• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Năm, 25/04/2024 08:49
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum tháng 3 và quý I năm 2020
Cập nhật: Thứ Hai, 30/03/2020 07:31

 

Trong quý I năm 2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (Covid-19) diễn biến phức tạp đã phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hướng dẫn kịp thời của các Bộ, ngành Trung ương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch bệnh trong cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng vẫn trong tầm kiểm soát. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được đảm bảo theo đúng lịch thời vụ; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng; hoạt động thương mại phát triển tương đối ổn định; công tác an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tình hình cụ thể ở các ngành, lĩnh vực như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 02 tháng đầu năm đạt 554.199 triệu đồng, đạt 15,8% dự toán và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

- Chi ngân sách địa phương 02 tháng đầu năm đạt 1.592.913 triệu đồng đạt 19,2% dự toán và tăng 35,5% so cùng kỳ năm trước.

- Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2020 tăng 7,76% so cùng kỳ năm trước.

- Ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh quý I năm 2020 là 3.739.778 triệu đồng, tăng 22,21% so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh quý I năm 2020 ước tính đạt 4.596,61 tỷ đồng, tăng 8,42% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính quý I năm 2020 đạt 455.825,9 triệu đồng, tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm 2020 tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước.

2. Tài chính, ngân hàng

a) Thu, chi ngân sách

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 02 tháng đầu năm đạt 554.199 triệu đồng, đạt 15,8% dự toán và tăng 18,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương quản lý 84.287 triệu đồng, đạt 11,8% dự toán và tăng 9,6% so với cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 160.558 triệu đồng, đạt 25,7% dự toán và tăng 35,3% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương 02 tháng đầu năm đạt 1.592.913 triệu đồng, đạt 19,2% dự toán và tăng 35,5% so cùng kỳ năm trước; bao gồm: chi đầu tư phát triển 711.773 triệu đồng đạt 34,0% dự toán, tăng 38,3% so cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên 874.740 triệu đồng, đạt 17,0% dự toán, tăng 32,3% so cùng kỳ năm trước.

b) Hoạt động ngân hàng

Tổng vốn huy động tính đến 29/02/2020 đạt 15.700 tỷ đồng, tăng 0,5% (+80 tỷ đồng) so với cuối năm 2019. Trong đó tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng là 5.750 tỷ đồng (chiếm 36,6% nguồn vốn huy động).

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tính đến 29/02/2020  đạt 31.200 tỷ đồng, giảm 0,4% (-115 tỷ đồng) so với cuối năm 2019. Trong đó dư nợ ngắn hạn 17.500 tỷ đồng (chiếm 56% tổng dư nợ), dư nợ trung dài hạn 13.700 tỷ đồng (chiếm 44%).

3. Giá cả, lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2020 giảm 0,53% so với tháng trước; tăng 0,81% so với tháng 12 năm trước; tăng 4,68% so với cùng kỳ năm trước; tăng 12,86% so với kỳ gốc 2014; CPI bình quân 3 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,14%.

Nhìn chung, tháng 3 năm 2020 chỉ số giá tiêu dùng của nhiều nhóm ngành hàng giảm so với tháng trước là do ảnh hưởng chỉ số giá các mặt hàng xăng, dầu, gas giảm mạnh. Trong tháng, tuy có ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 song giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn ổn định không có biến động lớn.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 04 nhóm tăng: nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,22%, mức tăng giảm nhiều so với tháng trước; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,56%; nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,16%; nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%. Có 06 nhóm giảm là nhóm Đồ uống và thuốc lá giảm 0,34%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,7%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01%; nhóm Giao thông giảm 4,51%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,81%; nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,9%. Có 01 nhóm không biến động giá là nhóm Giáo dục.

4. Đầu tư và xây dựng

a) Vốn đầu tư

- Ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh quý I năm 2020 là 3.739.778 triệu đồng, tăng 22,21% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể phân theo nguồn vốn như sau:

Vốn Nhà nước trên địa bàn thực hiện là 816.965 triệu đồng, tăng 13,88% so với cùng kỳ và chiếm 21,84% trong tổng nguồn vốn, chia ra: Vốn Nhà nước do trung ương quản lý là 245.865 triệu đồng, chiếm 30,09%; nguồn vốn Nhà nước do địa phương quản lý là 571.100 triệu đồng, chiếm 69,91%, chủ yếu đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế,...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài Nhà nước là 2.918.813 triệu đồng, tăng 24,74% so với cùng kỳ và chiếm 78,04% trong tổng nguồn vốn, chia ra: Vốn đầu tư của doanh nghiệp là 1.535.962 triệu đồng, chiếm 52,62%; vốn đầu tư của các hộ gia đình là 1.382.851 triệu đồng, chiếm 47,38%, chủ yếu đầu tư của khu vực hộ dân cư trong xây dựng, sửa chữa nhà, chăn nuôi,...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 4.000 triệu đồng, chiếm 0,10% trong tổng nguồn vốn, chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua XDCB, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

- Ước tính vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh quý I năm 2020 là 287.548 triệu đồng, tăng 4,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, chia ra: vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước là 198.613 triệu đồng, tăng 4,99% so với cùng kỳ và chiếm 69,07% trong tổng số nguồn vốn; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện là 88.935 triệu đồng, tăng 4,74% so với cùng kỳ và chiếm 30,93% trong tổng số nguồn vốn.

Trong quý I năm 2020, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông, kiên cố hóa các kênh mương, công trình cấp nước sinh hoạt, công trình giáo dục, y tế… trên địa bàn các huyện, thành phố.

Nhìn chung tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang trong tầm kiểm soát, chưa có trường hợp nào dương tính với virut SARS-CoV-2 nên việc tổ chức ra quân triển khai các dự án xây dựng sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2020 và tiến độ thi công các công trình cũng không bị ảnh hưởng nhiều, nguồn nhân công lao động phần lớn là trong tỉnh nên việc giải ngân vốn đầu tư cũng không bị ảnh hưởng. Các sở, ban, ngành cũng chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để động viên, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 để góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

b) Xây dựng

Trong quý I năm 2020, hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, tập trung ở khu vực hộ dân cư, chủ yếu xây dựng nhà ở mới với mức đầu tư cao và sửa chữa các công trình khác. Trong quý các đơn vị hoạt động xây lắp triển khai thi công các công trình trọng điểm có vốn đầu tư cao chuyển tiếp trong năm 2019 như:

- Công trình kỹ thuật dân dụng: Tuyến tránh thành phố Kon Tum, đường giao thông kết nối từ đường Hồ Chí Minh đi Quốc Lộ 24 (GĐ2), xây dựng cầu, đường 2 đầu cầu Đắk Bla mới và vuốt nối các đường hiện hữu thuộc dự án tuyến tránh Tp. Kon Tum, nâng cao độ và mở rộng tuyến tránh thủy điện Plei Krong tuyến đường Hồ Chí Minh, đường và cầu từ tỉnh lộ 671 đi Quốc lộ 14, ...

Công trình thủy lợi: sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước, hệ thống thủy lợi và hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất, ... Thi công một số tuyến đường giao thông từ trung tâm các huyện đi các xã, thi công các đường giao thông nông thôn... sửa chữa thường xuyên các quốc lộ (quốc lộ 24, 40, 14C), các tỉnh lộ ... Dự án cấp nước sinh hoạt cho các xã thuộc các huyện Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Rẫy...

- Xây dựng công trình nhà không để ở: trụ sở làm việc của các sở, ban ngành thuộc khối tổng hợp và trụ sở làm việc của các sở, ban ngành thuộc khối văn hóa - xã hội của tỉnh, nâng cấp, cải tạo Trụ sở làm việc Đảng ủy - HĐND - UBND xã Đoàn Kết Tp Kon Tum, xây dựng trụ sở làm việc công an thị trấn Sa Thầy, trụ sở viện KSND huyện Ia H’Drai, nâng cấp bệnh viện tỉnh Kon Tum từ bệnh viện hạng 2 lên hạng 1 với qui mô 750 giường bệnh (GĐ 1), trụ sở làm việc huyện ủy, HĐND-UBND, mặt trận đoàn thể và các công trình phụ trợ huyện Ia H’Drai, trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự huyện Ia H’Drai, huyện Tu Mơ Rông,...

Công trình giáo dục: xây dựng, nâng cấp, sữa chữa các trường mầm non, trường Tiểu học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Công trình văn hoá: Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Kon Rẫy, huyện Sa Thầy, nhà thi đấu đa năng huyện Đăk Glei, sân vận động huyện Đăk Hà, nhà văn hoá xã Tân Lập huyện Kon Rẫy.

- Các loại hình kinh tế khác (hộ dân cư, xã/phường/thị trấn) trong quý I năm 2020 hoạt động xây dựng chủ yếu là hộ dân cư đầu tư xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nhà ở và các công trình liên quan; các đơn vị xã, phường, thị trấn cùng Nhân dân thực hiện thi công các công trình nhà văn hóa, nhà rông, hội trường, trường học mẫu giáo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết…, bê tông hoá các đường liên thôn, liên xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới…

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Trong tháng 3/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 31 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ khoảng 146,3 tỷ đồng; 03 doanh nghiệp hoạt động trở lại; 05 doanh nghiệp đã giải thể.

Lũy kế đến ngày 20 tháng 3 năm 2020, đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 72 doanh nghiệp với tổng vốn điều lệ khoảng 481,3 tỷ đồng; 35 doanh nghiệp hoạt động trở lại; 12 doanh nghiệp giải thể.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt

+ Cây hàng năm

Ước tính quý I năm 2020, tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm Vụ đông xuân 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh là 10.042,64 ha, giảm 3,15% (-326,36 ha) so với cùng kỳ vụ đông xuân 2018 - 2019.

Cây lúa: 7.006,16 ha, giảm 1,64% (-116,84 ha).

Cây ngô: 715,30 ha, giảm 3,73% (-27,70 ha).

Cây mía: 976,58 ha, giảm 16,53% (-193,42 ha). Nguyên nhân diện tích mía giảm là do những năm gần đây giá mía giảm, trong khi đó giá các chi phí đầu vào như phân bón, giống, công lao động... tăng cao nên hiệu quả kinh tế đối với cây mía thấp. Một số hộ đã chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Cây lạc: 24 ha, tăng 4,35% (+1,00 ha).

Đậu các loại: 80,04 ha, giảm 2,96% (-3,57 ha).

Rau các loại: 1.089,56 ha, tăng 0,70% (+7,56 ha).

Thời gian vừa qua, khí hậu hanh khô, ít mưa trên địa bàn tỉnh làm cho mực nước các công trình thủy lợi giảm xuống gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước. Tính đến ngày 16/3/2020 đã có 408,66 ha bị hạn. Trong đó, thành phố Kon Tum: 170,78 ha (59,31 ha lúa, cây công nghiệp 111,47 ha); Đăk Hà: 85,94 ha lúa; Đăk Tô: 3,25 ha lúa; Ngọc Hồi: 15 ha lúa; Kon Rẫy 15,91 ha lúa; Ia H'Drai: 34 ha (lúa 6,6 ha; cây công nghiệp 26,6 ha; ao nuôi cá 0,2 ha); Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi 83,78 ha lúa.

Hiện nay, Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi đã đặt bơm tưới nước chống hạn, thường xuyên kiểm tra đập đầu mối, hệ thống kênh mương để kịp thời tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy từ đầu mối đến cuối kênh; khắc phục, gia cố, sửa chữa các công trình để chống thất thoát nguồn nước; thông báo lịch điều tiết nguồn nước các công trình thuỷ lợi và tổ chức tưới luân phiên hợp lý cho các loại cây trồng nhằm hạn chế hạn xảy ra. Thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân đắp bờ giữ nước ở chân ruộng, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, thực hiện theo lịch tưới của các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã thông báo. Theo dõi, kiểm tra, xác định cụ thể tình hình khô hạn của từng khu vực; chuẩn bị tốt các điều kiện để chống hạn như: máy bơm nước, xăng dầu, đường ống, nguồn nước dự kiến bơm chống hạn…

+ Cây lâu năm

Diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh không lớn, chiếm tỷ trọng thấp trong nhóm cây lâu năm vì khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả với quy mô lớn. Diện tích chủ yếu được trồng với quy mô nhỏ và rải rác ở các khu vườn hộ dân, sản lượng thu hoạch chủ yếu dùng để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày.

Cây lâu năm trên địa bàn tỉnh chủ yếu chỉ trồng trọng điểm cây cà phê và cao su. Hiện tại cây cà phê trong giai đoạn nở hoa, cho quả. Sản lượng cao su ước đến 31/3/2020 đạt 3.920 tấn.

- Chăn nuôi

+ Tình hình dịch bệnh trong tháng (16/02/2020-15/3/2020)

Tình hình dịch tả lợn Châu Phi: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh còn 3 ổ dịch chưa qua 30 ngày đang tiếp tục theo dõi tại huyện Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum. Hiện đã tiêu hủy 90 con lợn tại 3 ổ dịch trên.

Tình hình bệnh lở mồm long móng (LMLM): Trên địa bàn xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei phát sinh dịch bệnh trên 89 con gia súc (70 trâu, 19 bò). Trong đó đã chăm sóc, chữa khỏi các triệu chứng lâm sàng của bệnh LMLM cho 48 con gia súc (44 con trâu và 4 con bò).

+ Tình hình dịch bệnh trong Quý I năm 2020

Tình hình dịch tả lợn Châu Phi: Trên toàn tỉnh có 288 con lợn bị mắc bệnh với trọng lượng 13.569 kg.

Tình hình LMLM: phát sinh bệnh trên 89 con gia súc (70 trâu, 19 bò) tại huyện Đăk Glei. Trong đó đã chăm sóc, chữa khỏi các triệu chứng lâm sàng của bệnh LMLM cho 48 con gia súc (44 con trâu và 4 con bò).

Các dịch bệnh thông thường trên đàn gia súc, gia cầm được lực lượng thú y phát hiện và xử lý kịp thời.

b) Lâm nghiệp

Hiện nay, tình hình nắng nóng, khô hạn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nền nhiệt độ cao liên tục duy trì và kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao, đặc biệt là đối với diện tích rừng mới trồng, vườn cao su, đây cũng là thời kỳ người dân tiến hành các hoạt động sản xuất nương rẫy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Trước tình hình đó, các ngành chức năng đã tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); phân công trực PCCCR theo quy định; thông báo cấp dự báo cháy rừng định kỳ 10 ngày/lần đến Tổ công tác liên ngành các huyện, thành phố và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân địa phương về PCCCR được tăng cường. Tuy nhiên, tính đến 15/3/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 05 vụ cháy rừng tại các huyện: Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Sa Thầy.

Tính đến ngày 15/3/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 25 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 5,807 ha, tăng 10 vụ (+2,455 ha) so với cùng kỳ năm trước. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Ước tính đến thời điểm 31/3/2020, công tác trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành, vì đang là thời điểm mùa khô ở Tây Nguyên.

Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/3/2020, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 30.870 m3, tăng 4,6% (+1.370 m3) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác là 65.570 ste, tăng 1,2% (+1.070 Ste) so với cùng kỳ năm trước.

c) Thủy sản

Ước tính đến 31/3/2020 diện tích nuôi trồng thủy sản là 705 ha, tăng 1,7% (+12 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thuỷ sản là 1.110 tấn, tăng 7,9% (+81 tấn) so với cùng kỳ năm trước, chia ra: Sản lượng nuôi trồng nước ngọt là 660 tấn, tăng 10,6% (+63 tấn); sản lượng khai thác nước ngọt là 450 tấn, tăng 4,2% (+18 tấn).

Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước là do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên. Bên cạnh đó việc khai thác đánh bắt của các hộ trên lòng hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối... thuận lợi nên sản lượng thủy sản trong kỳ tăng lên.

7. Sản xuất công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2020

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3 năm 2020 ước tính giảm 0,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,14% và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,19%; riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1,44% và ngành công nghiệp khai khoáng giảm 61,42%.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3 năm 2020 giảm chủ yếu do chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện giảm. Nguyên nhân do thời tiết trên địa bàn đang trong mùa khô hạn, lượng nước trong các hồ chứa giảm thấp so cùng kỳ năm trước, do đó các đơn vị sản xuất điện đã chủ động điều tiết giảm công suất nhà máy để ổn định sản xuất.

- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp quý I năm 2020

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2020 tăng 7,76% so cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,36%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,55%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,51%; riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 47,7%.

Ước tính một số sản phẩm sản xuất quý I năm 2020 so với cùng kỳ năm trước như sau: Đá xây dựng khai thác 45.927 m3, giảm 50,02%; Tinh bột sắn 91.160 tấn, giảm 3,45%; Gạch xây dựng bằng đất sét nung (trừ gốm, sứ) quy chuẩn 6,7 triệu viên, giảm 24,97%; điện sản xuất 289,82 triệu Kwh, tăng 8,38%.

b) Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2020 giảm 15,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhóm ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 25,17%, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 41,6%. Nguyên nhân là do sản phẩm của ngành sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột; sản phẩm ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế chủ yếu là xuất khẩu, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều đơn hàng không xuất được làm cho chỉ số tiêu thụ chung của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so với cùng kỳ. Riêng chỉ các ngành sản xuất thuộc các ngành như sản xuất trang phục, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic…có thị trường tiêu thụ ổn định và tình hình tiêu thụ sản phẩm trong tháng tương đối thuận lợi nên chỉ số tiêu thụ tăng tương ứng theo sản lượng sản xuất ra.

c) Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến thời điểm 31/3/2020 tăng 40,65% so với cùng thời điểm năm trước; đa số các ngành có chỉ số tồn kho tăng so cùng thời điểm năm trước, riêng chỉ số tồn kho của ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 47,4%, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 163,16%, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 185,57%, nguyên nhân chủ yếu là ngành sản xuất tinh bột sắn và các sản phẩm từ tinh bột, ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế sản lượng sản xuất ổn định, lượng sản phẩm nhập kho cao nhưng sản phẩm xuất kho giảm mạnh nên lượng sản phẩm tồn kho cao.

d) Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo quý I năm 2020

Xu hướng tổng quan về tình hình sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I năm 2020 nhìn chung có xu hướng khó khăn hơn so với quý trước; trong đó số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất khó khăn hơn chiếm 41,94%, số doanh nghiệp đánh giá tình hình có tốt hơn hơn so với quý trước chiếm 16,13% và số doanh nghiệp đánh giá tình hình sẽ giữ nguyên chiếm tỷ lệ 41,94%. Trong quý tiếp theo, phần lớn các doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất sẽ được tăng lên, cụ thể tỷ lệ các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất tăng lên 29,03%, tỷ lệ đánh giá tình hình sản xuất giữ nguyên chiếm 32,26%, số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất giảm đi chiếm tỷ lệ 38,71%, các doanh nghiệp này chủ yếu ở các ngành là sản xuất giường, tủ, bàn, ghế và chế biến gỗ.

Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh quý I năm 2020 có tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện duy trì hoạt động ổn định và phát triển, có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. Các nhà máy sản xuất tinh bột sắn do nguồn nguyên liệu đảm bảo đã hoạt động tương đối ổn định. Các ngành sản xuất như sản xuất trang phục, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại…tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khá ổn định. Đối với ngành sản xuất và phân phối điện, các đơn vị sản xuất đã chủ động điều tiết sản lượng ngay từ đầu mùa khô nên lượng điện sản xuất ổn định.

8. Thương mại, dịch vụ

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 3 năm 2020 đạt 1.426,99 tỷ đồng, tăng 2,24% so với tháng trước và tăng 2,04% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.204,86 tỷ đồng, chiếm 84,43% trong tổng số, tăng 3,64% so với tháng trước và tăng 3,86% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 135,19 tỷ đồng, chiếm 9,47% trong tổng số, giảm 0,49% so với tháng trước và giảm 14,12% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 86,94 tỷ đồng, chiếm 6,09% trong tổng số, giảm 10,68% so với tháng trước và tăng 7,39% so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh quý I năm 2020 ước tính đạt 4.596,61 tỷ đồng, tăng 8,42% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.847,82 tỷ đồng, chiếm 83,71% trong tổng số, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 449,26 tỷ đồng, chiếm 9,77% trong tổng số, giảm 3,49% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 299,53 tỷ đồng, chiếm 6,52% trong tổng số tăng 9,50%.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước tính quý I năm 2020 tăng không cao so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người tiêu dùng có xu hướng hạn chế đến những nơi công cộng, giảm các hoạt động ăn uống, mua sắm, chi tiêu bên ngoài để tránh khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Mặt khác, ngành dịch vụ ăn uống còn bị tác động bởi Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông và đường sắt) có hiệu lực từ 01/01/2020 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh dịch vụ bia rượu nói chung nhất là với dịch vụ kinh doanh quán nhậu.

b) Vận tải

- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 3 năm 2020:

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 3 năm 2020 đạt 138.471,8 triệu đồng, giảm 9,66% so với tháng trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 51.912,2 triệu đồng, giảm 10,25%; Vận chuyển ước đạt 955,8 nghìn lượt khách, giảm 8,9%; Luân chuyển ước đạt 122.104,84 nghìn lượt khách.km, giảm 9,19%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 85.878,6 triệu đồng, giảm 9,37%; Vận chuyển ước đạt 976,88 nghìn tấn, giảm 8,76%; Luân chuyển ước đạt 48.893,46 nghìn tấn.km, giảm 10,51%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 681,0 triệu đồng, tăng 0,29%.

- Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi ước tính quý I năm 2020:

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính quý I năm 2020 đạt 455.825,9 triệu đồng, tăng 4,14% so cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 171.589,4 triệu đồng, tăng 3,71%; Vận chuyển ước đạt 3.121,1 nghìn lượt khách, tăng 3,2%; Luân chuyển ước đạt 399.837,97 nghìn lượt khách.km, tăng 4,86%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 282.186,5 triệu đồng, tăng 4,32%; Vận chuyển ước đạt 3.190,33 nghìn tấn, tăng 6,29%; Luân chuyển ước đạt 161.581,83 nghìn tấn.km, tăng 6,89%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 2.050,0 triệu đồng, tăng 15,33%.

9. Thông tin về tình hình kinh tế thế giới

Kinh tế toàn cầu bước vào năm 2020 với những yếu tố bất lợi. Suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh (Đến 14h ngày 20/3/2020, dịch bệnh Covid-19 đã xuất hiện tại 178 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới), giá dầu thô giảm mạnh (khoảng 60% so với thời điểm đầu năm 2020), chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Hoa Kỳ và Iran, cùng với biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Thị trường hàng hóa giảm mạnh do quan ngại về suy giảm nhu cầu trên thế giới. Giá cả của hầu hết hàng hóa đã giảm từ giữa tháng 01 năm 2020 trong bối cảnh lo ngại về tác động của dịch bệnh Covid-19 làm giảm nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc. Trong báo cáo đưa ra ngày 06/3/2020, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định nền kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển khác tại châu Á sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bùng phát của dịch Covid-19 do nhu cầu trong nước, du lịch và thương mại giảm mạnh, chuỗi cung ứng và các liên kết sản xuất gián đoạn, cũng như sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng.

Diễn biến tình hình kinh tế thế giới hiện nay cũng là thách thức cho kinh tế của tỉnh Kon Tum nhất là trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu (sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp chế biến).

10. Các vấn đề xã hội

a) Đời sống dân cư

Đánh giá chung quý I năm 2020, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng nhẹ, nhưng không đột biến, nhất là các mặt hàng thuộc nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu; Việc vui Xuân, đón Tết của Nhân dân trên địa bàn tỉnh diễn ra đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Đã xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực ảnh hưởng tới trên 400 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp; dự báo thời tiết nắng hạn kéo dài đến tháng 4/2020 tại một số địa phương sẽ thiếu nước sinh hoạt như: Thành phố Kon Tum, huyện Sa Thầy, Ia H'Drai, Ngọc Hồi...

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, hiện chưa có trường hợp nào dương tính với virut Covid-19. Tính đến 21/3/2020, đang tiến hành cách ly 05 trường hợp tại khu cách ly tập trung của tỉnh; Số trường hợp đã thực hiện cách ly tại khu cách ly của tỉnh đủ 14 ngày là 01 (trường hợp người Việt Nam trở về từ Hàn Quốc); một số trường hợp đang được cách ly tại có đơn vị thuộc Sở Y tế hoặc quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngoài ra, đang cách ly tập trung 211 người nhập cảnh từ Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của các trường hợp này ổn định, không có triệu chứng của Covid-19. Tình hình dịch bệnh phần nào cũng ảnh hưởng đến đời sống dân cư và kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhưng mức độ ảnh hưởng và thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 là không lớn so với các địa phương có tỷ trọng sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch lớn hoặc các địa phương bị chi phối nhiều bởi thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình đời sống dân cư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương

Từ ngày 01/7/2019 Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng/tháng lên 1.490.000 đồng/tháng theo Nghị quyết 70/2018/QH14 ngày 09/11/2018 của Quốc Hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, áp dụng cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, cấp tỉnh, huyện, xã, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang. Vì vậy, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang dần được cải thiện hơn so với năm trước.

Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đã chi trả đủ tiền lương năm 2019 cho người lao động và hầu hết đều thưởng Tết cho công nhân, người lao động với mức cao nhất là 5,2 triệu đồng/người, thấp nhất là 500 ngàn đồng/người. Tuy vậy, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến các lĩnh vực như: Sản xuất công nghiệp; lưu trú, ăn uống; vận tải hành khách; giáo dục – đào tạo. Các lễ hội, sự kiện văn hóa, hoạt động thể thao đã bị hủy hoặc tạm dừng tổ chức dẫn đến hoạt động của các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, các điểm tham quan du lịch chịu tác động mạnh từ khi có dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Ngành Y tế đã tổ chức tốt việc phân công cán bộ y tế; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh. Trước diễn biến dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế đã kịp thời tham mưu và huy động toàn bộ các nguồn lực của ngành để triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch.

Những tác động từ dịch Covid-19 đã ảnh hưởng cục bộ đến đời sống và thu nhập của một bộ phận người lao động trong một số ngành, lĩnh vực hoạt động kinh tế, nhưng theo đánh giá chung đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương mức độ ảnh hưởng là không lớn. Mặc dù vậy, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng lớn đến người lao động hưởng lương trên địa bàn.

- Thực trạng đời sống dân cư nông thôn

Ngay sau Tết Nguyên đán trên cơ sở kế hoạch ra quân phát động phong trào xây dựng nông thôn mới đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã lựa chọn công trình, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, huy động nhân lực của địa phương để đồng loạt ra quân xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành quả nhất định như: hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt; diện mạo nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có những thay đổi, phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân, được nhân dân ủng hộ và đồng lòng triển khai thực hiện; đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Đến nay toàn tỉnh đã có 24 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó có 23 xã được công nhận xã nông thôn mới.

Tình hình kinh tế - xã hội của các xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng khởi sắc theo hướng phát triển bền vững, sản lượng nông nghiệp liên tục tăng, chủng loại cây trồng, vật nuôi đa dạng hơn, nhiều sản phẩm nông nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể. Tuy thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn tuy đã cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ nông thôn tuy đã thoát nghèo, nhưng thực tế thu nhập chỉ cao hơn mức chuẩn nghèo không đáng kể. Hệ thống hạ tầng nông thôn chất lượng tương đối thấp, người dân chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các thành tựu khoa học phát triển, các dịch vụ cơ bản như: vệ sinh, môi trường, y tế, giáo dục...

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã phần nào ảnh hưởng đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Giá cả một số mặt hàng nông sản có giảm so với thời điểm trước khi có dịch bệnh Covid-19 như: Giá thu mua sắn khô (mỳ lát); Giá thu mua dưa hấu; Giá bán sản phẩm mủ cao su (mủ cốm SVR10); các mặt hàng rau đa phần ở mức thấp... Song, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, Chính quyền địa phương các cấp, các ngành đã triển khai tốt các biện pháp khắc phục, nhằm ổn định tình hình sản xuất nông nghiệp nên đời sống nông dân nhìn chung vẫn ổn định.

- Giải quyết việc làm

Tư vấn tìm việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động cho 114 lượt người. Cung ứng giới thiệu 74 lao động đi làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tổng số lao động tham gia xuất khẩu lao động từ đầu năm đến nay là 100 lao động (Trong đó: Đài Loan 08 lao động, Ả rập xê út 92 lao động). Tổng số lao động được giải quyết việc làm thông qua các chương trình là 276 lao động, đạt 16,7% kế hoạch năm. Theo tổng hợp của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến thời điểm báo cáo đã giải ngân cho vay trên 4,3 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho 102 lao động thông qua nguồn vốn.

Tình hình dịch bệnh đã có tác động đến việc cung ứng, sử dụng và xuất khẩu lao động làm trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Việc cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bị hạn chế do một số doanh nghiệp tạm ngừng việc tuyển dụng lao động mới; một số lao động có tâm lý e ngại khi tìm kiếm việc làm xa nhà. Đối với công tác xuất khẩu lao động: Một số nước có nhu cầu tuyển lao động Việt Nam đang hạn chế tuyển dụng vì e ngại lao động di chuyển từ vùng có dịch đến. Các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh cũng tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước có nhiễm vi rút Covid-19.

- Công tác đào tạo nghề: Công tác đào tạo nghề được quan tâm, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Sau học nghề người lao động có cơ hội tự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tự tạo việc làm tại chỗ thông qua canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phục vụ cho việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, thông qua công tác tư vấn giới thiệu việc làm người lao động được giới thiệu đến làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

- Công tác giảm nghèo

Các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hướng dẫn triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2018-2020 theo Nghị quyết số 44/2017/NQ-HĐND, ngày 11/12/2017 của HĐND tỉnh Kon Tum.

Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2019, tổng số hộ nghèo là 18.858 hộ (tỷ lệ 13,62%) giảm so với năm 2018 là 3.993 hộ (giảm 3,67%).

- Bảo trợ xã hội

Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những đối tượng yếu thế… để tất cả mọi người, mọi nhà đều đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, đầm ấm, cụ thể như sau:

UBND các huyện, thành phố đã chủ động xuất ngân sách hỗ trợ hơn 188 tấn gạo cho 3.856 hộ/12.559 khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức gặp mặt và trao tặng 60 suất quà cho đại diện các tầng lớp Nhân dân, nhân sỹ trí thức, chức sắc các tôn giáo, kiều bào, thân nhân kiều bào trên địa bàn tỉnh với tổng trị giá 30 triệu đồng. Đã tiếp nhận, trao tặng 500 suất quà của các tổ chức, cá nhân cho 500 hộ nghèo với tổng kinh phí 515 triệu đồng.

Đã chuyển Thiệp mừng thọ và quà của Chủ tịch nước cho 77 người cao tuổi tròn 100 tuổi; chuyển quà của Chủ tịch UBND tỉnh tặng 542 người cao tuổi tròn 90 tuổi. Xuất 13.213,5 triệu đồng từ ngân sách tỉnh và ngân sách các huyện, thành phố để hỗ trợ cho 16.378 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và 2.480 hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, 8.809 hộ cận nghèo và 756 thôn, làng đón Tết. Ngoài ra, UBND huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei đã chủ động xuất ngân sách của huyện để hỗ trợ chăn đắp, áo ấm cứu rét cho 2.720 hộ, với tổng kinh phí là 1.463,5 triệu đồng; UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo vận động quyên góp 3.000 bộ quần áo, chăn đắp để hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

Đã triển khai Ngày hội bánh chưng xanh nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tại 646 điểm trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với 85.413 hộ tham gia; tổng kinh phí 6.424 triệu đồng với hơn 190.000 chiếc bánh chưng, bánh tét để trao tặng cho người dân và tổ chức ăn Tết tại các thôn. Trong đó, các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh đã ủng hộ 630 triệu đồng để tổ chức Ngày hội; các cơ quan kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh, huyện, các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn các xã đã cử cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ xuống các thôn cùng tham gia thực hiện.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức Chương trình "Tết sum vầy 2020", trao tặng 10.764 suất quà với tổng trị giá 3.670 triệu đồng cho công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) nghèo có hoàn cảnh khó khăn đón Tết; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 13 ngôi nhà "Mái ấm Công đoàn" với tổng trị giá 585 triệu đồng cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ tiền tàu xe cho 30 CNVCLĐ về quê ăn tết với tổng số tiền là 19 triệu đồng.

Các cơ quan, đơn vị kết nghĩa xây dựng xã của tỉnh đã thăm, tặng 2.530 suất quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh nghèo tại các địa phương kết nghĩa với tổng trị giá hơn 791,5 triệu đồng; trao tặng 122 suất quà cho tập thể các xã, thôn, đồn biên phòng với tổng trị giá 159,5 triệu đồng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam trao tặng 600 suất quà với tổng trị giá 300 triệu đồng cho các hộ gia đình nghèo khó khăn bị ảnh hưởng do thiên tai; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Kon Tum trao tặng 125 suất quà cho 125 hộ nghèo tại xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy với tổng trị giá 50 triệu đồng.

- Thực hiện chính sách với người có công

Thường trực Tỉnh ủy đã hỗ trợ cán bộ, công chức các cơ quan khối Đảng tỉnh 337 triệu đồng; tổ chức gặp mặt, tặng quà cho 187 cán bộ hưu trí.

Các cấp, các ngành đã chi trợ cấp ưu đãi tháng 01/2020 và thăm, tặng 7.596 suất quà (trị giá 1.782,7 triệu đồng) cho các đối tượng là người có công với cách mạng. Trong đó, có 5.177 suất quà của Chủ tịch nước với tổng trị giá 1.013 triệu đồng; 94 suất quà của tỉnh với tổng trị giá 47 triệu đồng; 1.878 suất quà của huyện, thành phố với tổng trị giá 689,6 triệu đồng; 477 suất quà của các tổ chức, cá nhân với tổng trị giá 80,1 triệu đồng.

Giải quyết, cắt giảm đối tượng từ trần là 20 người; trợ cấp một lần và mai táng phí 13 người.

b) Giáo dục

Sáng 16/01/2020, tại thành phố Kon Tum, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ khai mạc Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh thuộc các trường Trung học trên địa bàn tỉnh năm 2019 – 2020. Cuộc thi năm nay có 85 dự án của 134 học sinh đến từ các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Các dự án thuộc các lĩnh vực: Khoa học xã hội và hành vi, hệ thống nhúng, robot và máy thông minh, phần mềm hệ thống, hóa học, y sinh và khoa học sức khỏe, khoa học trái đất và môi trường, kỹ thuật môi trường, khoa học kỹ thuật vật liệu sinh học, vi sinh, năng lượng vật lý và kỹ thuật cơ khí.

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh  Covid-19 gây ra nên học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục nghỉ học tập trung. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản kéo dài thời gian nghỉ học tập trung tại các nhà trường trên địa bàn tỉnh quản lý.

Ngày 02/3/2020, khoảng 14.000 học sinh trên địa bàn tỉnh ở các trường THPT, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành và Trường PTDTNT các huyện, thành phố bắt đầu đi học trở lại, sau gần 1 tháng cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các trường đã tiến hành các biện pháp bảo đảm vệ sinh trong khuôn viên nhà trường, hướng dẫn học sinh cách phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 13/3/2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 767/UBND-KGVX về việc cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học tập trung tại các trường học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại công văn này UBND tỉnh đã thống nhất cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục nghỉ học tập trung tại các trường học kể từ ngày 16/3/2020 cho đến khi có thông báo mới; Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19; điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 793/BGDĐT-GDTrH ngày 12/3/2020 và Văn bản số 803/BGDĐT-GDTrH ngày 13/3/2020. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy trình phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo; chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

c) Y tế tháng 02/2020

- Tình hình dịch bệnh

Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 76 ca mắc mới, tăng 30 ca so với tháng trước và tăng 22 ca so với tháng 02/2019. Lũy tích đến 29/02/2020, ghi nhận 122 ca mắc, không có tử vong, tăng 36 ca so với cùng kỳ năm trước.

Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 27 ca mắc mới, tăng 17 ca so với tháng trước và giảm 40 ca so với tháng 02/2019. Lũy tích đến 29/02/2020, ghi nhận 37 ca mắc, không có tử vong, giảm 90 ca so cùng kỳ năm trước.

Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 03 ca mắc mới, giảm 11 ca so với tháng trước và giảm 17 ca so với tháng 02/2019. Lũy tích đến 29/02/2020, ghi nhận 17 ca mắc, không có tử vong, giảm 26 ca so với cùng kỳ năm trước.

Sốt rét: Trong tháng, ghi nhận 04 ca mắc mới, giảm 01 ca so với tháng trước và giảm 04 ca so với tháng 02/2019. Lũy tích đến 29/02/2020, ghi nhận 09 ca mắc, không có sốt rét ác tính và tử vong, giảm 09 ca so với cùng kỳ năm trước.

Bạch hầu: Trong tháng, ghi nhận 03 ca mắc mới, tăng 03 ca so với tháng trước và tăng 03 ca so với tháng 02/2019. Lũy tích đến 29/02/2020, ghi nhận 03 ca mắc, không có tử vong, tăng 03 ca so với cùng kỳ năm trước.

Lao: Tổng số bệnh nhân lao đăng ký điều trị 19 bệnh nhân, trong đó Lao phổi AFB (+) 13 bệnh nhân.

Trong tháng không ghi nhận mắc mới các bệnh: Cúm A (H5N1, H1N1, H7N9...), viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID-19), tay - chân - miệng, bệnh do vi rút Zika, viêm não Nhật Bản, viêm gan vi rút A, dại, ho gà, sởi, phong.

- Phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, ghi nhận 02 ca nhiễm HIV mới. Lũy tích nhiễm HIV/AIDS tính đến ngày 29/02/2020: 497 người, trong đó số người tử vong do AIDS 188, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống 309 người (đang quản lý được 150 người). Số bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV 109 người; điều trị dự phòng lao bằng Isoniazid (INH) 06 người.

- An toàn vệ sinh thực phẩm: Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc trên địa bàn tỉnh.

d) Hoạt động văn hóa thể thao

Ngày 11/01/2020, Ủy ban Hội LHTN huyện Sa Thầy phối hợp với Ban Thường vụ Huyện đoàn, liên ngành giữa các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện tổ chức Chương trình “Vì biên cương tổ quốc”, “Tình nguyện mùa đông”, “Xuân tình nguyện” năm 2020 với sự tham gia của hơn 200 Đoàn viên, thanh niên và bà con nhân dân tại Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Chiều 18/01/2020, bà con Nhân dân thôn Kon Klor, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng nhà rông văn hóa của thôn.

Tối 18/01/2020, UBND phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum đã tổ chức chương trình khai mạc Hội hoa xuân Canh Tý 2020, Hội hoa xuân năm nay thu hút gần 500 gian hàng trưng bày các loại hoa, tranh ảnh và đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ Tết.

Tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa tại thành phố Kon Tum (01 điểm), thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô); thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy), thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi); thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông).

Từ ngày 30/01/2020 đến ngày 02/02/2020, Bảo tàng tỉnh Kon Tum và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã tổ chức chương trình "Sắc xuân - Xuân Canh Tý 2020" nhằm tôn vinh những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc ta trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, trình diễn nhạc cụ dân tộc và các trò chơi dân gian.

Từ sau dịp Tết Nguyên đán, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, UBND tỉnh đã ban hành các Chỉ thị, Văn bản hướng dẫn đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu UBND huyện, thành phố, sở ban ngành hạn chế tổ chức các hoạt động văn hóa thể dục thể thao, các hoạt động tập trung đông người nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

e) Tình hình An ninh trật tự - An toàn giao thông (ANTT – ATGT)

- Tình hình ANTT – ATGT tháng 02/2020

Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 35 vụ. Hậu quả chết 04 người, bị thương 16 người, mất 06 mô tô, 01 ti vi, 01 laptop, 17 điện thoại di động và 591.550.000 đồng.

Tội phạm về ma túy: phát hiện 05 vụ tàng trữ trái phép chất ma túy. Thu giữ 5,596 gr ma túy tổng hợp.

Tội phạm kinh tế, môi trường: Phát hiện 04 vụ, trong đó: Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm 02 vụ, sản xuất, buôn bán hàng cấm 01 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ.

Tai nạn giao thông: xảy ra 02 vụ. Hậu quả: chết 02 người, bị thương 01 người, hư hỏng 02 mô tô, xe gắn máy.

- Tình hình ANTT – ATGT 2 tháng đầu năm 2020

Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 76 vụ. Hậu quả chết 07 người, bị thương 28 người, mất 06 mô tô, 01 ti vi,  01 laptop, 17 điện thoại di động và 1.501.550.000 đồng.

Tội phạm về ma túy: phát hiện 20 vụ, trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 19 vụ, vận chuyển trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ 0,628gr hêroin,  605,1851 gr ma túy tổng hợp, loại khác 1,4847gr.

Tội phạm kinh tế, môi trường: Phát hiện 14 vụ, trong đó: Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm 09 vụ, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự 01, vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản 02 vụ, sản xuất, buôn bán hàng cấm 01 vụ, vận chuyển lâm sản trái phép 01 vụ. Thu giữ 62,217 m3 gỗ các loại, 240kg pháo các loại.

Tai nạn giao thông: xảy ra 10 vụ. Hậu quả: chết 09 người, bị thương 06 người, hư hỏng 02 ô tô, 14 mô tô, xe gắn máy.

g) Tình hình cháy, nổ

Trong tháng 02/2020, không xảy ra cháy, nổ. Lũy kế tính đến tháng 02/2020 xảy ra 04 vụ, ước thiệt hại khoảng 115 triệu đồng.

h) Vi phạm môi trường

Trong tháng 02/2020, không xảy ra vi phạm môi trường. Lũy kế tính đến tháng 02/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 01 vụ vi phạm môi trường.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC