• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Bảy, 20/04/2024 01:25
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum tháng 4 năm 2022
Cập nhật: Thứ Sáu, 29/04/2022 09:10

 

1. Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong những tháng đầu năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Ngành Nông nghiệp và Phát  triển nông thôn đã chủ động kiểm  tra và động viên bà con ra quân trong những ngày đầu năm, tiếp tục triển  khai, chỉ đạo, theo dõi  và nắm bắt tình hình sản xuất, tích cực phối hợp với các ngành liên quan khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển bền vững, thích ứng với thay đổi khí hậu và hạn chế ô nhiễm môi trường.

1.1. Nông nghiệp

1.1.1. Trồng trọt

Tính đến thời điểm 15/4/2022 tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ đông xuân 2021 - 2022, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 9.801 ha, tăng 2,83% (+ 270 ha) so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể một số loại cây trồng so với cùng kỳ năm trước như sau: Cây lúa DTGT đạt 7.257 ha, tăng 1,87% (+ 133 ha); Cây ngô DTGT đạt 684 ha, giảm 1,44 % (-10 ha ); Cây lạc DTGT đạt 29 ha, giảm 9,38% (- 3 ha); Rau các loại DTGT đạt 1.258 ha, tăng 4,4% (+ 53 ha); Đậu các loại DTGT đạt 91 ha, tăng 10,98% (+9 ha).

Tháng 4, thời tiết khô hanh, ít mưa, nắng nóng tăng dần đã làm cho lượng nước ở các sông, suối, ao, hồ giảm. Các công trình hồ, đập thủy lợi cung cấp nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp mức nước cũng giảm dần. Vì vậy, các sở ngành đã kịp thời hướng dẫn các địa phương chú trọng đảm bảo nguồn nước tưới không để ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, đặc biệt cây lúa. Bên cạnh đó,  thời tiết nắng nóng cũng gây ra một số loài sâu bệnh hại phát triển nhanh chóng, như: bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy nâu,... nhờ sự chỉ đạo kịp thời của ngành Nông nghiệp mà các ổ bệnh được xử lý nhanh chóng, không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Đến nay cây trồng vụ đông xuân sinh trưởng và phát triển tốt, mật độ các bệnh sinh lý tỷ lệ thấp, mức độ gây hại nhẹ không ảnh hưởng đến cây trồng.

1.1.2. Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục được phát triển ổn định. Các cơ quan chuyên môn quan tâm, khẩn trương thực hiện tốt phương án phòng chống dịch bệnh ở động vật; tăng cường công tác khử trùng, tiêu độc, đảm bảo môi trường vệ sinh an toàn.

Ước tính đến thời điểm ngày 30/4/2022, tổng đàn trâu 24.987 con, tăng 1,08% (+217 con); tổng đàn bò 84.215 con, tăng 4,21% (+3.402 con); tổng đàn lợn 152.553 con, tăng 2,86% (+4.241 con); tổng đàn gia cầm 1.752.140 con, tăng 4,36% (+73.175 con) so với cùng kỳ năm trước.

* Tình hình dịch bệnh trong tháng 4 năm 2022

 Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) trong tháng, đã phát sinh và tiêu hủy 17 con lợn mắc bệnh DTLCP với tổng trọng lượng 728kg tại 01 ổ dịch Đăk Xú – Ngọc Hồi. Hiện nay, về cơ bản đã kiểm soát và khống chế dịch bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh, ổ bệnh tại Đăk Xú – Ngọc Hồi đã qua 14 ngày không phát sinh.

Cúm gia cầm A/H5N1 trong tháng đã phát sinh và tiêu hủy 1.700 con gia cầm (600 con gà, 1.100 con vịt) mắc bệnh cúm gia cầm do chủng vi rút độc lực cao A/H5N1 gây ra trên đàn gia cầm của 01 hộ chăn nuôi phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum. Hiện nay, về cơ bản đã kiểm soát và khống chế dịch bệnh CGC trên địa bàn tỉnh, ổ bệnh tại phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum đã qua 14 ngày không phát sinh.

Bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò. Trong tháng, bệnh tụ huyết trùng đã xảy ra trên 8 con trâu của 03 hộ chăn nuôi tại thôn Kon Brẫy, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Chi cục Thú y đã hướng dẫn địa phương khoanh vùng, cách ly, điều trị cho gia súc mắc bệnh và chăm sóc dự phòng cho những con có nguy cơ nhiễm bệnh. Đến nay, toàn bộ số trâu mắc bệnh đã khỏi các triệu chứng lâm sàng, đi lại và ăn uống bình thường.

Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò...Trong tháng không phát sinh vật nuôi mắc bệnh, chết và tiêu hủy.

1.2. Lâm nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang là mùa khô, công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh được các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ rừng trong thời gian mùa khô; phân công trực PCCCR theo quy định; thông báo cấp dự báo cháy rừng định kỳ 10 ngày/lần đến Tổ công tác liên ngành các huyện, thành phố và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân địa phương về phòng cháy chữa cháy rừng được tăng cường. Tính đến ngày 15/4/2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 31,229 ha. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Ước tính đến thời điểm 30/4/2022, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành, vì đang là thời điểm mùa khô ở Tây Nguyên.

Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 30/4/2022, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 40.099 m3, tăng 1,84% (+724 m3) so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng củi khai thác ước đạt 83.400 ster, tăng 2,21% (+1.806 ster) so với cùng kỳ năm trước

1.3. Thuỷ sản

Hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh được chú trọng; Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục khuyến khích nuôi thuỷ sản chất lượng cao và đầu tư kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi ao hồ từ quảng canh cải tiến sang thâm canh, bán thâm canh, tuyên truyền, vận động người nuôi chọn giống đạt chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm.

- Ước tính 4 tháng đầu năm 2022, diện tích nuôi trồng thủy sản là 775,8 ha, tăng  9,11% (+64,8 ha), so với cùng kỳ năm trước.

- Sản lượng thủy sản ước tính đạt 1.845 tấn, tăng 7,33% (+126 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Sản lượng khai thác thủy sản nước ngọt là 638 tấn, tăng 6,51% (+39 tấn); so với năm trước.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 1.207 tấn, tăng 7,77% (+87 tấn) so với năm trước.

Nhìn chung sản lượng thủy sản trong kỳ tăng do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng so với năm trước, cùng với khai thác đánh bắt của các hộ trên các hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối tăng.

2. Sản xuất công nghiệp

Tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2022 tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 30,07% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ (giảm 9,36%), nguyên nhân chủ yếu do một số ngành sản xuất như chế biến tinh bột sắn, sản xuất cồn, chế biến gỗ... còn khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu sản xuất nên sản lượng sản phẩm của các ngành này giảm. 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 năm 2022 ước tính tăng 3,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện (+16,84%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 3,96% ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,03%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 6,57%. Ngành công nghiệp chế biến giảm chủ yếu ở ngành sản xuất chế biến thực phẩm, ngành sản xuất hóa chất (sản phẩm cồn sinh học) và ngành chế biến gỗ; hiện tại các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, sản xuất cồn và chế biến gỗ đang gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu cho sản xuất nên sản phẩm các ngành này giảm.

So với tháng trước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4/2022 ước tính giảm 8,63%. Trong đó ngành khai thác khoáng sản tăng 19,39%, hiện tại các đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trước mùa mưa, nhu cầu tiêu thụ đá, cát, sỏi tăng cao. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,84%; đến tháng 4 nguồn nguyên liệu sắn giảm do đã vào cuối vụ thu hoạch, sản lượng tinh bột sắn sản xuất ước tính giảm nhiều so tháng trước nên chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 7,56% chủ yếu do kế hoạch điều tiết sản lượng chung của ngành điện. Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải hoạt động ổn định so tháng trước.

Ước tính một số sản phẩm sản xuất tháng 4 năm 2022 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 31.115,6 m3, tăng 6,5%; Tinh bột sắn ước tính sản xuất 21.250 tấn, giảm 9,22%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 13,425 triệu viên, tăng 2,78%; điện sản xuất 171,8 triệu Kwh, tăng 15,84%.

Tính chung 4 tháng đầu năm chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 30,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tăng chủ yếu ở ngành sản xuất và phân phối điện tăng (+63,67%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 14,89% ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 9,36%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,44%.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm 2022 tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 63,67%; Khai khoáng khác tăng 14,89%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 14,52%; Khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,22%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 3,79%. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tương đối ổn định so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm giảm 14,09%; Sản xuất trang phục giảm 6,77%; Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); Sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện giảm 14,12%; In, sao chép bản ghi các loại giảm 4,18%; Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 35,09%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 12,30%; Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 3,05%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 1,48%; Hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải; tái chế phế liệu giảm 6,69%.

Một số sản phẩm chủ yếu 4 tháng đầu năm có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện sản xuất đạt 838 triệu Kwh, tăng 68,06%; Đá xây dựng khác đạt 113.090 m3, tăng 18,12%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn đạt 46,9 triệu viên, tăng 12,17%; Ngói, phiến đá lát đường và các sản phẩm tương tự bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 87 ngàn viên, tăng 7,71%; Ghế khác có khung bằng gỗ đạt 62.371 chiếc, tăng 7,23%; Bàn bằng gỗ các loại đạt 27.195 chiếc, tăng 1,92%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm sâu hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Tinh bột sắn đạt 95.996 tấn, giảm 13,68%; Đường RE 7.188 tấn, giảm 14,18; Bộ com-lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc đạt 539 ngàn cái, giảm 6,42%; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) đạt 9.763 m3, giảm 14,12%; Sản phẩm in khác (quy khổ 13cmx19cm) đạt 57 triệu trang, giảm 4,18%; Cồn béo công nghiệp đạt 2.251 tấn, giảm 37,71%; Phân vi sinh đạt 378 tấn, giảm 5,50%; Sản phẩm khác bằng cao su lưu hóa trừ cao su cứng chưa phân vào đâu đạt 535 tấn, giảm 12,30%; Cấu kiện làm sẵn cho xây dựng hoặc kỹ thuật dân dụng, bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo đạt 7.918 tấn, giảm 5,93%.

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng Tư ước tính giảm 0,07% so với tháng trước và giảm 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,47% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực Nhà nước tăng 10,79%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 6,79%. Chia theo ngành kinh tế, trong 4 tháng đầu năm, lao động đang làm việc trong ngành Khai khoáng giảm 37,68%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,46%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí nước tăng 20,48%; Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 15,53% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong tháng Tư và 4 tháng đầu năm 2022 tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước; một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao như ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và ngành sản xuất, phân phối điện; riêng ngành sản xuất điện có chỉ số sản xuất tăng cao nhất (+63,67%) do một số công trình thủy điện đã hoàn thành và đưa vào vận hành, một mặt năm nay mùa mưa đến sớm hơn, hiện tại lượng nước trên các hồ chứa vẫn đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất nên sản lượng điện sản xuất tăng cao. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do một số ngành sản xuất như chế biến tinh bột sắn, sản xuất cồn, chế biến gỗ... còn khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu sản xuất nên sản lượng sản phẩm của các ngành này giảm. 

3. Vốn đầu tư

Trong 4 tháng đầu năm 2022 tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh nhìn chung đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2021 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn, bên cạnh đó nguồn vốn theo kế hoạch năm 2022 đang được các đơn vị triển khai các khâu chuẩn bị thực hiện dự án.

Vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng Tư ước tính đạt 161,060 tỷ đồng, tăng 6,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh thực hiện 148,810 tỷ đồng, chiếm 92,39% trong tổng số nguồn vốn; vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 12,250 tỷ đồng, chiếm 7,61% trong tổng số nguồn vốn.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022 vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ước đạt 597,375 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

- Nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 464,932 tỷ đồng, chiếm 77,83% trong tổng số nguồn vốn tăng 25,07% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: nguồn vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 302,299 tỷ đồng; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu 14,519 tỷ đồng; nguồn vốn Xổ số kiến thiết đạt 6,750 tỷ đồng; nguồn vốn khác đạt 10,305 tỷ đồng.

- Nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 132,443 tỷ đồng, chiếm 22,17% trong tổng số nguồn vốn, giảm 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: vốn cân đối ngân sách huyện đạt 32,443 tỷ đồng, tăng 48,60% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung trong 4 tháng đầu năm 2022 tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai đúng theo kế hoạch vốn đã được giao từ nguồn vốn chuyển từ năm 2021 và nguồn vốn theo kế hoạch trung và dài hạn, bên cạnh đó nguồn vốn theo kế hoạch năm 2022 đang được các đơn vị triển khai các khâu chuẩn bị thực hiện dự án. Nguồn vốn thực hiện chủ yếu do các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nên vốn đầu tư tăng so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, ...

Cụ thể một số dự án trọng điểm như: Đường giao thông tiếp nối tỉnh lộ 674 đi đường tuần tra Biên giới xã Mô Ray huyện Sa Thầy; Đường trục chính phía Tây TP Kon Tum; Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyên Kon Plông tỉnh Kon Tum với huyện Sơn Tây, Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi…

4. Thương mại, dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2022 ước tăng 38,76% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước tính tăng là do các sự kiện, cơ sở, địa điểm được hoạt động. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2022 có xu hướng phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; Các doanh nghiệp đã sẵn sàng thích ứng an toàn với dịch Covid-19, linh hoạt trong hoạt động để sản xuất kinh doanh.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng Tư năm 2022 đạt 2.768,36 tỷ đồng, giảm 0,69% so với tháng trước và tăng 39,11% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.430,31 tỷ đồng, chiếm 87,79% trong tổng số, giảm 0,67% so với tháng trước và tăng 41,40% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 215,97 tỷ đồng, chiếm 7,80% trong tổng số, tăng 3,02% so với tháng trước và tăng 32,48% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 122,08 tỷ đồng, chiếm 4,41% trong tổng số, giảm 6,85% so với tháng trước và tăng 12,73% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng Tư năm 2022 giảm nhẹ so tháng 3 năm 2022 là do: giá xăng dầu trên thị trường tăng, gây sức ép lớn về chi phí vận chuyển, sản xuất cho các doanh nghiệp, làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, từ đó kéo theo giá cả một số mặt hàng sẽ tăng nên sức mua của tháng này sẽ giảm so với tháng trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính đạt 11.193,99 tỷ đồng, tăng 38,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 9.740,97 tỷ đồng, chiếm 87,02% trong tổng số, tăng 41,19% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động trong doanh thu bán lẻ hàng hoá có ngành hàng lương thực, thực phẩm, tăng 45,83%; hàng may mặc, tăng 26,66%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 27,88%; Vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 26,90%; Gỗ và vật liệu xây dựng tăng 46,91%; Ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 26,80%; Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 27,61%; Xăng, dầu các loại tăng 15,68%; Hàng hoá khác tăng 20,73%; Sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tăng 32,26% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 891,81 tỷ đồng, chiếm 7,96% trong tổng số và tăng 31,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó Dịch vụ lưu trú đạt 44,328 tỷ đồng, tăng 18,81% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống đạt 664,326 tỷ đồng, tăng 36,36% so với cùng kỳ năm trước

Doanh thu dịch vụ khác đạt 561,22 tỷ đồng, chiếm 5,01% trong tổng số, tăng 14,77% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh ước tính tăng là do các sự kiện, cơ sở, địa điểm được hoạt động nhưng phải đảm bảo chấp hành nghiêm túc hạn chế tụ tập đông người, chặt chẽ 5K và công tác phòng chống dịch Covid-19. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2022 có xu hướng phục hồi khi dịch Covid-19 được kiểm soát, cầu tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại; Các doanh nghiệp đã sẵn sàng thích ứng an toàn với dịch Covid-19, linh hoạt trong hoạt động để sản xuất kinh doanh.

5. Hoạt động vận tải

Trong tháng 4/2022, hoạt động vận tải ghi nhận sự phục hồi khá tích cực. Vận tải hàng hóa duy trì đà phục hồi từ những tháng trước với sản lượng vận chuyển tăng 13,32% và luân chuyển tăng 11,58% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách giảm 24,29%, luân chuyển hành khách giảm 24,04% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 13,38%, luân chuyển hàng hóa tăng 11,50% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 4 năm 2022

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 4 năm 2022 đạt 179.631 triệu đồng, tăng 3,37% so với tháng trước và tăng 6,62% so cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 44.538 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước giảm 22,05%; Vận chuyển ước đạt 776 nghìn lượt khách, giảm 27,34%; Luân chuyển ước đạt 103.242 nghìn lượt khách.km, giảm 25,11%.

- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 134.206 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 17,99%; Vận chuyển ước đạt 1.443 nghìn tấn, tăng 13,32%; Luân chuyển ước đạt 72.097 nghìn tấn.km, tăng 11,58%.

- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 887 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 8,91%.

Hoạt động vận chuyển hành khách tăng so với tháng trước là do trong tháng có ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 01/5 năm 2022, nên nhu cầu đi lại của người dân tăng. Hoạt động vận chuyển hành khách giảm so với cùng kỳ năm trước là do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tăng so với cùng kỳ năm trước là do một số cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa đầu tư trang bị thêm các dòng xe mới có trọng tải lớn và hoạt động vận chuyển hàng hóa phục vụ ngành xây dựng và ngành nông nghiệp tăng mạnh.

Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính 4 tháng năm 2022:

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, doanh thu vận tải, kho bãi ước tính 4 tháng năm 2022 đạt 698.888 triệu đồng, tăng 3,28% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

- Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 171.102 triệu đồng, giảm 24,47%; Vận chuyển ước đạt 3.221 nghìn lượt khách, giảm 24,29%; Luân chuyển ước đạt 416.077 nghìn lượt khách.km, giảm 24,04%.

- Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 524.444 triệu đồng, tăng 17,33%; Vận chuyển ước đạt 5.668 nghìn tấn, tăng 13,38%; Luân chuyển ước đạt 281.856 nghìn tấn.km, tăng 11,50%.

- Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 3.341 triệu đồng, tăng 5,48%.

6. Giá cả thị trường    

Giá lương thực, ăn uống ngoài gia đình, đồ uống và thuốc lá, may mặc, mũ nón, giầy dép…là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 1,37% so với tháng 12/2021 tăng 2,34% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,11% so với cùng kỳ năm trước.

6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư năm 2022 tăng 0,05% so với tháng trước; tăng 2,34% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,37% so với tháng 12 năm trước; tăng 5,59% so với kỳ gốc 2019; CPI bình quân 4 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,11%.

Trong mức tăng 0,55% của CPI tháng Tư năm 2022 so với tháng trước có 05 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 04 nhóm giảm và 02 nhóm không biến động giá.

- Năm nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

(1) Chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,22%, trong đó:

+ Nhóm lương thực: Chỉ số nhóm lương thực tăng 1,57%, riêng chỉ số nhóm gạo tăng 2,35%; Nhóm bột mì và ngũ cốc khác tăng 1,3%, trong đó khoai tăng 1,27%, sắn tăng 3,87% là do nhu cầu tiêu dùng tăng và sản phẩm trái vụ.

+ Nhóm thực phẩm: Chỉ số nhóm thực phẩm giảm 1,0%, cụ thể: nhóm thịt gia súc tươi sống giảm 1,38%, trong đó thịt lợn giảm 1,18%; thịt bò giảm 0,34%; nội tạng động vật giảm 4,14% là giảm theo giá thịt lợn.

Nhóm thủy sản tươi sống giảm 0,68% là do nhóm tôm tươi hoặc ướp lạnh giảm 2,22%, thủy, hải sản tươi sống khác giảm 3,7%.

Nhóm quả tươi, chế biến tăng 0,19%, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu dùng tăng đồng thời lượng cung giảm do các sản phẩm trên trái vụ.

Nhóm đồ gia vị tăng 0,43%, trong đó mì chính tăng 1,2%; Nhóm đường mật tăng 0,52%, trong đó đường tăng 0,93%; Nhóm sữa, bơ, pho mai tăng 0,29%, trong đó sữa bột người lớn tăng 1,5%, sữa bột trẻ em tăng 0,63%, sữa đặc tăng 0,52%, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng tăng nên làm cho giá tăng theo; Nhóm bánh, kẹo, mứt tăng 1,26%, trong đó bánh quy, bánh nướng các loại tăng 1,88%, kẹo các loại tăng 0,39%.

 Nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,95%, trong đó ăn ngoài gia đình tăng 3,36%, uống ngoài gia đình tăng 2,03%, nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở kinh doanh hàng ăn, uống tăng thu thêm chi phí phục vụ.

(2) Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,58%, tăng chủ yếu là do nhóm bia các loại tăng 0,7%, trong đó bia lon tăng 0,8%; nhóm rượu các loại tăng 1,86%, trong đó rượu vang tăng 3,56%, rượu mạnh tăng 0,24%. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng chi phí lưu thông tăng.

(3) Chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,41%, trong đó nhóm vải các loại tăng 1,53%, nhóm quần áo may sẵn tăng 0,29%; nhóm giầy, dép tăng 0,39%. Nguyên nhân là do tháng trước các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi nay giá tăng ổn định trở lại.

(4) Chỉ số nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,4%, tăng chủ yếu là do máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,85%, thiết bị khác tăng 0,68%, đồ điện tăng 1,37%, giường, tủ bàn, ghế tăng 1,21%, xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,32%. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở kinh doanh giảm giá kích cầu một số trong tháng trước, nay giá ổn định trở lại.

(5) Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02% là do nhóm đồ dùng cá nhân tăng 0,08%, trong đó đồ trang sức tăng 1,52%, nguyên nhân là do tăng theo giá vàng.

- Bốn nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:

(1) Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,11%, tác động chính là do giá gas tăng 2,76%, tăng 14.000 đồng/bình 12kg từ ngày 01/4/2022; giá dầu hỏa tăng 7,29% so với tháng trước; điện sinh hoạt giảm 1,5% là do trong tháng lượng điện tiêu dùng giảm làm cho giá bình quân giảm; nước sinh hoạt tăng 0,75% là do trong tháng thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng nhiều làm cho giá bình quân tăng; nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 3,45%, trong đó vật liệu bảo dưỡng nhà chính tăng 4,7%, vật liệu bảo dưỡng nhà khác tăng 1,86%, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng chi phí lưu thông tăng và giá sắt, thép, xi măng tăng; nhóm nhà ở thuê giảm 0,41% là do có 01 hộ giảm giá hỗ trợ ảnh hưởng dịch Covid-19. 

(2) Chỉ số nhóm giao thông giảm 0,91%, tác động chính là do nhóm nhiên liệu giảm 2,17%, là do trong tháng có đợt điều chỉnh giá xăng, dầu ngày 01/4/2022, ngày 12/4/2022 và ngày 21/4/2022, tính bình quân so với tháng trước thì chỉ số giá xăng giảm 2,51%, dầu diezel 0,05S-II tăng 7,01%.

(3) Chỉ số nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,88% là do thiết bị điện thoại giảm 2,5%, trong đó máy điện thoại di động thông thường giảm 2,67%, máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 1,71%, nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh giảm giá khuyến mãi nhiều dòng điện thoại di động để kích cầu.

(4) Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,01% là do nhóm thiết bị văn hóa giảm 0,09%, trong đó đầu DVD giảm 2,64%, nguyên nhân chủ yếu là do giảm giá kích cầu. Nhóm hoa, cây cảnh giảm 1,07%, trong đó cây, hoa cảnh giảm 2,58% là do nhu cầu tiêu dùng giảm làm cho giá giảm theo quy luật cung cầu.

- Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá không có biến động gồm: nhóm giáo dục và nhóm thuốc và dịch vụ y tế.

6.2. Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng tăng so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 4/2022 được bán với giá bình quân khoảng 6.582.000 đồng/chỉ, tăng 1,98% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 23.096 đồng/USD tăng 0,11%.

Chỉ số giá vàng tháng Tư năm 2022 tăng 1,98% so với tháng trước; tăng 25,32% so với cùng kỳ năm trước; tăng 17,70% so với tháng 12 năm trước.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng Tư năm 2022 tăng 0,11% so với tháng trước; giảm 0,34% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,41% so với tháng 12 năm trước.

7. Một số tình hình xã hội

7.1. Về y tế

7.1.1. Tình hình dịch bệnh trong tháng

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19): Trong tháng, không có ca tử vong, ghi nhận 19.936 ca mắc mới, tăng 15.278 ca so với tháng trước. Lũy tích tổng số ca mắc từ khi có dịch đến ngày 17/4/2022 là 30.574 ca.

Tay - chân - miệng: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới, giảm 01 ca so với tháng trước và giảm 17 ca so với tháng 3/2021. Lũy tích đến 31/3/2022, không có tử vong, ghi nhận 03 ca mắc tại huyện Đăk Hà, giảm 18 ca so với cùng kỳ năm trước.

Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 13 ca mắc mới (Đăk Tô 02, Ngọc Hồi 01, Tu Mơ Rông 01, Kon Rẫy 05, Kon Plông 04), giảm 14 ca so với tháng trước và giảm 76 ca so với tháng 3/2021. Lũy tích đến 31/3/2022, không có tử vong, ghi nhận 57 ca, giảm 58 ca so với cùng kỳ năm trước.

Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 3 ca mắc mới (Tu Mơ Rông), tăng 01 ca so với tháng trước và giảm 3 ca so với tháng 3/2021. Lũy tích đến 31/3/2022, không có tử vong, ghi nhận 8 ca mắc, bằng so với cùng kỳ năm trước.

Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 02 ca mắc mới (Đăk Hà 01, Đăk Tô 01), giảm 4 ca so với tháng trước và tăng 01 ca so với tháng 3/2021. Lũy tích đến 31/3/2022, không có tử vong, ghi nhận 15 ca mắc mới, tăng 04 ca so với cùng kỳ năm trước.

Sốt rét: Trong tháng, ghi nhận 02 ca mắc mới (Ia H’Drai 02), tăng 02 so với tháng trước. Lũy tích đến 31/3/2022, không có ca tử vong, không có ca mắc sốt rét ác tính; ghi nhận 02 ca mắc (Ia H’Drai 02), tăng 01 so với cùng kỳ năm trước.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, không ghi nhận mắc mới các bệnh: Cúm A (H5N1, H7N9...), hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), cúm A(H1N1), bệnh do vi rút Zika, viêm gan vi rút A, bạch hầu, dại, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản.

Phòng chống lao, phong: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 37 người, trong đó lao phổi AFB (+) 32. Không ghi nhận bệnh nhân phong mới; tổng số bệnh nhân phong đang quản lý 163 người; quản lý và điều trị bệnh nhân phong tại khu điều trị phong Đăk Kia: Tổng số người bệnh phong (là trại viên) đang quản lý 56 người, số người bệnh cũ điều trị nội trú đầu tháng 19 người, số lượt người bệnh đến khám (kê đơn) trong tháng 40 lượt, số người  nhập viện trong tháng 07 người, số người bệnh xuất viện trong tháng 12 người, số người bệnh hiện còn đang điều trị nội trú 14 người, số người bệnh tập vật lý trị liệu 12 người.

7.1.2. Tiêm chủng mở rộng: Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 786/KH-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2022 về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2022.

Tiến độ tiêm chủng thường xuyên 3 tháng đầu năm 2022 đạt thấp so với cùng kỳ năm trước (Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đến 31/3/2022 giảm 3,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Triển khai đợt tiêm nhắc và bổ sung của chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tính đến ngày 10/4/2022, tỷ lệ đối tượng ≥ 18 tuổi đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt 99,46%, trong đó đã tiêm đủ liều cơ bản đạt 98,43%; đối tượng 12 tuổi - 17 tuổi đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt 99,64%, trong đó đã tiêm đủ liều cơ bản 95,91%; đối tượng từ 12 tuổi trở lên đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 đạt 99,50%; tỷ lệ tiêm vắc xin trên tổng dân số 67,39%.

7.1.3. Phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, ghi nhận 3 ca nhiễm HIV mới (nơi khác chuyển đến), 02 bệnh nhân HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và 01 bệnh nhân AIDS tử vong. Lũy tích đến ngày 31/3/2022, tổng số nhiễm HIV/AIDS 548 người, trong đó tử vong 199 người và còn sống 349 người (quản lý được 191). Tổng số bệnh nhân đang được điều trị ARV 145 người (9 trẻ em), đang điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid 05 người.

7.1.4. Truyền thông, giáo dục sức khỏe: Sở Y tế phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện 01 phóng sự hướng dẫn chăm sóc và điều trị F0 tại nhà; phát hành áp phích hướng dẫn chăm sóc và điều trị F0 tại nhà (tài liệu do Bộ Y tế thiết kế, sản xuất); đăng tải các tin phản ánh các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

7.1.5. An toàn vệ sinh thực phẩm:  Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quý I năm 2022; Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh Báo cáo kết quả hoạt động công tác bảo đảm an toàn thực phẩm quý I năm 2022 và Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022. Tiếp tục triển khai hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm lồng ghép truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 tại các thôn, làng.

Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai; nước đá dùng liền và các cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế năm 2022. Kết quả kiểm tra được 35 cơ sở; các cơ sở đều chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm, đã được tập huấn/cập nhật các quy định về kiến thức an toàn thực phẩm, thực hiện khám sức khỏe; thực hiện kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước dùng để sản xuất và khu vực sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng, xảy ra 07 trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn uống không bảo đảm vệ sinh.

7.2. Về giáo dục

Sáng ngày 31/3/2022 tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Sở GDĐT Kon Tum đã tổ chức Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 12 năm học 2021-2022. Tham dự kỳ thi, có 456 học sinh của các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn toàn tỉnh đăng ký tham gia dự thi. Đây là Kỳ thi được tổ chức hàng năm, là sân chơi trí tuệ để các em thể hiện năng lực, khẳng định kết quả học tập của mình trong suốt một quá trình. Cũng là dịp để ngành GDĐT đánh giá công tác chỉ đạo chuyên môn, chất lượng giảng dạy trong các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, đồng thời phát hiện những học sinh có năng khiếu các môn học để tạo nguồn bồi dưỡng tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia.

Ngày 16/4/2022, Sở GDĐT Kon Tum đã tổ chức Cuộc thi Tài năng tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông cấp tỉnh lần thứ VII, năm học 2021-2022. Cuộc thi nhằm tạo điều kiện cho học sinh phổ thông trên toàn tỉnh có cơ hội giao lưu học hỏi, tăng cường kĩ năng giao tiếp, kĩ năng hùng biện, kĩ năng thuyết trình bằng tiếng Anh. Qua đó, tạo dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh, đẩy mạnh phong trào dạy và học tiếng Anh trong nhà trường, mang lại cơ hội vàng cho học sinh luyện tập về kiến thức và kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. Tham dự Cuộc thi năm nay có137 em học sinh các cấp học đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT trong toàn tỉnh Trong đó, cấp tiểu học có: 46 học sinh; cấp THCS có 57 học sinh, cấp THPT có 34 học sinh.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn về việc tổ chức dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục[1]. Theo Công văn, giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác tổ chức dạy học trực tiếp, bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục theo các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7.3. Về văn hóa, thể dục thể thao

Từ ngày 24/3 đến 05/4/2022 các huyện Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đăk Tô và Thành phố Kon Tum đã tổ chức Đại hội TDTT. Đại hội là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, qua đó kiểm định và tôn vinh những thành tích trong phong trào thể dục thể thao, là dịp để đánh giá một cách thực chất và toàn diện phong trào thể dục thể thao trên địa bàn các huyện, thành phố trong thời gian qua, đồng thời tiếp tục chỉ đạo, định hướng và tổ chức phong trào trong thời gian tới.

Sáng ngày 07/4/2022, Ban Tổ chức Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII tổ chức Lễ khai mạc Giải cầu lông, bóng bàn. Đây là 2 môn thi đấu đầu tiên trong 18 môn thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII-2022. Dự giải có 155 vận động viên của 19 đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Sau giải, Ban tổ chức sẽ tuyển chọn các vận động viên xuất sắc nhất 2 môn bóng bàn và cầu lông để tham gia Đại hội TDTT toàn quốc vào cuối năm nay.

Sáng ngày 14/4/2022, Ban tổ chức Đại hội TDTT tỉnh tổ chức Khai mạc Giải cờ vua, cờ tướng trong khuôn khổ các môn thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh Kon Tum lần thứ VII-2022. Dự giải có 45 vận động viên của 9 đoàn: Công an tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, Liên đoàn Lao động tỉnh; các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Đăk Tô, Kon Rẫy, Sa Thầy và thành phố Kon Tum.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” năm 2022[2]. Diễn đàn là dịp để các doanh nghiệp lữ hành và địa phương trao đổi, chia sẻ thông tin để phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới; giới thiệu những chương trình, sản phẩm, khu vực tiềm năng kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước có nguyện vọng đầu tư vào tỉnh Kon Tum; đồng thời thực hiện hưởng ứng các hoạt động năm du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022.

Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972 - 24/4/2022) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049[3]. Thông qua các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh và đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ, động viên Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Tô nói riêng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

7.4. Tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương

Công tác đấu tranh ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hoạt động của tội phạm theo băng, nhóm, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” được đấu tranh, triệt xóa, không có băng, nhóm hoạt động phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, cụ thể:

Phạm tội về trật tự xã hội: Trong tháng, phát hiện 28 vụ (giảm 16 vụ so tháng trước), hậu quả, thiệt hại: 07 người bị thương, mất một số tài sản khoảng 450 triệu đồng, thu giữ 38 triệu đồng tiền mặt.

Phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng và chức vụ: phát hiện 02 vụ Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản trên địa bàn huyện Kon Plông (tăng 01 vụ so tháng trước).

Phạm tội về ma túy: phát hiện 10 vụ (tăng 01 vụ so tháng trước), gồm: Tàng trữ trái phép chất ma túy 06 vụ; Vận chuyển trái phép chất ma túy 02 vụ; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy 02 vụ. Thu giữ 1,152g Heroin; 1.057,192g ma túy tổng hợp.

Tình hình trật tự, an toàn giao thông: xảy ra 04 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm 04 người chết, 03 người bị thương (giảm 05 vụ, 05 người chết, 05 người bị thương so tháng trước). Thiệt hại về tài sản: 02 ô tô, 05 mô tô ước tính khoảng 57 triệu đồng.

Tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn: xảy ra 01 vụ cháy (giảm 02 vụ so tháng trước), làm 01 người chết. nguyên nhân, thiệt hại về tài sản đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

7.5. Tình hình môi trường

7.5.1. Vi phạm môi trường

Trong tháng không phát hiện vụ vi phạm môi trường.

7.5.2. Tình hình thiên tai

Diễn biến thiên tai: Theo báo cáo tổng hợp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh. Từ ngày 20/3/2022 đến ngày 19/4/2022 tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng mưa dông kèm theo gió lốc, gây ra thiệt hại về người và hạ tầng tại huyện Tu Mơ Rông, thành phố Kon Tum. Trong tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 vụ Động đất nhưng ở mức độ nhẹ, không gây ra thiệt hại.

Tình hình thiệt hại: Làm chết 02 người (nguyên nhân do sét đánh); hư hỏng nhẹ 03 nhà ở; 01 nhà rông văn hóa; 01 trường học bị sập tường rào. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 150 triệu đồng. Lũy kế, đầu năm đến 19/4/2022 ước thiệt hại 150 triệu đồng, giảm so cùng kỳ năm trước 500 triệu đồng.

 


[1] Công văn số 947/UBND-KGVX ngày 05/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

[2] Kế hoạch số 945/KH-UBND ngày 08/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

[3] Kế hoạch số 814/KH-UBND ngày 24/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC