• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Sáu, 19/04/2024 00:48
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum tháng 6 năm 2018
Cập nhật: Thứ Năm, 05/07/2018 08:09

 

Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh nhìn chung phát triển ổn định. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được đảm bảo theo đúng lịch thời vụ; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng; hoạt động thương mại phát triển ổn định; công tác an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tình hình cụ thể ở các ngành, lĩnh vực như sau:

- Ước tính Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 theo giá so sánh 2010 tăng 7,90% so với 6 tháng đầu năm 2017.

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 1.172.000 triệu đồng, đạt 53,50% dự toán và tăng 6,27% so với cùng kỳ năm trước.

- Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước đạt 3.096.000 triệu đồng, đạt 36,55% kế hoạch và tăng 29,21% so với cùng kỳ năm trước.

- Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 tăng 14,34% so cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 7.978.803,3 triệu đồng, tăng 9,64% so với cùng kỳ năm trước.

.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước.

1. Tăng trưởng kinh tế

Ước tính tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP)  6 tháng đầu năm 2018 tỉnh Kon Tum là 7,90%[1],  trong đó:  Khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 6,34%,  khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng 12,06% và khu vực Dịch vụ tăng 6,88%. Trong tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp  0,69 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 3,08 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đóng góp 3,83 điểm phần trăm, cụ thể:

 

Tốc độ phát triển tổng sản phẩm trên địa bàn

 6 tháng đầu năm 2018

 

 

6 tháng đầu năm 2018 so với 6 tháng đầu năm 2017 (%)

Tổng số

107,90

  1.  Nông, lâm và thủy sản

106,34

  2.  Công nghiệp và xây dựng

112,06

  3.  Dịch vụ

106,88

  4.  Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản

  phẩm

103,94

 

- Khu vực Nông, lâm, thủy sản có mức tăng trưởng 6,34%, khu vực nông, lâm, thủy sản có mức tăng khá chủ yếu là do sản lượng cao su tăng 6,64%, lúa tăng 1,37%, ngô tăng 2,28%.

- Khu vực Công nghiệp - Xây dựng có mức tăng 12,06%, chủ yếu nhờ vào mức tăng cao của ngành công nghiệp, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 tăng 14,34% so cùng kỳ năm trước; Trong đó tăng cao là các ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện (tăng 25,62%), khai khoáng (tăng 22,49%); ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,18% . . .

- Khu vực Dịch vụ có mức tăng 6,88%, trong đó các hoạt động dịch vụ có mức tăng trưởng cao như: Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính 6 tháng đầu năm 2018 đạt 785.536,74 triệu đồng, tăng 12,12% , Tổng mức bán lẻ hàng hoá , doanh thu dịch vụ ước tính đạt đạt 7.978.803,3 triệu đồng, tăng 9,64% so với cùng kỳ năm trước...

2. Tài chính, ngân hàng

a) Thu chi ngân sách

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 1.172.000 triệu đồng, đạt 53,5% dự toán và tăng 6,27% so với cùng kỳ năm trước; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước quản lý: 408.916 triệu đồng, đạt 58,84% kế hoạch và tăng 9,38% so với cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 300.034 triệu đồng, đạt 57,37% kế hoạch và tăng 23,93% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm ước đạt 3.096.000 triệu đồng, đạt 36,55% kế hoạch và tăng 29,21% so với cùng kỳ năm trước. Chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 3.096.000 triệu đồng, đạt 38,54% kế hoạch và tăng 46,67% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển 1.007.000 triệu đồng, đạt 35,82% kế hoạch; chi thường xuyên 2.089.000 triệu đồng, đạt 44,27% kế hoạch.

b) Hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2018

 Tín dụng có tốc độ tăng trưởng tốt, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định([2]). Huy động vốn 6 tháng đầu năm ước 14.500 tỷ đồng, đạt 93,5% so với kế hoạch, bằng 118,6% so với cùng kỳ năm trước; dư nợ tín dụng ước 27.000 tỷ đồng, đạt 91,5% kế hoạch, bằng 121,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nợ xấu là 410 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,52%/tổng dư nợ.

3. Giá cả, lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2018 tăng 0,35% so với tháng trước; tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,46% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,47%.

 Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 06 nhóm tăng: nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,55%; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,05%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,69%; nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm Giao thông tăng 0,94%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%. Có 04 nhóm giảm là nhóm Đồ uống và thuốc lá giảm 0,01%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,59%; nhóm giáo dục giảm 0,07%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,06%. Có 01 nhóm không biến động giá là nhóm Thuốc và dịch vụ y tế.

Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng tăng so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 6/2018 được bán với giá bình quân khoảng 3.469.000 đồng/chỉ, tăng 0,06% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 22.681 đồng/USD, tăng 0,21% so với tháng trước.

4. Đầu tư và xây dựng

a) Vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư thực hiện từ  ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum 6 tháng đầu năm 2018 đạt 623.844 triệu đồng, tăng 11,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý, Chia ra:

Vốn Ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 483.175 triệu đồng, chiếm 77,45% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, môi trường nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn... Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách tỉnh đạt 329.087 triệu đồng, chiếm 68,11%; Vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 62.709 triệu đồng, chiếm 12,98%; Vốn ODA đạt 37.488 triệu đồng, chiếm 7,76%; Vốn Xổ số kiến thiết đạt 17.643 triệu đồng, chiếm 3,65%; Vốn khác đạt 36.248 triệu đồng, chiếm 7,50% trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh.

Vốn Ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 140.669 triệu đồng, chiếm 22,55% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó: Vốn cân đối Ngân sách huyện đạt 69.657 triệu đồng, chiếm 49,52%; Vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 63.532 triệu đồng, chiếm 45,16%; Vốn khác đạt 7.480 triệu đồng, chiếm 5,32% trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện.

Trong  6 tháng đầu năm 2018 nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông, kiên cố hóa các kênh mương, công trình cấp nước sinh hoạt; công trình giáo dục; y tế… trên địa bàn các huyện, thành phố như: Sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Kon trang Kla, Đắk Trít và  hạ tầng nông thôn khu vực xã Đắk La, Đường giao thông từ mốc 743 -> ĐBP 663 (Sông Thanh) xã Đắk PLô huyện Đắk Glei; Đường bao quanh khu dân cư phía nam Thành phố Kon Tum; Đường giao thông từ xã Đắk Tờ Re đi làng Kon Long Buk, Kon Đơ xing huyện Kon Rẫy; …

b) Xây dựng

Trong 6 tháng đầu năm 2018 hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh diễn ra đồng bộ trên các khu vực kinh tế, trong đó tập trung ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và hộ dân cư, chủ yếu xây dựng nhà ở mới với mức đầu tư cao và sửa chữa các công trình khác.  Các đơn vị hoạt động xây lắp triển khai thi công các công trình trọng điểm có vốn đầu tư cao trong năm 2018 như:

Công trình kỹ thuật dân dụng: đường giao thông từ xã Đắk Tờ Re đi làng Kon Long Buk, Kon Xum Luh, Kon Đơ Xing huyện Kon Rẫy, đường giao thông từ thôn 3 đi thôn 4 (Kon Gộp) xã ĐắkPne, huyện Kon Rẫy, đường bao quanh khu dân cư phía nam thành phố Kon Tum, đường giao thông Quốc lộ 24 - Đắk Côi (km0-km28) Kon Rẫy, đường giao thông nông thôn đi thôn 1 xã Ia Tơi huyện Ia H’Drai...

Xây dựng công trình nhà không để ở: xây dựng trụ sở làm việc Tòa án Nhân dân huyện Ia H’Drai, đồn biên phòng Đắk BLô (665), trụ sở làm việc huyện ủy, HĐND-UBND, mặt trận đoàn thể và các công trình phụ trợ  huyện Ia H’Drai, cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện đa khoa huyện Đắk Glei, nhà khách huyện Đắk Hà, kho lưu trữ huyện ủy Đắk Hà, sửa chữa, nâng cấp trụ  sở UBND xã Đắk Mar huyện Đắk Hà, nâng cấp, cải tạo trụ sở  Đảng ủy - HĐND - UBND xã Đắk Rơ Wa, thành phố Kon Tum...  Công trình giáo dục: Trường Mầm non Hoa Hồng thành phố Kon Tum, dự án Kiên cố hoá trường học,  lớp học mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện Đắk Tô, trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Ia H’Drai (giai đoạn 1), trường Mầm non trung tâm thị trấn Đắk Glei huyện Đắk Glei, trường PTTH dân tộc nội trú huyện Kon Rẫy, trung tâm dạy nghề và  hỗ trợ  nông dân, Hội Nông dân tỉnh... Công trình văn hoá, nhà đa năng huyện Đắk Glei, sân vận động huyện Đắk Hà, nhà văn hóa  xã Ngọc Réo huyện Đắk Hà, trung tâm VHTT huyện Đắk Hà, nhà văn hóa  các  xã Ia Tơi, Ia Dal, Ia Dom huyện Ia H’Drai...  

Các loại hình kinh tế khác (hộ dân cư, xã/phường/ thị trấn) trong 6 tháng đầu năm 2018 hoạt động xây dựng chủ yếu do hộ dân cư đầu tư xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nhà ở và các công trình liên quan (sân, tường rào, nhà kho, các công trình khác…). Các đơn vị xã, phường, thị trấn cùng nhân dân thực hiện thi công các công trình nhà văn hóa, nhà rông, hội trường, trường học mẫu giáo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết…, bê tông hoá các đường liên thôn, liên xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số xã…

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Tính đến ngày 20/6/2018 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 120 doanh nghiệp và 63 đơn vị trực thuộc, với tổng vốn đăng ký là 783,8 tỷ đồng; 158 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và thay đổi hoạt động của 101 đơn vị phụ thuộc; đăng ký tạm ngừng kinh doanh 82 doanh nghiệp và 03 đơn vị phụ thuộc; giải thể 19 doanh nghiệp và 15 đơn vị phụ thuộc. Thu hồi giấy phép kinh doanh của 86 doanh nghiệp. 6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt

+ Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa 2018: Ước đến thời điểm ngày 30/6/2018, tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ mùa 2018 tỉnh Kon Tum là: 52.044 ha, tăng 1,63% (+833 ha) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Cây lúa DTGT: 9.523 ha, tăng 1,29% (+121 ha).

Cây ngô DTGT: 4.830 ha, giảm 3,59 % (-180 ha).

Cây sắn DTGT: 36.249 ha, tăng 2,51% (+889 ha).  

Khoai lang DTGT: 96 ha, tăng 1,05% (+1 ha).

Cây lạc DTGT: 75 ha, giảm 3,85% (-3 ha).

Rau các loại DTGT: 911 ha, tăng 2,36% (+21 ha).

Đậu các loại DTGT: 257 ha, giảm 3,02% (-8 ha).

Hoa các loại DTGT: 61 ha, giảm 16,44% (-12 ha).

- Diện tích cây lâu năm

Kon Tum là tỉnh có sản lượng cây ăn quả không lớn, khí hậu, thổ nhưỡng ở đây không phù hợp với các loại cây ăn  quả. Diện tích chủ yếu trồng rải rác ở các khu vườn hộ dân, sản lượng thu hoạch chủ yếu phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày.

Sản lượng cây công nghiệp lâu năm cũng không nhiều so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Kon Tum chủ yếu trồng tập trung các cây trọng điểm là cao su và cà phê.

Hiện nay, diện tích cây cà phê là 17.953 ha, tăng 8,11% (+1.346 ha) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cà phê tăng do giá cà phê những năm gần đây tương đối ổn định nên người dân quan tâm đầu tư mở rộng.

Diện tích cây cao su là 74.724 ha, tương đương cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, cây cà phê chưa cho sản lượng thu hoạch. Đối với cây cao su sản lượng thu hoạch cũng không nhiều vì giai đoạn này cây thay lá nên không khai thác được, sản lượng thu hoạch cao su 6 tháng tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do diện tích cho sản phẩm tăng.

- Chăn nuôi

+ Kết quả điều tra chăn nuôi 01/4/2018

- Tổng đàn trâu ước tính  23.725 con tăng 2,60% (+907 con);  Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước tính: 336,2 tấn, tăng 3,07% (+10 tấn) so với cùng kỳ năm trước.  

- Tổng đàn bò ước tính 75.562 con, tăng  7,99% (+5.593 con); Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước tính: 2.772,4 tấn, tăng 3,47% (+93 tấn) so với cùng kỳ năm trước.  

Nguyên nhân  đàn bò tăng: là do trong năm ít xảy ra dịch bệnh, giá cả thịt bò hơi ổn định người chăn nuôi yên tâm đầu tư làm cho đàn bò tăng lên, bên cạnh đó Công ty TNHH MTV ĐTPT Nông nghiệp Ia H’Drai Kon Tum, trong 6 tháng đã phát triển tăng  55 con bò, dự báo thời gian tới Công ty nhập thêm 1.000 con.

- Tổng đàn lợn 131.475 con giảm 2,26% (-3.039 con); Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9.218,2 tấn, tăng 4,01% (+355 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân  đàn lợn giảm: là do trên địa bàn tỉnh đàn lợn bị dịch Lở mồm long móng (LMLM) tái phát, số lợn bị tiêu hủy là 78 con. Mặt khác, giá cả thịt lợn hơi không ổn định, giá giảm làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ dẫn đến giảm đầu tư nên giảm đàn. 

- Tổng đàn gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng) 1.113 nghìn con, đàn gia cầm tăng 5,27% (+56.000 con); Sản lượng thịt hơi gia cầm 1.037 tấn, tăng 8,19% (+79 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Tổng đàn và sản lượng gia cầm tăng: do trong kỳ  giá cả ổn định nên người chăn nuôi tăng đầu tư tăng đàn.

+ Tình hình dịch bệnh

Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh dịch Lở mồm long móng (LMLM) tại 04 huyện: Đắk Glei, Sa Thầy, Đắk Hà và Ia H’Drai. Tổng số gia súc mắc bệnh 302 con (trâu 11, bò 213 con, lợn 78 con), số gia súc điều trị khỏi bệnh 218 con (trâu 11, bò 207), số gia súc bị tiêu hủy 84 con (bò 6, lợn 78).

Trong 6 tháng đầu  năm 2018, trên địa bàn tỉnh không tái phát bệnh Cúm gia cầm. Một số bệnh thông thường khác xảy ra tại một số địa phương đã được lực lượng Thú y phát hiện và điều trị kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

b) Lâm nghiệp

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 09/3/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh, công tác quản lý bảo vệ rừng, công tác phòng cháy chữa cháy được các ngành chức năng tăng cường chỉ đạo. Bên cạnh đó, mùa mưa Tây nguyên đã bắt đầu. Do đó, tính đến 15/6/2018, trên địa bàn tỉnh không xảy ra cháy rừng.

 Tính đến thời điểm 15/6/2018, công tác trồng rừng mới tập trung trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành.

Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 30/6/2018, trên địa bàn tỉnh khai thác gỗ là 21.500 m3, giảm 13,84%  (-3.454 m3) so với cùng kỳ năm trước. Lượng gỗ khai thác giảm do đóng cửa rừng khai thác gỗ tự nhiên ở Tây nguyên và Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam, Công ty TNHH MTV LN Kon Plông khai thác giảm do giá gỗ giảm; Sản lượng củi khai thác là 126.105 Ste, giảm 2,09% (-2.692 Ste) so với cùng kỳ năm trước.

c) Thuỷ sản

 Ước đến 30/6/2018, diện tích nuôi trồng thủy sản là 644 ha, tăng 4,4% (+27 ha), so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thuỷ sản là 1.965 tấn, tăng 11,71 % (+206 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Sản lượng nuôi trồng nước ngọt là 1.250 tấn, tăng 12,82% (+142 tấn). .

Sản lượng khai thác nước ngọt là 715 tấn, tăng 9,83% (+64 tấn).  

Sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước là do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng và số lồng bè nuôi trồng thủy sản tăng 13,5% (+31 lồng).. Bên cạnh đó thời tiết thuận lợi cho các hộ khai thác đánh bắt vùng lòng hồ thủy điện, thủy lợi tăng lên.

7. Sản xuất công nghiệp

- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 6 năm 2018 ước tính tăng 26,92% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng  52,17%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 48,49%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng  18,60%; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải bằng 97,54% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước chỉ số sản xuất toàn ngành  công nghiệp tháng 6/2018 ước tính tăng 5,77%. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng giảm 9,10%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 18,74%, nguyên nhân, sản lượng tinh bột sắn của các nhà máy sản xuất tinh bột sắn giảm do đã vào cuối vụ thu hoạch nên nguyên liệu khan hiếm hơn đã làm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm so tháng trước; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 26,42% so với tháng trước là do lượng nước trong các hồ chứa tương đối đảm bảo, các đơn vị ổn định sản xuất nên sản lượng điện tăng; chỉ số ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải giảm 1,64% so tháng trước.- Ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu  năm 2018 tăng 14,34% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng  22,49%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,18%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng  14,13%; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,21% so với cùng kỳ năm trước.

- Ước tính một số sản phẩm sản xuất trong 6 tháng đầu  năm 2018 so với cùng cùng năm trước như sau:

Đá xây dựng khai thác 186.148 m3, tăng 26,07%  Tinh bột sắn sản xuất  118.731 tấn, tăng 10,73%  ; Đường RE 16.399 tấn, bằng 89,65% ; bàn, ghế sản xuất 108.885  chiếc, tăng  11,33% , điện sản xuất 502,87 triệu Kwh, tăng 14,35% .

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong  6 tháng đầu  năm 2018 tương đối ổn định một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì hoạt động ổn định và phát triển, có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước,  các nhà máy sản xuất tinh bột sắn do nguồn nguyên liệu đảm bảo đã hoạt động tương đối ổn định. Chỉ số ngành công nghiệp khai khoáng tăng cao do trong năm các công trình xây dựng trên địa bàn phát sinh nhiều với quy mô và  nguồn vốn đầu tư lớn, các công trình giao thông  nông thôn bê tông hóa các đường liên thôn, các công trình xây dựng nhà ở khu vực hộ dân cư … phát triển mạnh cần nhiều nguyên vật liệu xây dựng. Riêng  Công ty Cổ phần Đường Kon Tum do trong năm 2018 đi vào sản xuất chậm hơn so với năm 2017 [3](tháng 3 năm 2018 mới sản xuất ổn định) nên sản lượng đường giảm so với cùng kỳ năm trước.  Ngành sản xuất bàn, ghế tình hình tiêu thụ sản phẩm đến thời điểm hiện tại có thuận lợi hơn. Các ngành sản xuất khác như sản xuất trang phục, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại…tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định.

8. Thương mại, dịch vụ

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 6 năm 2018 đạt 1.452.600,0 triệu đồng, tăng 4,26% so với tháng trước.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp đạt 1.191.063,8 triệu đồng, chiếm 82,00% trong tổng mức và tăng 4,29% so với tháng trước; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 175.162,7 triệu đồng, chiếm 12,06% trong tổng mức và tăng 4,31% so với tháng trước; Ngành dịch vụ đạt 86.373,5 triệu đồng, chiếm 5,95% trong tổng mức và tăng 3,69% so với tháng trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 7.978.803,3 triệu đồng, tăng 9,64% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp đạt 6.574.487,2 triệu đồng, chiếm 82,40% trong tổng mức và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm trước; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 923.345,0 triệu đồng, chiếm 11,57% trong tổng mức và tăng 12,50% so với cùng kỳ năm trước; Ngành dịch vụ đạt 480.971,1 triệu đồng, chiếm 6,03% trong tổng mức và tăng 8,74% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn  tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng so với cùng kỳ năm trước là do: 6 tháng đầu năm 2018,  giá cả các mặt hàng tương đối ổn định và phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng nên sức mua tăng; một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã tăng cường triển khai các chương trình khuyến mại đối với một số mặt hàng, thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm kích thích lượng tiêu dùng cũng như sức mua của người dân; mặt khác các tháng đầu năm 2018 các ngành sản xuất khác phát triển tương đối ổn định, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh tăng và chi tiêu cho đời sống theo đó cũng tăng lên đã làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng so cùng kỳ là do các ngành kinh tế khác phát triển ổn định đã ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của một số ngành như dịch vụ lưu trú, kinh doanh bất động sản, dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ...

b) Vận tải

- Hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 6 năm 2018

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 6 năm 2018 đạt 131.763 triệu đồng, tăng 0,42% so với tháng trước, cụ thể như sau:

+ Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 50.798 triệu đồng, tăng  1,02%; Vận chuyển ước đạt 963 nghìn lượt khách, tăng 0,81%; Luân chuyển ước đạt 122.327 nghìn lượt khách.km, tăng 0,96%.

+ Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước đạt 80.421 triệu đồng, tăng  0,04%; Vận chuyển ước đạt 926 nghìn tấn, tăng 0,16%; Luân chuyển ước đạt 45.773 nghìn tấn.km, tăng  0,11%.

+ Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu ước đạt 544 triệu đồng, tăng 0,49%.

Doanh thu và khối lượng vận chuyển hành khách tăng so với tháng trước là do trong tháng có dịp nghỉ hè nên nhu cầu đi tham quan, du lịch cũng như đi về thăm quê của người dân tăng làm cho hoạt động vận tải hành khách tăng cao so với tháng trước. Hoạt động vận tải hàng hóa trong tháng ổn định không có biến động lớn so với tháng trước.

- Hoạt động vận tải, kho bãi ước tính 6 tháng đầu năm 2018

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính 6 tháng đầu năm 2018 đạt 785.537 triệu đồng, tăng 12,12% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

+ Vận tải hành khách: Doanh thu đạt 301.478 triệu đồng, tăng 11,71%; Vận chuyển đạt 5.700 nghìn lượt khách, tăng 9,88%; Luân chuyển đạt 720.449 nghìn lượt khách.km, tăng 8,98%.

+ Vận tải hàng hoá: Doanh thu đạt 480.903 triệu đồng, tăng 12,38%; Vận chuyển đạt 5.521 nghìn tấn, tăng 10,44%; Luân chuyển đạt 273.889 nghìn tấn.km, tăng 9,62%.

+ Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải, doanh thu đạt 3.156 triệu đồng, tăng 10,43%.

9. Các vấn đề xã hội

a) Dân số, đời sống dân cư

- Dân số

+ Ước tính dân số đến 30/6/2018 của tỉnh Kon Tum là 532.573 người tăng 24,08‰ so với cùng kỳ năm 2017.

+ Giải quyết việc làm

Công tác lao động, giải quyết việc làm được quan tâm; tổng số lao động được tạo việc làm thông qua chương trình việc làm từ đầu năm đến nay  là 410 lao động, đạt 24,8% so với kế hoạch.

Cung ứng lao động: Thực hiện cung ứng giới thiệu 242 lao động (đạt 44% so với kế hoạch năm) đi làm tại các công ty và xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Xuất khẩu lao động: Trong 5 tháng đầu năm 2018, có 70 lao động tham gia xuất khẩu lao động  ở thị trường các nước, (trong đó: Ả rập xê út 66 lao động, Đài Loan: 01 lao động, Nhật Bản: 03 lao động)

- Đời sống dân cư

+ Tình hình biến động đời sống của dân cư

Trong 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum tương đối ổn định, giá cả thị trường của một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất tuy có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng tăng giá đột biến; tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo, các vụ phạm pháp hình sự, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại... vẫn còn xảy ra nưng đã giảm về quy mô và mức độ so với các năm trước; tình hình dịch bệnh, sâu bệnh trên cây trồng và thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của Nhân dân. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, cùng các ngành, các cấp đã tăng cường công tác quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh, thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ, bảo đảm đồng bộ, không để xảy ra tình trạng chi phối, lũng loạn thị trường, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; rà soát và thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội; tích cực phòng chống dịch bệnh ở người và gia súc; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp, mâu thuẫn trong Nhân dân.

Thực hiện chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Tỉnh Kon Tum đã trích 12 tỷ đồng hỗ trợ vay không lãi suất cho 02 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Kon Tum, Công ty TNHH TM-DV Anh Thi). Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã chuẩn bị tương đối đầy đủ số lượng các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm công nghệ (dầu ăn, mắm, muối, bột ngọt, đường kính, hạt nêm, mì tôm,...); thực phẩm chế biến; bánh kẹo, nước ngọt, sữa các loại; thực phẩm tươi sống; trứng gia cầm và tổ chức các điểm bán hàng cố định tại địa bàn các huyện, thành phố; thực hiện bán hàng lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa tại 10/10 huyện trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, lượng hàng hóa phục vụ Tết tương đối đa dạng, đảm bảo số lượng và chất lượng, các doanh nghiệp tham gia bình ổn niêm yết giá thấp hơn 5-10% so với giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ngoài ra, để kịp thời phục vụ sản xuất của Nhân dân UBND tỉnh đã chỉ đạo tích cực kiểm tra các công trình thủy lợi để có biện pháp điều tiết, tưới tiết kiệm nước, có kế hoạch chủ động tích nước đồng thời điều tiết nước hợp lý, nạo vét, gia cố kênh mương nội đồng, khai thông dòng chảy nhằm tiết kiệm bảo đảm nguồn nước cho đến cuối vụ.

+ Thực trạng đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương và giải quyết việc làm: Trong những năm qua cùng với cơ chế, chính sách về lao động, tiền lương áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong khu vực Nhà nước, ngoài Nhà nước, cũng như khu vực sản xuất kinh doanh và khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước luôn được điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

+ Thực trạng đời sống dân cư nông thôn

Xác định tầm quan trong và ý nghĩa của công tác xây dựng nông thôn mới, song song với việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự nỗ lực của các Sở, ngành, sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện, đã đạt được những thành quả nhất định, như: Hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt; diện mạo nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có những thay đổi, nhờ đó phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân, được Nhân dân ủng hộ và đồng lòng triển khai thực hiện; đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 4-5%;... Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tình hình kinh tế - xã hội của các xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng khởi sắc và theo hướng phát triển bền vững, giá trị sản lượng nông nghiệp của toàn tỉnh liên tục tăng, chủng loại cây trồng, vật nuôi đa dạng hơn, nhiều sản phẩm nông nghiệp trở thành những hàng hóa xuất khẩu chủ đạo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh dần được cải thiện đáng kể. Song, kinh tế ở nông thôn vẫn là khu vực chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp vẫn mang nặng tính chất của nền sản xuất nhỏ, manh mún, tự cung tự cấp, nguồn lực lao động, tài nguyên khai thác, sử dụng còn hạn chế. Thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ gia đình ở nông thôn tuy đã thoát khỏi hộ nghèo, nhưng thực tế thu nhập chỉ cao hơn mức chuẩn nghèo không đáng kể. Người nông dân chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các thành tựu khoa học phát triển, các dịch vụ cơ bản như: vệ sinh, môi trường, y tế, giáo dục... Hệ thống hạ tầng nông thôn còn lạc hậu, chất lượng tương đối thấp.

Công tác đào tạo nghề: Công tác đào tạo nghề được quan tâm, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thực hiện gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2017 là 30,3%.

Tiếp tục duy trì các lớp cao đẳng, trung cấp nghề cho 721 học viên; tổ chức đào tạo nghề 1.262/3.140 lao động nông thôn, đạt 40,19% kế hoạch. Với mục tiêu đào tạo phải gắn với quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phải gắn với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đối với người lao động sau học nghề đã áp dụng và phát triển nhiều mô hình kinh tế bền vững, có hiệu quả cao như: trồng cao su, cà phê, bời lời, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Sau học nghề người lao động có cơ hội tự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tự tạo việc làm tại chỗ thông qua canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phục vụ cho việc phát triển kinh tế hộ gia đình, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi được đào tạo nghề chiếm trên 76,00%. Ngoài ra, thông qua công tác tư vấn giới thiệu việc làm người lao động được giới thiệu đến làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

+ An sinh xã hội

Công tác giảm nghèo: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo, tạo cho hộ nghèo có cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, các ngành các cấp thực hiện rà soát các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 có tỷ lệ hộ nghèo cao, hướng dẫn xây dựng dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2018.

+ Bảo trợ xã hội: Thường xuyên quan tâm đến các đối tượng hộ nghèo, hộ thiếu đói giáp hạt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn... Cụ thể:

Phân bổ gạo cứu đói hỗ trợ người dân có nguy cơ thiếu đói giáp hạt với 5.342 hộ/19.701 khẩu, số lượng gạo hỗ trợ 320,22 tấn.

Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết thiếu nhi 1/6 là 100 xuất quà với tổng trị giá là 25 triệu đồng; Ban Dân vận Trung ương hỗ trợ 50 xuất học bổng cho 50 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn học lực tốt, trị giá mỗi suất là 1 triệu đồng.

 Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, để Nhân dân trên toàn tỉnh đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những đối tượng khó khăn… để tất cả mọi người, mọi nhà đều đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, đầm ấm.

Tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng trong dịp Tết là 14.439,68 triệu đồng, 5.552 suất quà và 298,455 tấn gạo. Trong đó, tiền từ nguồn ngân sách Trung ương là 1.123,2 triệu đồng, số còn lại từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa do các cá nhân, tổ chức đóng góp, cụ thể như sau:

Công tác hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực hiện chế độ đối với đối tượng bảo trợ xã hội được triển khai kịp thời. Đã thực hiện chi trả trợ cấp tháng 02/2018 cho đối tượng bảo trợ xã hội đảm bảo trước tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tổ chức mừng thọ cho 187 người cao tuổi tròn 90 tuổi với mức quà 100.000 đồng/suất, tiền mặt 300.000 đồng/người, tổng trị giá 74,8 triệu đồng; chuyển 19 Thiếp mừng thọ và quà của Chủ tịch nước cho người cao tuổi tròn 100 tuổi; chuyển quà tặng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến gia đình đồng chí Y Một, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội (gồm 1,5 triệu đồng và thiệp chúc Tết). Xuất ngân sách tỉnh, ngân sách các huyện, thành phố 15.845 triệu đồng để hỗ trợ cho 22.222 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập và 3.942 hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, 8.388 hộ cận nghèo và 756 thôn, làng để đón Tết.

 Phân bổ 298,455 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ cho 5.287 hộ/19.897 khẩu thiếu đói dịp Tết 2018; đồng thời, triển khai việc tiếp nhận, phân bổ gạo từ chính phủ Cộng hòa Hàn Quốc hỗ trợ cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do bão Damrey và thiên tai trong năm 2017.

Thường trực Tỉnh ủy đã hỗ trợ cán bộ, công chức các cơ quan khối Đảng của tỉnh 351 triệu đồng; gặp mặt, tặng quà cho 161 cán bộ hưu trí; tỉnh đã hỗ trợ cho 756 thôn, làng đón Tết với tổng kinh phí là 2.268 triệu đồng (3 triệu đồng/thôn, làng); tổ chức gặp mặt và trao tặng quà cho các đại biểu đại diện các tầng lớp Nhân dân, nhân sỹ trí thức, chức sắc các tôn giáo, kiều bào, thân nhân kiều bào trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị 35,5 triệu đồng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận, trao tặng 1.480 suất quà của 05 tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho 1.480 người nghèo với tổng kinh phí 822,5 triệu đồng; Các huyện, thành phố trích nguồn kinh phí địa phương và tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức cá nhân, tổ chức thăm, tặng quà cho 157 đối tượng yếu thế trong xã hội với số tiền là  304,1 triệu đồng; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tiếp nhận và trao 1.500 suất quà với tổng giá trị 900 triệu đồng do Quỹ Thiện tâm-Tập đoàn Vingroup hỗ trợ cho hộ nghèo dịp Tết.

+ Thực hiện chính sách với người có công: Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, UBND tỉnh đã tổ chức thăm và tặng 7.540 suất quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí là 1.503,8 triệu đồng, trong đó:  quà của Chủ tịch nước là 5.549 suất với trị giá 1.123,2 triệu đồng; quà của tỉnh là 94 suất với trị giá 47 triệu đồng; quà của huyện, thành phố là 1.690 suất với trị giá 290 triệu đồng; quà của các tổ chức, cá nhân là 207 suất với trị giá 43,5 triệu đồng.

Thẩm định hồ sơ đề nghị tặng thưởng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; tặng và truy tặng “Huân chương độc lập” cho gia đình có nhiều liệt sĩ; tặng “Kỷ niệm chương” cho người bị địch bắt, tù đày.

Thực hiện cắt chế độ trợ cấp hàng tháng đối với 94 trường hợp; Giải quyết chế độ chính sách tăng mới cho 58 trường hợp; Giải quyết trợ cấp một lần và mai táng phí cho thân nhân người có công với cách mạng: 85 trường hợp.

b) Giáo dục

 Trong tháng 5 năm 2018, Ban chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tỉnh Kon Tum họp triển khai nhiệm vụ. Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo Đại học Nông - Lâm (Đại học Huế), Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum và đại diện các sở, ban, ngành tỉnh. Tại cuộc họp, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh kỳ thi THPT quốc gia năm 2018) thông qua Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kỳ thi THPT quốc gia 2018; dự thảo kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh của kỳ thi này. Theo Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, kỳ thi THPT quốc gia năm nay sẽ diễn ra từ ngày 25-27/6, tham dự kỳ thi có 4.474 thí sinh dự thi; trong đó, giáo dục THPT có 4.190 thí sinh và 284 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Tại kỳ họp, các thành viên đã tham gia ý kiến, thống nhất kế hoạch hoạt động và phân công nhiệm vụ liên quan, tập trung phối hợp, bố trí cán bộ nhân viên trực thuộc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông, bố trí đội ngũ y bác sĩ và cung ứng cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, bố trí y bác sĩ tại các điểm thi; đảm bảo hệ thống thông tin, liên lạc báo cáo, chỉ đạo kỳ thi, cũng như phục vụ thí sinh thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển cao đẳng, đại học sau khi có kết quả thi tốt nghiệp.

c) Y tế

- Tình hình dịch bệnh

+ Tay – Chân – Miệng: Trong tháng, ghi nhận 06 ca mắc mới (Đắk Hà 02, Đắk Tô 01, Đắk Glei 03) giảm 06 ca so với tháng trước và giảm 06 ca so với tháng 5/2017. Lũy tích đến 31/5/2018, ghi nhận 21 ca, giảm 30 ca so với cùng kỳ năm trước và không có tử vong.

+ Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 08 ca mắc mới, Đắk Tô 01, Ngọc Hồi 07) tăng 07 ca so với tháng trước, giảm 12 ca so với tháng 5/2017; trong đó ghi nhận 04 ổ dịch mới (Đắk Tô 01, Ngọc Hồi 03). Lũy tích đến 31/5/2018 ghi nhận 36 ca, giảm 40 ca so với cùng kỳ năm trước và không có tử vong.

+ Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 66 ca mắc mới (Đắk Hà 01, Đắk Tô 02, Đắk Glei 29, Tu Mơ Rông 03, Kon Rẫy 15, Kon Plong 10, Sa Thầy 04, Ia H’Drai 02), giảm 13 ca so với tháng trước và giảm 33 ca so với tháng 5/2017. Lũy tích đến 31/5/2018, ghi nhận 282 ca, giảm 422 ca so với cùng kỳ năm trước và không có tử vong.

+ Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 40 ca mắc mới (Đắk Hà 05, Đắk Glei 08, Tu Mơ Rông 01, Kon Rẫy 12, Kon Plong 01, Ia H’Drai 13), giảm 01 ca so với tháng trước và tăng 19 ca so với tháng 5/2017. Lũy tích đến 31/5/2018, ghi nhận 179 ca, tăng 97 ca so cùng kỳ năm trước và không có tử vong.

+ Bệnh dại: Trong tháng, không ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đến 31/5/2018, ghi nhận có 02 ca tử vong nghi do dại, tăng 04 ca so với cùng kỳ năm trước.

+ Sốt rét: Trong tháng, ghi nhận 15 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 05, Đắk Hà 02, Ngọc Hồi 01, Kon Plong 01, Kon Rẫy 01, Tu Mơ Rông 02, Sa Thầy 02, Ia H’Drai 01), giảm 01 ca so với tháng trước và giảm 02 ca so với tháng 5/2017. Lũy tích đến hết 31/5/2018, ghi nhận 72 ca, không có sốt rét ác tính và không có tử vong, giảm 01 ca so với cùng kỳ năm trước.

+ Viêm gan vi rút A: Trong tháng, ghi nhận 04 ca mắc mới (Đắk Hà 04), giảm 02 ca so với tháng trước và giảm 04 ca so với tháng 5/2017; trong đó ghi nhận 04 ổ dịch mới. Lũy tích đến hết 31/5/2018, ghi nhận 15 ca, không có tử vong, tăng 13 ca so với cùng kỳ năm trước.

+ Bệnh bạch Hầu: Trong tháng, ghi nhận 01 trường hợp mắc và tử vong (Đắk Hà 01), tăng 01 ca so với tháng trước, tăng 01 ca so với tháng 5/2017. Lũy tích đến hết 31/5/2018, ghi nhận 01 ca và tử vong, tăng 01 ca so với cùng kỳ năm trước.

+ Lao: Trong tháng, thu nhận và điều trị cho 23 bệnh nhân lao các thể, trong đó, AFB (+): 13 và lao kháng thuốc 01. Lũy tích đến hết 31/5/2018, thu nhận và điều trị 101 bệnh nhân lao các thể.

+ Phong: Trong tháng, tổng số bệnh nhân đang quản lý và điều trị: 224 bệnh nhân, trong đó  đã hóa trị liệu: 02 bệnh nhận, chăm sóc tàn tật 192 bệnh nhân, giám sát 30 bệnh nhân, đang quản lý và điều trị tại bệnh xá phong Đắk Kia: 62 bệnh nhân, trong đó có 18 bệnh nhân nội trú.

- Phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, ghi nhận 04 trường hợp nhiễm HIV mới. Lũy tích số nhiễm HIV/AIDS tính đến 31/5/2018 là 473 người trong đó bệnh nhân AIDS 273 và tử vong AIDS 174, số bệnh nhân hiện còn sống và đang quản lý được 129 người. Số bệnh nhân điều trị thuốc ARV 100 người, trong đó người lớn 94 (02 phụ nữ mang thai) và trẻ em 06.

- An toàn vệ sinh thực phẩm: Kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018 tại 1.281 cơ sở, trong đó xử lý vi phạm hành chính 24 cơ sở với số tiền 14,4 triệu đồng: Trong tháng không xảy ra vụ ngộ độc, ghi nhận 15 ca ngộ độc thực phẩm do ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Thực hiện test nhanh hóa chất 158 mẫu thực phẩm, kết quả có 154 test âm tính, 04 test dương tính với độ sạch bát đĩa.

d) Hoạt động văn hóa thể thao

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã khai mạc Trưng bày, giới thiệu sách, tài liệu nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 105 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum. Hơn 3.000 đầu sách, ấn phẩm và 60 tranh, ảnh được trưng bày theo 3 chủ đề: Đảng quang vinh - Bác Hồ vĩ đại - Mùa xuân tươi thắm, Mậu Thân 1968 – 50 năm nhìn lại, Kon Tum quê hương tôi. Các tư liệu trưng bày là những cuốn sách hay, tranh, ảnh thể hiện rõ nét truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam qua 88 năm thành lập và phát triển, ý nghĩa to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968, lịch sử 105 năm hình thành và phát triển của tỉnh Kon Tum. Bảo tàng tỉnh Kon Tum tổ chức Triển lãm di sản văn hóa "Cộng đồng ASEAN" và 10 năm khánh thành cột mốc biên giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa.

Để phục vụ Nhân dân đón giao thừa Xuân Mậu Tuất năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương bắn pháo hoa tại 04 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Theo đó, giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp (60 giàn/01 điểm) trong đêm giao thừa Tết Mậu Tuất 2018 (ngày 15/02/2018), tại 02 điểm trên địa bàn thành phố Kon Tum, gồm: Quảng trường 16/3 và Bờ kè sông Đắk Bla; huyện Đắk Tô 01 điểm và huyện Sa Thầy 01 điểm.

 Trong tháng 01 năm 2018 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, Ban Tổ chức Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI đã tổ chức Giải cờ vua, cờ tướng - 2 môn trong tổng số 15 môn thể thao thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI. Dự giải có trên 50 vận động viên nam, nữ của 8 đơn vị: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Công an tỉnh, thành phố Kon Tum và các huyện: Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Đắk Tô, Đắk Glei. Môn cờ vua thi đấu các nội dung: cá nhân nam, cá nhân nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ, theo thể thức thi đấu hệ Thụy Sỹ 5 ván. Môn cờ tướng thi đấu các nội dung: cá nhân nam, đồng đội nam, theo thể thức hệ Thụy Sỹ 7 ván. Sau 4 ngày thi đấu, Ban Tổ chức Đại hội TDTT tỉnh đã tổ chức lễ bế mạc và trao giải thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích tại Giải cờ vua, cờ tướng trong khuôn khổ Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI-2018.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Giải Việt dã - 1 trong 15 môn thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI-2018. Tham gia giải có trên 100 vận động viên nam - nữ của 7 đoàn.

Tổ chức Đại hội TDTT tỉnh Kon Tum lần thứ VI-2018. Tham gia Đại hội lần này có gần 1.500 cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên của 17 đoàn tham gia tranh tài ở 114 nội dung (bộ huy chương) của 15 môn (bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, cờ vua, việt dã, bóng đá nam 11 người, karatedo, teawondo, bóng chuyền, điền kinh, kéo co, bắn ná, đẩy gậy, cà kheo, billiards&snooker).

e) An ninh trật tự - An toàn giao thông (ANTT-ATGT)

- Tình hình  ANTT – ATGT tháng 05/2018

+ Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội (TTXH): Phát hiện 34 vụ (tăng 01 vụ so với tháng trước). Trong đó: trộm cắp tài sản 09 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 07 vụ, cố ý gây thương tích 07 vụ, đánh bạc 03 vụ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ 02 vụ, giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng 01 vụ, bắt người trái pháp luật 01 vụ, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 01 vụ, vô ý làm chết người 01 vụ, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức 01 vụ. Hậu quả: Chết 02 người, bị thương 08 người. Thiệt hại: mất 02 mô tô, 01 ĐTDĐ, 17 chiếc cồng, chiêng, 26,95 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản trị giá khoảng 130 triệu đồng. Thu giữ: 33,75 triệu đồng tiền mặt.

+ Tội phạm về ma túy: phát hiện 05 vụ về tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Thu giữ 07 gói tinh thể màu trắng nghi là ma túy.

+ Tội phạm kinh tế: không xảy ra.

+ Tai nạn giao thông: xảy ra 05 vụ (giảm 03 vụ so với tháng trước). Hậu quả: chết 05 người, không có người bị thương, hư hỏng 01 xe ô tô, 03 xe mô tô, 01 xe đạp.

Qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 1.881 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; tạm giữ 744 phương tiện, 712 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 2.025 trường hợp, thu 1.245,76 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

- Tình hình ANTT – ATGT 5 tháng đầu năm 2018

+ Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: phát hiện 176 vụ. Trong đó: Trộm cắp tài sản 50 vụ, cố ý gây thương tích 41 vụ, giết người 04 vụ, giết người, gây rối trật tự công cộng 01 vụ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ 17 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 10 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 08 vụ, chống người thi hành công vụ 02 vụ, dâm ô với trẻ em 01 vụ, cưỡng đoạt tài sản 03 vụ, cố ý gây thương tích dẫn đến chết người 01 vụ, sử dụng trái phép vật liệu nổ 01 vụ, làm nhục người khác 01 vụ, đánh bạc 09 vụ, chứa mại dâm 01 vụ, hiếp dâm trẻ em 02 vụ, gây rối trật tự công cộng 04 vụ, cướp tài sản 03 vụ, vô ý làm chết người 02 vụ, hủy hoại tài sản 03 vụ, đe dọa giết người 01 vụ, tàng trữ sử dụng vũ khí quân dụng 01 vụ, cố ý hủy hoại tài sản 01 vụ, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng 01 vụ, sử dụng con dấu tài liệu giả của cơ quan tổ chức 02 vụ, giao cấu với trẻ em 01 vụ, tham ô tài sản 01 vụ, cố ý làm hư hỏng tài sản 01 vụ, giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng 01 vụ, bắt giữ người trái pháp luật 01 vụ, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 01 vụ. Hậu quả: chết 16 người, bị thương 52 người. Thiệt hại: mất 07 mô tô, 08 ĐTDĐ, 02 máy tính xách tay, 01 Ipad, 243 cây bạch đàn, 17 chiếc cồng, chiêng, 5.053,77 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản trị giá khoảng 342,5 triệu đồng. Thu giữ: 01 ĐTDĐ và 75,78 triệu đồng tiền mặt.

+ Tội phạm về ma túy: phát hiện 19 vụ, trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 11 vụ, vận chuyển trái phép chất ma túy 01 vụ, tàng trữ trái phép chất ma túy và tàng trữ súng tự chế 01 vụ, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy 01 vụ, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy 05 vụ. Thu giữ: 01 gói và 0,4827g hêrôin; 7,9667g Methamphetamine, 05 gói ma túy đá, 07 gói bột màu trắng nghi ma túy, 03 ĐTDĐ, 01 xe mô tô, 01 súng rulo tự chế và 16 viên đạn, 5,0727 gram ma túy đá, 01 dao.

+ Tội phạm kinh tế (liên quan đến pháo): phát hiện 30 vụ, trong đó: Vận chuyển pháo trái phép 23 vụ, tàng trữ trái phép 02 vụ, sử dụng trái phép pháo 03 vụ, tàng trữ  vận chuyển trái phép pháo 02 vụ. Thu giữ 202.5 kg pháo nổ, 432,4 kg và 02 bánh pháo hoa, 227,8 kg và 90 hộp pháo.

+ Tai nạn giao thông: xảy ra 25 vụ. Hậu quả: chết 24 người, bị thương 25 người, hư hỏng 08 xe ô tô, 16 xe mô tô, 01 xe đạp.

Qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 9.874 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; tạm giữ 3.852 phương tiện, 3.885 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 10.361 trường hợp, thu 5.805,44 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

f) Tình hình cháy, nổ

Trong tháng 05/2018 xảy ra 03 vụ cháy (không tăng không giảm so với tháng trước), trong đó: Cháy nhà dân 01 vụ, cháy xe chở xăng dầu 02 vụ. Nguyên nhân do sự cố về điện 01 vụ, tai nạn giao thông 02 vụ. Lũy kế từ đầu năm đến nay xảy ra 21 vụ cháy, ước tổng thiệt hại khoảng 3.741 triệu đồng.

g) Vi phạm môi trường

6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 01 vụ vi phạm môi trường thuộc Công ty CP Trường Nhật (trụ sở chính: thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) với số tiền phạt 30 triệu đồng vì đã có các hành vi vi phạm hành chính trong khai thác cát thuộc làng Lung, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy.

 

 

[1] Căn cứ Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ngày  30 tháng 5 năm 2018 Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu GRDP ước 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh Kon Tum (tại văn bản số  542/TCTK-TKQG gửi UBND tỉnh Kon Tum).

([2]) Một số mức lãi suất huy động phổ biến : Từ 0,3%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,8%-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4%-6,9%/năm. Lãi suất huy động bằng USD thực hiện theo mức quy định tối đa 0% đối với tiền gửi cá nhân và tổ chức. Một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với mức lãi suất 8,5-9%/năm. 

[3]   Do nhà máy đường đã triển khai mở rộng dự án sản xuất nâng công suất từ 1.800 tấn/ngày lên 2.500 tấn/ngày.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC