• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Bảy, 27/04/2024 02:34
Thông tin hoạt động ngành
Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Cập nhật: Thứ Sáu, 04/01/2019 14:57

 

          Thông tin thống kê có vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách, quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước trong thời gian qua ngày càng tăng cao về cả số lượng và chất lượng. Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng đã quan tâm và sử dụng ngày càng nhiều, đa dạng thông tin thống kê trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

          Bên cạnh nhu cầu về số liệu kinh tế - xã hội thường xuyên hàng năm, nhu cầu sử dụng thông tin về kết quả của các cuộc Điều tra, Tổng điều tra của các đối tượng dùng tin cũng tăng lên đáng kể với mức độ rất đa dạng. Tại Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình điều tra thống kê Quốc gia, đã quy định Chương trình điều tra thống kê Quốc gia có 50 cuộc Điều tra và Tổng điều tra. Trong đó, Tổng điều tra thống kê Quốc gia có 03 cuộc, đó là: (1) Tổng điều tra dân số và nhà ở; (2) Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; (3) Tổng điều tra kinh tế.

          Trong 03 cuộc Tổng điều tra trong Chương trình điều tra thống kê Quốc gia có Tổng điều tra dân số và nhà ở. Đây là cuộc Tổng điều tra có ý nghĩa rất quan trọng, được tiến hành theo chu kỳ 10 năm một lần (vào ngày 01 tháng 4 các năm có số tận cùng là 9). Nhằm thu thập số liệu về dân số, lao động xã hội và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quy mô, cơ cấu phân bố và tỷ lệ tăng dân số, nguồn lao động và nhà ở của dân cư.

          Ngày 26/6/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; phục vụ công tác giám sát thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp về dân số.

          Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tổ chức lần thứ năm kể từ khi Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoàn toàn thống nhất (4 kỳ Tổng điều tra Dân số trước được tổ chức vào các năm 1979, 1989, 1999 và 2009).

          Để chuẩn bị cho Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu, thiết kế Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 với một số điểm mới so với Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, cụ thể: (1) Nghiên cứu phương pháp chọn mẫu đảm bảo tính đại diện cao, sai số mẫu thấp và giảm được quy mô mẫu để tiết kiệm kinh phí (Quy mô mẫu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 là 15% dân số, quy mô mẫu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là khoảng 10% dân số); (2) Lồng ghép các thông tin trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 nhằm đáp ứng các chỉ tiêu thuộc mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); (3) Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong thu thập, xử lý số liệu và công bố thông tin. Trong đó, sử dụng thiết bị di động để thu thập số liệu giúp nâng cao chất lượng thông tin thông qua quá trình kiểm tra tự động lô gíc của phiếu điều tra, giám sát quá trình điều tra viên đến hộ dân cư để phỏng vấn và minh bạch thông tin trong quá trình duyệt số liệu; (4) Tổng điều tra năm 2019 là căn cứ để cập nhật thông tin về dân số. Đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính để tiến tới năm 2029 không thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở nếu các nguồn dữ liệu từ hệ thống báo cáo hành chính đáp ứng được nhu cầu thông tin và đảm bảo chất lượng số liệu.

          Trong những điểm mới nêu trên, điểm mới về ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là điểm nổi bật nhất, giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất thông tin thống kê, tạo hiệu ứng mạnh mẽ về áp dụng công nghiệp 4.0 trong công tác sản xuất sản phẩm dịch vụ cho xã hội nói chung và công tác thống kê nói riêng. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin - truyền thông trong các công đoạn của quá trình thực hiện điều tra so với Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, trong đó:

          (1) Khâu chuẩn bị điều tra:

          - Ứng dụng nền tảng mạng Internet trong xây dựng cơ sở dữ liệu bảng kê hộ dân cư (xây dựng mới và cập nhật trước thời điểm điều tra). Trong đó, điều tra viên sử dụng thiết bị di động để cập nhật bảng kê hộ trước thời điểm điều tra 01 tuần. Cơ sở dữ liệu bảng kê nơi cư trú của các đối tượng đặc thù (ký túc xá, nhà chùa, nhà thờ, làng trẻ mồ côi,...).

          - Ứng dụng nền tảng mạng Internet trong xây dựng cơ sở dữ liệu hình ảnh về sơ đồ nền xã, phường, thị trấn (phân chia ranh giới các địa bàn điều tra trong mỗi xã, phường, thị trấn). Trong đó, Ban Chỉ đạo cấp huyện/thành phố thực hiện nghiệm thu sơ đồ nền, chụp ảnh bằng thiết bị di động thông minh và ứng dụng công nghệ quét ảnh (scan) trong thiết bị thông minh để truyền gửi dữ liệu ảnh về cơ sở dữ liệu ảnh của cả nước.

          - Mạng lưới điều tra bao gồm thông tin liên kết giữa các địa bàn điều tra, danh sách các thôn trong mỗi địa bàn điều tra và phân công điều tra viên thực hiện thu thập thông tin trong mỗi địa bàn điều tra. Mạng lưới điều tra được quản lý từ cấp huyện, thành phố và cập nhật thường xuyên trong quá trình điều tra dựa trên tình hình thực tế tại địa phương. Mạng lưới điều tra được quản lý (xây dựng và cập nhật) bởi Ban Chỉ đạo cấp huyện/thành phố và được quản lý (giám sát quá trình xây dựng và cập nhật) bởi Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương. Tất cả quy trình xây dựng, cập nhật và quản lý mạng lưới điều tra được thực hiện trên nền tảng mạng internet đảm bảo kịp thời và minh bạch trong giám sát.

          (2) Khâu thu thập thông tin tại địa bàn điều tra Sử dụng 02 phương pháp điều tra với 03 hình thức thu thập thông tin:

          - Phương pháp điều tra: Điều tra trực tiếp (điều tra viên hỏi đối tượng điều tra và ghi chép thông tin) và Điều tra gián tiếp (đối tượng điều tra tự kê khai các thông tin về dân số và nhà ở).

          - Hình thức thu thập thông tin: Sử dụng phiếu giấy in sẵn (phiếu giấy hay còn gọi là PAPI - Paper and Pencil Interviewing) để ghi chép thông tin; sử dụng phiếu điện tử trên thiết bị di động([1]) (phiếu điện tử hay còn gọi là CAPI - Computer Assisted Personal Interview) để ghi chép thông tin; và sử dụng phiếu trực tuyến (Webform) để tự kê khai thông tin.

          (3) Khâu giám sát và quản lý điều tra: Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 gồm 03 cấp giám sát: Giám sát viên cấp huyện/thành phố, cấp tỉnh và cấp Trung ương. Tại mỗi cấp giám sát, giám sát viên được giao tài khoản truy cập trang web của Tổng điều tra để thực hiện công việc kiểm tra, giám sát, duyệt số liệu và báo cáo tiến độ điều tra: được phân quyền để truy cập vào dữ liệu điều tra phiếu CAPI (kiểm tra, duyệt số liệu); được phân quyền để truy cập vào phần mềm quản lý thực hiện báo cáo tiến độ hàng ngày trong quá trình điều tra thực địa; được phân quyền quản lý các loại bảng kê và danh sách đơn vị điều tra; được phân quyền (đối với một số rất ít thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và giám sát viên Trung ương) để kiểm tra thông tin phiếu Webform.

         (4) Khâu xử lý số liệu điều tra bao gồm các công việc liên quan đến hoàn thiện dữ liệu điều tra CAPI (được thực hiện trong quá trình điều tra thực địa), nhập tin các phiếu giấy (được thực hiện sau khi hoàn thiện điều tra thực địa), hòa dữ liệu CAPI, phiếu giấy, phiếu Webform và dữ liệu từ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Ngoại giao.

          (5) Khâu công bố kết quả và các dữ liệu điều tra: Kết quả Tổng điều tra được công bố dưới nhiều hình thức như công bố ấn phẩm in và ấn phẩm điện tử. Áp dụng công nghệ thông tin - truyền thông để chuẩn bị các ấn phẩm công bố trên trang web của Tổng cục Thống kê, như: ấn phẩm điện tử (sách điện tử); các kho dữ liệu theo chủ đề (Data Mart, Data Warehouse); bản đồ động (Visualization) về kết quả Tổng điều tra.

Qua đánh giá từ một số cuộc điều tra đã tổ chức, thực hiện cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong điều tra, thu thập thông tin sử dụng Phiếu điều tra điện tử (Phiếu điều tra CAPI) và phiếu Webform so với điều tra trực tiếp theo phương pháp truyền thống và ghi chép thông tin điều tra vào phiếu giấy (Phiếu điều tra PAPI) có nhiều ưu điểm và sẽ khắc phục được những hạn chế của phương pháp thu thập thông tin bằng phiếu giấy, cụ thể:

          - Kiểm soát chất lượng cuộc điều tra: định vị GPS xác định chính xác vị trí điều tra viên đang tác nghiệp, đếm thời gian phỏng vấn hoàn thành phiếu hộ.

          - Hỗ trợ điều tra viên trong phỏng vấn và ghi phiếu: tự động chuyển bước nhảy, kiểm tra tính lô gíc ngay trong quá trình phỏng vấn để điều tra viên xác minh lại thông tin (nếu cần).

          - Khi hoàn thành phỏng vấn là đã có dữ liệu sẵn sàng phục vụ công tác kiểm tra, nghiệm thu kết quả và phân tích số liệu.

          - Không phải nhập tin nên không có sai số nhập tin, không mất thời gian nhập tin và hoàn thành phiếu;

          - Giám sát viên thực hiện kiểm tra thông tin của các cuộc phỏng vấn và tiến độ điều tra mà không phải đến địa bàn. Giám sát và kiểm tra thông tin ngay trong quá trình điều tra thực địa nên việc hoàn thiện phiếu được thực hiện đồng thời với quá trình điều tra, giúp nâng cao chất lượng số liệu;

          - Rút ngắn thời gian xử lý, biên soạn báo cáo và công bố kết quả do hoàn thiện lỗi logic ngay trong quá trình điều tra, không mất thời gian nhập tin.

         Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là bước đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông so với các kỳ Tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây. Được ứng dụng, thực hiện trong hầu hết các bước của Quy trình điều tra. Điều này sẽ giúp cho Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng nâng cao chất lượng số liệu điều tra, công tác quản lý, giám sát được hiện đại hóa và khoa học; đồng thời đẩy nhanh thời gian điều tra và cung cấp số liệu; đảm bảo tiết kiệm kinh phí và nâng cao hiệu quả chi phí của Tổng điều tra.

 

([1]): Thiết bị cầm tay (Personal Digital Devices); Máy tính xách tay (Laptop); Máy tính bảng (Tablet) và Điện thoại thông minh (Smartphone)

Trương Hợp Đoàn - Chánh Văn phòng BCĐ TĐT dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh Kon Tum 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC