• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Tư, 24/04/2024 17:17
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum tháng 3 năm 2018
Cập nhật: Thứ Hai, 02/04/2018 15:52

 

Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2018 trên địa bàn tỉnh nhìn chung phát triển ổn định. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được đảm bảo theo đúng lịch thời vụ; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng; hoạt động thương mại phát triển ổn định; công tác an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tình hình cụ thể ở các ngành, lĩnh vực như sau:

1. Tăng trưởng kinh tế

- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh 2 tháng đầu năm đạt 366.945 triệu đồng, đạt 16,7% dự toán và bằng 95,4% so với cùng kỳ năm trước.

- Chi ngân sách địa phương 2 tháng đầu năm đạt 858.796 triệu đồng, đạt 12,7% kế hoạch và bằng 96,2% so với cùng kỳ năm trước.

- Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2018 tăng 14,16% so cùng kỳ năm trước.

- Ước thực hiện giá trị sản xuất quý I năm 2018 ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo giá hiện hành đạt 1.799.015 triệu đồng, tăng 17,79% so cùng kỳ năm trước.

- Ước thực hiện giá trị sản xuất quý I năm 2018 ngành xây dựng trên địa bàn tỉnh KonTum theo giá so sánh 2010 đạt 1.247.914 triệu đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh quý I năm 2018 ước tính đạt 3.784.622,5 triệu đồng, tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước.

- Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính quý I năm 2018 đạt 391.472,6 triệu đồng, tăng 14,03 % so với cùng kỳ năm trước.

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3 tháng đầu năm 2018 tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước.

2. Tài chính, ngân hàng

a) Thu chi ngân sách

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 2 tháng đầu năm đạt 366.945 triệu đồng, đạt 16,7% dự toán và bằng 95,4% so với cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước quản lý: 167.720 triệu đồng, đạt 24,1% kế hoạch và tăng 17,9% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 111.592 triệu đồng, đạt 21,3% kế hoạch và tăng 20,1% so cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương 2 tháng đầu năm đạt 858.796 triệu đồng, đạt 12,7% kế hoạch và bằng 96,2% so với cùng kỳ. Chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 858.796 triệu đồng, đạt 12,7% kế hoạch và bằng 96,2% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển 237.023 triệu đồng, đạt 10,4% kế hoạch; chi thường xuyên 621.773 triệu đồng, đạt 14,2% kế hoạch.

b) Hoạt động ngân hàng ước quý I năm 2018

Ước tính tổng vốn huy động đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 2,4% (318 tỷ đồng) so với đầu năm và tăng 11,4% (1.383 tỷ) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng là 5.400 tỷ đồng (chiếm 40% nguồn vốn huy động).

Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt 25.500 tỷ đồng, tăng 19% (3.588 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.

Tín dụng nông nghiệp, phát triển nông thôn: Ước tính dư nợ đạt 10.000 tỷ đồng, tăng 1,62% so với tháng trước.

Tín dụng theo các chương trình, chính sách của Nhà nước ước đạt 2.230 tỷ đồng,  tăng 5,5% (117 tỷ đồng) so với tháng trước.

3. Giá cả, lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2018 giảm 0,58% so với tháng trước; tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,61% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2018 tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước.

 Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, so với tháng trước có 02 nhóm tăng: nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,03%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,06%; Có 08 nhóm giảm là nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,0%; nhóm Đồ uống và thuốc lá giảm 1,02%; nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,09%; nhóm Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,28%; nhóm Giao thông giảm 0,92%; nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,43%; nhóm giáo dục giảm 0,11%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,35%.

Giá vàng biến động theo giá vàng thế giới và trong nước với xu hướng giảm so với tháng trước, giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 3/2018 được bán với giá bình quân khoảng 3.475.000 đồng/chỉ, giảm 0,52% so với tháng trước; tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch ở mức 22.607 đồng/USD, tăng 0,16%.

4. Đầu tư và xây dựng

a) Vốn đầu tư

- Ước tính vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum quý I năm 2018 đạt 2.373.693 triệu đồng, tăng 56,85% so với cùng kỳ năm trước. 

Phân theo nguồn vốn:

Vốn nhà nước trên địa bàn thực hiện là 755.449 triệu đồng, chiếm 31,83% trong tổng số nguồn vốn, trong đó:

Vốn ngân sách nhà nước do trung ương quản lý đạt 267.097 triệu đồng, chiếm 35,36%; nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý đạt 488.352 triệu đồng, tăng 55,64 % so với cùng kỳ năm trước và chiếm 64,64%, chủ yếu đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu, xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế, ...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực ngoài nhà nước đạt 1.616.323 triệu đồng, tăng 47,08% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 68,09% trong tổng nguồn vốn, trong đó: Vốn đầu tư của doanh nghiệp đạt 716.446 triệu đồng, chiếm 44,33%; vốn đầu tư của các hộ gia đình đạt 899.877 triệu đồng, tăng 18,90% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 55,67%, chủ yếu đầu tư của khu vực hộ dân cư trong xây dựng, sửa chữa nhà, chăn nuôi, ...

Nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.921 triệu đồng, bằng 18,97% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 0,08% trong tổng nguồn vốn, chủ yếu thực hiện các khoản mục đầu tư mua sắm máy móc thiết bị không qua XDCB, bổ sung vốn lưu động và sửa chữa nâng cấp tài sản cố định của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phân theo khoản mục đầu tư:

Vốn đầu tư XDCB: 1.800.013 triệu đồng, chiếm 75,83% trong tổng nguồn vốn. Trong đó vốn xây dựng và lắp đặt thực hiện 1.494.408 triệu đồng, chiếm 83,02% trong số vốn đầu tư XDCB.

Vốn đầu tư mua sắm TSCĐ dùng cho sản xuất không qua XDCB:  207.359 triệu đồng, chiếm 8,74% trong tổng nguồn vốn.

Vốn đầu tư sửa chữa lớn, nâng cấp TSCĐ: 152.063 triệu đồng, chiếm 6,41% trong tổng nguồn vốn.

Vốn đầu tư bổ sung vốn lưu động: 142.575 triệu đồng, chiếm 6,01% trong tổng nguồn vốn.

Vốn đầu tư khác: 71.683 triệu đồng, chiếm 3,02% trong tổng nguồn vốn.

  • Tình hình thực hiện vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum quý I năm 2018 đạt 272.075 triệu đồng, tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra:

Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 194.880 triệu đồng, chiếm 71,63% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, môi trường nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn... Trong đó: Vốn cân đối ngân sách tỉnh đạt 116.617 triệu đồng, chiếm 59,84%; Vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 42.396 triệu đồng, chiếm 21,75%; Vốn ODA đạt 371 triệu đồng, chiếm 0,19%; Vốn Xổ số kiến thiết đạt 9.743 triệu đồng, chiếm 5,00%; Vốn khác đạt 25.753 triệu đồng, chiếm 13,21% trong tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh.

Vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 77.195 triệu đồng, chiếm 28,37% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó: Vốn cân đối ngân sách huyện đạt 37.535 triệu đồng, chiếm 48,62%; Vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 34.439 triệu đồng, chiếm 44,61%; Vốn khác đạt 5.221 triệu đồng, chiếm 6,76% trong tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện.

Trong  quý I năm 2018, nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý và vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cải tạo nâng cấp các tuyến đường giao thông, kiên cố hóa các kênh mương, công trình cấp nước sinh hoạt; công trình giáo dục; y tế… trên địa bàn các huyện, thành phố như: Đường giao thông từ mốc 743 - ĐBP 663 (Sông Thanh) xã Đăk PLô huyện Đăk Glei; Đường giao thông Quốc lộ 24 xã Đăk Côi (km0-km28) huyện Kon Rẫy; Đường bao quanh khu dân cư phía nam thành phố Kon Tum; Đường bao quanh khu dân cư phía bắc thành phố Kon Tum; Đường giao thông từ xã Đăk Tờ Re đi làng Kon Long Buk, Kon Đơ xing huyện Kon Rẫy; …

b) Xây dựng

- Ước giá trị sản xuất ngành xây dựng quý I năm 2018 theo giá hiện hành trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 1.799.015 triệu đồng, tăng 17,79% so cùng kỳ năm trước.

Chia theo loại hình doanh nghiệp:

Doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 1.183.035 triệu đồng, tăng 6,81% so với cùng kỳ năm trước.

Các loại hình khác (Hộ dân cư và xã/phường/thị trấn)  đạt  615.980 triệu đồng, tăng 46,74%  so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: Xã, phường/thị trấn đạt 42.126 triệu đồng, tăng 137,05% so với cùng kỳ năm trước; Hộ dân cư đạt 573.854 triệu đồng tăng 42,75% so với so cùng kỳ năm trước.

Chia theo loại công trình:

Công trình nhà ở: 510.408 triệu đồng, chiếm 28,37% trong tổng số và tăng 24,47% so với cùng kỳ năm trước.

Công trình nhà không để ở: 209.227 triệu đồng, chiếm 11,63%  trong tổng số và tăng 13,04% so với cùng kỳ năm trước.

Công trình kỹ thuật dân dụng: 1.060.297 triệu đồng, chiếm 58,93%  trong tổng số và tăng 15,83% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xây dựng chuyên dụng: 19.083 triệu đồng, chiếm 1,07%  trong tổng số và tăng 13,53% so với cùng kỳ năm trước.

  • Ước giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh quý I năm 2018 trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt 1.247.914 triệu đồng, tăng 12,3% so cùng kỳ năm trước.

Chia theo loại công trình:

Công trình nhà ở: 354.081 triệu đồng, chiếm 28,37% trong tổng số và tăng 18,68% so với cùng kỳ năm trước.

Công trình nhà không để ở: 145.145 triệu đồng, chiếm 11,63%  trong tổng số và tăng 7,79% so với cùng kỳ năm trước.

Công trình kỹ thuật dân dụng: 735.551 triệu đồng, chiếm 58,93%  trong tổng số và tăng 10,45% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xây dựng chuyên dụng: 13.137 triệu đồng, chiếm 1,07%  trong tổng số và tăng 7,42% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất thực hiện quý I năm 2018 tăng so với cùng kỳ năm trước tập trung ở khu vực hộ dân cư, chủ yếu xây dựng nhà ở mới với mức đầu tư cao và sửa chữa các công trình khác. Trong quý các đơn vị hoạt động xây lắp triển khai thi công các công trình trọng điểm có vốn đầu tư cao chuyển tiếp trong năm 2017 như:

Công trình kỹ thuật dân dụng: đường giao thông Quốc lộ 24 - Đăk Côi (km0-km28) Kon Rẫy, đường bao quanh khu dân cư phía Nam và phía Bắc thành phố Kon Tum, đường Nam Quảng Nam Km147+381-km160+944,54), đường từ xã Rờ Kơi huyện Sa Thầy đi xã Sa Loong huyện Ngọc Hồi (GĐ 1), đường giao thông từ xã Đăk Tờ Re đi làng Kon Long Buk, Kon Xum Luh, Kon Đơ Xing huyện Kon Rẫy, cầu qua sông ĐakBLa  số 01 (từ phường Thắng Lợi đi khu dân cư Kon Di  xã Đăk Rơ Wa thành phố Kon Tum, đường giao thông từ mốc 743 - đồn biên phòng 663 (Sông Thanh) xã Đăk Blô huyện ĐăkGlei, cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 675 (km40+500_km53+90) huyện Sa Thầy, đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã Đăk Ring đi thôn Kíp La, thôn Đăk Ang, huyện Kon Plong, đường giao thông từ thôn 3 đi thôn 4 (Kon Gộp) xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, nâng cấp, mở rộng đường từ tỉnh lộ 675 đi xã Ya Xia, huyện Sa Thầy... công trình thủy lợi, thủy lợi Đăk Liêng, huyện KonPlong, kênh chính (kênh cấp 1) Đăk Rơn Ga, huyện Đăk Tô, sửa chữa, nâng cấp Đập Bà Tri, huyện Đăk Hà...Thi công một số tuyến đường giao thông từ trung tâm các huyện đi các xã, thi công các đường giao thông nông thôn... sửa chữa thường xuyên các Quốc lộ (Quốc lộ 24, 40, 14C), các tỉnh lộ (tỉnh lộ 671, 672, 673, 674, 675, 676, 677, 678)...

Xây dựng công trình nhà không để ở: trụ sở làm việc huyện ủy, HĐND-UBND, mặt trận đoàn thể và các công trình phụ trợ  huyện Ia H’Drai, cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện đa khoa huyện Đăk Glei, nhà khách huyện Đăk Hà, kho lưu trữ huyện ủy Đăk Hà, sửa chữa, nâng cấp trụ  sở UBND xã Đăk Mar huyện Đăk Hà...  Công trình giáo dục: trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Ia H’Drai (giai đoạn 1), trường mầm non trung tâm thị trấn Đăk Glei huyện Đăk Glei, trường PTTH dân tộc nội trú huyện Kon Rẫy... Công trình văn hoá, sân vận động huyện Đăk Hà, nhà văn hóa  xã Ngọc Réo huyện Đăk Hà, trung tâm VHTT huyện Đăk Hà, nhà văn hóa  các  xã Ia Tơi, Ia Dal, Ia Dom huyện Ia H’Drai...  Và một số công trình  thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; dự án đầu tư tại các địa bàn huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a, các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư phục vụ mục tiêu an sinh xã hội; dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phục vụ sản xuất, dân sinh, như: kiên cố hóa hệ thống kênh thủy lợi, trụ sở HĐND-UBND các xã, sửa chữa nâng cấp và xây mới các hồ chứa nước, các công trình cấp nước sinh hoạt khu dân cư, bê tông hoá một số đường liên thôn… 

Các loại hình kinh tế khác (hộ dân cư, xã/phường/ thị trấn) trong quý hoạt động xây dựng chủ yếu do hộ dân cư đầu tư xây dựng nhà ở mới, sửa chữa nhà ở và các công trình liên quan (sân, tường rào, nhà kho, các công trình khác…). Các đơn vị xã, phường, thị trấn cùng nhân dân thực hiện thi công các công trình nhà văn hóa, nhà rông, hội trường, trường học mẫu giáo, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết…, bê tông hoá các đường liên thôn, liên xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở một số xã…

5. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Từ ngày 01/01/2018 đến ngày 28/02/2018 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 38 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 179,3 tỷ đồng; 53 doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và thay đổi hoạt động của 11 đơn vị phụ thuộc; đăng ký tạm ngừng kinh doanh 60 doanh nghiệp và 02 đơn vị phụ thuộc. Nhìn chung trong những tháng đầu năm các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động tương đối ổn định và  tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.

6. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt: Tình hình sản xuất Vụ Đông xuân 2017-2018

Tính đến thời điểm 31/3/2018, tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm trên địa bàn tỉnh Kon Tum là: 11.140ha, giảm 0,04% (-5ha) so với cùng kỳ vụ Đông xuân năm trước.

Cây lúa DTGT: 7.102 ha, tăng 0,65% (+46 ha) so cùng kỳ vụ Đông xuân năm trước. Diện tích gieo trồng cây lúa tăng là do ngay từ đầu vụ thời tiết tương đối thuận lợi nên người dân tập trung làm đất và gieo sạ. Bên cạnh đó do mùa mưa 2017 kết thúc sớm, người dân đã tận dụng những diện tích vùng bán ngập để gieo cấy các giống lúa ngắn ngày.

Cây ngô DTGT: 1.102 ha, tăng 3,09% (+33 ha) so cùng kỳ vụ Đông xuân năm trước. Diện tích ngô tăng cao do người dân tận dụng một số diện tích trồng lúa thiếu nước tưới sang trồng ngô lai.

Cây mía: DTGT mía toàn tỉnh là: 1.610 ha, giảm 1,59 % (-26 ha) so cùng kỳ năm trước.

Cây lạc DTGT: 29 ha, giảm 6,45% (-2 ha) so cùng kỳ năm trước.

Rau các loại DTGT: 1.080 ha, tăng 2,08% (+22 ha) so cùng kỳ năm trước.

Đậu các loại DTGT: 108 ha, tăng 3,85% (+4 ha) so cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, Vụ đông xuân 2017-2018 thời tiết tương đối thuận lợi, cây trồng vụ Đông xuân sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, đang là mùa khô, Công ty khai thác công trình thủy lợi, UBND các xã, phường, thị trấn đã có kế hoạch chủ động tích nước đồng thời điều tiết nước hợp lý, nạo vét, gia cố kênh mương nội đồng, khai thông dòng chảy nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng trong vụ.

- Chăn nuôi:

Tình hình chăn nuôi: Trong quý tổng đàn tương đối ổn định.

Tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc: Trong quý I năm 2018, trên địa bàn tỉnh xuất hiện bệnh dịch (LMLM) tại 04 huyện: Đăk Glei, Sa Thầy, Đăk Hà và Ia H’Drai. Tổng số gia súc mắc bệnh 293 con (trâu 11, bò 213 con, lợn 69 con), số gia súc điều trị khỏi bệnh 218 con (trâu 11, bò 207), số gia súc bị tiêu hủy 75 con (bò 6, lợn 69).

b) Lâm nghiệp

Ước tính đến thời điểm 31/3/2018, công tác trồng rừng mới tập trung trên địa bàn tỉnh chưa tiến hành, vì hiện nay mùa khô ở Tây nguyên.

          Công tác khai thác lâm sản: ước tính đến ngày 31/3/2018, trên địa bàn tỉnh lượng gỗ khai thác là 487 m3, tăng 153,65% (+ 295 m3) so với cùng kỳ năm trước. Lượng gỗ khai thác tăng chủ yếu là rừng trồng Công ty nguyên liệu giấy Miền nam; Sản lượng củi khai thác là 63.051ste, giảm 1,62% (-1.041Ste) so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 15/3/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích thiệt hại là 3,15 ha. Các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

c) Thuỷ sản

Ước tính đến ngày 31/3/2018, diện tích nuôi trồng thủy sản là 644 ha, tăng 4,38% (+27 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng sản phẩm thuỷ sản ước tính là 817 tấn, tăng 16,05% (+113 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó:

Sản lượng nuôi trồng nước ngọt ước tính là 473 tấn, tăng 17,66% (+71 tấn) so với cùng kỳ năm trước;

Sản lượng khai thác nước ngọt ước tính là 344 tấn, tăng 13,91% (+42 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng sản phẩm thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước do diện tích nuôi trồng tăng. Bên cạnh đó việc khai thác đánh bắt trên các lòng hồ thủy lợi, thuỷ điện thuận lợi nên các hộ khai thác đã tăng đầu tư phương tiện đánh bắt làm cho sản lượng thuỷ sản tăng lên.

7. Sản xuất công nghiệp

- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2018

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3 năm 2018 ước tính tăng 12,14% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 12,42%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,11%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng  26,47% ; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 26,24% so với cùng kỳ năm trước.

So với tháng trước chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 3 năm 2018 ước tính tăng 18,54%. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng bằng 73,16%; ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng  41,40%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,69%.... Nhìn chung sau thời gian nghỉ tết Nguyên đán Mậu Tuất, các đơn vị sản xuất đã đi vào hoạt động bình thường, trong tháng 3 nhà máy đường Kon Tum đã đi vào sản xuất ổn định.  Riêng ngành sản xuất và phân phối điện do trong tháng  thủy văn không thuận  lợi,  lượng nước trên các hồ thủy điện không đảm bảo cho các nhà máy hoạt động hết công suất nên các đơn vị sản xuất điện đã điều tiết giảm công suất nhà máy để ổn định sản xuất. Ngành khai thác cung cấp nước, thu gom và xử lý rác thải vẫn ổn định sản xuất.

- Tình hình hoạt động  sản xuất công nghiệp quý I năm 2018

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2018 tăng 14,16% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng  15,30%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,13%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng  14,74% ; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 27,05% so với cùng kỳ năm trước.

Ước tính một số sản phẩm sản xuất trong quý I năm 2018 như sau:

So với cùng kỳ năm trước lượng đá xây dựng khai thác 114.073 m3, tăng 17,95%; Tinh bột sắn sản xuất 90.689 tấn, tăng 19,74%; Đường RE 7.409 tấn, bằng 60,72%;  bàn, ghế sản xuất 47.356  chiếc, tăng  10,4%; điện sản xuất 250,4 triệu Kwh, tăng 14,92%.

          Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong  quý I năm 2018 tương đối ổn định một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì hoạt động ổn định và phát triển, có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm trước, các nhà máy sản xuất tinh bột sắn do nguồn nguyên liệu đảm bảo đã hoạt động tương đối ổn định. Riêng Công ty Cổ phần Đường Kon Tum sản xuất trong 2 tháng đầu năm chưa ổn định nên sản lượng đường giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngành sản xuất bàn, ghế tình hình tiêu thụ sản phẩm đến thời điểm hiện tại có thuận lợi hơn. Các ngành sản xuất khác như sản xuất trang phục, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại…tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định.

8. Thương mại, dịch vụ

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 3 năm 2018 đạt 1.201.514,9 triệu đồng, giảm 2,57% so với tháng trước.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp đạt 989.471,1 triệu đồng, chiếm 82,35% trong tổng mức và giảm 4,6% so với tháng trước, doanh thu nhóm ngành thương nghiệp tháng 3 giảm so tháng trước chủ yếu do nhu cầu mua sắm các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc...giảm mạnh sau tết Nguyên đán, trong khi đó các nhóm hàng này chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu ngành thương nghiệp bán lẻ; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 136.652,6 triệu đồng, chiếm 11,37% trong tổng mức và tăng 10,77% so với tháng trước; Ngành dịch vụ đạt 75.391,2 triệu đồng, chiếm 6,27% trong tổng mức và tăng 3,62% so với tháng trước. Sau thời gian tạm nghỉ đón tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch và dịch vụ khác đã nhanh chóng trở lại hoạt động sản xuất nên doanh thu các ngành này tăng cao so tháng trước.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh quý I năm 2018 ước tính đạt 3.784.622,5 triệu đồng, tăng 6,66% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp đạt 3.137.182,3 triệu đồng, chiếm 82,35% trong tổng mức và tăng 6,81% so với cùng kỳ năm trước; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 416.255,0 triệu đồng, chiếm 11,00% trong tổng mức và tăng 5,98% so với cùng kỳ năm trước; Ngành dịch vụ đạt 231.185,2 triệu đồng, chiếm 6,11% trong tổng mức và tăng 5,81% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn trong quý I năm 2018 tăng so với cùng kỳ năm trước là do: 3 tháng đầu năm 2018, tính cả thời điểm tết Nguyên đán, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định và phù hợp với thu nhập của số đông người tiêu dùng nên sức mua tăng; một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã tăng cường triển khai các chương trình khuyến mại đối với một số mặt hàng, thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm kích thích lượng tiêu dùng cũng như sức mua của người dân; mặt khác trong năm 2017 các ngành sản xuất khác phát triển ổn định, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh tăng và chi tiêu cho đời sống trong dịp tết Mậu Tuất theo đó cũng tăng lên đã làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng.

b) Vận tải

- Hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 3 năm 2018

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính tháng 3 năm 2018 đạt 130.831,35 triệu đồng, tăng 0,3% so với tháng trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu ước đạt 50.039,08 triệu đồng, giảm      2,23%; Vận chuyển ước tính đạt 951 nghìn lượt khách, tăng 0,64%; Luân chuyển ước tính đạt 120.254,07 nghìn lượt khách.km, tăng 1,4%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu ước tính đạt 80.273,74 triệu đồng, tăng  1,94%; Vận chuyển ước đạt 922,73 nghìn tấn, tăng 2,39%; Luân chuyển ước đạt 45.571,13 nghìn tấn.km, tăng  1,37%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải ước tính đạt 518,53 triệu đồng, tăng 0,41%.

Doanh thu hoạt động vận tải hành khách giảm so với tháng trước là do giá vận tải hành khách đã bình ổn trở lại, số lượng hành khách vận chuyển và luân chuyển tăng là do hoạt động vận chuyển đã ổn định lượng hành khách đi lại hai chiều. Hoạt động vận tải hàng hóa cũng tăng là do nhu cầu vận chuyển nguồn hàng hoá cho sản xuất và tiêu dùng phục vụ nhân dân tăng trở lại sau Tết, đồng thời đây là tháng mùa khô nên thuận tiện cho hoạt động vận tải phục vụ ngành xây dựng.

- Hoạt động vận tải, kho bãi ước tính quý I năm 2018

Doanh thu vận tải, kho bãi ước tính quý I năm 2018 đạt 391.472,60 triệu đồng, tăng 14,03% so với cùng kỳ năm trước, cụ thể như sau:

Vận tải hành khách: Doanh thu đạt 150.136,31 triệu đồng, tăng 12,68%; Vận chuyển đạt 2.826,58 nghìn lượt khách, tăng 10,61%; Luân chuyển đạt 335.949,61 nghìn lượt khách.km, tăng 9,88%.

Vận tải hàng hoá: Doanh thu đạt 239.794,31 triệu đồng, tăng 14,92%; Vận chuyển đạt 2.747,04 nghìn tấn, tăng 11,65%; Luân chuyển đạt 136.685,69 nghìn tấn.km, tăng 12,87%.

Hoạt động kho bãi, hỗ trợ vận tải đạt 1.541,98 triệu đồng, tăng 8,8%.

9. Các vấn đề xã hội

a) Đời sống dân cư

  • Tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong quý I năm 2018 tương đối ổn định, giá cả thị trường của một số mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất tuy có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng tăng giá đột biến; tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo, các vụ phạm pháp hình sự, buôn bán hàng cấm, gian lận thương mại... vẫn còn xảy ra những đã giảm về quy mô và mức độ so với các năm trước; tình hình dịch bệnh, sâu bệnh trên cây trồng và thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh, cùng các ngành, các cấp đã tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, sử dụng các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; triển khai các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; rà soát và thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội; tích cực phòng chống dịch bệnh ở người và gia súc; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc khiếu kiện, tranh chấp, mâu thuẫn trong Nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong những ngày làm việc trước và sau Tết.
  •  Thực hiện chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Tỉnh Kon Tum đã trích 12 tỷ đồng hỗ trợ vay không lãi suất cho 02 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Kon Tum, Công ty TNHH TM-DV Anh Thi). Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đã chuẩn bị tương đối đầy đủ số lượng các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm công nghệ; thực phẩm chế biến; bánh kẹo, nước ngọt, sữa các loại; thực phẩm tươi sống; trứng gia cầm và tổ chức các điểm bán hàng cố định tại địa bàn các huyện, thành phố; thực hiện bán hàng lưu động về các xã vùng sâu, vùng xa tại 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
  • Ngoài ra, để kịp thời phục vụ sản xuất của nhân dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo tích cực kiểm tra các công trình thủy lợi để có biện pháp điều tiết, tưới tiết kiệm nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang là mùa khô, Công ty khai thác công trình thủy lợi, UBND các xã, phường, thị trấn đã có kế hoạch chủ động tích nước đồng thời điều tiết nước hợp lý, nạo vét, gia cố kênh mương nội đồng, khai thông dòng chảy nhằm tiết kiệm bảo đảm nguồn nước cho đến cuối vụ.

-  Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương

Trong những năm qua cùng với cơ chế, chính sách về lao động, tiền lương áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong khu vực Nhà nước, ngoài Nhà nước, cũng như khu vực sản xuất kinh doanh và khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước luôn được điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.  Vì vậy, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang dần được cải thiện hơn so với năm trước.

Cũng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, các doanh nghiệp đã tổ chức chi trả tiền lương tháng 01/2018 cho người lao động. Trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã trích thưởng Tết cho người lao động với mức thưởng thấp nhất là 3 triệu đồng/người, mức cao nhất là 31 triệu đồng/người. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều trích thưởng tháng lương 13 cho người lao động.

- Giải quyết việc làm

Tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề: Tổng số lao động được tư vấn tìm việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động là 136 người, đạt 8,24% kế hoạch (1.650 người).

Cung ứng lao động: Thực hiện cung ứng giới thiệu 55 lao động đi làm tại các công ty và xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đạt 10% kế hoạch (550 người).

Xuất khẩu lao động: Trong 02 tháng đầu năm 2018, có 23 lao động tham gia xuất khẩu lao động (trong đó: Ả rập xê út 17 lao động, Đài Loan: 03 lao động, Nhật Bản: 03 lao động).

Tổng số người nộp hồ sơ hưởng chế độ Bảo hiểm thất nghiệp là: 163 người (trong đó DTTS 33 người) và ban hành quyết định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp: 172 người (trong đó: nam: 94 người, nữ: 78 người) với tổng kinh phí chi trợ cấp thất nghiệp là 1.068,96 triệu đồng; thực hiện tư vấn chính sách Bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm việc làm cho 81 người.

- Thực trạng đời sống dân cư nông thôn

Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác xây dựng nông thôn mới, song song với việc chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định Số 22/2017/QĐ-UBND, ngày 15 tháng 5 năm 2017 của UBND tỉnh Kon Tum quy định mức đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới đối với từng khu vực trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017- 2020, thay thế Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 26/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc quy định mức đạt chuẩn nông thôn mới đối với từng khu vực trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013-2020.

Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự nỗ lực của các Sở, ngành, sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện, đã đạt được những thành quả nhất định, như: Hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt; diện mạo nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có những thay đổi, nhờ đó phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong toàn dân, được Nhân dân ủng hộ và đồng lòng triển khai thực hiện; đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm 4-5%;... Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có 13 xã đạt tiêu chí.

Tình hình kinh tế - xã hội của các xã đạt chuẩn nông thôn mới ngày càng khởi sắc và theo hướng phát triển bền vững, giá trị sản lượng nông nghiệp của toàn tỉnh liên tục tăng, chủng loại cây trồng, vật nuôi đa dạng hơn, nhiều sản phẩm nông nghiệp trở thành những hàng hóa xuất khẩu chủ đạo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận người dân thuộc khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh dần được cải thiện đáng kể. Song, kinh tế ở nông thôn vẫn là khu vực chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp vẫn mang nặng tính chất của nền sản xuất nhỏ, manh mún, tự cung tự cấp, nguồn lực lao động, tài nguyên khai thác, sử dụng còn hạn chế. Thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ gia đình ở nông thôn tuy đã thoát khỏi hộ nghèo, nhưng thực tế thu nhập chỉ cao hơn mức chuẩn nghèo không đáng kể. Người nông dân chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các thành tựu khoa học phát triển, các dịch vụ cơ bản như: vệ sinh, môi trường, y tế, giáo dục... Hệ thống hạ tầng nông thôn còn lạc hậu, chất lượng tương đối thấp.

  • Công tác đào tạo nghề

Công tác đào tạo nghề được quan tâm, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai đúng hướng, phù hợp với nhu cầu tạo nguồn lao động cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục duy trì đào tạo các lớp trung cấp nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, với mục tiêu đào tạo phải gắn với quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và phải gắn với nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đối với người lao động sau học nghề đã áp dụng và phát triển nhiều mô hình kinh tế bền vững, có hiệu quả cao như: trồng cao su, cà phê, bời lời, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Sau học nghề người lao động có cơ hội tự chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tự tạo việc làm tại chỗ thông qua canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phục vụ cho việc phát triển kinh tế hộ gia đình, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi được đào tạo nghề chiếm trên 76%. Ngoài ra, thông qua công tác tư vấn giới thiệu việc làm người lao động được giới thiệu đến làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

- An sinh xã hội

+ Công tác giảm nghèo: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các hộ nghèo, tạo cho hộ nghèo có cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo đó, các ngành các cấp thực hiện rà soát các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135 có tỷ lệ hộ nghèo cao, hướng dẫn xây dựng dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2018.

Các ngành chức năng của tỉnh hướng dẫn triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2018-2020 theo Nghị quyết số 44/2017/NQ-HĐND, ngày 11/12/2017 của HĐND tỉnh Kon Tum.

+ Bảo trợ xã hội: Thường xuyên quan tâm đến các đối tượng hộ nghèo, hộ thiếu đói giáp hạt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn... Cụ thể:

 Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, để Nhân dân trên toàn tỉnh đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quan tâm, tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những đối tượng khó khăn… để tất cả mọi người, mọi nhà đều đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, đầm ấm.

Tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng trong dịp Tết là 14.439,68 triệu đồng, 5.552 suất quà và 298,455 tấn gạo. Trong đó, tiền từ nguồn ngân sách Trung ương là 1.123,2 triệu đồng, số còn lại từ nguồn ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa do các cá nhân, tổ chức đóng góp.

Ngày 02-02-2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng đoàn công tác Trung ương đã tới thăm, làm việc và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Rờ Kơi, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; trao tặng 100 suất quà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy với tổng giá trị 110 triệu.

Thường trực Tỉnh ủy đã hỗ trợ cán bộ, công chức các cơ quan khối Đảng tỉnh 351 triệu đồng; gặp mặt, tặng quà cho 161 cán bộ hưu trí; tỉnh đã hỗ trợ cho 756 thôn, làng đón Tết với tổng kinh phí là 2.268 triệu đồng (3 triệu đồng/thôn, làng); tổ chức gặp mặt và trao tặng quà cho các đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân, nhân sỹ trí thức, chức sắc các tôn giáo, kiều bào, thân nhân kiều bào trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị 35,5 triệu đồng.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức Chương trình “Tết sum vầy 2018’; tặng 340 suất quà cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 170 triệu đồng; tặng 05 ngôi nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trị giá 130 triệu đồng. Thực hiện Chương trình “Ngày hội bánh chưng xanh vì người nghèo” tại vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, kết hợp với tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn các xã với 69.983 hộ tham gia, tổng kinh phí thực hiện là 5.698 triệu đồng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận, trao tặng 1.480 suất quà của 05 tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cho 1.480 người nghèo với tổng kinh phí 822,5 triệu đồng; Các huyện, thành phố trích nguồn kinh phí địa phương và tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức cá nhân, tổ chức thăm, tặng quà cho 157 đối tượng yếu thế trong xã hội với số tiền là  304,1 triệu đồng; Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh tiếp nhận và trao 1.500 suất quà với tổng giá trị 900 triệu đồng do Quỹ Thiện tâm-Tập đoàn Vingroup hỗ trợ cho hộ nghèo dịp Tết.

+ Thực hiện chính sách với người có công: Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, UBND tỉnh đã tổ chức thăm và tặng 7.540 suất quà cho các đối tượng là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí là 1.503,8 triệu đồng.

Thẩm định hồ sơ, giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày cho 02 đối tượng; Tiếp nhận hồ sơ xác minh 07 trường hợp tù đày.

Thực hiện cắt chế độ trợ cấp hàng tháng đối với 34 người có công cách mạng, nâng tổng số trường hợp cắt giảm là 52 trường hợp; Giải quyết chế độ chính sách tăng mới cho 21 trường hợp, nâng tổng số trường hợp giải quyết tăng là 34 trường hợp; Giải quyết trợ cấp một lần và mai táng phí cho thân nhân người có công với cách mạng: 30 trường hợp, nâng tổng số được trợ cấp từ đầu năm đến nay là 50 trường hợp.

b) Giáo dục

Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum và các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp năm 2018. Xoay quanh chủ đề “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” có gần 1.500 học sinh lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tham gia. Đại diện một số Sở, ngành của tỉnh như: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp kinh doanh - hoạt động đa lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Kon Tum, nhu cầu nguồn nhân lực đáp ứng việc làm.

c) Y tế tháng 02/2018

- Tình hình dịch bệnh

Sốt xuất huyết Dengue: Trong tháng, ghi nhận 09 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 05, Ngọc Hồi 03, Sa Thầy 01), bằng với tháng trước và tăng 09 ca so với tháng 02/2017; trong đó ghi nhận 07 ổ dịch mới.

Thủy đậu: Trong tháng, ghi nhận 38 ca mắc mới (Đăk Hà 04, Đăk Tô 01, Ngọc Hồi 03, Đăk Glei 07, Tu Mơ Rông 05, Kon Rẫy 13, Kon Plong 01, Ia H’Drai 04), tăng 10 ca so với tháng trước và giảm 12 ca so với tháng 02/2017. Lũy tích đến 28/02/2018, ghi nhận 66 ca, giảm 01 ca so cùng kỳ năm trước và không có tử vong.

Quai bị: Trong tháng, ghi nhận 23 ca mắc mới (Đăk Hà 01, Kon Rẫy 08, Ia H’Drai 14), giảm 22 ca so với tháng trước và tăng 08 ca so với tháng 02/2017. Lũy tích đến 28/02/2018, ghi nhận 68 ca, tăng 41ca so cùng kỳ năm trước và không có tử vong.

Bệnh dại: Trong tháng, ghi nhận 01 ca tử vong nghi do dại (thành phố Kon Tum), bằng so tháng trước và tăng 01 ca so với tháng 02/2017. Lũy tích đến hết 28/02/2018, có 02 ca tử vong nghi do dại, tăng 02 ca so với cùng kỳ năm trước.

Sốt rét: Trong tháng, ghi nhận 12 ca mắc mới (thành phố Kon Tum 01, Ngọc Hồi 01, Kon Plong 01, Kon Rẫy 01, Tu Mơ Rông 01, Sa Thầy 02, Ia H”Drai 04, ngoại lai 01), giảm 08 ca so với tháng trước và giảm 05 ca so với tháng 02/2017. Lũy tích đến hết 28/02/2018, ghi nhận 32 ca và không có tử vong.

Lao: Trong tháng, thu nhận và điều trị cho 22 bệnh nhân lao các thể, trong đó, AFB (+): 13, lao phổi AFB (-) và lao ngoài phổi: 09.

Phong: Trong tháng, ghi nhận 01 bệnh nhân phong mới. Lũy tích đến 28/02/2018 quản lý và điều trị 226 bệnh nhân phong, trong đó đã hóa trị liệu 02, chăm sóc tàn tật 187, theo dõi và giám sát 37; số bệnh nhân được cắt lọc, nạo vét lỗ đáo: 04 (lỗ đáo viêm xương), tập vật lý trị liệu 14.

Trong tháng, không ghi nhận mắc mới các bệnh viêm não Nhật Bản, cúm A (H1N1, H5N1, H7N9...), viêm gan vi rút A, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona, bệnh do vi rút Zika, tay-chân - miệng, bạch hầu; không phát hiện trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại khu vực cửa khẩu.

- Phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng, không ghi nhận trường hợp nhiễm HIV mới. Tổng số bệnh nhân điều trị thuốc ARV 92 người, trong đó người lớn 86 (02 phụ nữ mang thai) và trẻ em 06.

- An toàn vệ sinh thực phẩm: Kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ Hội xuân năm 2018: Tổng số cơ sở được kiểm tra 1.127 cơ sở; trong đó đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm 806 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 120 cơ sở với số tiền 97,75 triệu đồng. Trong tháng, không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Tiêm chủng mở rộng: Tính đến 28/02/2018, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ đạt 12,6%, tiêm phòng uốn ván UV2+ (02 mũi trở lên) cho phụ nữ có thai 9,6%.

d) Hoạt động văn hóa thể thao

- Kỷ niệm 105 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum: Sáng ngày 17/01/2018 tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum đã diễn ra Triển lãm di sản văn hóa "Cộng đồng ASEAN" và 10 năm khánh thành cột mốc biên giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Phu Cưa. Triển lãm diễn ra trong 5 ngày (17 - 21/01) tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum. Chiều 17/01/2018, tại Hội trường Ngọc Linh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Kon Tum đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 105 năm Ngày thành lập tỉnh Kon Tum. Tối 17/01, tại Quảng trường 16/3 (thành phố Kon Tum) đã tổ chức Chương trình nghệ thuật “105 mùa xuân Kon Tum”.

- Sáng 01/02, tại Thư viện tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã khai mạc Trưng bày, giới thiệu sách, tài liệu nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 105 năm ngày thành lập tỉnh Kon Tum.

- Để phục vụ Nhân dân đón giao thừa Xuân Mậu Tuất năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương bắn pháo hoa tại 04 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

- Từ ngày 17 - 20/01/2018 tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, Ban Tổ chức Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI đã tổ chức Giải cờ vua, cờ tướng là 2 môn trong tổng số 15 môn thể thao thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI. Dự giải có trên 50 vận động viên nam, nữ của 8 đơn vị: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Công an tỉnh, thành phố Kon Tum và các huyện: Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Glei.

- Chương trình sắc Xuân Mậu Tuất năm 2018, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức diễn ra trong 03 ngày (từ 19-21/02) gồm nhiều hoạt động, như: đua thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla; diễn tấu cồng chiêng, múa xoang; khám phá trò chơi dân gian đánh đu, cầu khỉ, leo cột trơn, cầu bập bênh; trải nghiệm cùng nghề nặn tò he, ẩm thực bản địa.... Ngay sau lễ khai hội, hàng nghìn người dân và du khách đã cùng cổ vũ cho Giải đua thuyền độc mộc truyền thống trên sông Đăk Bla. Giải năm nay có 51 thuyền đua với 84 vận động viên của 7 đơn vị thuộc huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum tham gia.

 - Sáng 11/3, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Giải Việt dã là 1 trong 15 môn thi đấu tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI-2018. Tham gia giải có trên 100 vận động viên nam, nữ của 7 đoàn: Công an tỉnh, Sở Giáo dục Đào tạo, thành phố Kon Tum và các huyện: Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei, Đăk Hà.

e) Tai nạn giao thông

- Tình hình An ninh trật tự - An toàn giao thông tháng 02/2018

Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 38 vụ (giảm 16 vụ so với tháng trước). Trong đó: Cố ý gây thương tích 09 vụ, trộm cắp tài sản 09 vụ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ 06 vụ, cưỡng đoạt tài sản 02 vụ, cố ý làm hư hỏng tài sản 03 vụ, hủy hoại tài sản 02 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 01 vụ,  hiếp dâm 02 vụ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép 01 vụ, đánh bạc 01 vụ, vô ý làm chết người 01 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 01 vụ. Hậu quả: Chết 04 người, bị thương 10 người. Thiệt hại: Mất 01 máy tính xách tay, 04 mô tô, 107.491 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản khác trị giá khoảng 18 triệu đồng, hư hỏng 01 ô tô, 01 xe đầu kéo, 06 mô tô.

 Tội phạm ma túy: Phát hiện 11 vụ (tăng 06 vụ so với tháng trước). Trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 09 vụ, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng 01vụ, sử dụng trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ 0,17 gram và 16 gói ma túy đá, 01 gói và 0,08 gram heroin, 01 súng Rulo, 09 viên đạn, 01 mô tô, 01 ô tô.

Tai nạn giao thông: Xảy ra 05 vụ (giảm 06 vụ so với tháng trước). Hậu quả: Chết 05 người (giảm 06 người so với tháng trước), bị thương 03 người (giảm 09 người so với tháng trước), hư hỏng 08 xe mô tô.

Qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 1.777 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; tạm giữ 1.078 phương tiện, 531 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 2.035 trường hợp, thu 1.484,698 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

- Tình hình An ninh trật tự - An toàn giao thông 2 tháng đầu năm 2018

Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Phát hiện 92 vụ. Trong đó: Cố ý gây thương tích 21 vụ, trộm cắp tài sản 21 vụ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ 13 vụ, đánh bạc 04 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 04 vụ, trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có 02 vụ, hủy hoại tài sản 04 vụ, cưỡng đoạt tài sản 04 vụ, cố ý làm hư hỏng tài sản 03 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 03 vụ, giết người cướp tài sản 01 vụ, hiếp dâm 04 vụ, công nhiên chiếm đoạt tài sản 01 vụ, cướp giật tài sản 01 vụ, gây rối trật tự công cộng 01 vụ, chống người thi hành công vụ 01 vụ, hiếp dâm trẻ em 01 vụ, tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép 02 vụ, vô ý làm chết người 01 vụ.  Hậu quả: Chết 05 người, bị thương 23 người. Thiệt hại: Hư hỏng 01 ti vi, mất 05 máy tính xách tay, 09 mô tô, 14 cây vàng, 1.422,491 triệu đồng tiền mặt và một số tài sản khác trị giá khoảng 112,5 triệu đồng, hư hỏng 01 ô tô, 01 xe đầu kéo, 06 mô tô. 

 Tội phạm ma túy: Phát hiện 16 vụ. Trong đó: Tàng trữ trái phép chất ma túy 09 vụ, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng 01vụ, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy 04 vụ, tàng trữ trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép vũ khí thô sơ 01 vụ, sử dụng trái phép chất ma túy 01 vụ. Thu giữ: 0,17 gram và16 gói ma túy đá, 01 gói và 0,08 gram heroin, 01 súng Rulo, 01 súng hoa cải, 01 máy tính xách tay,01 ô tô, 04 mô tô, 06 gói tinh thể màu trắng (nghi là ma túy đá), 08 ĐTDĐ và 19 viên đạn.

 Tội phạm kinh tế: Phát hiện 05 vụ về tội tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ 05 vụ. Thu giữ 775.7 kg pháo nổ, 43 bánh pháo nổ, 100 quả pháo bi.

 Tai nạn giao thông: Xảy ra 16 vụ. Hậu quả: Chết 16 người, bị thương 15 người, hư hỏng 02 xe ô tô, 21 xe mô tô.

Qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 3.413 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; tạm giữ 1.886 phương tiện, 1.196 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 3.684 trường hợp, thu 2.750,278 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

f) Tình hình cháy, nổ: Trong tháng 02/2018 xảy ra 06 vụ cháy (tăng 02 vụ so với tháng trước), trong đó: cháy nhà dân 01 vụ, cháy trụ sở làm việc 01 vụ, cháy cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm sản 01 vụ, cháy cửa hàng điện máy 01 vụ, cháy cửa hàng bách hóa 01 vụ, cháy cơ sở kinh doanh xe máy 01 vụ. Nguyên nhân do sự cố về điện 01 vụ, lò nung vỡ bị cháy 01 vụ và do sơ suất trong sử dụng lửa 04 vụ, ước thiệt hại khoảng 1.566 triệu đồng.

g) Vi phạm môi trường: Tính đến thời điểm báo cáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum không xảy ra vụ vi phạm môi trường.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC