• Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê tỉnh Kon Tum.
  • Địa chỉ: 415 URE - Phường Trường Chinh - Thành phố Kon Tum - Tỉnh Kon Tum.
Thứ Sáu, 19/04/2024 16:31
Thông tin kinh tế xã hội
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng năm 2016
Cập nhật: Thứ Tư, 25/05/2016 09:04

 

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

- Trồng trọt

+ Vụ đông xuân: Tính đến thời điểm ngày 15/5/2016, trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được 3.049 ha lúa vụ đông xuân, chiếm 41,16% trong tổng diện tích gieo trồng; Sản lượng luá thu hoạch là: 13.179 tấn, sản lượng lúa giảm do hạn hán kéo dài đã làm cho năng suất lúa giảm, một số diện tích bị hạn nặng đã dẫn đến tình trạng mất trắng.

 Tình hình khô hạn, thiếu nước, công tác khắc phục, phòng, chống hạn vụ đông xuân 2015-2016.

 Tình hình hạn hán: Theo số liệu rà soát, thống kê của các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan tính đến ngày 09/5/2016 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra khô hạn, thiếu nước với diện tích lên đến 3.759,52 ha, bao gồm: 1.348,58 ha lúa; 1.953,07 ha cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu); 25,32 ha rau màu các loại và 432,55 ha cây trồng khác bao gồm: bời lời, điều, cây ăn quả, cây lâu năm. Uớc giá trị thiệt hại do hạn hán khoảng 153 tỷ đồng.

Công tác khắc phục, phòng, chống hạn: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng, cùng với sự nổ lực trong công tác phòng, chống hạn của các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan, cơ bản phần nào đã hạn chế các thiệt hại do hạn hán gây ra. Tuy nhiên do nắng nóng kéo dài, tình hình hạn hán trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp cho Nhân dân.

+ Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa 2016

Hiện nay đã bước vào thời điểm chuẩn bị làm đất và xuống giống cho vụ mùa 2016. Tuy nhiên, do tình trạng hạn hán kéo dài, mặc dù đã có những cơn mưa đầu mùa vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 nhưng vẫn không đủ độ ẩm cho đất, nên tiến độ gieo trồng nhiều loại cây vụ mùa giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm ngày 15/5/2016, tổng diện tích gieo trồng (DTGT) cây hàng năm vụ mùa 2016 tỉnh Kon Tum là: 22.595 ha, giảm 34,62% (-11.967 ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm trước; Trong đó:

Cây lúa DTGT: 2.217 ha, giảm 42,31% (-1.626 ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm trước.

Cây ngô DTGT: 680 ha, giảm 81,14% (-2.926 ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm trước.

Cây sắn DTGT: 18.673 ha, giảm 28,07% (-7.286 ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm trước.

+ Diện tích cây lâu năm

Tính đến thời điểm ngày 15/5/2016, tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh là: 93.459 ha, tăng 2,2% (+2.027 ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm trước.

Diện tích cây cà phê hiện có là 15.425 ha, tăng 9,17% (+1.296 ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm trước.

Diện tích cây cao su hiện có là 74.686 ha, giảm 0,33% (-244 ha) so với cùng kỳ vụ mùa năm trước.

Do tình hình hạn hán kéo dài nên từ đầu năm đến nay bà con chưa tiến hành trồng mới cao su, cà phê.

- Chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trong tháng tổng đàn tương đối ổn định, các loại dịch bệnh nguy hiểm (Bệnh lở mồm long móng, dịch bệnh Cúm gia cầm và dịch bệnh Tai xanh ở lợn) trong tháng không xảy ra.

b) Lâm nghiệp

Tính đến thời điểm 15/5/2016, công tác trồng rừng mới chưa tiến hành. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và theo dõi các chủ dự án thực hiện nhiệm vụ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo kế hoạch năm 2016.

Thực hiện Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 22/3/2016 về việc phòng cháy, chữa cháy rừng và Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 22/12/2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2015-2016 trên địa bàn tỉnh; Các ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt phân công lực lượng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ; Bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ cháy cao. Luôn chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực tại chỗ để kịp thời xử lý khi có cháy rừng; Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cho các đơn vị chủ rừng, chủ vườn cây cao su trên địa bàn... Thường xuyên tiếp nhận và cụ thể hóa thông tin cấp dự báo cháy rừng trên phương tiện thông tin đại chúng.

Tính đến 15/5/2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy rừng với diện tích là 36,5 ha, tăng 3 vụ (+21,5 ha) so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: 36 ha rừng tự nhiên (01 vụ cháy 16 ha, thiệt hại 40%; 02 vụ cháy 20 ha không gây thiệt hại tài nguyên rừng); cháy 0,5 ha rừng trồng mức độ thiệt hại là 10%, xảy ra trên các địa bàn huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Nguyên nhân đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Tính đến 15/5/2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ phá rừng làm nương rẫy với diện tích là 0,10 ha, giảm 9 vụ (- 2,73 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Công tác khai thác lâm sản: Tính đến thời điểm 15/5/2016 sản lượng gỗ khai thác được 6.483 m³ giảm 7,44% (-521 m³) so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi khai thác là: 103.200 ster, tăng 8,7% (+8.226 ster) so với cùng kỳ năm trước.

c) Thủy sản (có đến 15/5/2016)

Diện tích nuôi trồng thủy sản ước tính là 614 ha, tăng 7,91% (+45 ha) so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng sản phẩm thuỷ sản ước tính là 1.330 tấn, tăng 11,86 % (+141 tấn) so với cùng kỳ năm trước; Trong đó:

Sản lượng khai thác ước tính là 554 tấn, tăng 4,92% (+26 tấn), so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng nuôi trồng ước tính là 776 tấn, tăng 17,40% (+115 tấn) so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng sản phẩm thuỷ sản tăng so với cùng kỳ năm trước là do: diện tích nuôi trồng tăng; Bên cạnh đó thời tiết nắng hạn thuận lợi cho các hộ khai thác đánh bắt vùng lòng hồ thủy điện, thủy lợi.

2. Công nghiệp

- Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2016

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 năm 2016 ước tính tăng 6,52% so cùng kỳ năm trước. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng (tăng 15,97%); ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,70%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,07%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm  (giảm 11,57%) so cùng kỳ. Nguyên nhân: Là do hạn hán kéo dài nên lượng nước ở các hồ chứa xuống thấp, các đơn vị sản xuất điện chủ động điều tiết giảm công suất của các nhà máy nhằm ổn định lượng nước trên các hồ chứa để duy trì hoạt động.

So với tháng trước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2016 ước tính chỉ bằng 88,74%. Nguyên nhân là do chỉ số ngành công nghiệp chế biến giảm; đến đầu tháng 5 nguồn nguyên liệu mía đã hết, Công ty Cổ phần Đường Kon Tum tạm ngừng hoạt động, bên cạnh sản lượng tinh bột sắn của các nhà máy sản xuất tinh bột sắn cũng giảm so với tháng trước do đã vào cuối vụ thu hoạch nên nguyên liệu khan hiếm hơn đã làm chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm  so tháng trước. 

  • Tình hình hoạt động  sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2016

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2016 tăng 5,13% so cùng kỳ năm trước; Trong đó tăng chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 15,61%), ngành khai thác cung cấp nước, thu gom và xử lý rác thải tăng 6,05%; ngành công nghiệp khai thác khoáng sản tăng nhẹ (tăng 3,09%); Riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm (giảm 13,89%) so cùng kỳ; Nguyên nhân chủ yếu do từ những tháng cuối năm trước đến nay trên địa bàn tỉnh tình hình nắng hạn kéo dài, lượng nước ở các sông, hồ giảm thấp nên các đơn vị sản xuất điện chủ động điều tiết giảm công suất hoạt động của các nhà máy, nhằm ổn định sản lượng điện sản xuất.

Ước tính một số sản phẩm sản xuất trong 5 tháng đầu năm 2016 như sau: Đá xây dựng khai thác 244.357 m³, tăng 3,11% so với cùng kỳ năm trước; Tinh bột sắn ước tính sản xuất 103.476 tấn, tăng 3,61% so với cùng kỳ năm trước; Đường sản xuất 14.035 tấn, tăng 20,33% so với cùng kỳ năm trước; bàn, ghế ước tính sản xuất 76.247 cái, tăng 18,45% so với cùng kỳ năm trước, điện sản xuất ước tính 214,63 triệu Kwh, bằng 76,24% so với cùng kỳ năm trước.

- Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thời điểm 01/5/2016 giảm 5,87% so cùng thời điểm tháng trước; Trong đó chỉ riêng ngành sản xuất tinh bột sắn có chỉ số tồn kho tăng cao do còn gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu; Các ngành sản xuất khác tình hình tiêu thụ sản phẩm trong tháng tương đối thuận lợi nên chỉ số tồn kho sản phẩm đều giảm so cùng thời điểm tháng trước. So cùng thời điểm năm trước chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,22%; Trong đó: ngành sản xuất tinh bột sắn chỉ số tồn kho tăng cao nhất (tăng 26,80%), ngành chế biến gỗ (tăng 11,74%) do lượng xuất khẩu thấp, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu bán trong thị trường nội địa nên lượng tiêu thụ chậm, ngành sản xuất bê tông (tăng 25,24%) do sản lượng sản xuất tăng, lượng sản phẩm nhập kho cao, trong khi đó các tháng đầu năm một số công trình xây dựng chưa tập trung thi công nên lượng tiêu thụ chậm, các ngành còn lại có chỉ số tồn kho giảm so cùng thời điểm năm trước.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất ngành công nghiệp của các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong 5 tháng đầu năm 2016 hoạt động sản xuất tương đối ổn định, một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì hoạt động ổn định và phát triển, có mức tăng trưởng khá; Năm nay Công ty Cổ phần Đường Kon Tum ngoài nguồn nguyên liệu mía trong tỉnh còn thu mua thêm nguồn nguyên liệu mía ngoài tỉnh để sản xuất. Thời gian hoạt động sản xuất kéo dài hơn so với năm trước nên sản phẩm đường sản xuất tăng cao. Các ngành sản xuất khác như sản xuất trang phục, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại…tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định, lượng sản phẩm tồn kho tháng sau có xu hướng giảm so tháng trước. Đối với ngành sản xuất điện, sản lượng điện sản xuất trong 5 tháng đầu năm 2016 giảm thấp so cùng kỳ. Nguyên nhân là do từ những tháng cuối của năm trước đến nay trên địa bàn  nắng hạn kéo dài, lượng nước ở các hồ chứa giảm thấp nên các đơn vị sản xuất điện chủ động điều tiết giảm công suất hoạt động của các nhà máy nhằm ổn định sản lượng điện sản xuất. 

3. Vốn đầu tư

- Ước tính thực hiện vốn đầu tư phát triển tháng 5 năm 2016 thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt: 100.289 triệu đồng, Chia ra:

Nguồn vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt: 75.254 triệu đồng, chiếm 75,04%  trong tổng số nguồn vốn,  chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông, giáo dục, y tế, cấp nước sinh hoạt nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới,... Trong đó: Nguồn vốn cân đối Ngân sách tỉnh đạt 30.560 triệu đồng, chiếm  40,61%; Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 36.258 triệu đồng, chiếm 48,18 %; Nguồn vốn ODA  đạt 1.626 triệu đồng, chiếm 2,16%;  Nguồn vốn Xổ số kiến thiết đạt 3.520 triệu đồng, chiếm 4,68% và nguồn vốn khác đạt 3.290 triệu đồng, chiếm 4,37% trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh.

Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt: 24.825 triệu đồng, chiếm 24,75% trong tổng số nguồn vốn,  chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... trên địa bàn các  huyện, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó: Nguồn vốn cân đối ngân sách huyện đạt 11.250 triệu đồng, chiếm 45,32%; Nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 10.325 triệu đồng, chiếm 41,59% và nguồn vốn khác đạt 3.250 triệu đồng, chiếm 13,09% trong tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện.

Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp xã đạt: 210  triệu đồng, chiếm 0,20% trên tổng số nguồn vốn.

- Ước tính thực hiện vốn đầu tư phát triển 5 tháng đầu năm 2016 thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt: 473.361 triệu đồng, giảm 01% so với cùng kỳ năm trước; Chia ra:

Nguồn vốn Ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt : 360.488 triệu đồng, chiếm 76,15% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về lĩnh vực thuỷ lợi, giao thông nông thôn, giáo dục, y tế, .... Trong đó: Nguồn vốn cân đối Ngân sách tỉnh đạt 162.220 triệu đồng, chiếm 34,27%; Nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 167.009 triệu đồng, chiếm 35,26%; Nguồn vốn ODA đạt 6175 triệu đồng, chiếm 1,30%; Nguồn vốn Xổ số kiến thiết đạt 17.144 triệu đồng, chiếm 3,62% và nguồn vốn khác đạt 7.940 triệu đồng, chiếm 1,67% trong tổng nguồn.

Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt: 112.013 triệu đồng, chiếm 23,66% trong tổng số nguồn vốn, chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh. Trong đó: Nguồn vốn cân đối Ngân sách huyện đạt 54.720 triệu đồng, chiếm 11,56%; Nguồn vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu đạt 49.668 triệu đồng, chiếm 10,49% và nguồn vốn khác đạt 7625 triệu đồng, chiếm 1,61% trong tổng nguồn vốn.

Nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp xã đạt: 860 triệu đồng, chiếm 0,18% trên tổng số nguồn vốn.

Trong  5 tháng  đầu năm  2016 vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Kon Tum chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế… trên địa bàn các huyện, thành phố thuộc tỉnh như :  Đường giao thông Đăk côi- ĐăkPXy (Km0-39+060); Kè chống sạt lở bờ sông Đăk Bla –Kon Tum; Đường nông thôn liên xã và cầu Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi; Đường giao thông Tu Mơ Rông - Ngọc Yêu; đường liên xã Đăk Xú - Plei Kần; Trung tâm dạy nghề huyện ĐakGlei; Cải tạo, sửa chữa Nhà khách Quang Trung, Đường nội bộ văn phòng nhà nghỉ rừng đặc dụng; Bổ sung lưới điện Hà Mòn;  Nhà khách huyện Đắk Hà;  Đường dân sinh thôn Kô Xia 1+2 xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông; Nâng cấp bệnh viện đa khoa Kon Tum từ 400 lên 500 giường;  CBĐT Đường bao quanh khu dân cư phía nam Thành phố Kon Tum; CBĐT  đường bao quanh khu dân cư phía bắc thành phố KonTum; Nâng cấp  Bệnh viện y học cổ truyền  Tỉnh Kon Tum... và một số công trình dự án thuộc  các nguồn vốn chương  trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 30a, Chương trình 135);  nguồn vốn đầu tư theo các chương  trình mục tiêu: Chương trình phát triển kinh tế xã hội các vùng; Chương trình đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững; Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư; Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; Chương trình mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế  cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;  Chương trình mục tiêu đầu tư hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016-2020; Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch; Chương trình mục tiêu quốc phòng an ninh trên địa bàn trọng điểm...

4.  Thương mại, dịch vụ và giá cả

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính tháng 5 năm 2016 đạt 1.162.504 triệu đồng, tăng 1,50% so với tháng trước.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp đạt 962.095 triệu đồng, chiếm 82,76% trong tổng mức và tăng 1,61% so với tháng trước; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 128.185 triệu đồng, chiếm 11,03% trong tổng mức và tăng 0,94% so với tháng trước; Ngành dịch vụ đạt 71.822 triệu đồng, chiếm 6,18% trong tổng mức và tăng 1,14% so với tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính 5 tháng đầu năm 2016 đạt 5.712.8151 triệu đồng, tăng 12,88% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ, chia ra: Ngành thương nghiệp đạt 4.730.088 triệu đồng, chiếm 82,80% trong tổng mức và tăng 12,96% so với cùng kỳ năm trước; Ngành lưu trú, ăn uống và du lịch đạt 626.474 triệu đồng, chiếm 10,97% trong tổng mức và tăng 14,62% so với cùng kỳ năm trước; Ngành dịch vụ đạt 354.276 triệu đồng, chiếm 6,20% trong tổng mức và tăng 8,98% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước tính 5 tháng đầu năm 2016 tăng so với cùng kỳ năm trước là do: Số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước đăng ký mới đã đi vào hoạt động, một số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã trở lại hoạt động và các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ cá thể trên địa bàn tỉnh tăng, bên cạnh đó một số doanh nghiệp đã chủ động mở rộng quy mô, hoạt động đa ngành nghề. Hơn nữa, trong những tháng đầu năm một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã tăng cường triển khai các chương trình khuyến mại đối với một số mặt hàng, thay đổi mẫu mã và nâng cao chất lượng hàng hóa nhằm kích thích lượng tiêu dùng cũng như sức mua của người dân đã làm cho tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng.

b) Xuất, nhập khẩu

- Xuất khẩu

Ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 5 năm 2016 đạt 4.226 ngàn USD, giảm 33,18% so với số thực hiện tháng trước. Chủ yếu kinh tế tư nhân thực hiện xuất khẩu. Sản phẩm chủ yếu: Cao su thô 2.189 tấn; Sắn và các sản phẩm từ sắn (Tinh bột sắn) 2.000 tấn; Gỗ xẻ các loại 609 m3 ; Dây thun cao su 150 tấn; Cà phê nhân 200 tấn; Sản phẩm từ gỗ (bàn, ghế các loại) 8.303 cái.

Ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2016 đạt 29.254 ngàn USD tăng 81,87% so với cùng kỳ năm trước. Chia ra: thành phần kinh tế Nhà nước 468 ngàn USD, chiếm 1,60% tổng kim ngạch xuất khẩu; thành phần kinh tế tư nhân 28.786 ngàn USD, chiếm 98,40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sản phẩm chủ yếu: Cao su thô 17.638,6 tấn; Sắn và các sản phẩm từ sắn (Tinh bột sắn) 11.600 tấn; Gỗ xẻ các loại 3.628,9 m3 ; Dây thun cao su 717,2 tấn; Cà phê nhân 788,3 tấn; Sản phẩm từ gỗ (bàn, ghế các loại) 52.609 cái

  • Nhập khẩu

Ước tính tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tháng 5 năm 2016 đạt 723 ngàn USD, giảm 60,87% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu kinh tế tư nhân thực hiện nhập khẩu. Sản phẩm chủ yếu: Gỗ và sản phẩm từ gỗ (gỗ xẻ và gỗ các loại) 2.905 m3; Chất dẻo nguyên liệu (Precipitated Silica) 31 tấn.

Ước tính tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2016 đạt 1.754 ngàn USD tăng giảm 63,30% so với cùng kỳ năm trước. Chủ yếu kinh tế tư nhân thực hiện nhập khẩu. Sản phẩm chủ yếu: Gỗ và sản phẩm từ gỗ (gỗ xẻ và gỗ các loại) 10.012 m3; Khoá thẻ Adel các loại 200 cái; Chất dẻo nguyên liệu (Precipitated Silica) 111 tấn.

c) Chỉ số giá

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2016 tăng 0,64% so với tháng trước; tăng 1,18% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,91% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,81%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 09 nhóm tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,2%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,28%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và Vật liệu xây dựng tăng 0,82%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; Giao thông tăng 2,35%; Giáo dục tăng 2,99 %; Văn hóa, giải trí và Du lịch tăng 0,22%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,38%. Có 02 nhóm ổn định: Thuốc và dịch vụ y tế và nhóm Bưu chính viễn thông.

- Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ trên địa bàn tỉnh: Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới với xu hướng tăng so với tháng trước, hiện giá vàng 9999 trên địa bàn tỉnh tháng 5/2016 được bán với giá khoảng là 3.104.000 đồng/chỉ tăng 0,91% so với tháng trước; Tỷ giá USD/VND bình quân giao dịch tại mức 22.121 đồng/USD giảm 1,67% so với tháng trước.

d) Vận tải

- Hoạt động vận tải, kho bãi ước tính tháng 5 năm 2016

Vận tải hành khách: Vận chuyển ước tính đạt 795 nghìn hành khách, tăng 12,17% so với cùng kỳ năm trước;  Luân chuyển ước tính đạt 105.355 nghìn hành khách.km, tăng 15,23% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hoá: Vận chuyển ước tính đạt 777 nghìn tấn, tăng 10,42% và Luân chuyển ước tính đạt 42.153 nghìn tấn.km, tăng  21,77 %, so với cùng kỳ năm trước.

- Hoạt động vận tải, kho bãi ước tính 5 tháng đầu năm 2016

Vận tải hành khách: Vận chuyển ước tính đạt 3.992 nghìn lượt khách, tăng 13,36 % so với cùng kỳ năm trước; Luân chuyển ước tính đạt 517.264 nghìn lượt khách.km, tăng 13,64% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hàng hoá: Vận chuyển ước tính đạt 3.918 nghìn tấn, tăng 10,42% so với cùng kỳ năm trước; Luân chuyển ước tính đạt 199.118 nghìn tấn.km, tăng 21,77 % so với cùng kỳ năm trước.

5. Một số vấn đề xã hội 

a) Y Tế

- Tình hình dịch bệnh:

Bệnh tay - chân - miệng: Trong tháng ghi nhận 33 ca mắc mới (TP. Kon Tum 12, Đăk Glei 08, Kon Rẫy 04, Kon Plong 03, Ia H’Drai 03, Đăk Hà 02, Tu Mơ Rông 01), tăng 01 ca so với tháng trước, tăng 26 ca so với cùng kỳ năm trước. Lũy tích đến 30/4/2016, ghi nhận 113 ca mắc (Đăk Glei 46, Đăk Hà 16, Kon Rẫy 16, Sa Thầy 07, TP. Kon Tum 16, Đăk Tô 03, Tu Mơ Rông 03, Kon Plong 03, Ia H’Drai 03), tăng 82 ca so với cùng kỳ năm trước và không có tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết: Trong tháng ghi nhận 53 trường hợp mắc sốt xuất huyết (Đăk Tô 37, TP. Kon Tum 07, Đăk Hà 08, Tu Mơ Rông 01), 01 trường hợp tử vong, tăng 26 ca so với tháng trước và tăng 53 ca so với 4/2015. Lũy tích đến 30/4/2016, ghi nhận 146 ca mắc (TP. Kon Tum 60, Đăk Tô 65, Sa Thầy 06, Đăk Hà 12, Ngọc Hồi 02, Tu Mơ Rông 01), tăng 141 ca so với cùng kỳ năm trước và có 01 trường hợp tử vong.

Bệnh thủy đậu: Trong tháng ghi nhận 103 ca mắc mới (Đăk Tô 29, TP. Kon Tum 06, Đăk Hà 34, Đăk Glei 08, Sa Thầy 05, Ngọc Hồi 06, Tu Mơ Rông 14, Kon Plong 01), giảm 128 ca so với tháng trước, tăng 41 ca so với tháng 4/2015. Lũy tích đến ngày 30/4/2016, toàn tỉnh đã ghi nhận 494 ca mắc (Đăk Tô 133, Đăk Hà 101, Sa Thầy 68, TP. Kon Tum 65, Đăk Glei 49, Tu Mơ Rông 43, Ngọc Hồi 26, Kon Rẫy 06, Kon Plong 03), tăng 180 ca so với cùng kỳ năm trước và không có tử vong.

Bệnh quai bị: Trong tháng ghi nhận 91 ca mắc mới (Đăk Hà 40, Đăk Tô 32, Ngọc Hồi 06, Sa Thầy 05, Kon Plong 04, Tu Mơ Rông 02, TP. Kon Tum 01, Ia H’Drai 01); giảm 11 ca so với tháng trước, tăng 91 ca so với tháng 4/2015. Lũy tích đến 30/4/2016, toàn tỉnh đã ghi nhận 307 ca mắc, tăng 121 ca so với cùng kỳ năm trước và không có tử vong.

Sốt rét: Trong tháng ghi nhận 17 ca mắc mới, giảm 07 ca so với tháng trước và giảm 29 ca so với tháng 04/2015. Lũy tích đến 30/4/2016, toàn tỉnh đã ghi nhận 100 ca mắc, giảm 64 ca so với cùng kỳ năm trước và không có tử vong.

Tổng số bệnh nhân lao phát hiện trong tháng 17 bệnh nhân (trong đó lao mới 16 bệnh nhân (AFB (+): 10; AFB(-): 02; lao ngoài phổi 04), không tăng không giảm so với tháng trước. Tổng số bệnh nhân tâm thần mới phát hiện 13 người (tâm thần phân liệt: 02; động kinh: 10).

Nhìn chung, trong tháng 4/2016 so với tháng trước tình hình mắc các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng, 01 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nặng, các bệnh thủy đậu, quai bị, sốt rét giảm, không ghi nhận mắc mới các bệnh bạch hầu, cúm A (H5N1, H7N9, H1N1) ở người, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV), bệnh do vi rút Zika.

Phòng chống HIV/AIDS: Trong tháng ghi nhận 04 trường hợp nhiễm HIV. Số lũy tích nhiễm HIV/AIDS tính đến ngày 30/4/2016 là 414 người; Trong đó: bệnh nhân AIDS 225 người, tử vong 137 người. Tổng số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị thuốc ARV 94 người (người lớn: 88 và trẻ em: 06), điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 61 bệnh nhân.

- An toàn vệ sinh thực phẩm

Tình hình ngộ độc thực phẩm: Trong tháng không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm; tổng số ca mắc lẻ tẻ: 21 ca (nguyên nhân do ăn uống không bảo đảm vệ sinh).

Tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại 256 cơ sở kinh doanh ăn uống, xử phạt vi phạm hành chính 29 cơ sở do không đạt yêu cầu; tiêu hủy 96,72 kg thực phẩm thể rắn, 84,43  lít thực phẩm thể lỏng.

Tổ chức Lễ phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2016 tại huyện Ngọc Hồi.

Khám chữa bệnh: Tình hình bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trong tháng giảm so với tháng trước; Tổng số lượt khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh 70.941 lượt người, giảm 4,80% so với tháng trước; Trong đó: bệnh viện tuyến tỉnh giảm 7,50%, phòng khám đa khoa khu vực tăng 3,00% và tuyến xã giảm 6,80% so với tháng trước. Số lượt bệnh nhân điều trị nội trú 6.417 lượt người, giảm 7,70% so với tháng trước; công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các bệnh viện đạt 107,30% (tháng trước 111,3%) và Phòng khám Đa khoa khu vực đạt 58,70% (tháng trước 60,80%).

  b) Giáo dục

Hiện nay các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đang tổ chức tổng kết năm học 2015 – 2016.

Để chuẩn bị tốt cho các em dự thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2015 – 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho các em học sinh lớp 12.

c) Hoạt động văn hóa, thể thao

Cuối tháng 4 đầu tháng 5 tỉnh Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, văn hóa, ngày hội VHTTDL 2016 tại các địa phương … trong dịp các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện chính trị của đất nước, địa phương như: kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016); ngày Quốc tế lao động 1/5; 

Tập trung tuyên truyền cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Hình thức tuyên truyền trên xe loa phóng thanh, xe loa lưu động, băng rôn, Panô, áp phích...

Biểu diễn nghệ thuật phục vụ công tác tuyên truyền: Đoàn Nghệ thuật tỉnh đã thực hiện biểu diễn tại cơ sở kết hợp với tuyên truyền Bầu cử tại 7 xã của 2 huyện (Ngọc Hồi và Đăk Tô), đối với các vùng dân tộc thiểu số đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền Bầu cử bằng tiếng dân tộc tại chỗ.

Tiến hành khảo sát văn hoá truyền thống dân tộc B’râu làng Đắk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; triển khai xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy Không gian văn hoá cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020;

Đưa đoàn nghệ nhân tham gia các hoạt động chào mừng ngày văn hoá các dân tộc Việt Nam (19/4) tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô- Sơn Tây- Hà Nội;

d) Tình hình an ninh trật tự - an toàn giao thông

- Tháng 4/2016

Phạm pháp hình sự: Phát hiện 37 vụ (tăng 10 vụ so với tháng trước). Trong đó: Cướp tài sản 01 vụ, trộm cắp tài sản 18 vụ, cưỡng đoạt tài sản 01 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 01 vụ, cố ý gây thương tích 05 vụ, cố ý gây thương tích + cố ý làm hư hỏng tài sản 01 vụ,  đánh bạc 04 vụ, tàng trữ mua bán trái phép chất ma túy 03 vụ, hủy hoại tài sản 02 vụ, hiếp dâm 01 vụ. Hậu quả: Bị thương 08 người. Thiệt hại:  Mất 04 xe mô tô, 03 điện thoại di động, 01 laptop, 55.450.000 đồng tiền mặt và một số tài sản khác trị giá khoảng 244.134.000 đồng. Thu giữ: 08 xe mô tô, 13 điện thoại di động, 3,273 gam ma túy tổng hợp, 02 gói ma túy đá, 1,364 gam heroin và 27.580.000 đồng tiền mặt.

 Tai nạn giao thông: Xảy ra 05 vụ (giảm 02 vụ so với tháng trước). Hậu quả: Chết 05 người (giảm 03 người so với tháng trước), bị thương 05 người (tăng 02 người so với tháng trước), hư hỏng 01 xe ô tô, 07 xe mô tô.

Qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 1.709 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; tạm giữ 682 phương tiện, 790 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 1.930 trường hợp, thu 1.021.488.000 đồng nộp ngân sách Nhà nước.

- Bốn tháng đầu năm 2016

Phạm pháp hình sự: Phát hiện 140 vụ. Trong đó: Giết người 01 vụ, cố ý gây thương tích dẫn đến chết người 01 vụ, cố ý gây thương tích 26 vụ, cố ý làm hư hỏng tài sản 03 vụ, cố ý gây thương tích + cố ý làm hư hỏng tài sản 01 vụ, trộm cắp tài sản 46 vụ, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 02 vụ, cưỡng đoạt tài sản 01 vụ, tàng trữ mua bán trái phép chất ma túy 14 vụ, đánh bạc 16 vụ, gây rối trật tự công cộng 05 vụ, vận chuyển buôn bán hàng cấm 04 vụ, cướp giật tài sản 02 vụ, cướp tài sản 02 vụ, cưỡng đoạt tài sản 01 vụ,  trốn khỏi nơi giam giữ 01 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 02 vụ, hiếp dâm 05 vụ (trong đó hiếp dâm trẻ em 04 vụ), giao cấu với trẻ em 02 vụ, hủy hoại tài sản 05 vụ. Hậu quả: Chết 01 người, bị thương 26 người. Thiệt hại: mất 16 xe mô tô, 01 ti vi 15 điện thoại di động, 02 bộ máy tính để bàn, 02 laptop, 368.950.000  đồng tiền mặt và một số tài sản khác trị giá khoảng 819.734.000 đồng. Thu giữ: 13 xe mô tô, 19 điện thoại di động, 01 mã tấu, 3,273 gam ma túy tổng hợp, 19 gói ma túy, 1,364 gam heroin, 10,45 kg pháo nổ, 1.540 gói thuốc lá, 09 quả pháo, 01 hộp pháo (loại 36 ống) và 75.400.000 đồng tiền mặt.

Tai nạn giao thông: Xảy ra 27 vụ. Hậu quả: Chết 28 người, bị thương 17 người, hư hỏng 12 xe ô tô, 38 xe mô tô, 01 máy cày.

Qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 5.614 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ; tạm giữ 1.813 phương tiện, 3.021 giấy tờ xe các loại; xử phạt hành chính 6.388 trường hợp, thu 3.314.723.000 đồng nộp ngân sách Nhà nước.

e) Tình hình cháy, nổ

Trong tháng xảy ra 03 vụ cháy: Trong đó cháy rẫy cao su 02 vụ, cháy doanh nghiệp 01 vụ. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 300 triệu đồng, khoảng 1.666 cây cao su bị cháy;  Nguyên nhân: do chập điện 01 vụ, đang điều tra 02 vụ. Lũy kế từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 1.720 triệu đồng.

Trên đây, là báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2016. Cục Thống kê tổng hợp báo cáo Tổng cục Thống kê, UBND tỉnh biết chỉ đạo.

Xem và tải về:   Tải về

Cục Thống kê tỉnh Kon Tum 

TIN TỨC CÙNG LOẠI KHÁC