• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Bảy, 20/04/2024 18:47
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum quý III và 9 tháng năm 2022
Cập nhật: Thứ Năm, 29/09/2022 18:24

 

Tình hình kinh tế - xã hội trong nước tháng 9 năm 2022 đang phục hồi và phát triển nhanh trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp về chương trình phục hồi phát triến kinh tế - xã hội nhằm hỗ trợ cho các đối tượng bằng các cơ chế, chính sách kinh tế vĩ mô, sử dụng công cụ thuế, phí để kìm hãm lạm phát và các giải pháp hỗ trợ khác nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực cho các thành phần kinh tế trong nước phát triển... Bên cạnh những thuận lợi trên, nền kinh tế chịu ảnh hưởng xung đột quân sự giữa Nga và Uraine tác động làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá năng lượng, nguyên liệu, khoáng sản, lương thực tăng cao đã tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất tăng trong nền kinh tế.

 Trên địa bàn tỉnh để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2022 của Chính phủ, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022; Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022.  Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã ban hành Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh về kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Trên tinh thần đó, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương đã khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo chương trình, kế hoạch đề ra, đã tập trung xây dựng kế hoạch để thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân góp phần đưa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phát huy tác dụng, hiệu quả, tạo động lực đột phá để khôi phục và phát triển kinh tế sớm nhất. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum 9 tháng năm 2022 tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả: nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ; các cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được chú trọng; các chế độ, chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm, đầu tư, chất lượng ngày được nâng lên; hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được đẩy mạnh và đạt tỷ lệ tương đối cao; tình hình dịch bệnh tương đối ổn định, kiểm soát tốt; chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện; các loại hình di sản văn hóa truyền thống được gìn giữ và duy trì phát huy hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo quyết liệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Sơ bộ đánh giá đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực cụ thể như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

- Trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân tập trung, chăm sóc các loại cây vụ mùa; công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm được đẩy mạnh, các hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ được tăng cường nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan. Diện tích các cây trồng chủ lực của tỉnh như cây lương thực, cà phê, cao su, cây ăn quả, cây mắc ca, Sâm Ngọc linh, cây dược liệu khác... đảm bảo kế hoạch; trồng mới rừng và cây phân tán có sự tăng trưởng khá so với thời điểm năm trước và vượt kế hoạch đề ra; hoạt động hỗ trợ phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP được tích cực triển khai.

- Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 2.930 tỷ đồng, đạt 73,25% dự toán địa phương giao và tăng 39,49% so với cùng kỳ.

- Chi ngân sách địa phương 9 tháng ước đạt 5.700 tỷ đồng, đạt 48,54% nhiệm vụ chi và tăng 4,28% so với cùng kỳ.

- Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh 9 tháng ước đạt 16.845,34 tỷ đồng, tăng 18,29% so với cùng kỳ năm trước.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 19,15% so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 23.940,6 tỷ đồng, tăng 33,57% so với cùng kỳ năm trước.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2022 tăng 3,11% so với cùng kỳ năm trước; CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,51% so với cùng kỳ năm trước.

2. Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm

a) Thu, chi ngân sách

- Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 được Hội đồng nhân dân tỉnh giao 4.000 tỷ đồng, Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước khoảng 2.930 tỷ đồng, đạt 73,25% dự toán địa phương giao và tăng 39,49% so với cùng kỳ, trong đó: Thu nội địa khoảng 2.707 tỷ đồng đạt 72,57% dự toán.

- Dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022 Hội đồng nhân dân tỉnh giao 8.597,048 tỷ đồng; nhiệm vụ chi năm 2021 còn tiếp tục chuyển nguồn sang năm 2022 là 2.204,821 tỷ đồng; nhiệm vụ chi Trung ương bổ sung trong năm 2022 là 941,554 tỷ đồng. Nhiệm vụ chi ngân sách địa phương năm 2022 (bao gồm cả chuyển nguồn năm trước sang, Trung ương bổ sung có mục tiêu đến 31 tháng 8 năm 2022) 11.743,423 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương 9 tháng năm 2022 ước khoảng 5.700 tỷ đồng, đạt 48,54% nhiệm vụ chi và tăng 4,28% so với cùng kỳ.

b) Hoạt động ngân hàng [1]

- Về thực hiện lãi suất huy động: Các TCTD trên địa bàn chấp hành tốt các quy định về lãi suất huy động. Mặt bằng lãi suất huy động tại các TCTD trong quý tương đối ổn định, tuy nhiên trong tháng cuối quý có điều chỉnh tăng nhẹ so với các tháng trước. Theo đó, mức lãi suất phổ biến đối với kỳ hạn dưới 6 tháng từ 3,1-4,0%/năm; đối với kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng từ 4,0-6,8%/năm; đối với các kỳ hạn trên 12 tháng từ 5,5%-6,9%/năm. Lãi suất huy động bằng USD thực hiện theo mức quy định tối đa 0% đối với tiền gửi cá nhân và tổ chức.

- Về thực hiện lãi suất cho vay: Mặt bằng chung lãi suất cho vay trong quý tiếp tục duy trì ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường duy trì ở mức từ 7,0-10,5%/năm; cho vay trung và dài hạn ở mức từ 10-11%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 3%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và một số nhóm đối tượng ưu tiên; cho vay trung và dài hạn phổ biến ở mức 5,0-6,8%/năm.

- Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đến 30/9/2022 ước đạt 18.900 tỷ đồng tăng 1,2% (+ 219 tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2021, tăng 0,6% (+ 109 tỷ đồng) so với tháng trước, so với cùng năm trước thì mức tăng trưởng khá thấp (+7,4%). Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 2.640 tỷ đồng (chiếm 14,0% tổng nguồn vốn huy động) giảm 56,2% so với thời điểm 31/12/202112. Phân theo loại tiền tệ, nguồn vốn huy động bằng tiền gửi VND ước đạt 18.520 tỷ đồng, chiếm 98,0% tổng nguồn vốn huy động; nguồn vốn huy động bằng tiền gửi ngoại tệ ước đạt 130 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng nguồn vốn huy động. Tiền gửi tiết kiệm ước đạt 15.100 tỷ đồng, chiếm 79,9% tổng nguồn vốn huy động, tăng 4,7% (+671 tỷ đồng) so với đầu năm, tiền gửi thanh toán ước đạt 3.550 tỷ đồng, chiếm 18,8% tổng nguồn vốn huy động, giảm 6,0% (-225 tỷ đồng) so với đầu năm. Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 250 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng nguồn vốn huy động.

Thời gian qua, các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, chương trình khuyến mại để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư, mặc dù lãi suất huy động vẫn ở mức thấp nhưng hoạt động huy động vốn vẫn có mức tăng trưởng khá, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng trên địa bàn, tuy nhiên, còn một số TCTD vẫn gặp khó khăn trong công tác huy động, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động toàn địa bàn còn khá khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.

- Hoạt động tín dụng: Tổng dư nợ tín dụng toàn địa bàn ước tính đến 30/9/2022, đạt 41.600 tỷ đồng, tăng 8,2% (+ 3.161 tỷ đồng) so với đầu năm, và tăng 0,6% (+268 tỷ đồng) so tháng trước, so với cùng năm trước có mức tăng trưởng khá tốt (+8,2%). Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 25.250 tỷ đồng, chiếm 60,7% tổng dư nợ; dư nợ trung dài hạn ước đạt 16.350 tỷ đồng, chiếm 39,3% tổng dư nợ; Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tệ được duy trì tương đối ổn định, dư nợ cấp tín dụng bằng VND vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, ước đạt 41.450 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng dư nợ, dư nợ bằng ngoại tệ không đáng kể. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được tập trung vào sản xuất kinh doanh, các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

3. Giá cả, lạm phát

3.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2022 tăng 0,49% so với tháng trước; tăng 3,11% so với cùng tháng năm trước; tăng 3,29% so với tháng 12 năm trước; tăng 7,59% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,51%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 07 nhóm tăng là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%; nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,71%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,77%; nhóm Giáo dục tăng 7,83%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,37%. Có 03 nhóm giảm là nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,01%; nhóm Giao thông giảm 2,49%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,31%. Có 01 nhóm không biến động giá là nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

- Bảy nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

(1) Chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%, trong đó:

+ Nhóm lương thực: Chỉ số nhóm lương thực tăng 0,23%, riêng chỉ số nhóm gạo tăng 0,31%, trong đó gạo tẻ thường tăng 0,33%, gạo tẻ ngon tăng 0,13%, gạo nếp tăng 0,19%, nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm ở địa phương trái vụ và ảnh hưởng giá xuất khẩu gạo tăng. Nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 1,14%, trong đó bột mỳ tăng 2,25%, ngô tăng 0,73%, khoai tăng 1,29%, là do nhu cầu tiêu dùng tăng nên giá tăng theo.

+ Nhóm thực phẩm: Chỉ số nhóm thực phẩm tăng 0,68%, cụ thể: nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 1,0%, trong đó thịt lợn tăng 1,34%, thịt bò tăng 0,55%. Giá thịt lợn tăng là do nhu cầu tiêu dùng tăng nên làm cho giá tăng theo quy luật cung cầu. Nhóm thịt chế biến giảm 0,08%, trong đó thịt chế biến khác giảm 0,56%. Nhóm trứng các loại tăng 0,3%, trong đó trứng tươi các loại tăng 0,34%. Nhóm dầu, mỡ ăn và chất béo khác tăng 0,2%, trong đó dầu thực vật tăng 0,11%, mỡ động vật tăng 0,91% là do nhu cầu tiêu dùng tăng và tăng theo giá thịt lợn.

Nhóm thủy sản tươi sống tăng 1,12% là do nhóm cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,15%; tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,07%; thủy, hải sản tươi sống khác tăng 0,89%, nguyên nhân chủ yếu là do lượng cung giảm nên làm cho giá tăng. Nhóm nước mắm, nước chấm tăng 0,43% là do nhu cầu tiêu dùng tăng nên giá tăng theo.

Nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 0,76%, trong đó su hào tăng 8,91% (tăng từ 2.000 đồng – 3.000 đồng/kg), cà chua tăng 10,61% (tăng từ 1.000 đồng – 3.000 đồng/kg), rau muống tăng 6,2% (tăng từ 500 đồng – 1.000 đồng/kg), nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng đồng thời lượng cung giảm do các sản phẩm trên trái vụ và thời tiết mưa nhiều nên năng suất giảm. Bên cạnh đó, một số mặt hàng rau giảm như khoai tây giảm 8,49%, đỗ quả tươi giảm 10,04%, măng tươi giảm 9,63%, rau gia vị tươi khô các loại giảm 4,29%, nguyên nhân chủ yếu là do các sản phẩm đang vào mùa thu hoạch.

Nhóm quả tươi, chế biến tăng 0,92%, trong đó quả có múi tăng 1,8%, xoài tăng 3,15%, chuối tăng 2,9%, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng tăng đồng thời các sản phẩm trái vụ.

Nhóm đồ gia vị tăng 0,54%, trong đó mì chính tăng 1,3%; Nhóm đường mật tăng 1,17%, trong đó đường tăng 2,08%; Nhóm sữa, bơ, pho mai tăng 0,22%, trong đó sữa tươi tăng 0,33%, sữa đặc tăng 0,28%, bơ tăng 5,67%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng nên làm cho giá tăng theo; Nhóm chè, cà phê, ca cao tăng 0,12%, trong đó cà phê bột tăng 1,06% là do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

 Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,41%, trong đó ăn ngoài gia đình tăng 0,49%, nguyên nhân chủ yếu là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.

(2) Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%, tác động tăng chủ yếu là do nhóm rượu bia tăng 0,31%, trong đó bia các loại tăng 0,5%. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng và ảnh hưởng chi phí lưu thông tăng.

(3) Chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,71%, trong đó nhóm quần áo may sẵn tăng 1,03%, nhóm dịch vụ may mặc tăng 1,86%; nhóm dịch vụ giầy, dép tăng 1,31%, nhóm mũ nón tăng 0,78%. Nguyên nhân là do nhu cầu mua sắm trang phục cho con em đầu năm học mới tăng mạnh nên các cơ sở kinh doanh tăng giá theo quy luật cung cầu.

(4) Chỉ số nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,77%, tăng chủ yếu là do thiết bị khác tăng 1,58%; đồ dùng nấu ăn tăng 0,66%; giường, tủ bàn, ghế tăng 1,31%, trong đó giường tăng 3,68%, nguyên nhân chủ yếu là do nguyên vật liệu đầu vào tăng; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 1,22%; dịch vụ trong gia đình tăng 0,56%.

(5) Chỉ số nhóm giáo dục tăng 7,83%, tác động chủ yếu là do nhóm dịch vụ giáo dục tăng 9,78%, trong đó học phí giáo dục đại học tăng 24%, học phí giáo dục mần non tư thục tăng 2,95%; Nhóm văn phòng phẩm tăng 2,34%, trong đó sản phẩm từ giấy tăng 2,92%, bút viết các loại tăng 1,64%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu mua sắm sách, vở, dụng cụ học tập cho học sinh vào đầu năm học mới tăng mạnh nên làm cho giá tăng theo quy luật cung cầu.

(6) Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31% là do hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 1,01%, trong đó cây, hoa cảnh tăng 1,66%, nguyên nhân là do thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng năng suất trồng hoa nên lượng cung giảm làm cho giá tăng; vật phẩm văn hóa tăng 0,49%, trong đó nhạc cụ tăng 0,66%.

(7) Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,37% là do nhóm đồ dùng cá nhân tăng 1,27%, trong đó máy dùng điện cho chăm sóc cá nhân tăng 3,41%, sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 3,66%, nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở kinh doanh dịch vụ tăng giá.

- Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:

(1) Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,01%, tác động chính là do nhóm gas và các loại chất đốt khác giảm 0,41%, trong đó  gas giảm 1,62% (giảm 7 000 đồng/ bình 12kg từ ngày 01/9/2022); nước sinh hoạt giảm 0,67% là do trong tháng mưa nhiều nên nhu cầu sử dụng nước máy giảm. Riêng giá dầu hỏa qua ba đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào các ngày 05,12,21 tháng 9 tăng 0,05%; điện sinh hoạt giảm 0,05% là do trong tháng thời tiết mát mẻ nên nhu cầu tiêu dùng giảm làm cho giá bình quân giảm.

(2) Chỉ số nhóm giao thông giảm 2,49%, tác động chính là do nhóm nhiên liệu giảm 5,68%, là do trong tháng có đợt điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 05/9/2022, ngày 12/9/2022 và ngày 21/9/2022, tính bình quân so với tháng trước thì chỉ số giá xăng giảm 6,03%, riêng dầu diezel 0,05S-II tăng 1,35%.

(3) Chỉ số nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,31% là do thiết bị điện thoại giảm 0,87%, trong đó máy điện thoại di động thông thường giảm 0,93%, máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 1,25%, nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi nhiều dòng điện thoại di động để kích cầu.

- Một nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá không có biến động là các mặt hàng nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

3.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ trên địa bàn tỉnh

Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng giảm so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 9/2022 được bán với giá bình quân khoảng 6.339.000 đồng/chỉ, giảm 0,33% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 23.751 đồng/USD, tăng 0,62%.

Chỉ số giá vàng tháng Chín năm 2022 giảm 0,33% so với tháng trước; tăng 16,67% so với cùng kỳ năm trước; tăng 9,5% so với tháng 12 năm trước; bình quân 9 tháng tăng 18,34% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng Chín năm 2022 tăng 0,62% so với tháng trước; tăng 3,83% so với cùng kỳ năm trước; tăng 3,25% so với tháng 12 năm trước; bình quân 9 tháng tăng 0,84% so với cùng kỳ năm trước.

3.3. Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III năm 2022 tăng 1,41% so với quý II/2022 và tăng 6,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: sản phẩm từ cây hàng năm tăng 0,73% và tăng 4,61%; sản phẩm từ cây lâu năm tăng 1,66% và tăng 10,41%; sản phẩm từ chăn nuôi tăng 2,22% và tăng 1,22%; dịch vụ nông nghiệp tăng 0,13% và tăng 0,72% so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Từ đầu năm 2022 đến nay, việc lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trên cả nước khá thuận lợi nên tình hình biến động giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh có một phần ảnh hưởng bởi sự biến động giá chung của một số mặt hàng trên cả nước và các tỉnh lân cận. Tình hình diễn biến giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của một số nhóm hàng chính trong quý III năm 2022, cụ thể:

(1) Nhóm sản phẩm từ cây hàng năm: tăng 0,73% so với quý II năm 2022, Trong đó: Nhóm thóc tăng 0,44% do ảnh hưởng chung cả nước, nhóm ngô và cây lương thực có hạt khác giảm 0,86% chủ yếu do sản lượng thu hoạch vụ đông xuân cao, hiện tại lượng tồn kho nhiều nên giá giảm; Nhóm sản phẩm cây lấy củ có chất bột tăng 1,19% so với quý trước do trong quý III không đúng vụ thu hoạch, sản lượng củ mì thấp, không đủ đáp ứng cho các nhà máy chế biến tinh bột mì hoạt động nên giá tăng; Nhóm mía ổn định do Công ty cổ phần Đường Kon Tum giữ nguyên giá mua nguyên liệu theo hợp đồng; Nhóm hạt chứa dầu tăng 0,49%; Nhóm rau, đậu và hoa tăng 0,83% do trong quý đang là mùa mưa, việc canh tác các loại rau đậu không thuận lợi, sản lượng thu hoạch giảm nên giá tăng; Nhóm sản phẩm cây hàng năm khác tăng nhẹ (tăng 0,62%) so với quý trước.

(2) Nhóm sản phẩm từ cây lâu năm: tăng 1,66% so với quý II năm 2022. Trong đó: Nhóm sản phẩm cây ăn quả giảm 1,62% chủ yếu do đang vụ thu hoạch nhiều loại trái cây, sản lượng thu hoạch tăng, nguồn cung ra thị trường dồi dào; Nhóm hồ tiêu tăng 0,83%; Nhóm cao su tăng 3,33%, giá cao su, hồ tiêu tăng chủ yếu do ảnh hưởng bởi giá chung cả nước; Nhóm cà phê ổn định; Nhóm cây chè giảm 1,08%.

(3) Nhóm sản phẩm từ chăn nuôi: tăng 2,22% so với quý II năm 2022. Trong đó: Nhóm sản phẩm chăn nuôi trâu, bò tăng 0,31%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi dê, cừu, hươu, nai giảm 0,64% so với quý trước; Nhóm sản phẩm chăn nuôi lợn tăng 3,29%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi gia cầm tăng 2,06%; Nhóm sản phẩm chăn nuôi khác tăng 0,69%. Nguyên nhân, sản phẩm từ chăn nuôi trong quý III năm 2022 tăng giá là do giá giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá, đồng thời sự biến động giá chung của một số mặt hàng trên cả nước và các tỉnh lân cận nên làm cho giá thành chăn nuôi tăng so với trước.

(4) Nhóm dịch vụ nông nghiệp: tăng nhẹ (tăng 0,13%) so với quý II năm 2022 do phần lớn nhu cầu sử dụng các dịch vụ trong mùa vụ giữ ổn định giá so với quý II năm 2022.

(5) Nhóm lâm nghiệp: Các sản phẩm lâm nghiệp tăng nhẹ (tăng 0,18%)  so với quý trước do phần lớn các sản phẩm giữ ổn định giá so với quý II năm 2022.

(6) Nhóm thủy sản: Nhóm thủy sản tăng 0,58% với quý II năm 2022, chủ yếu tăng ở nhóm thủy sản khai thác, nguyên nhân chủ yếu do nguồn thủy sản tự nhiên giảm, một mặt tâm lý người tiêu dùng luôn ưa chuộng các mặt hàng khai thác tự nhiên nên giá tăng.

4. Đầu tư và xây dựng

Trong tháng Chín, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các đơn vị và địa phương nỗ lực triển khai, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh thực hiện trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh. Tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh nhìn chung đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2021 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn. Hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022 cơ bản được duy trì ổn định, có sự tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 18,29 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt.

4.1. Vốn đầu tư

a) Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước tính quý III năm 2022 theo giá hiện hành đạt 6.222,72 tỷ đồng, tăng 13,99% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm   Vốn khu vực nhà nước đạt 1.910,5 tỷ đồng, chiếm 30,7% trong tổng nguồn vốn, tăng 23,65% so với cùng kỳ năm trước; Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước đạt 4.311,21 tỷ đồng, chiếm 69,28% trong tổng nguồn vốn, tăng 10,28% so với cùng kỳ năm trước; Nguồn vốn thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 0,995 tỷ đồng, chiếm 0,02% trong tổng nguồn vốn.

Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 16.845,34 tỷ đồng, tăng 18,29% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm

- Vốn khu vực nhà nước trên địa bàn thực hiện đạt 4.357,68 tỷ đồng chiếm 25,87% trong tổng nguồn vốn, tăng 22,36% so với cùng kỳ. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước do trung ương quản lý đạt 1.543,96 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt 2.813,71 tỷ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài nhà nước đạt 12.476,69 tỷ đồng, chiếm 74,07% trong tổng nguồn vốn, tăng 17,10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt 7.215,81 tỷ đồng, vốn đầu tư của các hộ gia đình đạt 5.260,88 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư của khu vực hộ dân cư trong xây dựng, sửa chữa nhà, chăn nuôi, ...

- Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10,96 tỷ đồng, chiếm 0,07% trong tổng nguồn vốn, tăng 24,32% so với cùng kỳ. Chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua XDCB, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phân theo khoản mục đầu tư: Vốn đầu tư XDCB: 10.612,57 tỷ đồng, chiếm 63% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư mua sắm TSCĐ dùng cho sản xuất không qua XDCB:  2.022,32 tỷ đồng, chiếm 12% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ: 1.831,09 tỷ đồng, chiếm 10,87% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động 2.361,52 tỷ đồng, chiếm 14,02% trong tổng nguồn vốn; Vốn đầu tư khác: 17,83 tỷ đồng, chiếm 0,11 % trong tổng nguồn vốn..

b) Tình hình thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn 9 tháng năm 2022

Ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm 2022 đạt 2.134,42 tỷ đồng, tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chia ra:

Vốn Ngân sách Nhà nước cấp tỉnh là 1.675,27 tỷ đồng, tăng 6,13% so với cùng kỳ và chiếm 78,49% trong tổng số nguồn vốn, Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách tỉnh là 714,91 tỷ đồng, chiếm 42,67%; Vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 732,58 tỷ đồng, chiếm 43,73%; Vốn ODA là 134,14 tỷ đồng, chiếm 8,01%; Vốn xổ số kiến thiết là 52,35 tỷ đồng, chiếm 3,12%; Vốn khác là 41,29 triệu đồng, chiếm 2,46% trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh.

Vốn Ngân sách Nhà nước cấp huyện là 459,15 tỷ đồng, tăng 53,45% so với cùng kỳ và chiếm 21,51% trong tổng số nguồn vốn, Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách huyện là 260,59 tỷ đồng, chiếm 56,75%; Vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu là 190,61 tỷ đồng, chiếm 41,50%; Vốn khác là 7,97 tỷ đồng, chiếm 1,73%  trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện.

Nhìn chung, trong 9 tháng năm 2022 tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2021 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn, bên cạnh đó nguồn vốn theo kế hoạch năm 2022 đang được các đơn vị triển khai các khâu chuẩn bị thực hiến dự án. Cụ thể một số dự án trọng điểm như:  Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ giản dân tại làng Xộp, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; Đường Giao thông tiếp nối tỉnh lộ 674 đi đường tuần tra Biên giới xã Mo Ray huyện Sa Thầy; ĐT&XD các tuyến đường ĐĐT02, ĐĐT03, ĐĐT08 khu Trung tâm huyện Ia H’Drai; Đầu tư hạ tầng khu du lịch văn hoá, lịch sử Ngục Kon Tum; Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào DTTS dọc sông Đăk Bla trên địa bàn TP Kon Tum (tuyến bờ bắc...)…

c) Thu hút đầu tư trong và ngoài nước

- Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tiếp tục được chú trọng. Đã tổ chức xây dựng và chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư để phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh. Xây dựng và triển khai chính thức Hệ thống giám sát, theo dõi quản lý tiến độ dự án đầu tư tỉnh Kon Tum. Bên cạnh đó, tỉnh đã chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, đã thu hút 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.655,6 tỷ đồng; trong đó, có 10 dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký gần 172,6 tỷ đồng, 9 dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký 1.483 tỷ đồng, đã thu hút một số nhà đầu tư, tập đoàn có tiềm lực như: Sun Group, Hùng Nhơn, Công ty CP Him Lam, Nutifood, ... đã đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.

4.2. Xây dựng

Trong 9 tháng năm 2022, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; Tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhất là các công trình trọng điểm. Những tháng đầu năm, tranh thủ thời tiết thuận lợi các hộ dân cư cũng tiến hành khởi công xây dựng nhà ở, nhà hàng, nhà nghỉ… Tình hình thực hiện giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc giá cả nguyên liệu chưa ổn định, vẫn đang biến động tăng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động ngành xây lắp.

Giá trị sản xuất 9 tháng năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm trước tập trung ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, xây dựng tập trung ở khu vực hộ dân cư, chủ yếu xây dựng nhà ở mới với mức đầu tư cao và sửa chữa các công trình khác. Các đơn vị hoạt động xây lắp  tiếp tục triển khai thi công các công trình trọng điểm chuyển tiếp từ năm 2021 và triển khai thi công các công trình trọng điểm có vốn đầu tư cao khởi công trong năm 2022 như:

- Công trình kỹ thuật dân dụng: Dự án Điện gió Đăk Glei (vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng), Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng, xây dựng cầu số 3 qua sông Đắk Bla, Đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum, cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu quốc lộ 24 tỉnh Kon Tum, Nâng cấp tỉnh lộ 675A, Sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ Quốc lộ 14, 24, các tỉnh lộ... Công trình thủy điện: Thủy điện Plei kần hạ, Thủy điện Nước Long, xúc dọn lòng hồ thủy điện Plei Krông...

- Xây dựng công trình nhà không để ở: Nhà thi đấu tổng hợp tỉnh Kon Tum, Hội trường Tỉnh ủy, các phòng họp và Trụ sở làm việc các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, sửa chữa nhà làm việc Công an huyện Kon Rẫy, sửa chữa Trường PT Dân tộc nội trú Tu Mơ Rông, sửa chữa Trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh, sửa chữa Huyện ủy Sa Thầy, công trình đầu tư phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp, sửa chữa trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc trên địa bàn các huyện, thành phố...

- Các loại hình kinh tế khác (hộ dân cư, xã/phường/ thị trấn) hoạt động xây dựng chủ yếu do hộ dân cư đầu tư xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nhà ở và các công trình liên quan (sân, tường rào, nhà kho, các công trình khác…). Các đơn vị xã, phường, thị trấn cùng nhân dân thực hiện thi công các công trình nhà văn hóa, nhà rông, hội trường, trường học mẫu giáo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết…, bê tông hóa các đường liên thôn, liên xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số xã…

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp[2]

5.1.Tình hình đăng ký doanh nghiệp

- Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ bản được duy trì. Trong tháng 9 toàn tỉnh có 25  doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 776,2 tỷ đồng, tăng 38,9% về số doanh nghiệp và tăng 872% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Có 07 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 03 doanh nghiệp đã giải thể; 07 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động.

- Tính chung 9 tháng năm 2022 (tính đến ngày 20/9/2022) có 272 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 87,74% kế hoạch và tăng 21,97% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký khoảng 5.500 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch và giảm 1,63% so với cùng kỳ. Có 101 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; 22 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 21,43% so với cùng kỳ năm trước; 150 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22,95% so với cùng kỳ năm trước.

5.2. Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy: Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III năm 2022 nhìn chung thuận lợi hơn so quý trước, với 40,63% đơn vị có đánh giá tốt hơn; 31,25% đánh giá giữ nguyên và chỉ có 28,13% đơn vị đánh giá tình hình có khó khăn hơn so quý trước. Trong đó các đơn vị đánh giá khó khăn hơn chủ yếu ở ngành sản xuất thực phẩm và chế biến gỗ. Trong quý tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất sẽ tốt hơn, cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất tốt hơn tăng lên và chiếm đến 68,75%, tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất giữ nguyên chiếm 21,88%, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất khó khăn hơn giảm còn 9,38%, các doanh nghiệp này cũng chủ yếu ở các ngành sản xuất thực phẩm.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng quý III năm 2022 nhìn chung có thuận lợi hơn so với quý trước, trong đó số doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi chiếm 35,29%. Các doanh nghiệp cũng đánh giá sự hỗ trợ của hệ thống pháp luật và tình hình vay vốn ngân hàng thuận lợi hơn so quý trước với tỷ lệ 19,61% và 9,00%. Doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh không thay đổi chiếm 43,14%. Doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn chiếm tỷ lệ 21,57%. Các doanh nghiệp đánh giá sự hỗ trợ của hệ thống pháp luật còn khó khăn với tỷ lệ 7,84%.

Nhận định về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh không thay đổi so với quý trước, cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn chiếm 19,61%, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất không đổi chiếm tỷ lệ 49,02%, tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất khó khăn chiếm 23,53%.

Các đơn vị doanh nghiệp xây dựng đánh giá tổng thể về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý tiếp theo dựa trên cơ sở nhiều yếu tố. Tổng chi phí cho hoạt động xây dựng là yếu tố quan trọng để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trong quý tiếp theo có 92,16% số doanh nghiệp đánh giá tổng chi phí không đổi và tăng lên so với quý trước, trong đó tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi mua nguyên vật liệu xây dựng không đổi và tăng lên chiếm 92,16% và chi phí nhân công không đổi và tăng lên chiếm tỷ lệ 96,08%.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong năm diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh và đảm bảo an toàn thuỷ lợi cho sản xuất trong mùa mưa lũ gắn với phòng chống dịch bệnh. Ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nên năng suất các loại cây trồng đạt khá, chăn nuôi gia cầm phát triển tốt.

6.1. Nông nghiệp

6.1.1. Trồng trọt

a) Kết quả sản xuất cây hàng năm vụ đông xuân 2021 - 2022

Tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ đông xuân 2021 - 2022 đạt 9.814,47 ha, tăng 2,79% (+ 266,45 ha) so với vụ đông xuân năm trước. Cụ thể, diện tích, năng suất, sản lượng cây hàng năm vụ đông xuân 2021 – 2022 so với vụ đông xuân năm trước như sau:

(1). Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 8.002,14 ha, tăng 2,28% (+178,29 ha). Trong đó:

- DTGT cây lúa: 7.277, 64 ha, tăng 2,16% (+153,79 ha). Năng suất lúa  đạt: 50,05 tạ/ha, tăng 0,68%; sản lượng lúa là 36.422,58 tấn, tăng 2,85% (+1.009,72 tấn).

- DTGT cây ngô: 724,5 ha, tăng 3,5% (+24,5 ha). Năng suất ngô đạt 39,13 tạ/ha, giảm 2,78%; sản lượng ngô là 2.835,13 tấn, tăng 0,63% (+17,69 tấn).

(2). Diện tích gieo trồng cây lấy củ có chất bột đạt 40 ha, tăng 24,92% (+8 ha), trong đó diện tích tăng chủ yếu là cây khoai lang.

- DTGT khoai lang: 37,5 ha, tăng 28,87% (+8,4 ha). Diện tích tăng chủ yếu là tăng diện tích trồng trên đất tái canh cà phê. Năng suất đạt: 120,53 tạ/ha, tăng 12,44%; sản lượng là: 452 tấn, tăng 44,9% (+140,05 tấn), sản lượng tăng do diện tích gieo trồng tăng.

(3). Cây có hạt chứa dầu

- DTGT cây lạc: 29,82 ha, giảm 19,3% (-7,13 ha) so với vụ đông xuân năm trước. Năng suất đạt: 16,3 tạ/ha, tăng 0,62%; sản lượng là: 48,61 tấn, giảm 18,8% (-11,25 tấn) là do diện tích giảm nên sản lượng giảm.

- DTGT đậu tương: 6 ha, tăng gấp 3 lần (+4 ha) so với vụ đông xuân năm trước. Diện tích tăng là do người dân tận dụng các ô, nà ven sông để trồng thêm đậu. Năng suất ước đạt: 10,5 tạ/ha, giảm 18,29%; sản lượng là: 6,3 tấn, tăng gấp hơn 2 lần (+3,73 tấn) là do diện tích tăng nên sản lượng tăng cao.

(4). Diện tích gieo trồng rau, đậu các loại và hoa các loại đạt 1.482,08 ha, tăng 2,38% (+34,49 ha). Trong đó:

- DTGT rau các loại: 1.306,14 ha, tăng 2,42% (+30,92 ha). Năng suất đạt: 133,90 tạ/ha, tăng 3,73%; sản lượng là: 17.489,63 tấn, tăng 6,24% (+1.027,68 tấn).

- DTGT đậu các loại: 110,29 ha, tăng 3,58%  (+3,81 ha). Năng suất đạt: 17,84 tạ/ha, giảm 5%; sản lượng là: 196,74 tấn, giảm 1,6% (-3,2 tấn).

- DTGT hoa các loại: 65,65 ha, giảm 0,36% (-0,24 ha).

(5). Diện tích gieo trồng cây hàng năm khác đạt 254,33 ha, tăng 23,74% (+48,8 ha). Trong đó:

DTGT cây gia vị hàng năm: 42,44 ha, tăng 44,75% (+13,12 ha).

- DTGT cây dược liệu, hương liệu hàng năm: 57,64 ha, tăng gấp hơn 2 lần (+33,53 ha), trong đó: sả là 40,44 ha.

- DTGT cây hàng năm khác còn lại: 154,25 ha, tăng 1,41% (+2,15 ha), trong đó: cỏ voi là 150,3 ha.

b) Tình hình sản xuất cây hàng năm vụ mùa 2022

Ước tính đến thời điểm ngày 15/9/2022, tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ mùa 2022 tỉnh Kon Tum đạt 66.473 ha, tăng 4,4% (+2.799,7ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm 2021. Cụ thể DTGT một số cây trồng so với cùng kỳ năm trước như sau:

- Cây lúa DTGT: 15.696 ha, giảm 2,84% (-459 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cây lúa ruộng: 12.612 ha;  Cây lúa rẫy: 3.084 ha.

- Cây ngô DTGT: 4.639 ha, tăng 1,6% (+74 ha).

- Cây sắn DTGT: 40.108 ha, tăng 3,5% (+ 1.340 ha).

- Khoai lang DTGT: 618 ha, tăng gấp hơn 3 lần (+462 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích tăng là do một số doanh nghiệp trồng xen khoai lang trên đất cao su.

- Cây lạc DTGT: 117 ha, tăng 9,9% (+11 ha)

- Đậu các loại DTGT: 401 ha, tăng 51,2% (+136 ha).

- Rau các loại DTGT: 1.564 ha, tăng  19,5% (+255 ha).

Diện tích gieo trồng lạc, đậu các loại, rau các loại tăng là do năm nay thời tiết thuận lợi nên người dân mở rộng diện tích gieo trồng.

c) Cây lâu năm

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có đến thời điểm ngày 30/9/2022 trên địa bàn tỉnh Kon Tum ước tính đạt 119.947 ha, tăng 3,99% (+4.606 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Diện tích cây ăn quả ước tính 8.740 ha, tăng 42,83% (+2.621 ha) so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở một số huyện: Đắk Hà 1.602 ha, Sa Thầy 1.234 ha, thành phố Kon Tum 1.008 ha, Kon Plông 1.085 ha...Cây ăn quả có diện tích tăng cao so với cùng kỳ năm trước là do các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư trồng cây ăn quả kết hợp du lịch trang trại; đồng thời thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả trên địa bàn, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai trồng mới các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng trên địa bàn tỉnh.

Diện tích cây cà phê ước tính 29.236 ha, tăng 1,27% (+367 ha) so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở các huyện: Đắk Hà 11.989 ha; Ngọc Hồi 5.280ha, Sa Thầy 2.802 ha, Tu Mơ Rông 1.808 ha, Đắk Glei 1.795 ha, Kon Plông 1024 ha…

Diện tích cây cao su ước tính 77.402 ha, tăng 0,99% (+762 ha) so cùng kỳ năm trước, tập trung ở huyện IaH’Drai 24.992 ha; huyện Sa Thầy 12.866 ha; Ngọc Hồi 9.235,9 ha; Đắk Tô 7.807 ha…

Sản lượng cây công nghiệp lâu năm cũng không nhiều so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Kon Tum chủ yếu trồng tập trung các cây trọng điểm là cao su và cà phê.

Trong 9 tháng năm 2022, cây cà phê chưa cho sản lượng thu hoạch. Đối với cây cao su, sản lượng thu hoạch ước tính 43.650 tấn, tăng 6,5% (+2.665 tấn) so với cùng kỳ năm trước, sản lượng cao su tăng chủ yếu do diện tích cho sản phẩm tăng.

Các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển, đến nay, diện tích trồng mới một số cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục có sự tăng trưởng khá so với thời điểm tháng trước và đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; tổng diện tích cây ăn quả khoảng 8.740 ha, (trong đó, trồng mới 2.653 ha); cây mắc ca khoảng 2.107 ha, (trong đó, trồng mới 1.012 ha); cây dược liệu khác khoảng 2.708 ha; Sâm Ngọc linh có khoảng 1.153 ha (trong đó, trồng mới 240 ha).

6.1.2. Chăn nuôi

Tỉnh Kon Tum tiếp tục tăng cường  công  tác  phòng,  chống  dịch  bệnh trên động  vật, quản  lý  chặt  chẽ tình  hình  chăn nuôi  gia  súc,  gia  cầm,  tổ chức  tiêm  vắc-xin  phòng bệnh  cho động  vật, đặc  biệt  là  bệnh  nguy  hiểm trên đàn vật nuôi, như: cúm gia cầm,  lở mồm  long  móng,  viêm  da  nổi  cục....  Tuyên  truyền, hướng  dẫn người dân tuân thủ quy trình thú y, chăn nuôi an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường,  xử lý nghiêm trường  hợp buôn bán rong động  vật  không  rõ  nguồn  gốc, giết  mổ,  vứt  xác  động  vật  bệnh,  nghi  mắc  bệnh  ra  môi  trường.

(1).Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Kon Tum ước tính đến thời điểm 30/9/2022

- Tổng đàn trâu 24.755 con, giảm 0,46% (-115 con) so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng 9 tháng năm 2022 là 2.163 con, tăng 1,64% (+35 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 568 tấn, tăng 1,43% (+8 tấn) so với cùng kỳ năm trước.  

- Tổng đàn bò 84.410 con, tăng 1,02% (+854 con) so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng 9 tháng năm 2022 là 25.264 con, tăng 1,19% (+298 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 4.388 tấn, tăng 2,84% (+121 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng đàn lợn 155.010 con, tăng 3,84% (+5.736 con) so với cùng kỳ năm trước. Số con xuất chuồng 9 tháng năm 2022 là 224.534 con, tăng 3,53% (+7.651 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng là 17.090 tấn, tăng 3,49% ( +577 tấn ) so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng đàn gia cầm 1.864.000 con, tăng 4,78% (+85.000 con) so với cùng kỳ năm trước, Trong đó: đàn gà 1.648.000 con, tăng 6,41% (+99.000 con) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi gia cầm xuất chuồng 4.146 tấn, tăng 7,19% (+278 tấn) so với năm trước. Trong đó: sản lượng thịt hơi gà xuất chuồng 3.711 tấn, tăng 7,35% (+254 tấn). 

(2) Quản lý sâu bệnh hại cây trồng và dịch bệnh gia súc, gia cầm[3]

a) Công tác quản lý sâu bệnh hại cây trồng: Ngành Nông nghiệp thường xuyên phối hợp với địa phương nắm bắt diễn biến tình hình sâu, bệnh hại trên các loại cây trồng và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Kết quả: Cây sâm Ngọc Linh: Bệnh chết rạp gây hại cục bộ tại một số vườn sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, đã được xử lý kịp thời, không lây lan diện rộng. Cây lúa: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, tuyến trùng rễ, bệnh đốm nâu…đã được phát hiện sớm và xử lý kịp thời không ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất, chất lượng lúa. Cây sắn: Bệnh khảm lá virus, bệnh chổi rồng tồn tại rải rác, cục bộ trên một số diện tích sắn ở thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đăk Glei; bệnh lở cổ rễ hại rải rác tại huyện Đăk Tô, Kon Rẫy, Đăk Glei. Trên cây mía: Bệnh trắng lá mía phát sinh gây hại cục bộ trên diện tích 30,09 ha tại xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum đã được khống chế, không phát sinh diện tích nhiễm mới, diện tích đã phòng trừ 18,49 ha. Các loại cây trồng khác như: Cà phê, cao su, cây rau màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp… phát sinh một số loại sâu bệnh hại thông thường và ở mức thấp[4].

b) Công tác quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm:

- Bệnh dịch tả lợn Châu phi: Phát sinh và tiêu hủy 467[5] con lợn mắc bệnh tại 14 ổ dịch/06 huyện, thành phố: Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Hà, Ia H’Drai và Tp Kon Tum. Hiện 04 ổ dịch tại xã Mô Rai - Sa Thầy, xã Sa Loong - Ngọc Hồi, xã Ngọc Tụ - Đắk Tô, xã Ia Đal - Ia H’Drai chưa qua 21 ngày.

- Bệnh Cúm gia cầm (chủng vi rút độc lực cao A/H5N1): Phát sinh và tiêu hủy 3.152 con gia cầm mắc bệnh tại 02 ổ bệnh[6] trên địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi.

- Bệnh Tụ huyết trùng ở trâu, bò: Xảy ra trên 08 con trâu của 03 hộ chăn nuôi tại thôn Kon Brẫy, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, đã được điều trị và khỏi bệnh.

- Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như: Lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, dịch bệnh trên thủy sản...: chưa phát sinh.

6.2. Lâm nghiệp

Công tác trồng rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường.

Trong tháng 9 năm 2022, sản xuất lâm nghiệp tập trung chủ yếu thực  hiện  khai thác gỗ, củi và chăm sóc rừng trồng. Công tác phòng cháy, chữa  cháy rừng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức trong công tác phòng chống cháy rừng, lấn chiếm rừng làm nương rẫy. Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, dụng cụ để huy động nguồn lực tham gia chữa cháy rừng kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Ngành Kiểm lâm tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ rừng, tiếp tục tổ chức các đợt  truy quét, phối hợp tuần tra bảo vệ rừng.

- Công tác trồng rừng: Kế hoạch trồng mới rừng năm 2022 được giao chi tiết cho từng đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để trồng mới rừng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2022 đã đề ra. Ước tính đến thời điểm 30/9/2022, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh là 4.688 ha, tăng 28,7% (+1.045 ha) so với cùng kỳ năm trước.  Năm nay thời tiết thuận lợi nên diện tích rừng trồng mới tăng.

 Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay các đơn vị chủ rừng đã thực hiện: Khoán bảo vệ rừng 79.301,64 ha; chăm sóc rừng 1.739,57 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 1.467,59 ha.

Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 30/9/2022, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 105.459 m3, tăng 1,8% (+1.884 m3) so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng củi khai thác ước đạt 206.450 ster, tăng 3,3% (+6.641 Ster) so với cùng kỳ năm trước.

 Công tác phát hiện và xử lý vi phạm: Tổng số vụ vi phạm: 74 vụ; khối lượng vi phạm 392,429 m3 gỗ; diện tích thiệt hại 31,843 ha. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm giảm 93 vụ (giảm 55,7%), khối lượng vi phạm tăng 34,480 m3 gỗ (tăng 9,6%), diện tích thiệt hại giảm 24,180 ha (giảm 43,2%); Số vụ vi phạm đã xử lý 83 vụ; Số vụ đang trong thời gian điều tra, xác minh, niêm yết xử lý là 26 vụ; Tổng số tiền phải thu theo quyết định xử phạt: 1.401 triệu đồng; Tổng số tiền bán lâm sản, phương tiện do vi phạm sung công quỹ nhà nước: 101 triệu đồng.

6.3. Thuỷ sản

Trong thời gian qua, hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng; Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích người dân nuôi thuỷ sản chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất, tuyên truyền, vận động người nuôi chọn giống đạt chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm.

- Ước tính 9 tháng năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản là 797 ha, tăng 8,4% (+62 ha), so với cùng kỳ năm trước.

- Ước sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2022 tỉnh Kon Tum đạt 4.742 tấn, tăng 7,5% (+329 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt là 1.607 tấn, tăng 6,5% (+98 tấn) so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 3.135 tấn, tăng 8,0% (+231 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung sản lượng thủy sản trong kỳ tăng chủ yếu do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước, diện tích nuôi trồng tăng do các đơn vị khoanh nuôi tại các hồ, đập thuỷ điện, thuỷ lợi. Bên cạnh đó sản lượng khai thác, đánh bắt của các hộ trên các hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối cũng tăng so với cùng kỳ năm trước

7. Sản xuất công nghiệp

Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng Chín có nhiều chuyển biến tích cực ,hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại bình thường và nỗ lực ổn định, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với tình hình mới, tại các doanh nghiệp đã đạt được kết quả khả quan, sản lượng sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9 ước tính tăng 18,42 % so với cùng kỳ năm trước; Sản xuất công nghiệp trong quý III/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và phục hồi, chỉ số IIP tăng 16,83% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số IIP ước tính tăng 19,15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 9,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 36,43%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,33%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 5,59%.

7.1. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)

a) Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 9 năm 2022

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 năm 2022 ước tính tăng 18,42% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện tăng (+34,33%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,12% do các đơn vị tăng sản lượng khai thác đá để đủ cung cấp cho các công trình xây dựng trên địa bàn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,27% chủ yếu do sản lượng tinh bột sắn của các nhà máy giảm thấp; trong tháng 9 thời tiết trên địa bàn tỉnh không thuận lợi, mưa nhiều nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy sản xuất tinh bột sắn còn thiếu là nguyên nhân làm sản lượng tinh bột sắn sản xuất giảm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,50%.

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp quý III năm 2022 tăng 16,83% so cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện tăng (+32,98%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,14%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 12,81%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm chủ yếu ở ngành sản xuất chế biến thực phẩm, ngành chế biến gỗ và ngành sản xuất hóa chất (sản phẩm cồn sinh học); Trong quý các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, chế biến gỗ, sản xuất cồn đang gặp khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu nên sản lượng sản phẩm sản xuất ở các ngành này  giảm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,47%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 19,15% so cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 9,90%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,33%, trong đó giảm chủ yếu ở ngành chế biến thực phẩm, sản xuất hóa chất (sản phẩm cồn sinh học), ngành chế biến gỗ nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt nguyên liệu sản xuất; Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 36,43%, chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao so cùng kỳ do một số nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh mới xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành ổn định, một mặt 9 tháng năm 2022 thời tiết trên địa bàn tỉnh thuận lợi hơn, từ đầu năm đến nay lượng nước trên các hồ chứa luôn đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất nên sản lượng điện tăng cao. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 5,59% với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 36,43%; Khai khoáng khác tăng 9,90%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 2,18%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,49%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 0,30%. Ở chiều ngược lại, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 15,90%; Sản xuất trang phục giảm 3,12%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 15,76%; In, sao chép bản ghi các loại giảm 9,74; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 18,62%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 0,72%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 2,32%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,79%; Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu giảm 7,80%.

2.2. Sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp

Ước tính một số sản phẩm sản xuất quý III năm 2022 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 108.983 m3, tăng 7,37%; Tinh bột sắn sản lượng 45.850 tấn, giảm 23,22%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 56.656 triệu viên, giảm 7,01%; điện sản xuất 751 triệu Kwh, tăng 35,11%.

Tính chung 9 tháng năm 2022 ước tính một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất so với cùng kỳ năm trước như sau:

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất 2.026 triệu Kwh, tăng 38,58%. Đá xây dựng khai thác 285.141 m3, tăng 10,5%; Bàn bằng gỗ các loại đạt 84.831 chiếc, tăng 2,03%; Nước uống được 2.668 triệu m3, tăng 0,3% .

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước: Tinh bột sắn ước tính sản xuất 150.836 tấn, giảm 15,41%; Đường RE 7.188 tấn, giảm 14,18%; Cồn béo công nghiệp đạt 6.931 tấn, giảm 19,88%; Ghế khác có khung bằng gỗ đạt 181.272 chiếc, giảm 9,872%; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) 22.021 m3, giảm 15,76%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 137,07 triệu viên, giảm 0,81%; Sản phẩm khác bằng cao su lưu hoá trừ cao su cứng chưa phân vào đâu đạt 1.520 tấn, tăng giảm 0,72%.

7.3. Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng Chín ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 2,09% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,27% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước tăng 7,29%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 3,70%. Chia theo ngành kinh tế, trong 9 tháng năm 2022, lao động đang làm việc trong ngành Khai khoáng giảm 6,0%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26,34%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí nước giảm 12,03%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 15,53% so với cùng kỳ năm trước.

7.4. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2022 giảm 11,23% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tiêu thụ tháng 9 giảm chủ yếu do sản phẩm sản xuất ở một số nhóm ngành công nghiệp chế biến giảm; Trong đó giảm nhiều nhất ở các sản nhóm ngành chế biến thực phẩm, sản xuất cồn, chế biến gỗ.

7.5. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến thời điểm 31/9/2022 giảm 51,15% so với cùng thời điểm năm trước; qua đó đánh giá chung được tình hình tiêu thụ sản phẩm sản xuất vẫn ổn định trong các tháng đầu năm 2022. Sang quý III hoạt động xuất khẩu các mặt hàng như tinh bột sắn, cồn sinh học, bàn, ghế tương đối thuận lợi nên chỉ số tồn kho các sản phẩm này giảm.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong 9 tháng năm năm 2022 hoạt động ổn định và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước; một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao như ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và ngành sản xuất, phân phối điện. Một só nhóm ngành trong công nghiệp chế biến, chế như ngành sản xuất đường, tinh bột sắn, sản xuất cồn, chế biến gỗ.. gặp khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu nên sản lượng sản phẩm của các ngành này giảm đã ảnh hưởng lớn đến toàn ngành công nghiệp chế biến toàn tỉnh.

8. Thương mại, dịch vụ

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh khá sôi động khi đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái của những năm trước dịch COVID-19, tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; Các doanh nghiệp đã sẵn sàng thích ứng an toàn với dịch Covid-19, linh hoạt trong hoạt động để sản xuất kinh doanh, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng Chín cũng như 9 tháng năm 2022, ngành kinh doanh thương mại, dịch vụ của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng cao ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa lưu thông trên thị trường đa dạng, phong phú về chủng loại, giá cả hàng hóa ổn định, chất lượng đảm bảo. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được duy trì thực hiện. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại được tăng cường. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng Chín trên địa bàn tỉnh ước tính tăng 0,24% so với tháng trước và tăng 17,68% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, ước tính tăng 33,57% so với cùng kỳ năm trước. 

8.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tháng 9 năm 2022 đạt 2.345,92 tỷ đồng, tăng 0,24% so với tháng trước và tăng 17,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.039,89 tỷ đồng, chiếm 86,95% trong tổng số, tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 18,27% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 184,85 tỷ đồng, chiếm 7,88% trong tổng số, tăng 1,84% so với tháng trước và tăng 11,45% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 121,17 tỷ đồng, chiếm 5,17% trong tổng số, tăng 0,49% so với tháng trước và tăng 18,11% so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính quý III năm 2022 đạt 7.318,35 tỷ đồng, giảm 10,53% so với quý trước và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 6.313,28 tỷ đồng, chiếm 86,27% trong tổng số, giảm 10,9% so với quý trước và tăng 23,90% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 587,21 tỷ đồng, chiếm 8,02% trong tổng số và giảm 12,18% so với quý trước và tăng 23,53% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 417,85 tỷ đồng, chiếm 5,71% trong tổng số, giảm 1,7% so với quý trước và tăng 17,85% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính 9 tháng năm 2022 đạt 23.940,58 tỷ đồng, tăng 33,57% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

- Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 20.726,64 tỷ đồng, chiếm 86,58% trong tổng số, tăng 34,92% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 11 nhóm hàng hóa có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt có một số nhóm doanh thu tăng khá cao như: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm (+32,92%); hàng may mặc (+27,96%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (+24,95%); Vật phẩm văn hóa, giáo dục (+15,27%); Gỗ và vật liệu xây dựng (+33,33%); Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) (+36,31); Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) (+23,33%); Xăng, dầu các loại (+146,88%); Nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) (-62,96%); Đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+7,19%); Hàng hoá khác (+16,97%); Doanh thu dịch vụ sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (+ 37,0%).

- Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 1.931,69 tỷ đồng, chiếm 8,07% trong tổng số và tăng 31,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 99,036 tỷ đồng, tăng 37,35%; doanh thu dịch vụ ăn uống đạt 1831,24 tỷ đồng, tăng 31,54% so với cùng kỳ năm 2021;doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ đạt 1,42 tỷ đồng tăng 179% so với cùng kỳ năm 2021 .

- Doanh thu dịch vụ khác đạt 1.282,25 tỷ đồng, chiếm 5,36% trong tổng số tăng 33,79% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số dịch vụ có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước phải kể đến như: Dịch vụ giáo dục và đào tạo (+50,2%);dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí (+12,9%); dịch vụ hành chính và dịch vụ hổ trợ (+32%); y tế và trợ giúp xã hội (+34,8%)...

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính 9 tháng năm 2022 tăng là do hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng trong năm có xu hướng phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; Các doanh nghiệp đã sẵn sàng thích ứng an toàn với dịch Covid-19, linh hoạt trong hoạt động để sản xuất kinh doanh, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch lữ hành phục hồi mạnh mẽ so với năm trước, đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái bình thường của những năm trước dịch Covid-19.

8.2. Vận tải

Diễn biến của dịch Covid-19 đã được kiểm soát, người dân không còn lo ngại lây nhiễm dịch bệnh nên việc đi lại tăng mạnh, Việc Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong tháng 9/2022 đã góp phần làm giảm áp lực về chi phí trong hoạt động vận tải. Hoạt động vận tải tháng Chín tiếp tục tăng so với tháng trước, với mức tăng 172,13% về lượng hành khách vận chuyển và 64,58% về lượng hàng hóa vận chuyển. Tính chung 9 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách tăng 15,55% và vận chuyển hàng hóa tăng 35,29%, luân chuyển hàng hóa tăng 33,31%.

a) Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 9 năm 2022:

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 9 năm 2022 đạt 183.977 triệu đồng, tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 102,2% so cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 50.033 triệu đồng (so với tháng trước tăng 1,62%), so với cùng kỳ năm trước tăng 230,72%; Vận chuyển ước đạt 801 nghìn lượt khách, tăng 172,13%; Luân chuyển ước đạt 105.434 nghìn lượt khách.km, tăng 170,34%.

- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 132.977 triệu đồng (so với tháng trước tăng 0,11%), so với cùng kỳ năm trước tăng 76,47%; Vận chuyển ước đạt 1.400 nghìn tấn, tăng 64,58%; Luân chuyển ước đạt 71.036 nghìn tấn.km, tăng 60,49%.

- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 967 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 90,35%.

Hoạt động vận chuyển hành khách tăng so với tháng trước là do trong tháng có thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2022 kéo dài 4 ngày nên nhu cầu đi du lịch và về thăm quê của người dân tăng.

Hoạt động vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là do cùng thời điểm năm trước ảnh hưởng dịch Covid-19 nhiều Tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nên tạm dừng và hạn chế phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa liên tỉnh đi và đến địa phương đó.

b) Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính quý III năm 2022:

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính quý III năm 2022 đạt 550.488 triệu đồng, tăng 130,4% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 150.826 triệu đồng, tăng 278,87%; Vận chuyển ước đạt 2.406 nghìn lượt khách, tăng 211,95%; Luân chuyển ước đạt 316.849 nghìn lượt khách.km, tăng 211,14%.

- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 396.800 triệu đồng, tăng 100,78%; Vận chuyển ước đạt 4.169 nghìn tấn, tăng 83,32%; Luân chuyển ước đạt 211.529 nghìn tấn.km, tăng 79,55%.

- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 2.863 triệu đồng, tăng  92,66%.

c) Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính 9 tháng năm 2022:

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính 9 tháng năm 2022 đạt 1.601.431 triệu đồng, tăng 37,94% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 414.167 triệu đồng, tăng 23,23%; Vận chuyển ước đạt 7.194 nghìn lượt khách, tăng 14,41%; Luân chuyển ước đạt 938.914 nghìn lượt khách.km, tăng 15,55%.

- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 1.179.242 triệu đồng, tăng 44,01%; Vận chuyển ước đạt 12.547 nghìn tấn, tăng 35,29%; Luân chuyển ước đạt 630.584 nghìn tấn.km, tăng  33,31%.

- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 8.022 triệu đồng, tăng  33,56%.

9. Thông tin về tình hình kinh tế thế giới

Tính đến thời điểm tháng 9/2022, kinh tế toàn cầu trong năm 2022 được điều chỉnh giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 giảm đáng kể, từ mức 4,1% trong dự báo vào thời điểm đầu năm 2022 xuống còn 2,8% trong dự báo tháng 8/2022. Fitch Ratings đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống chỉ còn 2,4%, điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022.  Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 7/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022. Báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển kinh tế tháng 9/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn so với dự báo đưa ra trong tháng 4/2022, cụ thể dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ giảm từ 3,9% xuống còn 1,6%, khu vực đồng Euro giảm từ 3,3% xuống 2,5%, Nhật Bản giảm từ 2,7% xuống 1,4%, Trung Quốc giảm từ 5,0% xuống còn 3,3%. Trong khu vực Đông Nam Á, ADB nhận định tăng trưởng năm 2022 của In-đô-nê-xi-a đạt 5,4% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022), Phi-li-pin đạt 6,5% (tăng 0,5 điểm phần trăm), Thái Lan đạt 2,9% (giảm 0,1 điểm phần trăm), Xin-ga-po đạt 3,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm), Ma-lai-xi-a đạt 6,0% (giữ nguyên) và Việt Nam giữ nguyên mức 6,5% so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2022.

10. Các vấn đề xã hội

10.1. Dân số, lao động và việc làm

(1). Quy mô lực lượng lao động

Tổng số người từ 15 tuổi trở lên của tỉnh Kon Tum ước tính đến cuối quý III năm 2022 là 395.239 người, trong đó: nữ 195.088 người, chiếm 49,36%; khu vực thành thị là 135.460 người, chiếm 34,27% trong tổng số người từ 15 tuổi trở lên.

Lực lượng lao động của tỉnh trong những năm qua tăng cả về quy mô và chất lượng. Ước tính đến cuối quý III năm 2022, toàn tỉnh có 325.363 người thuộc lực lượng lao động, trong đó lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị là 101.106 người chiếm 31,07%, khu vực nông thôn là 224.257 người chiếm 68,93% lực lượng lao động; Tỷ lệ nam tham gia lực lượng lao động chiếm 51,78% (168.480 người), và tỷ lệ này ở nữ là 48,22% (156.883 người).

(2). Lao động có việc làm và Cơ cấu lao động có việc làm

Trong tổng số lực lượng lao động trên toàn tỉnh, số lao động có việc làm là 323.156 người, chiếm 99,32% trong lực lượng lao động trên toàn tỉnh. Trong đó, lao động có việc làm ở khu vực nông thôn chiếm phần lớn, với 223.571 người chiếm 69,18% (do dân số ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 2/3 dân số trên toàn tỉnh).

 So sánh Lao động có việc làm/Lực lượng lao động giữa hai khu vực thành thị và nông thôn thì khu vực nông thôn có tỷ lệ lao động có việc làm cao hơn khu vực thành thị 1,2 điểm phần trăm (99,69% và 98,50%). Tỷ lệ này ở lao động có việc làm giữa nam và nữ chênh lệch không đáng kể 0,35 điểm phần trăm (99,49% và 99,14%).

 (3). Số người thất nghiệp và Tỷ lệ thất nghiệp

Số người thất nghiệp ước tính đến cuối quý III năm 2022 là 2.207 người, tỷ lệ thất nghiệp là 0,68% trong tổng số lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh, giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: nữ có 1.347 người, chiếm tỷ lệ 61,04% trong tổng số người thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ là 0,86%, giảm 0,62% so với quý III năm 2021 và cao hơn tỷ lệ thất nghiệp của nam 0,35% (0,86% so với 0,51%). Khu vực thành thị có số người thất nghiệp tương đối cao 1.522 người, tỷ lệ thất nghiệp là 1,50%, khu vực nông thôn có tỷ lệ thất nghiệp là 0,31% (686 người).

4. Số người thiếu việc làm và Tỷ lệ thiếu việc làm

Số người thiếu việc làm ước tính đến cuối quý III năm 2022 là 1.519 người, tỷ lệ thiếu việc làm là 0,47% trong tổng số lực lượng lao động, giảm 14,08% so với cùng kỳ năm trước (1.519 người so với 1.768 người). Song đối với vùng nông thôn chiếm phần lớn 1.037 người, chiếm 68,36% trong tổng số, một phần do tính chất công việc lao động ở khu vực nông thôn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, cho nên tình trạng thiếu việc làm luôn là vấn đề phổ biến ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nông thôn trong tổng số lực lượng lao động nông thôn là 0,46%. Tương tự, lao động nam thiếu việc làm tương đối cao (1.074 người) chiếm tỷ lệ 70,68% trong tổng số người thiếu việc làm; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nam là 0,64% so với lực lượng lao động là nam giới; và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động nữ là 0,28% so với lực lượng lao động là nữ giới.

10.2. Tình hình đời sống dân cư

a) Tình hình đời sống cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động

(1) Đời sống cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động

Nhìn chung, 9 tháng năm 2022 tình hình đời sống cán bộ, công chức, viên chức ổn định. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại đã tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân và người lao động hưởng lương trên địa bàn tỉnh. Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã chi trả đủ tiền lương năm 2021 cho người lao động và hầu hết đều thưởng Tết cho công nhân, người lao động với mức cao nhất là 20 triệu đồng/người, thấp nhất là 200.000 đồng/người.

Hoạt động hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tiếp tục được các ngành, địa phương quan tâm triển khai; qua đó đã thực hiện hỗ trợ cho 880 doanh nghiệp (với 16.108 lao động) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 5.395,5 triệu đồng.

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho 125 lao động theo Quyết định 08/QĐ-TTg, trong đó hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp 114 lao động với số tiền 171 triệu đồng, hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động 11 lao động với số tiền 32 triệu đồng.

Những tác động từ dịch Covid-19 đã ảnh hưởng cục bộ đến đời sống và thu nhập của một bộ phận người lao động trong một số ngành, lĩnh vực hoạt động kinh tế, nhưng theo đánh giá chung đời sống cán bộ, công chức,viên chức, công nhân người lao động hưởng lương mức độ ảnh hưởng là không lớn; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức thấp.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh ; triển khai, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thí điểm thực hiện đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

 (2) Giải quyết việc làm

Công tác giải quyết việc làm tiếp tục được duy trì, số lượt người được tư vấn tìm việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động là 1.400/2000 người, đạt 70,00% kế hoạch. Ngoài ra, đã tạo việc làm thông qua nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm đến nay là 1.940 người; lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 34 người. Đã tiến hành mở lớp đào tạo cho 1.611 học viên, trong đó nghề nông nghiệp với 1.288 học viên, nghề phi nông nghiệp 323 học viên.

Đã tổ chức ngày việc làm năm 2022, thu hút hơn 722 lao động tham gia. Trong đó có 570 lượt lao động  trực tiếp được tư vấn, phỏng vấn tại các đơn vị, doanh nghiệp. Công tác tư vấn, việc làm, học nghề và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được thực hiện thường xuyên thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm, các phiên giao dịch việc làm lưu động... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động biết, lựa chọn việc làm đúng với khả năng, năng lực của mình.

Lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về Kế hoạch thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2022 trên địa bàn tỉnh; về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, không vi phạm pháp luật nước sở tại.

b) Tình hình đời sống nông dân tại địa phương

Ngay sau Tết Nguyên đán, đã tổ chức tốt Lễ “Ra quân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022” tại 102 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã lựa chọn công trình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, huy động nhân lực của địa phương để đồng loạt ra quân xây dựng nông thôn mới, với sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự nỗ lực của các Sở, ngành, trong quá trình thực hiện đã đạt được những thành quả nhất định như: hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt; diện mạo nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có những thay đổi, nhờ đó phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân, được Nhân dân ủng hộ và đồng lòng triển khai thực hiện; đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng; Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 36 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 04 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 06 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 19 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới.

Ngành Y tế đã tổ chức tốt việc phân công cán bộ, nhân viên y tế công tác phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh trong dịp Tết. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Nhìn chung, trong dịp Tết đảm bảo đủ cơ số thuốc, vật tư y tế và các trang thiết bị y tế phục vụ tốt cho hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh.

Công tác đào tạo nghề được quan tâm, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục duy trì đào tạo các lớp trung cấp nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với mục tiêu đào tạo phải gắn với quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phải gắn với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đối với người lao động sau học nghề đã áp dụng và phát triển nhiều mô hình kinh tế bền vững, có hiệu quả cao như: trồng cao su, cà phê, bời lời, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Sau học nghề người lao động có cơ hội tự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tự tạo việc làm tại chỗ thông qua canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phục vụ cho việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, thông qua công tác tư vấn giới thiệu việc làm người lao động được giới thiệu đến làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

c) An sinh xã hội

(1) Công tác giảm nghèo

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo, tạo cho hộ nghèo có cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Các cấp, các ngành đã tổ chức quán triệt và tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng: Công tác tuyên truyền về giảm nghèo bền vững được quan tâm, đổi mới với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống...Đã triển khai thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách, dự án cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, thực hiện đầy đủ chính sách cứu trợ xã hội (cứu trợ thường xuyên, cứu trợ đột xuất) cho các đối tượng đủ điều kiện, bảo đảm an sinh xã hội, không có người dân nào bị đói, rét. Triển khai lồng ghép thực hiện các chính sách, dự án của Đề án giảm nghèo tỉnh Kon Tum.

Qua kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2021, cụ thể:

* Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, số hộ thoát nghèo là 5.838 hộ; hộ nghèo có 9.072 hộ, chiếm tỷ lệ 6,32% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 8.635 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 11,42% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh; hộ cận nghèo có 7.876 hộ, chiếm tỷ lệ 5,49% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 7.077 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 9,36% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh.

* Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ: hộ nghèo có 21.989 hộ, chiếm tỷ lệ 15,32% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh, trong đó có 20.817 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 94,67% so với tổng số hộ nghèo. Hộ cận nghèo có 9.091 hộ, chiếm tỷ lệ 6,33% so với tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tổng số hộ nghèo chung là 14.601 hộ (tỷ lệ 10,29%), số hộ thoát nghèo năm 2021 là 5.493 hộ (giảm 3,97%).

Tổng hợp kết quả rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 phát sinh trong năm 2022.

Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, từ nguồn ngân sách trung ương, cấp tỉnh và các nguồn xã hội hóa khác đã hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 15.922 triệu đồng (trong đó hộ nghèo là 13.194 triệu đồng; hộ cận nghèo là 2.728 triệu đồng).

+ Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp 13.194 triệu đồng (trong đó: từ nguồn hỗ trợ người thuộc hộ nghèo đã bố trí dự toán năm 2022 số tiền 7.000 triệu đồng , nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 số tiền 6.194 triệu đồng) cho các huyện, thành phố để thực hiện chi hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đón tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và các tổ chức Hội, đoàn thể huy động, tiếp nhận, phân bổ các nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh (qua “Quỹ vì người nghèo” cấp huyện, thành phố; qua các đơn vị tiếp nhận tài trợ theo yêu cầu của Nhà tài trợ) và cân đối bố trí nguồn ngân sách huyện, thành phố để hỗ trợ cho 9.091 hộ cận nghèo đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022  với số tiền 2.728 triệu đồng.

+ Mức hỗ trợ: Hộ nghèo 600.000 đồng/hộ; Hộ cận nghèo là 300.000 đồng/hộ (Theo quy định tại Nghị quyết số 73/NQ-HĐND, ngày 14/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum). Ngoài ra, Quỹ Thiện Tâm đã hỗ trợ 1.000 suất quà, mức 600.000 ngàn đồng/hộ (bằng tiền mặt) để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 02 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (huyện Tu Mơ Rông và huyện Kon Plong) mỗi huyện 500 suất, tổng kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng.

 (2) Bảo trợ xã hội

Các chế độ, chính sách bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời; đặc biệt là công tác chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho Nhân dân theo chủ trương “mọi người, mọi nhà đều được vui tết, đón xuân, bảo đảm an sinh xã hội”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những đối tượng yếu thế… để tất cả mọi người, mọi nhà đều đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, đầm ấm, bảo đảm an sinh xã hội, cụ thể như sau:

Chi trả trợ cấp thường xuyên: Chi trả kịp thời cho 13.051 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng chính sách trên địa bàn tỉnh, với kinh phí thực hiện chi trả là hơn 79 tỷ đồng/năm. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã kịp chi trả trợ cấp thường xuyên cho đối tượng bảo trợ xã hội kịp thời, phù hợp tình hình dịch Covid-19, chi gộp 02 tháng/01 lần . Tổ chức đi thăm các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh với số tiền và mức quà cụ thể .

Triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội, Nghị quyết số 68/2021/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum “Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội, đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.

Công tác hỗ trợ cứu rét: UBND huyện Tu Mơ Rông đã chủ động suất nguồn ngân sách đảm bảo của huyện thực hiện hỗ trợ cứu rét cho 1.000 hộ/3.711 khẩu với tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 495 triệu đồng; UBND huyện Đăk Glei hỗ trợ cứu lạnh, cứu rét cho Nhân dân với tổng số lượng 1.185 cái chăn đắp và áo lạnh.

Công tác hỗ trợ cứu đói: Hỗ trợ 292,2 tấn gạo cho 5.273 hộ nghèo với 19.480 khẩu có nguy cơ thiếu đói dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022, bình quân 15 kg/01 nhân khẩu, trong đó: Chính phủ hỗ trợ cho 254,25 tấn gạo  cho 4.474 hộ/16.950 khẩu; Ngân sách địa phương chủ động và vận động xã hội hóa là 37,950 tấn gạo hỗ trợ cho 799 hộ/2.530 khẩu.

Ủy ban nhân dân tỉnh thăm hỏi và tặng quà cho các Trung tâm Bảo trợ xã hội công lập; ngoài công lập của tỉnh và Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Đăk Lắk (đối tượng tâm thần của tỉnh Kon Tum gửi chăm sóc nuôi dưỡng, điều trị) tổng kinh phí 52 triệu đồng. Riêng Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh đã đón 09 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến thăm, tặng quà, chúc tết cho đối tượng tại Trung tâm tổng kinh phí 77 triệu đồng; tiếp nhận 04 đối tượng khẩn cấp vào cơ sở trợ giúp xã hội.

Sở Lao động và Thương binh xã hội phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức lớp tập huấn các chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về chế độ đối với đối tượng bảo trợ xã hội; phối hợp với các đơn vị liên quan và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn khám sàng lọc bệnh, điều trị và hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật năm 2022; phối hợp với Công ty cổ phần TAJ về phối hợp triển khai tổ chức Hội chợ việc làm dành cho người khuyết tật "Chúng Tôi cần bạn" tại tỉnh Kon Tum; phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (ACDC) triển khai lớp tập huấn “Sống độc lập theo nhóm cho người khuyết tật và gia đình.

(3) Thực hiện chính sách với người có công

Các cấp, các ngành đã thăm, tặng quà cho người có công với cách mạng dịp Tết Nguyên đán 10.017 suất quà với tổng kinh phí là 2.810 triệu đồng  và 16.275 suất quà với tổng kinh phí là 5.506 triệu đồng nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7/2022.

Triển khai các hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022): Tổ chức Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu và xã phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ; đưa người có công tiêu biểu tham dự Hội nghị Biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội; tổ chức thăm hỏi tặng quà cho người có công; phối hợp với Tỉnh đoàn thắp nến tri ân liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; tổ chức Lễ viếng Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh...

Tổng hợp báo cáo rà soát đề nghị hỗ trợ nhà ở cho 31 hộ người có công thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; báo cáo chi tiết về số lượng đối tượng người có công là dân tộc thiểu số cho Ủy ban Quốc hội.

Thực hiện việc xây mới mộ chung (14 liệt sĩ) và sửa chữa mộ chung (43 liệt sĩ) sau khi tách ra từ mộ chung 57 liệt sĩ tại huyện Sa Thầy. Đoàn liên ngành đã đánh giá hiện trạng Nhà bia tưởng niệm 81 liệt sĩ tại phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum và tham mưu đề xuất Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương đặt 02 bia trên 02 mộ chung của liệt sĩ, đề xuất xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Báo tin liệt sĩ hy sinh tại Kon Tum cho 07 trường hợp. Giải quyết lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại 03 phần mộ đề nghị Cục Người có công giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ. Tổ chức Lễ Truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ được quy tập tại Lào và Cam Phu Chia tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngọc Hồi .

Duyệt danh sách và ra quyết định giải quyết chế độ điều dưỡng năm 2022 cho các đơn vị: thành phố Kon Tum, Đăk Hà, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông; Tổ chức đưa đoàn người có công (45 người) đi tham quan Thủ đô Hà Nội; đưa đoàn người có công đi điều dưỡng tại Đà Nẵng. Cung cấp thông tin Mẹ Việt Nam anh hùng gửi quĩ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingruop tặng quà các mẹ nhân dịp 27/7/2022, định mức 5.000.000đ/người).

Giải quyết chế độ chính sách kịp thời, đúng chế độ chính sách khi có phát sinh. Đón tiếp đối tượng và thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng, làm việc tận tình chu đáo.

10.4. Tình hình nổi bật về xã hội

a) Về y tế

(1) Tình hình dịch bệnh trong tháng

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19): Trong tháng, không có ca tử vong, ghi nhận 121 ca mắc mới, tăng 114 ca so với tháng trước. Lũy tích tổng số ca mắc từ đầu năm 2022 đến ngày 31/8/2022 ghi nhận 29.593 ca mắc. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp mắc biến thể mới của SARS-CoV-2.

Tay - chân - miệng: Trong tháng, ghi nhận 12 ca mắc mới, giảm 09 ca so với tháng trước và tăng 10 ca so với tháng 8/2021. Lũy tích đến 31/8/2022, không có tử vong, ghi nhận 49 ca mắc, giảm 10 ca so với cùng kỳ năm trước.

Thủy đậu: Trong tháng , không có ca tử vong; ghi nhận 04 ca mắc mới, giảm 05 ca so với tháng trước, giảm 06 ca so với tháng 8/2021. Lũy tích đến 31/8/2022, không có tử vong, ghi nhận 115 ca, giảm 134 ca so với cùng kỳ năm trước.

Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 03 ca mắc, giảm 01 ca so với tháng trước, giảm 05 ca so với tháng 8/2021. Lũy tích đến 31/8/2022, không có tử vong, ghi nhận 25 ca mắc, giảm 23 ca so với cùng kỳ năm trước.

Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 76 ổ dịch mới. Lũy tích đến 31/8/2022, ghi nhận 148 ổ dịch. Trong tháng, không có ca tử vong; ghi nhận 194 ca mắc mới, tăng 08 ca so với tháng trước, tăng 101 ca so với tháng 8/2021. Lũy tích đến 31/8/2022, không có ca tử vong; ghi nhận 520 ca mắc mới, tăng 53 ca so với cùng kỳ năm trước.

Sốt rét: Trong tháng, ghi nhận 01 ca mắc mới, tăng 01 ca so với tháng trước, tăng 01 ca so với tháng 8/2021. Lũy tích đến 31/8/2022, không có ca tử vong, không có ca mắc sốt rét ác tính, ghi nhận 04 ca mắc, tăng 01 ca so với cùng kỳ năm trước. 

Bệnh viêm gan vi rút A: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đến 31/8/2022, không có ca tử vong, ghi nhận 06 ca mắc, tăng 06 ca so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng năm 2022, không ghi nhận mắc mới các bệnh: Cúm A (H5N1, H7N9...), Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), Đậu mùa khỉ, Cúm A(H1N1), Bệnh do vi rút Zika, Viêm não Nhật Bản, Bạch hầu, Dại, Ho gà, Sởi.

Phòng chống lao, phong: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 47 người, trong đó lao phổi AFB (+) 32 người. Không ghi nhận bệnh nhân phong mới, tổng số bệnh nhân phong đang quản lý 162 người; quản lý và điều trị bệnh nhân phong tại khu điều trị phong Đăk Kia (là trại viên) đang quản lý 55 người.

(2) Tiêm chủng mở rộng: Triển khai tiêm vắc xin bại liệt tiêm (IPV2) cho trẻ em dưới 1 tuổi quy mô nhỏ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, kết quả đến 31/8/2022: 1.607/2.520 trẻ, đạt tỷ lệ 63,8%; đảm bảo an toàn tiêm chủng, không ghi nhận tai biến nặng sau tiêm.

Triển khai các đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, kết quả đến 31/8/2022:

- Số liều vắc xin đã tiêm: 1.397.731 liều. Tỷ lệ % số mũi đã tiêm/được cấp: 1.397.731/1.456.782 = 95,95%.

- Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 99,72% ; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 98,73% ; tỷ lệ tiêm liều bổ sung đạt 96,63% ; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt 91,09% ; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại lần 2 đạt 97,28%.

- Nhóm đối tượng từ 12 đến 17 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 97,4%; tỷ lệ tiêm liều nhắc lại đạt 88,82%.

- Nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi: Tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 100%; tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 74,88%.

(3) Phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, không ghi nhận ca nhiễm HIV mới. Lũy tích đến ngày 31/8/2022, tổng số nhiễm HIV/AIDS 552 người, trong đó tử vong 200 người và còn sống 352 người (quản lý được 194 người). Tổng số bệnh nhân đang được điều trị ARV 156 người (9 trẻ em), điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid 02 người, điều trị Methadone 38 người, số lượt uống thuốc 970 lượt.

(4) Truyền thông, giáo dục sức khỏe: Sở Y tế phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kon Tum thực hiện 01 phóng sự tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tổ chức truyền thông nhóm về phòng chống tác hại của thuốc lá, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, tiêm vắc xin phòng Covid-19. Phối hợp với các UBND huyện, Trung tâm Y tế huyện tổ chức 05 lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng môi trường không thuốc lá tại cơ quan đơn vị, trường học, cơ sở y tế, giáo dục. Tuyên truyền chủ đề trọng tâm tháng 8/2022: Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ (từ 01 - 07/8/2022), Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8), Phòng chống tác hại của thuốc lá, Phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết Dengue.

(5) An toàn vệ sinh thực phẩm: Tiếp tục triển khai hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm tại thôn, làng. Tổ chức 08 lớp tập huấn cho 484 người tham dự thuộc 43 cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, cung cấp thực phẩm tươi sống. Phối hợp với đoàn công tác của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia điều tra dịch tễ, đánh giá nguy cơ tác động đến chất lượng thực phẩm tại tỉnh Kon Tum. Cấp 36 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tiếp nhận bản tự công bố của 04 sản phẩm. Kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022.

Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng, xảy ra 09 trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn uống không bảo đảm vệ sinh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn về việc tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân, người lao động; Công văn về việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin phòng Covid-19; Công văn về việc tăng cường quản lý mua bán sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm, thuốc chữa bệnh cúm mùa; Kế hoạch khắc phục tình trạng nhân viên y tế trong cơ sở y tế công lập chuyển vùng hoặc bỏ việc, chuyển công tác đến các thành phố lớn .

Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn về việc hướng dẫn sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch Covid - 19 tại nơi công cộng

b) Về giáo dục

Sáng 05/9/2022, cùng với hàng triệu học sinh trong cả nước, toàn tỉnh có 160.647 học sinh công lập tham gia Khai giảng năm học mới 2022 – 2023, gồm: 32.912 trẻ mầm non (1.360 lớp), 66.619 học sinh tiểu học (2.515 lớp), 44.503 học sinh trung học cơ sở (1.300 lớp) và 16.613 học sinh trung học phổ thông (446 lớp). Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 361 trường mầm non và phổ thông: 134 trường mầm non, 91 trường tiểu học, 56 trường tiểu học và trung học cơ sở, 54 trường trung học cơ sở và 26 trường THPT.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2022 – 2023, ngành Giáo dục – Đào tạo  tỉnh (GD-ĐT) đã tập trung tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chủ động triển khai các nhiệm vụ chuẩn bị cho năm học mới như: Công tác tuyển sinh đầu cấp, huy động hiệu quả học sinh ra lớp, chuẩn bị đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật đáp ứng cơ bản yêu cầu tổ chức dạy học năm học 2022 – 2023 phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được bổ sung, cải thiện; ngân sách cho GD-ĐT đã được ưu tiên phân bổ phù hợp; UBND các huyện thành phố đã chủ động tuyển dụng và có phương án bố trí giảng dạy đối với các bộ môn thiếu giáo viên…

Ngày 30/8/2022 Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022. Năm 2022 tỉnh Kon Tum có 4.551 thí sinh đăng kí dự thi. Trong đó có 542 thí sinh thi lấy kết quả chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, có 4.009 thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, xét tuyển cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non. Ngoài ra, có 200 thí sinh tự do dự thi để lấy kết quả chỉ xét tuyển đại học, cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tỉnh Kon Tum diễn ra tại 12/12 điểm thi trên địa bàn tỉnh an toàn, nghiêm túc, khách quan, đảm bảo đúng qui chế; không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Số thí sinh đỗ Tốt nghiệp THPT năm 2022 là: 4.429 thí sinh, chiếm tỉ lệ 97.49%.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đối với giáo dục, đào tạo năm 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh[7]; Công văn về việc tổ chức Lễ khai giảng năm học 2022-2023[8]; Công văn về việc tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”.

c) Về văn hóa, thể dục thể thao

- Các hoạt động văn hoá tổ chức đảm bảo thiết thực, tạo không khí vui tươi trong Nhân dân, đảm bảo đáp ứng theo các biện pháp, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số triển khai tích cực. Các di tích lịch sử được bảo tồn và phát huy, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 01 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt (di tích Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049); 01 di tích được xếp hạng cấp tỉnh (di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và điểm cao 875 lịch sử); hiện đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia xe tăng số hiệu 377. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được duy trì. Phong trào thể dục thể thao trong quần chúng nhân dân tích cực triển khai. Tổ chức thành các sự kiện thể thao diễn ra sôi nổi; thể thao thành tích cao được quan tâm đầu tư và đạt được một số kết quả trong; đăng cai tổ chức thành công 02 giải thể thao toàn quốc gồm: Giải Quần vợt quốc gia năm 2022 và Giải Vô địch Điền kinh các nhóm tuổi trẻ Quốc gia năm 2022.

Tối 08/9/2022, Trung tâm Văn hóa Thể thao Thanh thiếu nhi tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, Thành đoàn Kon Tum tổ chức Chương trình “Đêm hội trăng rằm” cho gần 1.000 thiếu nhi đang học tập, sinh hoạt tại các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố Kon Tum và các cơ sở bảo trợ xã hội. Chương trình diễn ra trong 2 ngày (07 - 08/9/2022) gồm các trường Tiểu học, THCS, TH-THCS trên địa bàn thành phố Kon Tum tham gia. Mỗi trường thành lập đội thiếu nhi tranh tài ở những nội dung: Thi ca múa nhạc “Vầng trăng yêu thương”; Thi thiết kế mâm cỗ Tết Trung thu; Thi thiết kế trang trí lồng đèn.

Tối 31/8/2022, Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng với chủ đề “Âm vang Sư đoàn”. Tham dự Liên hoan, 5 đội nghệ thuật quần chúng là cán bộ, chiến sĩ của đơn vị và đoàn viên, thanh niên địa phương kết nghĩa đã biểu diễn nhiều tiết mục ca, múa, kịch, độc tấu nhạc cụ dân tộc ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Quân đội Nhân dân Việt Nam và đơn vị anh hùng. Đặc biệt, nhiều tiết mục tự biên, tự sáng tác của các đơn vị đã phản ánh phong phú nét đẹp, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, sát với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn về việc tổ chức Liên hoan Ảnh nghệ thuật Khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên lần thức 27 năm 2022 .

Sáng 31/8/2022, tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh phối hợp với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 27, năm 2022, có 10 đơn vị tham gia đến từ các tỉnh, thành phố. Với chủ đề “Đất nước - Con người Nam Trung bộ và Tây Nguyên”, Ban Tổ chức Liên hoan nhận được 1.953 tác phẩm của 278 tác giả. Trong đó gồm 1.830 ảnh đơn, và 123 bộ ảnh.

Trong 02 ngày 27-28/8/2022, Trung tâm Văn hóa -Thể thao thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức Liên hoan Văn hóa nghệ thuật thiếu nhi các dân tộc tỉnh Kon Tum năm 2022. Tham gia Liên hoan có hơn 180 em thiếu nhi đến từ 8 đơn vị Huyện đoàn và Thành đoàn Kon Tum. Tại Liên hoan, các em được tranh tài ở các nội dung: Liên hoan đội cồng chiêng thiếu nhi, trình diễn trang phục dân tộc, thi các trò chơi dân gian; thi văn hóa ẩm thực các vùng, miền, địa phương; tham gia giải bơi lội. Chương trình là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em, tạo cơ hội để các em được gặp gỡ, giao lưu, thể hiện bản thân, phát huy năng khiếu, rèn luyện kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, giúp các em hiểu và biết trân trọng giá trị văn hóa dân tộc.

d) Tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương

Công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động của tội phạm theo băng, nhóm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” được đấu tranh, triệt xóa, không có băng, nhóm hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, cụ thể:

Phạm tội về trật tự xã hội: Trong tháng, phát hiện 39 vụ (tăng 04 vụ so tháng trước), hậu quả, thiệt hại: 01 người chết; 06 người bị thương, thiệt hại về tài sản khoảng 1,1 tỷ đồng.

Phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ: Phát hiện 03 vụ gồm: Nhận hối lộ 02 vụ; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản 01 vụ  (tăng 02 vụ so tháng trước).

Phạm tội về ma túy: Phát hiện 06 vụ Tàng trữ trái phép chất ma túy (giảm 06 vụ so tháng trước), thu giữ 0,3335g Heroin; 9,728g ma túy tổng hợp.

Tình hình trật tự, an toàn giao thông: Xảy ra 07 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 07 người, bị thương 07 người (tăng 04 vụ, 04 người chết, 07 người bị thương so tháng trước). Thiệt hại về tài sản: Hư hỏng 06 ô tô, 08 mô tô ước tính khoảng 94 triệu đồng.

Tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn: Không xảy ra (giảm 01 vụ so tháng trước).

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn về việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 02/9/2022 trên địa bàn tỉnh .

e) Tình hình môi trường

(1) Vi phạm môi trường: Trong tháng không phát hiện vi phạm

(2) Tình hình thiên tai

- Diễn biến thiên tai: Theo báo cáo tổng hợp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh. Từ ngày 20/8/2022 đến ngày 19/9/2022 tỉnh Kon Tum chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh, nên tỉnh Kon Tum tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi có mưa to và dông, đã gây ra thiệt hại tại các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Trong khoảng thời gian trên huyện Kon Plông đã xảy ra 12 trận động đất trong đó vào ngày 23/8 xảy ra trận có độ lớn 4,7 (cấp thiên tai cấp 1), các trận khác có cường độ nhỏ, các trận động đất trên không gây ra thiệt hại gì về người và tài sản.

- Tình hình thiệt hại

Về người: Trong tháng không phát sinh thiệt hại về người.

Về nhà ở: Thiệt hại 1 ngôi nhà giảm 3 ngôi nhà so với tháng trước, giảm 14 ngôi nhà so với cùng kỳ năm trước.

Về nông nghiệp: Thiệt hại 4,8 ha, giảm so với tháng trước là 12,5 ha, giảm 422,69 ha so với cùng kỳ năm trước.

Về thủy lợi: Ghi nhận thiệt hại công trình thuỷ lợi Mô Ve tại xã Văn Xuôi huyện Tu Mơ Rông, giảm 1 công trình so với tháng trước, giảm so với cùng kỳ năm trước.

Về cơ sở hạ tầng: bị cháy 1 phòng học tại trường THCS xã Đăk Man, huyện Đăk Glei.

Về giao thông: Trong tháng ghi nhận nhiều công trình giao thông bị thiệt hại tại các huyện Tu Mơ Rông, Sa Thầy và Đăk Glei. Mức độ thiệt hại giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước.

Về y tế: Trong tháng không ghi nhận phát sinh thiệt hại về y tế, văn hóa, chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp, nước sạch môi trường.

Tổng giá trị thiệt hại trong tháng 9 ước tính khoảng 1.790 triệu đồng, giảm 168 triệu đồng so với tháng trước, giảm 6.060 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế từ đầu năm tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 4.473 triệu đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước là 7.257 triệu đồng.

 


[1] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước tỉnh Kon Tum

[2] Nguồn: Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Kon Tum.

[3] Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

[4] Cây cà phê: Rệp các loại, bệnh thán thư, bệnh đốm mắt cua, bệnh gỉ sắt, tuyến trùng rễ, bọ cánh cứng phát sinh gây hại nhẹ trên các vườn cà phê đã được phòng trừ kịp thời; phát sinh, gây hại nhẹ ở một số vườn cà phê tại huyện Đăk Hà. Cây cao su: Bệnh phấn trắng, nứt thân xì mủ, nấm hồng,… phát sinh gây hại nhẹ trên diện tích cao su trong tỉnh.

[5] 14 ổ dịch DTLCP: xã Sa Loong - Ngọc Hồi 18 con /682kg; xã Đăk Xú - Ngọc Hồi 17 con /728kg, TT Plei Kần - Ngọc Hồi 37 con /1.582kg xã Mô Rai - Sa Thầy 46 con/ 1.045kg; Rờ Kơi - Sa Thầy 06 con/ 112kg; Sa Nghĩa - Sa Thầy 53 con/ 3.668kg; xã Hiếu- Kon Plong 88 con /1.378kg; xã Pờ Ê - Kon Plong 29 con /953kg; thị trấn Đăk Tô - Đăk Tô 08 con/ 635kg; Tân Cảnh - Đăk Tô 116 con/ 4.670k, xã Ngọc Tụ, huyện Đắk Tô 05 con/351kg trọng lượng; Ngọc Réo - Đăk Hà 3 con/50kg; Đăk Rơ Wa - Tp. Kon Tum 08 con/183kg; Ia Đal - huyện Ia H’Drai 33 con /2.256 kg;

[6] Ngô Mây – TP Kon Tum: 600 gà, 1.100 vit; Sa Loong – Ngọc Hồi 1.452 gà.

[7] Công văn số 2870/UBND-KGVX ngày 31 tháng 8 năm 2022.

[8] Công văn số 2847/UBND-KGVX ngày 29 tháng 8 năm 2022.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê tỉnh Kon Tum 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC