giá kích cầu.

11. Hàng hóa và dịch vụ khác (+0,05%)

 Chỉ số nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05% là do dịch vụ về hỉ tăng 0,71%, đồ trang sức tăng  0,13% là tăng theo giá vàng.

 

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC