• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Bảy, 27/04/2024 02:56
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Kon Tum tháng 12, quý IV và năm 2022
Cập nhật: Thứ Năm, 29/12/2022 14:51

 

Kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó.

Ngân hàng thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam đạt 7,2%, tăng 1,9 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022 và giảm xuống còn 6,7% trong năm 2023. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam đạt 7% và giảm xuống 6,2% trong năm 2023. ADB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam thêm 1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2022, đạt 7,5% và giảm xuống còn 6,3% trong năm 2023.

Năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là biến động về giá cả nguyên, vật liệu và dịch bệnh, thiên tai; song, với sự đoàn kết, thống nhất và tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh xác định tại các nghị quyết (Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03-12-2021; Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 09-12-2021). Với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng so với cùng kỳ năm trước:

- Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP ước tăng 9,50%[1].

-Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước khoảng 4.000 tỷ đồng, tăng 9,32% so với năm trước.

-Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 10.140 tỷ đồng, tăng 31,42% so với năm trước.

-Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành ước tính  năm 2022 đạt 23.174,255 tỷ đồng, tăng 15,64% so với cùng kỳ năm trước.

- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 22,78%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 30.989,27 tỷ đồng, tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 tăng 2,99% so với năm trước.

1. Tăng trưởng kinh tế (GRDP)

1.1. Tăng trưởng toàn nền kinh tế

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV/2022 ước tăng 8,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,2%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 15,69%; khu vực dịch vụ tăng 6,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,92%.

Tính chung cả năm 2022 Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (theo giá so sánh 2010) ước tính đạt 17.626,81 tỷ đồng, tăng 9,50% so với năm trước (quý I tăng 6,97%; quý II tăng 9,60%; quý III tăng 10,53%; quý IV tăng 8,65%) cao hơn mức tăng 6,85% của năm 2021. Trong đó: Khu vực Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản đạt 3.750,46 tỷ đồng, tăng 6,19%; Khu vực Công nghiệp và Xây dựng đạt 4.930,26 tỷ đồng, tăng 14,88%, trong đó Công nghiệp đạt 2.150,4 tỷ đồng, tăng 21,63%; Khu vực Dịch vụ đạt 7.466,86 tỷ đồng, tăng 8,03%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 1.479,23 tỷ đồng, tăng 8,58%. Có thể nói đây là mức tăng khá cao so với các năm gần đây, thể hiện đầy đủ và đúng xu hướng phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

GRDP năm 2022 tăng 9,50% so với năm trước, là mức tăng cao nhất của năm trong giai đoạn 2018-2022, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh xác định tại các nghị quyết (Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03-12-2021; Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 09-12-2021). Với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 đã phát huy hiệu quả.

1.2. Tăng trưởng các khu vực kinh tế

Trong mức tăng trưởng chung 9,5% thì nhóm ngành nông, lâm, thủy sản đóng góp 1,36 điểm phần trăm; nhóm ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 3,97 điểm phần trăm, trong đó Công nghiệp đóng góp 2,38 điểm phần trăm; nhóm thương mại, dịch vụ đóng góp 3,45% và Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,73 điểm phần trăm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt được tốc độ tăng trưởng như trên là do hầu hết các ngành, các lĩnh vực kinh tế then chốt đều có tốc độ tăng trưởng cao, cụ thể các khu vực như sau:

(1) Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 6,19% so với năm 2021, đóng góp 1,36 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP. Đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong các quý. Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng của một số cây lâu năm, chăn nuôi gia cầm và hoạt động thủy sản phát triển tốt, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu tăng khá nên tốc độ tăng của khu vực này đạt cao. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan năm 2022 tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 1,26 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp  và hoạt động dịch vụ có liên quan tăng 3,23%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm; ngành Khai thác, nuôi trồng thủy sản 6,81%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

(2) Khu vực Công nghiệp - Xây dựng

- Khu vực Công nghiệp - Xây dựng có mức tăng khá cao, đạt 14,88% so với năm trước, đóng góp 3,97  điểm phần trăm vào mức tăng chung GRDP. Trong đó ngành công nghiệp tăng 21,63%, đóng góp 2,38 điểm phần trăm; ngành xây dựng tăng 10,14%, đóng góp 1,59 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong mức tăng chung 21,63% của ngành công nghiệp thì ngành công nghiệp khai khoáng tăng 14,48% đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 5,34% đóng góp -0,21 điểm phần trăm; ngành công nghiệp sản xuất phân phối điện, khí đốt và nước tăng 40,17% đóng góp 2,55 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 2,87% đóng góp -0,01 điểm phần trăm.

Hoạt động xây dựng vẫn tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành xây dựng năm 2022 tăng 10,14%, đóng góp 1,59 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

(3) Khu vực dịch vụ

Các ngành kinh tế trong khu vực dịch vụ được coi là ngành “công nghiệp không khói”, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, nó đã, đang và sẽ được nhà nước khuyến khích phát triển để tạo bước đột phá trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

 Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, năm 2022 ước tính giá trị tăng thêm có mức tăng 8,03% so với  năm 2021, đóng góp rất lớn trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ đó là nhóm ngành: Thương nghiệp, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; giáo dục, đào tạo; Hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức CT-XH, QLNN, ANQP  ... Cụ thể giá trị tăng  thêm một số ngành có tỷ trọng và tốc độ tăng cao như sau: Thương nghiệp, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy tăng 9,63%; vận tải kho bãi tăng 16,29%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 21,81%; thông tin và truyền thông tăng 6,59%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,97%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,38%; hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức CT-XH, QLNN, ANQP tăng 7,63%...;

1.3 Quy mô và cơ cấu nền kinh tế

Quy mô nền kinh tế tỉnh Kon Tum năm 2022  theo giá hiện hành ước tính đạt 30.412,7 tỷ đồng, trong đó: Khu vực I (Nông - Lâm - Thuỷ sản) đạt 5.906,91 tỷ đồng, chiếm 19,42%; khu vực II (Công nghiệp - Xây dựng) đạt 9.360,57 tỷ đồng, chiếm 30,78%; khu vực III (Dịch vụ) đạt 12.593,20 tỷ đồng, chiếm 41,41%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 2.552,01 tỷ đồng, chiếm 8,39%. Với quy mô hiện tại của nền kinh tế, Kon Tum xếp vị thứ 59/63 tỉnh, thành phố của cả nước và so với vùng Tây nguyên thì Kon Tum đứng thứ 5/5 tỉnh. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. GRDP bình quân đầu người khoảng 52,44 triệu đồng (năm 2021 khoảng 46,78 triệu đồng).

2. Tài chính, ngân hàng

a) Thu, chi ngân sách

Chính sách tài chính là một trong những chính sách vĩ mô của nền kinh tế, nó tác động trực tiếp tới giá cả, kích cầu đầu tư và sản xuất. Trong đó, thu chi ngân sách là những công cụ của chính sách tài chính. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, năm 2022 công tác thu, chi ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả đáng kể.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước khoảng 4.000 tỷ đồng, đạt 100% dự toán giao, tăng 9,32% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu nội địa 3.713 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách nhà nước ước cả năm khoảng 10.140 tỷ đồng, đạt 85,51% nhiệm vụ chi và tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 3.807 tỷ đồng, tăng 42,67%, chi thường xuyên đạt 5.732 tỷ đồng, tăng 15,23% so với cùng kỳ năm trước.

b) Hoạt động ngân hàng[2]

- Về thực hiện lãi suất huy động: Các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động tại các TCTD trong tháng tương đối ổn định. Hiện mặt bằng lại lãi suất huy động phổ biến từ 5-5,4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; mức 6-6,1%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng; mức 7,4-8,1%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất huy động bằng USD thực hiện theo mức quy định tối đa 0% đối với tiền gửi cá nhân và tổ chức.

- Lãi suất cho vay: Mặt bằng chung lãi suất cho vay trong tháng tiếp tục duy trì ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường duy trì ở mức từ 9,5-10,5%/năm; cho vay trung và dài hạn ở mức từ 11-14%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 5,5%/năm. Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 3%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và một số nhóm đối tượng ưu tiên; cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 5,0-6,8%/năm.

Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 3%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và một số nhóm đối tượng ưu tiên; cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 5,0-6,8%/năm.

- Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đến 31/12/2022 ước đạt 19.200 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 1,45% (+ 247 tỷ đồng), so với năm 2021 tăng 2,8% (+519 tỷ đồng), trong đó tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng ước đạt 2.400 tỷ đồng (chiếm 12,5% tổng nguồn vốn huy động), giảm 60,2% so với thời điểm 31/12/2021. Phân theo loại tiền tệ, nguồn vốn huy động bằng VND ước đạt 18.830 tỷ đồng, chiếm 98,1% tổng nguồn vốn huy động; nguồn vốn huy động bằng tiền gửi ngoại tệ ước đạt 150 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng nguồn vốn huy động. Tiền gửi tiết kiệm ước đạt 15.575 tỷ đồng, chiếm 81,1% tổng nguồn vốn huy động, tăng 7,9% (+1.146 tỷ đồng) so với đầu năm, tiền gửi thanh toán ước đạt 3.405 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng nguồn vốn huy động, giảm 9,8% (-370 tỷ đồng) so với đầu năm. Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 220 tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng nguồn vốn huy động.

- Hoạt động tín dụng: Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đến 31/12/2022 ước đạt 43.050 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 0,9% (+ 378 tỷ đồng), so với năm 2021 tăng 12,0% (+4.611 tỷ đồng), dự kiến đạt so kế hoạch năm (kế hoạch năm 2022 tăng từ 12-14%). Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 26.550 tỷ đồng, chiếm 61,7% tổng dư nợ; dư nợ trung dài hạn ước đạt 16.500 tỷ đồng, chiếm 38,3% tổng dư nợ; Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tệ được duy trì tương đối ổn định, dư nợ cấp tín dụng bằng VND vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, ước đạt 42.900 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ, dư nợ bằng ngoại tệ không đáng kể. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được tập trung vào sản xuất kinh doanh, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

3. Chỉ số giá, lạm phát

3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 năm 2022 tăng 1,55% so với tháng trước; tăng 6,16% so với tháng 12 năm trước; tăng 10,58% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,99%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 07 nhóm tăng là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,23%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 2,15%; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,81%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,72%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,25%; nhóm Giáo dục tăng 27,66%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,14%. Có 03 nhóm giảm là nhóm Giao thông giảm 3,23%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,84%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,9%. Có 01 nhóm không biến động giá là nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

Cụ thể chỉ số các nhóm hàng so với tháng trước như sau:

- Bảy nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm

(1) Chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,23%, trong đó:

+ Nhóm lương thực: Chỉ số nhóm lương thực tăng 1,3%, riêng chỉ số nhóm gạo tăng 0,93%, trong đó gạo tẻ thường tăng 0,96%, gạo tẻ ngon tăng 0,28%, gạo nếp tăng 1,26%, nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm trái vụ và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp tăng mạnh để dùng chế biến một số sản phẩm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 3,5%, trong đó khoai tăng 2,09%, sắn tăng 8,81% (tăng từ 1.000 đồng đến 1.500 đồng/kg) là do nhu cầu tiêu dùng tăng nên giá tăng theo. Nhóm lương thực chế biến tăng 1,17%, trong đó mỳ sợi, mỳ, phở/cháo ăn liền tăng 3,7%, miến tăng 3,2%.

+ Nhóm thực phẩm: Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,42%, cụ thể: nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 0,7%, trong đó thịt lợn tăng 1,09%, thịt bò tăng 0,21%. Giá thịt lợn tăng là do nhu cầu tiêu dùng tăng nên làm cho giá tăng theo quy luật cung cầu. Nhóm thịt gia cầm tăng 1,75%, trong đó thịt gà tăng 1,73%, thịt gia cầm khác tăng 1,93% là do nhu cầu tiêu dùng tăng. Nhóm thịt chế biến tăng 0,32%, trong đó thịt hộp tăng 1,02%. Nhóm trứng các loại tăng 2,13%, trong đó trứng tươi các loại tăng 2,15% là do nhu cầu tiêu dùng để làm một số sản phẩm chuẩn bị Tết Nguyên đán. Nhóm dầu, mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,98%, trong đó dầu thực vật tăng 1,04%, mỡ động vật tăng 0,44% là tăng theo giá thịt lợn.

Nhóm thủy sản tươi sống tăng 1,63% là do nhóm cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,91%, nguyên nhân chủ yếu là do lượng cung giảm và nhu cầu tiêu dùng tăng nên làm cho giá tăng.

Nhóm rau tươi, khô và chế biến giảm 4,33%, trong đó bắp cải giảm 5,54% (giảm từ 1.000 đồng - 1.500 đồng/kg), rau muống giảm 13,18% (giảm từ 1.000 đồng - 2.500 đồng/kg), đỗ quả tươi giảm 1,96%, rau tươi khác giảm 8,74%, rau chế biến các loại giảm 4,47%, cà chua giảm 9,25% (giảm từ 2.000 đồng - 3.000 đồng/kg), nguyên nhân chủ yếu là các sản phẩm đang mùa thu hoạch và lượng cung vượt cầu nên làm cho giá giảm.

Nhóm quả tươi, chế biến tăng 1,61%, trong đó chuối tăng 2,72%, xoài tăng 1,35%, quả tươi khác tăng 1,95%, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng tăng đồng thời các sản phẩm trên trái vụ.

Nhóm đồ gia vị tăng 0,36%, trong đó bột nêm, bột canh, viên súp tăng 2,01%; Nhóm sữa, bơ, pho mai tăng 0,78%, trong đó sữa tươi tăng 1,23%, sữa bột người lớn tăng 0,76%, kem tăng 1,13%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng làm cho giá tăng theo.

 Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5%, trong đó ăn ngoài gia đình tăng 4,01%, uống ngoài gia đình tăng 2,02%, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng và chi phí dịch vụ tăng.

(2) Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,15%, tác động tăng chủ yếu là do nhóm rượu bia tăng 4,66%, trong đó bia các loại tăng 4,34%, rượu các loại tăng 5,19%. Nguyên nhân chủ yếu là do quy luật giá cả thị trường trong các tháng giáp tết Nguyên đán.

(3) Chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,81%, trong đó nhóm quần áo may sẵn tăng 0,78%, vải các loại tăng 0,54%, nhóm giầy, dép tăng 1,28%, nhóm may mặc khác tăng 1,29%. Nguyên nhân là do nhu cầu mua sắm chuẩn bị Lễ Noel và Tết Nguyên đán tăng nên các cơ sở kinh doanh tăng giá theo quy luật cung cầu.

(4) Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,72%, tác động chính là do nhóm gas và các loại chất đốt khác tăng 2,09%, trong đó  gas tăng 3,09% (tăng 13.000 đồng/ bình 12kg từ ngày 01/12/2022); nhà ở thuê tăng 0,73%, trong đó tiền thuê nhà tăng 0,75%; vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,93%, chủ yếu tăng giá một số vật liệu sửa chữa nhà ở dịp cuối năm. Riêng giá dầu hỏa qua ba đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày 01,11,21 tháng 12 tính bình quân giảm 7,39%. Nước sinh hoạt giảm 3,14% là do trong tháng nhu cầu tiêu dùng giảm làm cho giá bình quân giảm.

(5) Chỉ số nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,25%, tăng chủ yếu là do đồ đồ nhựa và cao su tăng 1,05%, hàng thủy tinh, sành sứ tăng 0,5%; hàng dệt trong nhà tăng 0,47%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 1,06%. Riêng máy điều hòa nhiệt độ giảm 2,43%; tủ lạnh giảm 1,76%; máy giặt giảm 0,6%, nguyên nhân chủ yếu do các cơ sở kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyễn mãi giảm giá để kích cầu.

(6) Chỉ số nhóm giáo dục tăng 27,66% là do nhóm dịch vụ giáo dục tăng 36,95%, nguyên nhân là do học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh có miễn học phí một học kỳ, năm học 2022 - 2023 mức thu học phí bằng mức quy định năm học 2021-2022 theo Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về việc học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. 

(7) Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,14% là do nhóm đồ dùng cá nhân tăng 1,6%, trong đó dụng cụ cá nhân không dùng điện tăng 3,43%, hàng chăm sóc cơ thể tăng 1,01%; nhóm hiếu, hỉ tăng 0,71%, trong đó vật dụng về hỉ tăng 3,28%, dịch vụ về hiếu tăng 6,16%.

-  Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm.

(1) Chỉ số nhóm giao thông giảm 3,23%, đây là nhóm giảm mạnh nhất trong các nhóm giảm, tác động chính là do nhóm nhiên liệu giảm 7,31%, là do trong tháng có các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 01/12/2022, ngày 11/12/2022 và ngày 21/12/2022, tính bình quân so với tháng trước thì chỉ số giá xăng giảm 7,36%, dầu diezel 0,05S-II giảm 10,64%. Riêng nhóm phụ tùng tăng 0,99%, trong đó lốp xăm xe đạp tăng 3,1%, lốp xăm xe máy tăng 1,27%, phụ tùng khác của xe máy tăng 0,73%, nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh tăng giá bán.

(2) Chỉ số nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,84% là do thiết bị điện thoại giảm 2,42%, trong đó máy điện thoại di động thông thường giảm 2,52%, máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 2,73%, nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi nhiều dòng điện thoại di động để kích cầu.

(3) Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,9% là do nhóm thiết bị văn hóa giảm 3,97%, trong đó ti vi màu giảm 4,03%, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở kinh doanh giảm giá; nhóm thiết bị dụng cụ thể thao giảm 0,64%, trong đó thiết bị thể dục thể thao giảm 2,7%.

- Các mặt hàng nhóm thuốc và dịch vụ y tế không có biến động về giá.

3.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng giảm so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 12/2022 được bán với giá bình quân khoảng 6.378.000 đồng/chỉ, giảm 0,3% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 24.259 đồng/USD, giảm 2,46%.

Chỉ số giá vàng tháng Mười Hai năm 2022 giảm 0,3% so với tháng trước; tăng 10,17% so với cùng kỳ năm trước; tăng 10,17% so với tháng 12 năm trước; bình quân 12 tháng tăng 17,01% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng Mười Hai năm 2022 giảm 2,46% so với tháng trước; tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước; tăng 5,46% so với tháng 12 năm trước; bình quân 12 tháng tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

3.3. Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý IV năm 2022 tăng 0,64% so với quý III/2022 và tăng 4,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản phẩm từ cây hàng năm tăng 1,84% và tăng 4,03%; sản phẩm từ cây lâu năm giảm 0,61% và tăng 5,13%; sản phẩm từ chăn nuôi tăng 2,31% và tăng 6,29%; dịch vụ nông nghiệp tăng 0,11% và tăng 0,41%.

Trong năm 2022 việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trên cả nước khá thuận lợi nên tình hình biến động giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh có một phần ảnh hưởng bởi sự biến động giá chung của một số mặt hàng trên cả nước và các tỉnh lân cận. Tình hình diễn biến giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của một số nhóm hàng chính trong quý IV năm 2022, cụ thể:

(1). Nhóm sản phẩm từ cây hàng năm: tăng 1,84% so với quý III năm 2022. Trong đó: Nhóm thóc tăng 0,44% do ảnh hưởng chung cả nước, nhóm ngô và cây lương thực có hạt khác tăng 1,38% chủ yếu do nhu cầu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cao, lượng hàng xuất ra thị trường thấp; Nhóm sản phẩm cây lấy củ có chất bột tăng 2,57% so với quý trước do tính cạnh tranh của các đơn vị thu mua trên địa bàn tỉnh, năm nay nguồn nguyên liệu sắn chủ yếu trong tỉnh, lượng thu mua ngoài tỉnh không đáng kể nên giá tăng; Nhóm mía ổn định do Công ty cổ phần Đường Kon Tum giữ nguyên giá mua nguyên liệu theo hợp đồng; Nhóm hạt chứa dầu tăng 0,76%; Nhóm rau, đậu và hoa tăng 3,26% chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, cây giống tăng, một phần do ảnh hưởng thời tiết, mưa nắng thất thường, việc canh tác các loại rau, đậu không thuận lợi nên giá tăng; Nhóm sản phẩm cây hàng năm khác tăng nhẹ (tăng 0,62%) so với quý trước.

(2). Nhóm sản phẩm từ cây lâu năm: giảm 0,61% so với quý III năm 2022. Trong đó: Nhóm sản phẩm cây ăn quả giảm 0,23% chủ yếu do một số loại đang vụ thu hoạch, sản lượng thu hoạch tăng, nguồn cung ra thị trường dồi dào; Sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cây chè ổn định so với quý trước; Nhóm cao su giảm 1,13%,  do ảnh hưởng bởi giá chung cả nước.

(3). Nhóm sản phẩm từ chăn nuôi: tăng 2,31% so với quý III năm 2022. Trong đó: Nhóm sản phẩm chăn nuôi trâu, bò giảm 0,75%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi dê, cừu, hươu, nai tăng 0,40% so với quý trước; Nhóm sản phẩm chăn nuôi lợn tăng 3,44%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi gia cầm tăng 2,98%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi khác tăng 0,58%. Nguyên nhân, sản phẩm từ chăn nuôi trong quý IV năm 2022 tăng giá là do giá giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá, đồng thời sự biến động giá chung của một số mặt hàng trên cả nước và các tỉnh lân cận nên làm cho giá thành chăn nuôi tăng.

(4). Nhóm dịch vụ nông nghiệp: tăng nhẹ (tăng 0,11%) so với quý III năm 2022 do phần lớn nhu cầu sử dụng các dịch vụ trong mùa vụ giữ ổn định giá so với quý III năm 2022.

(5). Nhóm lâm nghiệp: Các sản phẩm lâm nghiệp giảm nhẹ (giảm 0,06%)  so với quý trước do phần lớn các sản phẩm giữ ổn định giá so với quý III năm 2022.

(6). Nhóm thủy sản: Nhóm thủy sản tăng 0,97% với quý III năm 2022, chủ yếu tăng ở nhóm thủy sản khai thác, nguyên nhân chủ yếu do nguồn thủy sản tự nhiên giảm, một mặt tâm lý người tiêu dùng luôn ưa chuộng các mặt hàng khai thác tự nhiên nên giá tăng.

4. Đầu tư và xây dựng

Hoạt động đầu tư nói chung trên địa bàn tỉnh cơ bản được duy trì ổn định, có sự tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2022 ước tính tăng 15,64 % so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý năm 2022 tăng 25,96% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế .

4.1. Vốn đầu tư

a) Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn

Ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành tỉnh Kon Tum quý IV năm 2022 là 6.308,36 tỷ đồng, tăng 9,39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Nguồn vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 1.651,18 tỷ đồng, tăng 4,09% so với cùng kỳ và chiếm 26,17% trong tổng nguồn vốn; Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài nhà nước là 4.655,78 tỷ đồng, tăng 12,01% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 73,8% trong tổng nguồn vốn; Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 1,396 tỷ đồng, chiếm 0,02% trong tổng nguồn vốn.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn theo giá hiện hành năm 2022 ước tính đạt 23.174,26 tỷ đồng, tăng 15,64% so với cùng kỳ năm trước, Trong đó:

Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 5.870,67 tỷ đồng, tăng 14,36% so với cùng kỳ và chiếm 25,33% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn ngân sách nhà nước do trung ương quản lý là 2.488,8 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý là 3.381,8 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế, ...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài nhà nước là 17.291,21 tỷ đồng, tăng 16,13% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 74,61% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn đầu tư của doanh nghiệp là 10.376,86 tỷ đồng, vốn đầu tư của các hộ gia đình là 6.914,35 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư của khu vực hộ dân cư trong xây dựng, sửa chữa nhà, chăn nuôi, ...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 12,376 tỷ đồng, chiếm 0,05% trong tổng nguồn vốn, chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua XDCB, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

- Phân theo khoản mục đầu tư : Vốn đầu tư XDCB: 14.481,18 tỷ đồng, chiếm 62,49% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư mua sắm TSCĐ dùng cho sản xuất không qua XDCB:  3.177,30 tỷ đồng, chiếm 13,71% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ: 2.627,30 tỷ đồng, chiếm 11,34% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động 2.877,34 tỷ đồng, chiếm 12,42% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư khác: 11,15 triệu đồng, chiếm 0,05% trong tổng nguồn vốn.

b)Tình hình thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn cả năm 2022

Ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum cả năm 2022 là 3.257,18 tỷ đồng, tăng 25,96% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, môi trường nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh...Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, Chia ra:

Vốn Ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 2.620,03 tỷ đồng, tăng 18,71% so với cùng kỳ và chiếm 80,44% trong tổng số nguồn vốn, Trong đó: Vốn cân đối ngân sách tỉnh là 1.015,78 tỷ đồng, chiếm 38,77%; Vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 1.197,92 tỷ đồng, chiếm 45,72%; Vốn ODA là 291,94 tỷ đồng, chiếm 11,14%; Vốn xổ số kiến thiết là 59,65 tỷ đồng, chiếm 2,28%; Vốn khác là 54,75 triệu đồng, chiếm 2,09% trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh.

Vốn Ngân sách Nhà nước cấp huyện là 637,15 tỷ đồng, tăng 68,15% so với cùng kỳ và chiếm 19,56% trong tổng số nguồn vốn. Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách huyện là 371,26 tỷ đồng, chiếm 58%; Vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 256,23 tỷ đồng, chiếm 40,22%; Vốn khác là 9,66 tỷ đồng, chiếm 1,52%  trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện.

Nhìn chung, trong năm 2022 tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2021 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn, bên cạnh đó nguồn vốn theo kế hoạch năm 2021 đang được các đơn vị triển khai các khâu chuẩn bị thực hiến dự án. Cụ thể một số dự án trọng điểm như: Dự án cải tạo nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 24, Đường vào Trụ sở làm việc các cơ quan thành phố Kon Tum, XD mới hội trường Tỉnh ủy, các phòng họp và trụ sở làm việc các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, Trụ sở làm việc của UBND tỉnh, các sở, ban ngành và các hạng mục phụ trợ…

 c) Thu hút đầu tư trong và ngoài nước

- Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được chú trọng. Đã xây dựng ban hành và lãnh đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 16-5-2022 của Tỉnh ủy “về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư để phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh. Xây dựng và triển khai chính thức Hệ thống giám sát, theo dõi quản lý tiến độ dự án đầu tư tỉnh Kon Tum. Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, đã thu hút 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.655,6 tỷ đồng; trong đó, có 10 dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký gần 172,6 tỷ đồng, 9 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký 1.483 tỷ đồng; ngoài ra, một số nhà đầu tư, tập đoàn có tiềm lực như: Sun Group, Hùng Nhơn, Công ty CP Him Lam, Nutifood, ... đã đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.

4.2. Xây dựng

Trong năm 2022, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; Tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhất là các công trình trọng điểm. Những tháng đầu năm, tranh thủ thời tiết thuận lợi các hộ dân cư cũng tiến hành khởi công xây dựng nhà ở, nhà hàng, nhà nghỉ… Tình hình thực hiện giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc giá cả nguyên liệu tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động ngành xây lắp.

Giá trị sản xuất quý IV năm 2022 ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo giá hiện hành ước đạt 5.498,88 tỷ đồng, tăng 20,94% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2022, giá trị sản xuất năm 2022 ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo giá hiện hành ước đạt 18.447,81 tỷ đồng, tăng 23,55% so với cùng kỳ năm trước.

- Giá trị sản xuất chia theo loại công trình: Công trình nhà ở: 5.472,7 tỷ triệu đồng, chiếm 29,67% trong tổng số và tăng 15,77% so với cùng kỳ năm trước; Công trình nhà không để ở: 780,02 tỷ đồng, chiếm 4,23% trong tổng số và tăng 35,99% so với cùng kỳ năm trước; Công trình kỹ thuật dân dụng: 11.883,92 tỷ đồng, chiếm 64,42% trong tổng số và tăng 24,77% so với cùng kỳ năm trước;  Hoạt động xây dựng chuyên dụng: 311,17 tỷ đồng, chiếm 1,69% trong tổng số và tăng 193,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất năm 2022 tăng so với năm 2021 tập trung ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong năm 2022, các đơn vị hoạt động xây dựng tiếp tục triển khai thi công các công trình trọng điểm chuyển tiếp từ năm 2021 có vốn đầu tư cao như:

- Công trình kỹ thuật dân dụng: Dự án Điện gió Đăk Glei (vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng), Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, xây dựng cầu số 3 qua sông Đắk Bla, mở rộng, nâng cấp một số đường nội thành phố Kon Tum, nâng cấp tỉnh lộ 675A, Đường từ trung tâm huyện Sa Thầy đi Nhà máy thủy điện Ialy, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ Quốc lộ 14, 24,... Công trình thủy điện: Thủy điện Plei kần hạ, Thủy điện Nước Long, xúc dọn lòng hồ thủy điện Plei Krông...

- Xây dựng công trình nhà không để ở: Nhà thi đấu tổng hợp tỉnh Kon Tum, Hội trường Tỉnh ủy, các phòng họp và Trụ sở làm việc các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, sửa chữa nhà làm việc Công an huyện Kon Rẫy, sửa chữa Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh, sửa chữa Huyện ủy Sa Thầy, sửa chữa trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc trên địa bàn các huyện, thành phố...

- Các loại hình kinh tế khác (hộ dân cư, xã/phường/ thị trấn) hoạt động xây dựng chủ yếu do hộ dân cư đầu tư xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nhà ở và các công trình liên quan (sân, tường rào, nhà kho, các công trình khác…)..., bê tông hóa các đường liên thôn, liên xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số xã…

5. Doanh nghiệp

5.1.Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng 12 toàn tỉnh có 12 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 99,4 tỷ đồng, giảm 64,7% về số doanh nghiệp và giảm 89,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Có 02 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 05 doanh nghiệp đã giải thể; 11 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2022 cơ bản được duy trì, ổn định. Ước thực hiện cả năm 2022 có 335 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 108% kế hoạch và tăng 11,3% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 6.350 tỷ đồng, đạt 116,3% kế hoạch và giảm 10,56 % so với cùng kỳ. Có 112 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước; 40 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 2,44% so với cùng kỳ năm trước; 169 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 24,26% so với cùng kỳ năm trước.

5.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

(1) Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý IV năm 2022.

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV năm 2022 nhìn chung thuận lợi hơn so quý trước, với 46,88% đơn vị có đánh giá tốt hơn; 18,75% đánh giá giữ nguyên và chỉ có 34,38% đơn vị đánh giá tình hình có khó khăn hơn so quý trước. Trong đó các đơn vị đánh giá khó khăn hơn chủ yếu ở ngành sản xuất thực phẩm và chế biến gỗ. Trong quý tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất sẽ tốt hơn, cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất tốt hơn tăng lên và chiếm đến 56,25%, tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất giữ nguyên chiếm 28,13%, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất khó khăn hơn giảm còn 15,63%, các doanh nghiệp này cũng chủ yếu ở các ngành sản xuất thực phẩm và chế biến gỗ do lo ngại thiếu nguyên liệu sản xuất.

(2) Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng quý IV năm 2022 nhìn chung có thuận lợi hơn so với quý trước, trong đó số doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi chiếm 39,22%. Các doanh nghiệp cũng đánh giá sự hỗ trợ của hệ thống pháp luật và tình hình vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn so quý trước với tỷ lệ 33,33% và 24,00%. Doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi chủ yếu là các doanh nghiệp đang có các công trình lớn có vốn đầu tư cao trên địa bàn thực hiện chuyển tiếp của năm 2021: xây dựng cầu số 3 qua sông Đắk Bla, Đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum... Doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh không thay đổi chiếm 49,02%. Doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn chiếm tỷ lệ 11,76%. Các doanh nghiệp đánh giá sự hỗ trợ của hệ thống pháp luật còn khó khăn với tỷ lệ 5,88%, đánh giá vay vốn ngân hàng gặp khó khăn chiếm 31%.

Nhận định về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh nói chung và ngành xây dựng nói riêng không thay đổi so với quý trước. Cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động xây dựng thuận lợi hơn chiếm 25,49%, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất không đổi chiếm tỷ lệ 52,94%, tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn chiếm 17,65%.

Các đơn vị doanh nghiệp xây dựng đánh giá tổng thể về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý tiếp theo dựa trên cơ sở nhiều yếu tố. Tổng chi phí cho hoạt động xây dựng là yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong quý tiếp theo có 86,28% số doanh nghiệp đánh giá tổng chi phí không đổi hoặc tăng lên so với quý trước, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi mua nguyên vật liệu xây dựng không đổi hoặc tăng lên chiếm 86,28% và chi phí nhân công không đổi hoặc tăng lên chiếm tỷ lệ 90,2%.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh và đảm bảo an toàn thuỷ lợi cho sản xuất trong mùa mưa lũ gắn với phòng chống dịch bệnh. Ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên năng suất các loại cây trồng đạt khá, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt.

6.1. Nông nghiệp

6.1.1. Trồng trọt

a) Tình hình sản xuất cây hàng năm vụ đông xuân 2022 - 2023

Ước tính đến thời điểm ngày 15/12/2022, tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ Đông xuân 2022-2023 tỉnh Kon Tum là: 1.359 ha, giảm 1,16% (-16 ha) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể DTGT một số cây trồng so với cùng kỳ năm trước như sau:

- Cây lúa: 293 ha, giảm 4,56% (-14 ha).

- Cây ngô: 35 ha, tăng 6,06% (+2ha). Thời tiết thuận lợi nên người dân xuống giống sớm so với cùng kỳ năm trước.

- Rau các loại: 739 ha, giảm 0,94% (- 6,8 ha).

- Đậu các loại: 18 ha, tăng 5,88% (+ 1 ha).

 

Hiện nay, người dân đang khẩn trương thu hoạch vụ mùa 2022 và tiến hành chuẩn bị đất gieo trồng vụ đông xuân 2022 - 2023 cho kịp thời vụ và tránh khi xuống giống bị ảnh hưởng không khí lạnh. Đối với diện tích đã được gieo trồng, lượng nước tưới đảm bảo, phát triển tốt, chưa có hiện tượng thiếu nước và sâu bệnh xảy ra.

1.2. Tình hình sản xuất cây trồng nông nghiệp năm 2022

a) Tình hình sản xuất cây hàng năm vụ đông xuân 2021 - 2022

Diện tích, năng suất, sản lượng cây hàng năm vụ đông xuân 2021- 2022 so với vụ đông xuân  năm trước như sau:

Tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ đông xuân 2021 - 2022 đạt: 9.814,47 ha, tăng 2,79% (+ 266,45 ha). Trong đó, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt là: 8.002,14 ha, tăng 2,28% (+178,29 ha).

Cây lúa DTGT: 7.277, 64 ha, tăng 2,16% (+153,79 ha); Cây ngô DTGT: 724,5 ha, tăng 3,5% (+24,5 ha); Cây lạc DTGT: 29,82 ha, giảm 19,3% (-7,13 ha); Cây rau, đậu và hoa các loại DTGT là: 1.482,08 ha, tăng 2,38% (+34,49 ha).

Sản lượng lương thực vụ đông xuân 2021 - 2022 đạt 39.257,7 tấn, tăng 2,68% (+1.027,4 tấn) so với vụ đông xuân năm trước, trong đó sản lượng lúa là 36.422,58 tấn, tăng 2,85% (+1.009,72 tấn); sản lượng ngô là 2.835,13 tấn, tăng 0,63% (+17,69 tấn). Sản lượng lương thực vụ đông xuân 2021 - 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước là do DTGT tăng.

Năng suất lúa đạt: 50,05 tạ/ha, tăng 0,68%; Năng suất ngô đạt 39,13 tạ/ha, giảm 2,78% so với vụ đông xuân năm trước.

b) Tình hình sản xuất cây hàng năm vụ mùa năm 2022

Tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ mùa năm 2022 tỉnh Kon Tum đạt: 66.935,7 ha, tăng 3,5% (+2.289,4 ha) so với vụ mùa năm trước. Trong đó:

- Cây lúa DTGT: 15.603,1 ha, giảm 3,8% (-613,7 ha). Trong đó, cây lúa ruộng diện tích: 12.614,1 ha, tăng 0,3% (+38,9 ha); Cây lúa rẫy diện tích: 2.989,1 ha, giảm 17,9% (-652,6 ha). Diện tích lúa rẫy giảm là do cây lúa rẫy có hiệu quả kinh tế thấp nên người dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. 

- Cây ngô DTGT: 4.532,3 ha, giảm 6,2% (-299,1 ha). Diện tích ngô giảm là do người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như Sắn, cây ăn quả.

- Cây sắn DTGT: 40.208,8 ha, tăng 3,7% (+1.441,1 ha).

- Cây mía DTGT: 961,1 ha, tăng 1,7% (+16,5 ha).

- Cây lạc DTGT: 114,3 ha, tăng 7% (+7,4 ha). Diện tích lạc tăng là do người dân tận dụng các ô, nà ven sông để trồng thêm lạc.

- Rau các loại DTGT: 1.590,3 ha, tăng 5,5% (+82,2 ha).

- Đậu các loại DTGT: 430,8 ha, tăng 30% (+99,5 ha).

DTGT rau, đậu các loại tăng do năm nay thời tiết thuận lợi người dân tăng cường trồng vào những diện tích năm trước chưa gieo trồng.

- Các loại cây hàng năm khác DTGT: 2.619,3 ha tăng 75,1% (+1.123,7 ha), DTGT các loại cây hàng năm khác tăng do người dân chuyển đổi một số cây trồng trên đất có hiệu quả kinh tế thấp như lúa rẫy, ngô... sang trồng cây dược liêụ hàng năm như nghệ, sả, sâm dây....

Sản lượng lương thực vụ mùa năm 2022 tỉnh Kon Tum đạt: 79.688,6 tấn, giảm 2,6% (-2.089,7 tấn). Sản lượng lúa vụ mùa đạt 60.355,9 tấn, giảm 1,8% (-1.090,7 tấn). Sản lượng lúa giảm là do diện tích gieo trồng giảm, mặt khác năm nay do ảnh hưởng của bão số 4 và số 5 gây mưa lớn trong giai đoạn lúa đang trổ bông làm cho hạt lúa không chắc, đen lép ảnh hưởng chính tới sản lượng lúa vụ mùa; Sản lượng ngô đạt: 19.352,8 tấn, giảm 4,9% (-999 tấn). Sản lượng ngô giảm là do diện tích gieo trồng ngô giảm.

Năng suất lúa vụ mùa đạt: 38,7 tạ/ha, tăng 2,1% (+0,8 tạ/ha). Trong đó: Năng suất lúa ruộng đạt: 44,1 tạ/ha; Năng suất lúa rẫy đạt: 15,8 tạ/ha, giảm 3,6% (-0,6 tạ/ha).

Năng suất ngô đạt: 42,5 tạ/ha, tương đương vụ mùa năm trước.

c) Tình hình sản xuất cây hàng năm cả năm năm 2022 

Tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm cả năm 2022 tỉnh Kon Tum đạt: 76.750,2 ha, tăng 3,4% (+2.558 ha) so với năm trước. Cụ thể, diện tích, năng suất, sản lượng cây hàng năm sơ bộ cả năm 2022 so với năm trước như sau:

- Cây lúa DTGT: 22.880,8 ha, giảm 2% (- 459,9 ha).

- Cây ngô DTGT: 5.256,8 ha, giảm 5% (- 274,6 ha). Diện tích ngô giảm là do diện tích đất trồng ngô nhanh bạc màu, giá cả ngô không ổn định nên người dân chuyển sang trồng cây khác như sắn, cây ăn quả, dược liệu...

- Cây sắn DTGT: 40.208,8 ha, tăng 3,7% (+1.441,1 ha).

- Cây mía DTGT : 961,1 ha, tăng 1,7% (+16,5 ha).

- Cây lạc DTGT: 144,1 ha, tăng 0,2% ( +0,3 ha).

- Rau các loại: 2.896,5 ha, tăng 4,1% (+113,5 ha).

- Cây đậu DTGT: 541,1 ha, tăng 23,6% (+103,3 ha).

DTGT rau, đậu các loại tăng do năm 2022 người dân mở rộng diện tích gieo trồng.

Các loại cây hàng năm khác DTGT: 2.873,6 ha, tăng 69,1% (+1.174,3 ha). DTGT các loại cây hàng năm khác tăng do người dân chuyển đổi một số cây trồng trên đất có hiệu quả kinh tế thấp như lúa rẫy, ngô... sang trồng cây dược liêụ hàng năm như nghệ, sả, sâm dây....

 

Sản lượng lương thực năm 2022 tỉnh Kon Tum đạt: 118.946,35 tấn, giảm 0,88% (-1.062,27 tấn) so với năm trước. Trong đó sản lượng lúa: 96.758,47 tấn, giảm 0,08% (-80,95 tấn); Sản lượng ngô 22.187,8 tấn, giảm 4,24% (-981,32 tấn).

Năng suất lúa cả năm đạt: 42,29 tạ/ha, tăng 1,92% (+0,8 tạ/ha) so với năm trước. Trong đó: Năng suất lúa ruộng đạt 46,28 tạ/ha, tăng 0,29% (+0,13 tạ/ha); Năng suất lúa rẫy đạt 15,75 tạ/ha, giảm 3,53% (-0,58 tạ/ha).

Năng suất ngô cả năm đạt: 42,21 tạ/ha, tăng 0,77% (+0,32 tạ/ha) so với năm trước.

d) Cây lâu năm năm 2022

Tổng diện tích cây lâu năm năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum là 122.528 ha, tăng 5,56% (+6.449 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

- Cây ăn quả: Diện tích hiện có là 9.522 ha, tăng 51,42% (+3.234 ha). Cây ăn quả có diện tích tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư trồng cây ăn quả kết hợp du lịch trang trại; đồng thời, được sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện đã triển khai trồng cây ăn quả chất lượng cao trong dân cư, đặc biệt là cây mắc ca, sầu riêng, mít, ... và cây dược liệu; các loại cây ăn quả năm trước hiệu quả kinh tế không cao người dân đã phá bỏ trồng lại các loại cây ăn quả mới, cụ thể như sau:

 Cây xoài: Diện tích hiện có 258,8 ha, tăng 18,66% (+40,7 ha); Sản lượng thu hoạch là 1.435 tấn, tăng 3,3% (+45,8 tấn) so với cùng kỳ năm trước; Cây chuối: Diện tích hiện có 1.678,4 ha, tăng 33,21% (+418,4 ha); Sản lượng thu hoạch là 15.023 tấn, tăng 13,18% (+1.749,9 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch tăng là do diện tích cho sản phẩm tăng; Cây thanh long: Diện tích hiện có 57 ha, tăng 30,86% (+13,4 ha); Sản lượng thu hoạch là 295 tấn, tăng 1,83% (+5,3 tấn) so với cùng kỳ năm trước; Cây cam: Diện tích hiện có 748,6 ha, tăng 18,92% (+119,1 ha); Sản lượng thu hoạch là 3.251 tấn, tăng 4,52% (+140,5 tấn) so với cùng kỳ năm trước; Cây bưởi: Diện tích hiện có 131,1 ha, tăng 16,79% (+18,9 ha); Sản lượng thu hoạch 527 tấn, tăng 24,82% (+104,8 tấn) so với cùng kỳ năm trước; Cây nhãn: Diện tích hiện có 240,3 ha, tăng 1,64% (+3,9 ha); Sản lượng thu hoạch 2.105 tấn, giảm 2,47% (-53,4 tấn) so với cùng kỳ năm trước...

- Cây công nghiệp lâu năm:

+ Cây dừa: Diện tích hiện có 72,8 ha, tăng 20,36% (+12,3 ha); Sản lượng thu hoạch là 328 tấn, giảm 2,43% (-8,2 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

+ Cây điều: Diện tích hiện có 1.740 ha, tăng 4,29% (+71,6 ha); Sản lượng thu hoạch 840 tấn, tăng 67,67% (+339 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch tăng là do diện tích cho sản phẩm tăng.

+ Cây hồ tiêu: Diện tích hiện có 329,85 ha, giảm 0,29% (-1 ha); Sản lượng thu hoạch 505 tấn, tăng 4,48% (+21,7 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

+ Cây cao su: Diện tích hiện có 77.491,9 ha, tăng 0,85% (+651,4 ha), diện tích cao su tăng do người dân trồng lại trên các diện tích cây đã chặt bỏ những năm trước; Sản lượng thu hoạch cao su là 86.564 tấn, tăng 6,89% (+5.582,4 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

+ Cây cà phê: Diện tích hiện có 29.254 ha, tăng 0,92% (+268 ha); Sản lượng thu hoạch là 63.837 tấn, tăng 3,31% (+2.048 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

+ Cây chè: Diện tích hiện có 90,8 ha, tăng 14,38% (+11,4 ha) so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng thu hoạch là 197 tấn, tăng 1,4% (+3 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển, đến nay, diện tích trồng mới một số cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với thời điểm tháng trước và đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; tổng diện tích cây ăn quả khoảng 9.525 ha, (trong đó, trồng mới 2.761 ha); cây Mắc ca khoảng 2.314 ha, (trong đó, trồng mới 952 ha); Sâm Ngọc linh có khoảng 1.749 ha (trong đó, trồng mới 508 ha); cây dược liệu khác khoảng 1.924 ha (trong đó, trồng mới 1.029).

1.1.2. Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp tương đối khó khăn do liên tiếp các dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và người dân, một số dịch bệnh đã được kiểm soát tốt. Bên cạnh đó, thông qua nhiều hình thức liên kết quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi đã giúp gia tăng số lượng và chất lượng gia súc, gia cầm.

a) Tình hình chăn nuôi (ước tính đến thời điểm 31/12/2022)

Tổng đàn trâu là 23.950 con, giảm 4,17% (-1.043 con) so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng năm 2022 là 3.007 con, tăng 3,51% (+102 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 770 tấn, tăng 3,41% (+25 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Số lượng đàn trâu giảm là do tập quán chăn nuôi trâu trên địa bàn tỉnh là chăn nuôi chăn thả nên khó phát triển, mặc khác do diện tích đồng cỏ tự nhiên được sử dụng để trồng một số loại cây lâu năm như các loại cây ăn quả...

Tổng đàn bò là 84.012 con, tăng 0,25% (+213 con). Số con xuất chuồng năm 2022 là 32.010 con, tăng 3,2% (+991 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 5.220,65 tấn, tăng 3,3% (+167 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn lợn 158.390 con, tăng 4,79% (+7.237 con) so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng năm 2022 là 281.550 con, tăng 3,78% (+10.253 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 21.680 tấn, tăng 4,25% (+884 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn gia cầm 1.953.260 con, tăng 3,81% (+71.770 con) so với cùng kỳ năm trước, trong đó: đàn gà đàn gà 1.712.170 con, tăng 3,73% (+61.600 con). Sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng 5.611,46 tấn, tăng 3,23% (+175,74 tấn) so với năm trước. Trong đó: sản lượng thịt hơi gà xuất chuồng 5.066,54 tấn, tăng 3,19% (+156,52 tấn). 

b) Tình hình dịch bệnh

Trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tai xanh ở lợn,... không xảy ra. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn Châu Phi và Cúm gia cầm có xảy ra rãi rác ở một số địa phương. Dịch bệnh xảy ra ở quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu tại các hộ chăn nuôi không có chuồng trại đảm bảo, chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, cụ thể:

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: xảy ra tại 50 hộ chăn nuôi tại 7 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh (Ngọc Hồi, Đắk Tô, Đắk Hà, Sa Thầy, Ia H'Drai, Kon Plông và thành phố Kon Tum), tổng số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy 537 con.

- Bệnh Cúm gia cầm: đã phát sinh và tiêu hủy 4.136 con gia cầm (3.036 gà, 1.100 vịt) mắc bệnh cúm gia cầm do chủng vi rút độc lực cao A/H5N1 gây ra tại 03 ổ bệnh trên địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi.

1.2. Lâm nghiệp

Công tác trồng rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường.

Trong năm 2022, Ngành Kiểm lâm tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng, tiếp tục tổ chức các đợt truy quét, phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân góp phần ngăn chặn kịp thời và làm giảm đáng kể số vụ vi phạm lâm luật.

- Công tác trồng rừng: Kế hoạch trồng mới rừng năm 2022 được giao chi tiết cho từng đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để trồng mới rừng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2022 đã đề ra. Ước tính đến thời điểm 31/12/2022, công tác trồng rừng mới trên địa bàn tỉnh là 5.425,8 ha, tăng 13,7% (+656 ha) so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay diện tích rừng được giao khoán bảo vệ 131.957,83 ha; diện tích rừng được chăm sóc 9.896 ha; diện tích rừng được khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 1.174,98 ha. Năm nay thời tiết thuận lợi nên diện tích rừng trồng mới tăng. Năm nay thời tiết thuận lợi nên diện tích rừng trồng mới tăng.

- Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/12/2022, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 159.082 m3, tăng 5,8% (+8.740 m3) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ tăng là do diện tích rừng trồng mới những năm gần đây tăng; Sản lượng củi khai thác là 276.546 ster, tăng 2,3% (+6.113 ster) so với năm trước.

- Công tác phát hiện và xử lý vi phạm: Tính đến 15/12/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 30 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 32,1 ha. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

1.3. Thuỷ sản

Trong những năm qua, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng; Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích người dân nuôi trồng thuỷ sản chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất, tuyên truyền, vận động người nuôi chọn giống đạt chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm.

- Ước tính diện tích nuôi trồng thủy sản đến 31/12/2022 là 837 ha, tăng 7,89% (+61,2 ha), so với cùng kỳ năm trước.

- Sản lượng thủy sản ước tính năm 2022 đạt 7.123 tấn, tăng 7,79% (+515 tấn) so với năm trước. Trong đó:

+ Sản phẩm thủy sản khai thác: Sản lượng khai thác thủy sản là 2.161 tấn, tăng 9,42% (+186 tấn) so với năm trước. Sản lượng thuỷ sản khai thác tăng chủ yếu là do năm 2022 mùa mưa đến sớm là điều kiện lượng nước trên sông hồ tự nhiên đảm bảo, số lượng cá khai thác tại các đập, hồ chứa, sông …tăng lên, bên cạnh đó các đơn vị đấu thầu các đập, hồ thuỷ điện, thuỷ lợi trên địa bàn đã thả giống thuỷ sản nhằm tăng nguồn lợi thuỷ sản để khai thác. Cụ thể sản lượng một số loại thuỷ sản khai thác trên địa bàn tỉnh tăng cao như sau: Cá lóc (Cá quả) 155 tấn tăng 13,14% (+18 tấn); Cá trắm 146 tấn tăng 32,73% (+36 tấn); Cá chép 229 tấn tăng 30,86% (+54 tấn); Cá rô phi 409 tấn tăng 10,24% (+38 tấn).

+ Sản phẩm thủy sản nuôi trồng: Sản lượng nuôi trồng thủy sản là 4.962 tấn, tăng 7,1% (+329 tấn) so với năm trước, Cụ thể sản lượng một số loại thuỷ sản nuôi trồng  trên địa bàn tỉnh tăng cao như sau: Cá rô phi sản lượng là 1.509 tấn, tăng 12,61% (+169 tấn); Cá trôi sản lượng là 157 tấn, tăng 67,02% (+63 tấn);Cá quả 363 tấn tăng 27,37% (+78 tấn). Các loại cá khác có biến động tăng giảm nhẹ.

Nhìn chung sản lượng nuôi trồng tăng chủ yếu là do diện tích nuôi trồng tăng, bên cạnh đó các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã tăng đầu tư nên phần nào thúc đẩy tăng sản lượng. Một số loại thuỷ sản có số lượng tăng đột biến chủ yếu là do người dân và doanh nghiệp trên địa bàn chuyển từ nuôi các loại thuỷ sản khác sang nuôi các giống thuỷ sản phù hợp với khí hậu và nguồn nước.

7. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp trong tháng Mười Hai đã khởi sắc, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 2,91% so với tháng trước và tăng 37,59% % so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2022, chỉ số IIP tăng 29,94% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 22,78% so với năm 2021, trong đó ngành khai khoáng tăng 13,46%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,99%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 37,49%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 4,10%.

7.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Mười Hai năm 2022 ước tính tăng 37,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng cao nhất là ngành sản xuất và phân phối điện (tăng 40,11%) do một số công trình điện đã hoàn thiện đưa vào vận hành, một mặt năm nay trên địa bàn tỉnh mưa nhiều, hiện tại trên các hồ chứa vẫn còn đảm bảo lượng nước cho các nhà máy hoạt động hết công suất;  ngành công nghiệp khai khoáng tăng 38,19% do các tháng cuối năm các đơn vị xây dựng tập trung thi công các công trình, nhu cầu tiêu thụ đá, cát sỏi tăng cao nên các doanh nghiệp khai thác tăng sản lượng để đủ cung cấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 32,85%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,86%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp quý IV năm 2022  ước tính tăng 29,94% so cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện tăng (+38,93%), nguyên nhân năm nay trên địa bàn tỉnh mưa nhiều, các tháng trong quý lượng nước trên các hồ chứa luôn đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất, chưa phải điều tiết sản xuất điện như các năm trước; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 20,58% chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ đá, cát sỏi tăng; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,97%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải xấp xỉ quý IV năm 2021.

So quý trước chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính tăng 38,45%, trong đó ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tăng 27,67% do trong quý IV thời tiết trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn cho việc khai thác, vận chuyển khoáng sản; một mặt hầu hết các công trình xây dựng đều đẩy nhanh tiến độ thi công, nhu cầu tiêu thụ đá, cát sỏi tăng mạnh; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 46,58%, tăng chủ yếu ở ngành chế biến thực phẩm, trong quý IV đang thời gian chính vụ thu hoạch mì, nguồn nguyên liệu đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất, sản lượng tinh bột mì tăng cao; ngành sản xuất, truyền tải điện tăng 36,36%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,39% so quý trước.

Tính chung cả năm chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2022  ước tính tăng 22,78% so năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,46%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,99%, trong đó giảm chủ yếu ở ngành chế biến thực phẩm, sản xuất hóa chất (sản phẩm cồn sinh học), ngành chế biến gỗ; nguyên nhân chủ yếu chỉ số sản xuất các nhóm ngành này giảm do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất; một mặt trong các tháng đầu năm hoạt động xuất khẩu tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc chậm, lượng tinh bột sắn tồn kho lớn, doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, sản lượng sản phẩm sản xuất giảm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 37,49%, chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao so cùng kỳ do một số nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh mới xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành ổn định, một mặt năm 2022 thời tiết trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn, mưa nhiều, hầu hết các tháng trong năm lượng nước trên các hồ chứa luôn đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất nên sản lượng điện tăng cao. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,10% với năm trước.

Chỉ số sản xuất năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 37,49%; Khai khoáng khác tăng 13,46%; Sản xuất trang phục tăng 0,5%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 10,65%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 1,25%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 5,56%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,67%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 0,75%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 2,91%. Ở chiều ngược lại, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 7,98%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 10,18%; In, sao chép bản ghi các loại giảm 1,84%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 13,85%... đã tác động tiêu cực đến chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo.

7.2. Sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp

Ước tính một số sản phẩm sản xuất quý IV năm 2022 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 143.976 m3, tăng 9,07%; Tinh bột sắn sản lượng 111.189 tấn, tăng 5,05%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 68.787,5 triệu viên, tăng 27,80%; điện sản xuất 1.035,8 triệu Kwh, tăng 40,10%.

Tính chung cả năm 2022 một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 430.903m3, tăng 10,47%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 205.793,8 triệu viên, tăng 7,18%; điện sản xuất 3.065,8 triệu Kwh, tăng 39,29%; Phân vi sinh đạt 1.112 tấn, tăng 2,63%; Cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 25.519 tấn, tăng 1,63%; Bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc đạt 1,789 triệu cái, tăng 2,16%.  Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước: Tinh bột sắn ước tính sản xuất 262.657 tấn, giảm 7,57%; Đường RE 8.438 tấn, giảm 8,99%; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) đạt 30.390 m3, giảm 10,18%; Sản phẩm in khác (quy khổ 13cmx19cm) đạt 184,1 triệu trang, giảm 1,84%; Cồn béo công nghiệp đạt 9.204 tấn, giảm 15,17%; Ghế khác có khung bằng gỗ đạt 270.397 chiếc, giảm 0,9%...

7.3. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng Mười Hai ước tính tăng 0,62% so với tháng trước và tăng 1,99% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước tăng 11,75%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 3,32%. Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành Khai khoáng giảm 29,77%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,07%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 23,24%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 10,21% so với cùng kỳ năm trước.

7.4. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12 năm 2022 tăng 42,99% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các sản phẩm có chỉ số tiêu thụ tăng cao như tinh bột sắn, sản phẩm sản xuất từ cao su, cồn công nghiệp…, Các sản phẩm có chỉ số tiêu thụ tăng cao chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hiện tại công tác lưu thông hàng hóa tại các cửa khẩu tương đối thuận lợi so cùng thời điểm năm trước nên các doanh nghiệp dễ dàng tiêu thụ sản phẩm.

7.5. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến thời điểm 31/12/2022 giảm 27,33% so với cùng thời điểm năm trước; qua đó đánh giá chung được tình hình tiêu thụ sản phẩm sản xuất vẫn ổn định, sau thời gian gặp nhiều khó khăn trong các các tháng đầu năm 2022, sang quý III, và quý IV hoạt động xuất khẩu các mặt hàng như tinh bột sắn, cồn sinh học, bàn, ghế tương đối thuận lợi nên chỉ số tồn kho các sản phẩm này giảm. Bên cạnh đó các sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng tại chỗ như sản xuất các sản phẩm từ khoáng phi kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đều tiêu thụ ổn định nên lượng hàng tồn kho giảm mạnh.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong năm 2022 hoạt động ổn định và có mức tăng trưởng khá cao so cùng kỳ năm trước; một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao như ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và ngành sản xuất, phân phối điện. Một số nhóm ngành trong công nghiệp chế biến, chế như ngành sản xuất đường, tinh bột sắn, sản xuất cồn, chế biến gỗ.. trong các tháng đầu năm gặp khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm nên sản lượng sản phẩm của các ngành này giảm đã ảnh hưởng lớn đến toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Tuy nhiên đến các tháng cuối năm tình hình sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã ổn định và tăng trưởng vượt bậc so đầu năm.

8. Thương mại, dịch vụ

8.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khá sôi động khi đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái của những năm trước dịch Covid-19, tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; Các doanh nghiệp đã sẵn sàng thích ứng an toàn với dịch Covid-19, linh hoạt trong hoạt động để sản xuất kinh doanh, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa lưu thông trên thị trường đa dạng, phong phú về chủng loại, giá cả hàng hóa ổn định, chất lượng đảm bảo. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được duy trì thực hiện. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng Mười Hai trên địa bàn tỉnh ước tính tăng 4,11% so với tháng trước và tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, ước tính tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước. 

-Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tháng Mười Hai đạt 2.437,26 tỷ đồng, tăng 4,11% so với tháng trước và tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.074,08 tỷ đồng, chiếm 85,10% trong tổng số, tăng 3,66% so với tháng trước và tăng 5,89% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 221,11 tỷ đồng, chiếm 9,07% trong tổng số, tăng 10,95% so với tháng trước và tăng 6,96% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 142,07 tỷ đồng, chiếm 5,82% trong tổng số, tăng 0,71% so với tháng trước và tăng 23,03% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện tháng 12 năm 2022 tăng so với tháng trước là do tình hình kinh doanh trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn tháng trước về mặt thời tiết, hệ thống các siêu thị thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, nhiều sản phẩm với giá hấp dẫn. Đồng thời, trong tháng 12 có tổ chức Hội chợ Công Thương và Sản phẩm OCOP - Kon Tum 2022 là cơ hôi để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, mở rộng phát triển thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn tỉnh vào dịp những ngày cuối năm 2022.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Quý IV ước tính đạt 7.046,53 tỷ đồng, tăng 4,61% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 5.983,76 tỷ đồng, chiếm 84,92% trong tổng số, tăng 3,30% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 607,64 tỷ đồng, chiếm 8,62% trong tổng số, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 455,12 tỷ đồng, chiếm 6,64% trong tổng số tăng 10,12% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 30.989,27 tỷ đồng, tăng 19,11% so với cùng kỳ năm trước.

 Xét theo ngành hoạt động, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 26.710,13 tỷ đồng, chiếm 86,19% trong tổng số, tăng 19,96% so với cùng kỳ năm trước,  trong đó có 11 nhóm hàng hóa có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt có một số nhóm doanh thu tăng khá cao như: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm (+19,48%); hàng may mặc (+16,37%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (+11,77%); Vật phẩm văn hóa, giáo dục (+14,81%); Gỗ và vật liệu xây dựng (+15,54%); Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) (+12,56%); Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) (+6,21%); Xăng, dầu các loại (+105,16%); Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) (-67,46%); Đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+0,38%); Hàng hoá khác (+2,42%); Doanh thu dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+ 23,91%).

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 2.539,33 tỷ đồng, chiếm 8,19% trong tổng số, tăng 22,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 121,273 tỷ đồng, tăng 92,81%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 2.416,16 tỷ đồng, tăng 20,43% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ đạt 1,90 tỷ đồng tăng 122,6% so với cùng kỳ năm 2021 .

- Doanh thu dịch vụ khác đạt 1.739,8 tỷ đồng, chiếm 5,61% trong tổng số tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số dịch vụ có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước phải kể đến như: Dịch vụ giáo dục và đào tạo (+50,8%); Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí (+10,5%); dịch vụ hành chính và dịch vụ hổ trợ (+34,4%); y tế và trợ giúp xã hội (+35,7%)...

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính năm 2022 tăng so với năm 2021 là do hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng trong năm có xu hướng phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; Các doanh nghiệp đã sẵn sàng thích ứng an toàn với dịch Covid-19, linh hoạt trong hoạt động để sản xuất kinh doanh, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ so với năm trước, đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái bình thường của những năm trước dịch Covid-19.

8.2. Vận tải

Tình hình giao thông, vận tải trên địa bàn tỉnh trong tháng Mười Hai duy trì được sự tăng trưởng và ổn định hơn so với cùng kỳ năm trước. Ước tính  năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 20,6%, luân chuyển hành khách tăng 21,44% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 27,97%, luân chuyển hàng hóa tăng 26,78% so với cùng kỳ năm trước.

  1. Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 12 năm 2022:

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 12 năm 2022 đạt 186.888 triệu đồng, tăng 2,31% so với tháng trước và tăng 8,39% so cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 49.807 triệu đồng (so với tháng trước tăng 2,51%), so với cùng kỳ năm trước tăng 19,33%; Vận chuyển ước đạt 908 nghìn lượt khách, tăng 2,59%; Luân chuyển ước đạt 115.915 nghìn lượt khách.km, tăng 5,08%.

- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 136.061 triệu đồng (so với tháng trước tăng 2,24%), so với cùng kỳ năm trước tăng 4,74%; Vận chuyển ước đạt 1.513 nghìn tấn, tăng 2,49%; Luân chuyển ước đạt 74.180 nghìn tấn.km, tăng 2,26%.

- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 1.020 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 30,77%.

Hoạt động vận chuyển hành khách tăng so với tháng trước là do trong tháng có kỳ nghỉ Lễ Noel và nghỉ Tết Dương lịch năm 2023 nên nhu cầu đi lại của người dân tăng. Hoạt động vận chuyển hành khách tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do cùng thời điểm năm trước có ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhu cầu đi lại của người dân tại thời điểm đó còn thấp.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước một mặt là do một số cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa đầu tư trang bị thêm các dòng xe mới có trọng tải lớn, mặt khác trong tháng là mùa khô và một số sản phẩm nông nghiệp vào mùa thu hoạch đại trà như cà phê, sắn, nên hoạt động vận chuyển hàng hóa phục vụ ngành nông nghiệp tăng, đồng thời hoạt động vận chuyển hàng hóa chuẩn bị cho Tết Nguyên đán tăng.

b) Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính năm 2022:

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính năm 2022 đạt 2.152.102 triệu đồng, tăng 33,75% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 562.076 triệu đồng, tăng 31,01%; Vận chuyển ước đạt 9.777 nghìn lượt khách, tăng 20,6%; Luân chuyển ước đạt 1.271.391 nghìn lượt khách.km, tăng 21,44%.

- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 1.579.005 triệu đồng, tăng 34,75%; Vận chuyển ước đạt 16.886 nghìn tấn, tăng 27,97%; Luân chuyển ước đạt 846.265 nghìn tấn.km, tăng  26,78%.

- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 11.020 triệu đồng, tăng  35,6%.

9. Các vấn đề xã hội

9.1. Dân số, lao động và việc làm

- Ước tính dân số trung bình năm 2022 của tỉnh là 579.914 người, tăng 1,5% so với năm trước. Phân theo giới tính: nam 291.429 người, nữ 288.485 người; phân theo thành thị và nông thôn: Thành thị 188.507 người, nông thôn 391.407 người.

- Tổng số người từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Kon Tum ước tính đến cuối quý IV năm 2022 là 395.773 người, trong đó: nữ 195.139 người, chiếm 49,32%; khu vực thành thị là 135.799 người, chiếm 34,31% trong tổng số người từ 15 tuổi trở lên.

Lực lượng lao động của tỉnh trong những năm qua tăng cả về quy mô và chất lượng. Ước tính đến cuối quý IV năm 2022, toàn tỉnh có 326.140 người thuộc lực lượng lao động, trong đó lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị là 101.404 người chiếm 31,09%, khu vực nông thôn là 224.736 người chiếm 68,91% lực lượng lao động; Tỷ lệ nam tham gia lực lượng lao động chiếm 51,70% (168.616 người), và tỷ lệ này ở nữ là 48,30% (157.524 người).

Trong tổng số lực lượng lao động trên toàn tỉnh, số lao động có việc làm là 323.978 người, chiếm 99,33% trong lực lượng lao động trên toàn tỉnh. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực nông thôn chiếm phần lớn, với 223.895 người chiếm 69,18% (do dân số ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 2/3 dân số trên toàn tỉnh).

 So sánh Lao động có việc làm/Lực lượng lao động giữa hai khu vực thành thị và nông thôn thì khu vực nông thôn có tỷ lệ lao động có việc làm cao hơn khu vực thành thị 1,26 điểm phần trăm (99,63% và 98,37%). Tỷ lệ này ở lao động có việc làm giữa nam và nữ chênh lệch không đáng kể 0,46 điểm phần trăm (99,46% và 99,0%).

9.2. Tình hình đời sống dân cư

a) Tình hình đời sống cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động

- Nhìn chung, năm 2022 tình hình đời sống cán bộ, công chức, viên chức ổn định. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại đã tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân và người lao động hưởng lương trên địa bàn tỉnh. Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã chi trả đủ tiền lương năm 2022 cho người lao động và hầu hết đều thưởng Tết cho công nhân, người lao động với mức cao nhất là 20 triệu đồng/người, thấp nhất là 200.000 đồng/người.

- Hoạt động hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tiếp tục được các ngành, địa phương quan tâm triển khai; qua đó đã thực hiện hỗ trợ cho 880 doanh nghiệp (với 16.108 lao động) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5.395,5 triệu đồng.

- Hỗ trợ tiền thuê nhà cho 125 lao động theo Quyết định 08/QĐ-TTg, trong đó hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp 114 lao động với số tiền 171 triệu đồng, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động cho 11 lao động với số tiền 32 triệu đồng.

- Những tác động từ dịch Covid-19 đã ảnh hưởng cục bộ đến đời sống và thu nhập của một bộ phận người lao động trong một số ngành, lĩnh vực hoạt động kinh tế, nhưng theo đánh giá chung đời sống cán bộ, công chức,viên chức, công nhân người lao động hưởng lương mức độ ảnh hưởng là không lớn; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức thấp.

- Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh[3]; triển khai, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thí điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

- Chính sách lao động, việc làm và giáo dục nghề nghiệp được triển khai kịp thời theo quy định. Công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã hoạt động trở lại, các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động công nghiệp cho người lao động. Đến nay, tổng số lao động được tạo việc làm là 7.000 người, đạt 120,7% kế hoạch năm[4].

- Hoạt động hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tiếp tục được các ngành, địa phương quan tâm triển khai, qua đó đã thực hiện hỗ trợ cho 880 doanh nghiệp (với 16.108 lao động) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5.395,5 triệu đồng, phê duyệt hỗ trợ cho 174 hộ kinh doanh và 5.122 đối tượng với tổng kinh phí phê duyệt 6.538,8 triệu đồng.

- Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 42-KH/TU ngày 10/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 09/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam[5]; Kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2022 trên địa bàn tỉnh[6]. Qua đó, phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động, góp phần hỗ trợ, phát triển thị trường lao động của tỉnh và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp kết nối cung - cầu lao động, góp phần hỗ trợ thị trường lao động ổn định, phát triển.

b) Tình hình đời sống nông dân tại địa phương

Ngay sau Tết Nguyên đán, đã tổ chức tốt Lễ “Ra quân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022” tại 102 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã lựa chọn công trình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, huy động nhân lực của địa phương để đồng loạt ra quân xây dựng nông thôn mới, với sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các Sở, ngành, trong quá trình thực hiện đã đạt được những thành quả nhất định như: hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt; diện mạo nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có những thay đổi, nhờ đó phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân, được Nhân dân ủng hộ và đồng lòng triển khai thực hiện; đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng.

Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 36 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 04 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 06 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 19 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới.

Công tác đào tạo nghề được quan tâm, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục duy trì đào tạo các lớp trung cấp nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với mục tiêu đào tạo phải gắn với quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phải gắn với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đối với người lao động sau học nghề đã áp dụng và phát triển nhiều mô hình kinh tế bền vững, có hiệu quả cao như: trồng cao su, cà phê, bời lời, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Sau học nghề người lao động có cơ hội tự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tự tạo việc làm tại chỗ thông qua canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phục vụ cho việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, thông qua công tác tư vấn giới thiệu việc làm người lao động được giới thiệu đến làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

9.3. Công tác an sinh xã hội

- Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh năm 2022, cụ thể: Hộ nghèo: 15.943 hộ, chiếm tỷ lệ 10,86% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 15.215 hộ nghèo dân tộc thiểu số; Hộ cận nghèo: 8.857 hộ, chiếm tỷ lệ 6,03% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 7.936 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số.

- Kết quả thực hiện các chính sách, cơ chế giảm nghèo: Cấp 78.200 thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo (trong đó hộ nghèo là 70.000 thẻ; hộ cận nghèo là 8.200 thẻ); hỗ trợ kinh phí tiền điện cho 24.809 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội (21.989 hộ nghèo; 2.820 hộ CSXH) với kinh phí thực hiện là 11.238 triệu đồng.

- Các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời; đặc biệt là công tác chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho Nhân dân theo chủ trương “mọi người, mọi nhà đều được vui tết, đón xuân, bảo đảm an sinh xã hội”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những đối tượng yếu thế… để tất cả mọi người, mọi nhà đều đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, đầm ấm, bảo đảm an sinh xã hội, cụ thể như sau:

+ Chi trả trợ cấp thường xuyên: Chi trả kịp thời cho 13.051 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trên địa bàn tỉnh, với kinh phí thực hiện chi trả là hơn 79 tỷ đồng/năm. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã kịp chi trả trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, phù hợp tình hình dịch Covid-19, chi gộp 02 tháng/01 lần[7]. Tổ chức đi thăm các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh với số tiền và mức quà cụ thể[8].

+ Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội: Trên địa bàn tỉnh hiện có 05 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được quản lý, thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 679 đối tượng theo qui định; đã tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ công tác xã hội, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2022; 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022.

+ Công tác hỗ trợ cứu rét: UBND huyện Tu Mơ Rông đã chủ động suất nguồn ngân sách đảm bảo của huyện thực hiện hỗ trợ cứu rét[9] cho 1.000 hộ/3.711 khẩu với tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 495 triệu đồng; UBND huyện Đăk Glei hỗ trợ cứu lạnh, cứu rét cho Nhân dân với tổng số lượng 1.185 cái chăn đắp và áo lạnh.

+ Công tác hỗ trợ cứu đói: Hỗ trợ 292,2 tấn gạo cho 5.273 hộ nghèo với 19.480 khẩu có nguy cơ thiếu đói dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022, bình quân 15 kg/01 nhân khẩu, trong đó: Chính phủ hỗ trợ cho 254,25 tấn gạo[10] cho 4.474 hộ/16.950 khẩu; Ngân sách địa phương chủ động và vận động xã hội hóa là 37,950 tấn gạo hỗ trợ cho 799 hộ/2.530 khẩu.

- Năm 2022 tiếp tục thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi đối với 5.127 Người có công với cách mạng.

- Triển khai các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022): Tổ chức Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu và xã phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ...

- Rà soát hỗ trợ nhà ở cho 30 hộ người có công thuộc hộ cận nghèo; đăng ký 95 hộ người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để Bộ Quốc phòng hỗ trợ; các tổ chức, doanh nghiệp, Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp đã hỗ trợ có 07 nhà được hỗ trợ cho người có công.

- Trong năm, đã quy tập được 27 hài cốt liệt sĩ, trong đó quy tập tại Lào: 06 hài cốt liệt sĩ, Cam Pu Chia 07 hài cốt liệt sĩ, Đội quy tập mộ liệt sĩ Quân đoàn 3 quy tập được 10 hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ngọc Hồi; Thành đội Kon Tum đã quy tập 01 liệt sĩ tại khu vực xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum; Huyện đội Kon Plông: quy tập 03 hài cốt liệt sĩ; giải quyết thủ tục di chuyển 05 mộ về an táng tại quê hương của liệt sĩ. Thực hiện đính chính thông tin trên bia mộ của 74 liệt sĩ; giải quyết di chuyển 21 mộ liệt sĩ về quê an táng[11]; cấp giấy Báo tin liệt sĩ hy sinh tại Kon Tum cho 124 trường hợp; trả lời đơn thư tìm mộ liệt sĩ cho 22 trường hợp; giải quyết lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại 03 phần mộ đề nghị Cục Người có công giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ.

- Thực hiện việc xây mới mộ chung (14 liệt sĩ) và sửa chữa mộ chung (43 liệt sĩ) sau khi tách ra từ mộ chung 57 liệt sĩ tại huyện Sa Thầy. Đoàn liên ngành đã đánh giá hiện trạng Nhà bia tưởng niệm 81 liệt sĩ tại phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum và tham mưu đề xuất Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương đặt 02 bia trên 02 mộ chung của liệt sĩ, đề xuất xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Giải quyết chế độ chính sách kịp thời, đúng chế độ chính sách khi có phát sinh. Đón tiếp đối tượng và thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng, làm việc tận tình chu đáo.

9.4. Tình hình nổi bật về xã hội

a) Về y tế

- Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19): Trong tháng, không có ca tử vong, ghi nhận 10 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 02 ca, Kon Plông 08 ca), giảm 03 ca so với tháng trước và giảm 147 ca so với cùng kỳ năm trước. Lũy tích tổng số ca mắc từ đầu năm 2022 đến ngày 30/11/2022 ghi nhận 29.671 ca mắc. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc biến thể mới của SARS-CoV-2.

- Tay - chân - miệng: Trong tháng, không có tử vong, ghi nhận 03 ca mắc mới  tại huyện Đăk Glei; giảm 01 ca so với tháng trước và tăng 03 ca so với cùng kỳ năm trước. Lũy tích đến 30/11/2022, không có tử vong, ghi nhận 64 ca mắc, giảm 01 ca so với cùng kỳ năm trước.

- Thủy đậu: Trong tháng, không có tử vong, ghi nhận 16 ca mắc mới (Đăk Glei 06 ca, Tu Mơ Rông 01 ca, Kon Rẫy 07 ca, Sa Thầy 02 ca. Lũy tích đến 30/11/2022, không có tử vong, ghi nhận 145 ca, giảm 138 ca so với cùng kỳ năm trước.

- Quai bị: Trong tháng, không có tử vong, ghi nhận 05 ca mắc (Tu Mơ Rông 01 ca, Kon Plông 04 ca). Lũy tích đến 30/11/2022, không có tử vong, ghi nhận 38 ca mắc, giảm 18 ca so với cùng kỳ năm trước.

- Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 41 ổ dịch mới (thành phố Kon Tum 22, Đăk Tô 01, Ngọc Hồi 10, Đăk Glei 02, Kon Rẫy 04, Sa Thầy 02). Lũy tích đến 30/11/2022, ghi nhận 283 ổ dịch.

- Sốt rét: Trong tháng, không có tử vong, không ghi nhận ca mắc mới, giảm 02 ca so với cùng kỳ năm trước. Lũy tích đến 30/11/2022, không có tử vong, không có mắc sốt rét ác tính, ghi nhận 04 ca mắc (Ia H’Drai 02 ca, Tu Mơ Rông 01 ca, Sa Thầy 01 ca), giảm 01 ca so với cùng kỳ năm trước.

- Bệnh viêm gan vi rút A: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đến 30/11/2022, không có tử vong, ghi nhận 06 ca mắc (thành phố Kon Tum 02 ca, Đăk Tô 01 ca, Sa Thầy 03 ca), tăng 06 ca so với cùng kỳ năm trước.

- Từ đầu năm đến 30/11/2022, không ghi nhận mắc mới các bệnh: Cúm A (H5N1, H7N9...), Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), Đậu mùa khỉ, Cúm A(H1N1), Bệnh do vi rút Zika, Viêm não Nhật Bản, Bạch hầu, Dại, Ho gà, Sởi.

- Phòng chống lao, phong: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 31 người, trong đó lao phổi AFB (+) 17 người. Không phát hiện bệnh nhân phong mới; tổng số bệnh nhân phong đang quản lý 151 người; quản lý và điều trị bệnh nhân phong tại khu điều trị phong Đăk Kia (là trại viên) 53 người.

- Tiêm chủng mở rộng: Tính đến 30/11/2022, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ là 85,5%. Triển khai các đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, kết quả đến 30/11/2022:

Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,72%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 98,73%; tỷ lệ tiêm liều bổ sung đạt 96,65%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt 91,87%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại lần 2 đạt 99,73%.

Nhóm đối tượng từ 12 đến 17 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 97,52%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại đạt 93,94%.

Nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 87,94%.

- Phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, không ghi nhận ca nhiễm HIV mới; bệnh nhân HIV chuyển sang giai đoạn AIDS 04 người; bệnh nhân tử vong 01 người; bệnh nhân chuyển điều trị (đi tỉnh khác) 01 người. Lũy tích đến ngày 30/11/2022, tổng số nhiễm HIV/AIDS 552 người, trong đó tử vong 201 người và còn sống 351 người (quản lý được 194 người). Tổng số bệnh nhân đang được điều trị ARV 161 người (09 trẻ em), đang điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid 04 người. Số bệnh nhân đang điều trị Methadone 41 người.

- Truyền thông, giáo dục sức khỏe: Sở Y tế phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thực hiện 02 phóng sự tuyên truyền về phòng chống một số dịch bệnh mùa Đông xuân; tuyên truyền 20 lượt phát thanh thông điệp phòng chống HIV/AIDS. Phối hợp với Báo Kon Tum thực hiện 02 bài viết tuyên truyền về cải cách hành chính ngành Y tế và phòng chống dịch bệnh mùa Đông xuân.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền theo các chủ đề trọng tâm tháng 11/2022: Phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tiêm vắc xin phòng Covid-19; Chiến dịch truyền thông phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh”; Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (01/11); Ngày phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) toàn cầu (06/11); Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường (14/11). Thực hiện 16 lượt tuyên truyền phát thanh thông điệp phòng chống HIV/AIDS; đăng tải 31 bài viết trên Trang thông tin điện tử của Sở Y tế và fanpage của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về các hoạt động của ngành Y tế và các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh (đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết Dengue, dại, tiêm vắc xin phòng COVID-19, bệnh do vi rút Adeno, bệnh đái tháo đường, COPD, an toàn vệ sinh thực phẩm, kháng thuốc...).

- Triển khai các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm tại các xã và thôn, làng. Tổ chức 04 lớp tập huấn cho 307 người tham dự thuộc 103 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, sản xuất nước đá, nước uống đóng chai, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Đoàn giám sát của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm tại tỉnh Kon Tum. Cấp 17 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (cấp mới: 13 cơ sở, cấp lại: 04 cơ sở).

Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng, xảy ra 02 trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn về việc tăng cường công tác thi hành pháp luật về thực hiện các chính sách hỗ trợ dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh[12]. Công văn về việc tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi và từ 12 đến 17 tuổi[13].

Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm đã ban hành Công văn về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học[14]; Kế hoạch về triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023 trên địa bàn tỉnh từ ngày 15/12/2022 đến ngày 12/3/2023[15].

b. Về giáo dục

Sáng ngày 03/12/2022, Trường THPT Kon Tum tổ chức Hội thảo dạy và học, kiểm tra, đánh giá đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hội thảo đã đưa ra những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc của từng bộ sách và nhấn mạnh một số việc cần thay đổi trong cách dạy học trong thời gian tới đối với giáo viên và học sinh nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Sáng ngày 08/12/2022, Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum khai mạc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh THCS năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố Kon Tum. Cuộc thi thu hút 43 dự án của học sinh đến từ 19/19 trường THCS tham gia. Cuộc thi là cơ hội để học sinh trung học cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu khoa học, chuẩn bị tác phong khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định Quy định tiêu chí tuyển chọn sinh viên sư phạm năm học 2022-2023 theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo trên địa bàn tỉnh Kon Tum[16].

c. Về văn hóa, thể dục thể thao

Sáng 28/11/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Khai mạc lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên du lịch tại điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022. Lớp tập huấn được tổ chức nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử, cách thức làm du lịch cộng đồng cho người dân địa phương; nâng cao trình độ và kỹ năng, ý thức, trách nhiệm của các hướng dẫn viên, cán bộ thuyết minh tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh trong việc tuyên truyền, giới thiệu các giá trị di sản, di tích, điểm du lịch phục vụ khách tham quan.

Chiều 14/12/2022, Ban Tổ chức Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Kon Tum tổ chức tổng kết và trao giải Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tỉnh Kon Tum năm 2022. Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc tỉnh Kon Tum năm 2022 được phát động từ ngày 22/3-5/6/2022 dành cho các em học sinh từ Tiểu học đến Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đây là năm thứ 4 cuộc thi được tổ chức, với mục đích lan tỏa niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ, tạo môi trường trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc. Qua đó khuyến khích, thúc đẩy hình thành thói quen, kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên, giúp các em hiểu rõ vai trò và giá trị của sách trong cuộc sống.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn về việc tham mưu, triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum[17]. Quyết định về quy định thang điểm áp dụng bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương trên địa bàn tỉnh[18].

d) Tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương

Công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động của tội phạm theo băng, nhóm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” được đấu tranh, triệt xóa, không có băng, nhóm hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, cụ thể:

Phạm tội về trật tự xã hội: Phát hiện 39 vụ, hậu quả, thiệt hại: 10 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 870 triệu đồng.

Phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ: Phát hiện 01 vụ Buôn bán hàng cấm trên địa bàn huyện Đăk Hà.

Phạm tội về ma túy: Phát hiện 05 vụ, gồm: Tàng trữ trái phép chất ma túy 03 vụ; Mua bán trái phép chất ma túy 01 vụ; Tàng trữ + Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ: 0,116g Heroine; 2,222g ma túy tổng hợp.

Tình hình trật tự, an toàn giao thông: Xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 04 người chết, 01 người bị thương. Thiệt hại về tài sản: Hư hỏng 02 ô tô, 04 mô tô, ước tính khoảng 19 triệu đồng.

Tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn: Xảy ra 01 vụ cháy nhà dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi. Hiện đang thống kê thiệt hại và làm rõ nguyên nhân.

e) Tình hình môi trường

Trong tháng không phát hiện vụ Vi phạm môi trường. Lũy kế từ đầu năm đến 30/11/2022, phát hiện 05 vụ.

9.5. Tình hình thiên tai

- Theo báo cáo tổng hợp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh.Từ ngày 21/11/2022 đến ngày 19/12/2022 tỉnh Kon Tum không xảy ra thiệt hại do thiên tai.

- Từ ngày 21/11/2022 đến ngày 19/12/2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum không xảy ra thiệt hại do thiên tai, giảm 01 vụ và giảm 1.288 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước (tháng 12/2021 xảy ra 01 vụ, thiệt hại 1.288 triệu đồng). Luỹ kế từ đầu năm, trên địa bàn đã xảy ra 9 vụ gây thiệt hại, tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 50.203 triệu đồng, giảm 4 vụ, giảm 37.353 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

 


[1] Công văn số 2028/TCTK-TKQG ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Tổng cục Thống kê về thông báo số liệu GRDP sơ bộ 6 tháng đầu năm, ước tính 6 tháng cuối năm và cả năm 2022.

[2] Nguồn: Báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum

[3] Kế hoạch số 1448/KH-UBND, ngày 16/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

[4] Trong đó Quỹ Quốc gia về việc làm 3.705 người; giới thiệu việc làm 627 người; đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: 55 người; các chính sách khác: 2.613 người.

[5] Kế hoạch số 709/KH-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2022.

[6] Kế hoạch số 2521/KH-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2022.

[7] Công văn số 1064/SLĐTBXH-NCC ngày 07/9/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chi trả gộp 02 tháng trợ cấp ưu đãi cho người có công và đối tượng xã hội khác.

[8] Huyện Tu Mơ Rông tổ chức thăm 202 đối tượng (300.000đ/suất) với số tiền  60.600.000 đồng; Huyện Đăk Hà thăm 3.154 suất quà với số tiền 843.755.000 đồng; huyện Đăk Glei tổ chức thăm 60 đối tượng (bằng tiền mặt, 300.000 đồng/đối tượng) với số tiền 18 triệu đồng; huyện Ngọc Hồi tổ chức thăm 240 đối tượng (300.000đ/suất) với số tiền 72.000.000 đồng; thành phố Kon Tum 1.322 đối tượng, mỗi đối tượng 01 suất quà trị giá 185.000 đồng/suất với tổng kinh phí 244.570.000 đồng.

[9] Gồm 01 chăn đắp và 01 áo lạnh/hộ.

[10] Hỗ trợ 157,635 tấn gạo cứu đói cho 2.820 hộ với 10.509 nhân khẩu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 và hỗ trợ 96,615 tấn gạo cứu đói cho 1.654 hộ với 6.441 nhân khẩu dịp giáp hạt đầu năm 2022.

[11] Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum hỗ trợ 02 nhà tại xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông (140 tr.đồng); Quỹ Đền ơn đáp nghĩa huyện Kon Rẫy hỗ trợ sửa chữa 01 nhà (30 tr.đ); Tổng công ty Tân cảng Sài gòn hỗ trợ hỗ trợ xây mới 01 nhà tại huyện Sa Thầy (80 tr.đ); Huyện Đăk Glei và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của tỉnh hỗ trợ xây mới 02 nhà (140 tr.đồng); Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ xây mới 01 nhà (80 tr.đ).

[12] Công văn số 4160/UBND-KGVX ngày 07 tháng 12 năm 2022.

[13] Công văn số 4102/UBND-KGVX ngày 02 tháng 12 năm 2022.

[14] Công văn số 4900/CV-BCĐ ngày 01 tháng 12 năm 2022.

[15] Kế hoạch số 5040/KH-BCĐ ngày 08 tháng 12 năm 2022.

[16] Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2022.

[17] Công văn số 3987/UBND-KGVX ngày 23 tháng 11 năm 2022.

[18] Quyết định số 42/2022/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2022.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC